Nền tảng của sự phát triển

Thứ sáu, 11 Tháng 2 2011 20:07 TBKTSG
In

2010 có lẽ là năm của các kỷ lục về độ cao của các tòa nhà tại Việt Nam. Cuối tháng 10 tại TPHCM, tòa tháp tài chính Bitexco được khánh thành với 68 tầng, cao khoảng 300 mét tính từ mặt đất. Tòa nhà do Bitexco làm chủ đầu tư, được ví như biểu tượng năng động của thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Những tòa nhà chọc trời

Tại Hà Nội, cao ốc Keangnam 70 tầng, cao 336 mét, cũng đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối cùng để có thể khánh thành trong nay mai. Dự kiến đây là tòa nhà cao thứ 17 trong danh sách các cao ốc chọc trời trên thế giới. Vậy là từ nay người dân Việt Nam đã có thể ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời ngay tại quê nhà, thứ mà trước đây dường như chỉ có thể thấy được trong những chuyến du lịch hay công tác nước ngoài.


Tòa tháp tài chính Bitexco (ảnh: TTXVN)

Nghĩ cảnh sáng mùng một Tết, dắt con đi dạo đường hoa Nguyễn Huệ, chỉ tay lên bãi đỗ trực thăng trên tầng 50 của tòa tháp Bitexco, trả lời những thắc mắc của con trẻ, lòng tôi cũng thấy vui vui xen lẫn tự hào về sự phát triển của đất nước.

Những lỗ thủng chết người trên mặt đất

Năm 2010 có một cụm từ mới xuất hiện trong “từ điển” báo chí tại TPHCM. Tuy mới xuất hiện nhưng dường như nó rất mốt và thu hút được sự quan tâm của dư luận, không chỉ của cư dân thành phố mà còn được đưa lên bàn nghị sự Quốc hội trong kỳ họp cuối năm. Cụm từ đó là “hố tử thần”.

Cụm từ này còn nổi tiếng hơn cả “triều cường” hay “lô cốt”. Theo trang tìm kiếm Google thì cụm từ “lô cốt” chưa đầy một triệu kết quả tìm kiếm, với “triều cường” con số này là hơn 3 triệu, còn “hố tử thần” tuy mới chỉ xuất hiện vào giữa tháng 10 nhưng số kết quả tìm kiếm đã lên đến gần 6 triệu.

Cũng không khó lý giải tại sao cụm từ này lại tạo được sự quan tâm lớn đến như vậy. Nếu “triều cường” còn có thể dự báo theo con nước, theo Âm lịch; “lô cốt” thì hiện ngay trước mắt; còn “hố tử thần” là bó tay toàn tập. Một chiếc taxi đang chạy, bất ngờ mặt đất nứt ra nuốt trọn nguyên phần đầu; một chiếc xe bồn chạy giữa trưa nắng, đường khô ráo bỗng xuất hiện một cái hố dưới bánh xe, kết quả là chiếc xe mất thăng bằng lật ngang đè bẹp dúm chiếc xe du lịch bảy chỗ... và còn rất nhiều vụ tương tự. Chỉ tính riêng trong tháng 10, đã có trên 20 vụ sụp “hố tử thần”.

Các khu đô thị mới, các khu nhà cao tầng, căn hộ cao cấp đua nhau mọc lên tại các thành phố lớn, siêu dự án đường cao tốc triển khai trong nay mai, thế nhưng sao chẳng thấy doanh nghiệp nào mặn mà xây đường, làm hệ thống cấp thoát nước, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp điện... Kẹt xe, ngập lụt, triều cường hôm nay đã không còn là thông tin được quan tâm nữa rồi vì đơn giản, không kẹt xe, không ngập lụt mới là chuyện lạ.

Cách đây một năm, khi kênh phát thanh “Giao thông 24 giờ” ra đời, nhiều người rất phấn khởi vì giúp ích rất nhiều trong việc lưu thông, nhưng đến hôm nay nó cũng chẳng còn mấy hữu ích nữa. Đơn giản là vì đường đi nhiều lắm cũng chỉ có hai, ba cách mà chỗ nào cũng đông xe, giao thông khó khăn, đang ùn tắc vì rào chắn công trình, vì triều cường, vì cống bể, mất tín hiệu đèn... còn tránh sao được, không đi chỉ có ngồi nhà.

Cách xây nhà từ nóc

2010 là năm thất bại của thể thao Việt Nam. Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 16, đoàn Việt Nam chỉ có được vỏn vẹn một huy chương vàng, so với các quốc gia ở Đông Nam Á chỉ hơn được Lào và Myanmar. Tại AFF Cup, đội tuyển bóng đá của chúng ta sớm trở thành cựu vô địch. Dù biết rằng trong bóng đá hay thể thao, thắng thua là chuyện thường, nhưng cách đội tuyển của chúng ta không thể ghi bàn vào lưới Malaysia đáng để nhiều người Việt Nam và đặc biệt lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá suy ngẫm.

Xây nhà đâu thể xây từ nóc. Chúng ta không thể chỉ trông chờ mãi vào may mắn xuất hiện những vận động viên tài năng thiên phú mà không đầu tư vào việc nuôi dưỡng và phát triển nhân tài. Đã từ lâu rồi chúng ta quen phát triển theo kiểu “mì ăn liền”. Trong bóng đá là tìm kiếm một huấn luyện viên ngoại, lựa chọn trong số các cầu thủ đang có và hy vọng đội tuyển giành huy chương. Trong doanh nghiệp là tuyển sẵn những nhân tài giàu kinh nghiệm từ các công ty khác và thành công.

Trong ngắn hạn, điều này có thể mang lại hiệu quả tức thì, nhưng nếu không có bước chuẩn bị thứ hai là tìm cách xây dựng lực lượng của riêng mình hoặc tìm kiếm nguồn nhân lực toàn cầu thì chắc chắn sẽ bị qua mặt trong dài hạn.

Bỏ quên phát triển hạ tầng

2010 là năm đầu tiên kể từ khi đổi mới, ngay giữa mùa mưa, nước lũ gây ngập lụt khắp nơi mà cả nước vẫn bị thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Có lẽ từ rất lâu rồi mới lập lại cảnh giữa mùa mưa mà bị cúp điện 1-2 lần/tuần. Tỷ lệ thiếu điện trong năm qua khoảng 14%, con số này năm 2011 dự kiến còn cao hơn nữa. Các doanh nghiệp sản xuất đang lo lắng không biết giải bài toán về điện trong năm tới ra sao, khi các thông tin từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chỉ là các từ “đang”, “sẽ”, “cố gắng”... mà chưa thấy một giải pháp hay số liệu cụ thể nào cho năm sau.

EVN “chê” lỗ không đầu tư xây dựng nhà máy điện, bỏ tiền vào kinh doanh bất động sản, ngân hàng, điện thoại, viễn thông!!! Một tập đoàn nhà nước chuyên về điện mà không dám đầu tư sản xuất điện do sợ lỗ, mà lại trông chờ mua điện từ các doanh nghiệp ngoài ngành xây nhà máy bán điện lại cho EVN, thử hỏi có yên tâm tương lai sẽ đủ điện cho phát triển không?

Đâu phải chỉ có điện là nỗi lo của các doanh nghiệp. Nhà máy lọc dầu ra đời tưởng đâu giải bớt khó khăn về xăng dầu, ngờ đâu giá nhập khẩu tính ra còn tốt hơn giá tự sản xuất trong nước. Xăng dầu vẫn luôn là vấn đề nóng của cả xã hội, thế nhưng tập đoàn Dầu khí sao không thấy mặn mà trong việc đầu tư, nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn chính mà lại dàn sức qua các lĩnh vực thời thượng như tài chính, bảo hiểm, bất động sản... Phải chăng cũng như EVN, dầu khí cũng chê các lĩnh vực truyền thống nhiều “xương xẩu” khó nuốt. Vậy thì vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế ở đâu?

Mục tiêu năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến bề nổi, xây dựng các công trình thế kỷ, những dự án hàng ngàn tỉ đồng, những khu giải trí tầm cỡ thế giới như đường đua F1 hay công viên giải trí Disney mà “quên” đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức thì rồi chú chuột Mickey cũng chẳng có điện để nhảy múa chào mừng các em thiếu nhi đến tham quan hay các xe đua thể thức 1 lại phải chạy trong những đoạn đường ngập nước...

Xây nhà phải xây từ móng, phát triển phải trên nền tảng hạ tầng vững chắc, những nguyên tắc này ai ai cũng biết, thế nhưng vẫn bị bỏ quên. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và có những hành động chấn chỉnh trước khi quá muộn. Một nền móng yếu chắc chắn sẽ không giữ được phần nóc ngày càng phình to và nếu không được gia cố ngay thì nguy cơ sụp đổ cả tòa nhà là không tránh khỏi.

Muộn còn hơn không, hy vọng từ sau năm 2011, diện mạo hạ tầng cơ sở của Việt Nam sẽ có những sự thay đổi mạnh mẽ, những quyết sách sáng suốt về kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam có những bước phát triển bền chắc./. 

Nguyễn Tân Kỷ 

>> “Lô cốt” tái xuất 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: