Xưa, nay trong kiến trúc

Thứ sáu, 05 Tháng 12 2008 06:53 Ngô Huy Giao / Báo Xây Dựng
In

Tại hội thảo khoa học “Vai trò của khu đô thị mới trong sự nghiệp phát triển Thủ đô Hà Nội” vừa tổ chức mới đây, nhiều tham luận nhận định: “Các khu đô thị mới thành công, nhưng có khu không thành công. Nhìn đại thể, nhà cao tầng xếp hàng ngoài, giáp mặt đường chính; khu thấp tầng nằm lọt thỏm bên trong, xếp hàng ngang dọc như đoàn quân tham gia duyệt binh. Cảm giác khó chịu khi nhìn anh cao ngổng đứng cạnh anh lùn tịt, gây phản cảm rất mạnh. Tỷ lệ cao tầng, thấp tầng đã được quy định cứng nhắc theo một văn bản quản lý khiến chủ đầu tư khó bề xoay xở”. Xin được kể lại.

Bước “đột phá” gần 10 năm trước

Năm 2001 - 2002, sau cú đột phá nhà ở 9 tầng tại khu Linh Đàm (ảnh bên) do HUD khởi xướng, vài ba KĐT đang thiết kế nhà 5 tầng phải dừng lại và thay bằng nhà cao tầng. Một chỉ thị do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành, rất nhanh: 60% đất xây dựng nhà ở cho cao tầng, 40% cho thấp tầng (biệt thự, nhà vườn, chia lô, gần đây bỏ nạn chia lô).

Sau đó trong một lần lãnh đạo chính quyền TP gặp các văn nghệ sĩ Hà Nội, có người đề nghị xem lại quy định trên, ông Lê Quý Đôn (lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP) giải thích đơn giản: “TP phải có nhà cao, nhà thấp thì mới đẹp”. Tiếp đó trên nhiều tờ báo, một số KTS cũng bày tỏ không tán thành chủ trương này: “Không xuất phát từ thiết kế đô thị, từ một quyết định hành chính là không nên. Biệt thự phải ra ngoại vi TP”.

Dân gian có câu “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Triều đình phong kiến xưa có chức “Gián nghệ đại phu” để can gián nhà vua nhưng điều có thể sai lầm nếu ban chiếu chỉ. Thử đặt vấn đề, nếu các nhà kiến trúc, quy hoạch Hà Nội lúc ấy kiên quyết can ngăn bằng nhiều cách tích cực, thì chắc chắn Chủ tịch UBND TP không ban hành chỉ thị ấy, để bây giờ các nhà kiến trúc lại hội thảo phê phán. Thảo ra chỉ thị ấy, nhất định phải do những chuyên gia kiến trúc tham mưu của UBND TP.

Năm 2003 chưa phát hiện khảo cổ Hoàng thành tại lô đất 6ha ở 18 Hoàng Diệu, có 2 phương án: Chỉ xây nhà Quốc hội; xây nhà Quốc hội kết hợp Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Phương án đầu do các KTS của Hội KTS Việt Nam, phương án sau do các KTS đương chức đề xướng. Cuộc tranh cãi không phân thắng bại. Giờ nghỉ, ngoài hành lang, các KTS thì thầm: “Đúng là chỉ xây một nhà Quốc hội, nhưng bọn tôi phải tuân thủ ý kiến trên”.

Thế rồi phát hiện di tích Hoàng thành, Trung tâm Hội nghị Quốc gia (ảnh bên) cần ngay để hội nghị quốc tế lớn vào cuối năm 2006, nên được xây dựng tại Mỹ Đình, tại đây chỉ còn nhà Quốc hội thu gọn trên đất Hội trường Ba Đình. Giảm các bộ phận phù trợ để phù hợp với diện tích đất không lớn.

Đến những cảm nhận hôm nay

Người ta trưng biển quảng cáo những nhà ở cao tầng, gán cho mỹ từ “chung cư cao cấp”, chẳng kể gì tiêu chí đánh giá từng hạng nhà chung cư theo Thông tư số 14/2008/TT-BXD ngày 2/6/2008 của Bộ Xây dựng. Chỉ kể thử  vài tiêu chí đã thấy khó đạt: Có sân, vườn, thảm cỏ thoáng mát, không gian rộng rãi, các phòng phải thông gió, chiếu sáng, một thang máy phục vụ tối đa 40 căn hộ, cầu thang bộ mỗi đợt không quá 4 căn hộ, 1,5 chỗ để ôtô cho 1 căn hộ…

Nhà hơn 2 chục tầng cũng làm đủ ban công lớn nhỏ mỗi tầng, mặc dù tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng (ban hành tháng 11/2005) chỉ cho phép ban công từ tầng 6 trở xuống, để an toàn cho người ở.

Nhà Việt Nam có mái ngói truyền thống rất đẹp và có chỗ đứng trong lòng người Việt Nam. Vậy mà cứ tràn lan cái mái dốc đứng thường gọi Mansard do KTS Pháp Francsis Mansard (1598 - 1666) thiết kế. “Một đại gia trong làng xây dựng lên một đôi tháp (gọi là tháp cho oai chứ chỉ vài chục tầng thôi) ở khu Mỹ Đình, gọi là “điểm nhấn cửa ngõ phía tây đô thị”". Nhiều cây bút, nhiều ống kính ca ngợi.

Những nhà đầu tư không trực tiếp về thiết kế, phải là các KTS. Chắc rằng không thể coi là bị ép buộc, mà nếu có là ý muốn của ông chủ lớn, thì cùng trong ngành. Nếu KTS khôn ngoan, trình bày mạch lạc, thành thật và đưa ra giải pháp thoả đáng, chắc các thủ trưởng chấp nhận.

Và những trăn trở

Sinh thời, KTS Nguyễn Cao Luyện kể lại rằng đã từng từ chối những hợp đồng thiết kế vì ông chủ có tiền có danh vọng, coi thường anh “thợ vẽ”. Sinh động hơn, KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn kể: Ông chủ đặt hàng đứng trên thềm nhà cao ba bậc, giơ tay ra; ông KTS từ dưới sân bước lên. Ông khéo léo như còn vướng cặp giấy. Bước lên thềm nhà, đứng ngang ông chủ, rồi mới giơ tay ra. Hai người bắt tay nhau, đứng ngang nhau, bình đẳng!

Thế hệ KTS thứ hai, thứ ba hẳn còn nhớ chuyện rời Thủ đô lên Xuân Hoà (Phúc Yên) theo một quyết định từ “trên”. Khi đó, KTS Ngô Huy Quỳnh với sự cộng tác của nhiều chuyên gia kiên quyết trình bày: Thủ đô không thể rời Hồ Gươm, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, nhân văn, đạo lý; cả những dẫn chứng thất bại từ những nước công nghiệp. Qua nhiều năm thực tế chứng minh ý kiến ông là đúng. Nhưng lòng dũng cảm này làm ông bị nhiều trắc trở. Biết vậy nhưng lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, ông vẫn dấn thân.

Thế hệ KTS hôm nay có thói quen, công trình hay là do mình sáng tạo, nét nào bị chê trách thì: “chủ đầu tư muốn thế”.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: