Ngõ Hà Nội - nhân chứng của quá trình đô thị hóa Thủ đô

Thứ sáu, 14 Tháng 10 2011 21:09 Ashui.com
In

Đó là tên của luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công bởi tác giả Phạm Thái Sơn ở Đại học Lyon (Pháp). Đây là một chủ đề có sức hút từ ý nghĩa bên trong, vì nó liên quan đến sự phát triển trong đô thị hiện nay, nên khi luận án này được truyền tải tới công chúng, ở hội thảo tại L’Espace ngày 13/10/2011 đã thu hút được sự quan tâm với hơn 20 câu hỏi từ cả khán giả Pháp và khán giả Việt Nam. Sau đây là thông tin chia sẻ từ cộng tác viên của Ashui.com ghi chép và tổng hợp từ buổi hội thảo này.

Ý nghĩa và mục đích của chủ đề nghiên cứu về ngõ Hà Nội

Qua chủ đề “Ngõ Hà Nội - nhân chứng của quá trình đô thị hóa”, khái niệm Quy hoạchĐô thị có thêm một khía cạnh mới: không chỉ có những công trình xây dựng, mà còn nói về cuộc sống và cảm nhận của người dân khi sống trong những công trình đó. Bên cạnh đó, chủ đề này còn nghiên cứu mối tương quan ảnh hưởng giữa quá trình đô thị hóa và đời sống nhân dân, ở đó người dân đang thích nghi với cuộc sống trong ngõ, và làm cho cuộc sống trong ngõ phù hợp với cách sống của mình.

Bộ mặt đô thị 

Từ năm 1986, với những chính sách đổi mới, Việt Nam đang phát triển từ một nền kinh tế đóng cửa lên một nền kinh tế thị trường, từ đó dẫn đến đô thị hóa diễn ra mạnh ở Việt Nam, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Kinh tế tăng kéo theo dân số bùng nổ, vì không còn nhiều đất đai sinh sống, người ta tự xây nhà. Con số thống kê thì có 70% công trình do dân tự xây dựng từ năm 2000-2005.

Đô thị hóa làm xuất hiện nhiều phố nhỏ, có hệ thống ngõ ngách ngoằn nghèo, ở đó mật độ dân cư và xây dựng tăng, dẫn đến độ mở của ngõ thu hẹp lại dưới 4m, không đủ cho sự tăng trưởng dân số và quy hoạch.

Vì không gian hạn hẹp dẫn đến dịch vụ đô thị xuống cấp, nhất là dịch vụ nước, rất ít hộ gia đình tiếp cận được nước sạch, đến 60% hộ gia đình ở 3 khu ngõ Văn Chương, Giáp Bát, Yên Sở không có đủ nước sạch.

Làm thế nào để hiểu được quá trình hình thành, hoạt động của ngõ ngách ở Hà Nội?

Ngõ ở Hà Nội có 3 cấp độ. Ngõ chính có vai trò quan trọng và nối với phố chính. Ngách nhỏ hơn ngõ, thường xuyên ở dạng ngõ cụt. Hẻm nhỏ hơn ngách. 

Dưới sự ảnh hưởng của sự phát triển dân số ở khu Giáp Bát tăng 5000 người từ năm 1998-2005, có rất nhiều không gian tự do như vườn, ao trở thành ngõ ngách, nhà ở, do khu nhà cho dân mà Nhà nước quyết định cho xây thành ngõ với độ mở 2-3m được phân chia, từ đó dẫn đến việc ở đây có 80% ngõ ngách rộng dưới 4m, được dân tự xây dựng, thế nên càng gần các khu xa trung tâm càng có nhiều ngõ có độ mở từ 2-3m. Phần lớn các lô đất được xây dựng tự do, để đáp ứng được nhu cầu từ năm 1910 trở lại đây, được coi là giải pháp tự thân trong thời kì quá độ mang tính chất nổi bật.

Người dân đã thích nghi với cuộc sống trong bối cảnh ngõ ngách như thế nào?

Hình thái đặc thù của nhiều ngõ ảnh hưởng đến dịch vụ đô thị, ở đây có một sự thỏa mãn không cao từ người dân với dịch vụ đô thị, chỉ có 56.4% trong số các hộ gia đỉnh ở 3 ngõ Văn Chương-Yên Sở-Giáp Bát hài lòng về dịch vụ điện. Đứng trước tình cảnh này, người dân lựa chọn nhiều giải pháp như phân phối, tìm ra các nguồn điện nước thay thế, hay tìm ra nhiều phương tiện dự trữ nước. Điều này có ảnh hưởng không ít đến hành vi của người dân. Cụ thể là người dân đưa ra nhiều giải pháp bất hợp pháp, lách luật để thích nghi, như: thải rác trên mặt đường giữa trưa, lấy trộm nước, v.v...

Ngõ ngách là không gian của nhiều cộng đồng địa phương, có nhiều hoạt động mang tính công cộng như loa phát thanh, bảng tin dân phố. Từ đó ngõ ngách thành một bộ phận chung của cộng đồng ở một địa phương, là sự lựa chọn tự thân để bảo vệ mình, ví dụ như những người bán hàng rong trốn vào ngõ ngách để tránh an ninh phạt. 

Với việc lựa chọn ba khu vực của Hà Nội là Văn Chương, Giáp Bát, Yên Sở để tiến hành điều tra sự thích nghi của người dân với cuộc sống trong ngõ nhỏ, TS Phạm Thái Sơn cho biết: “Bằng cách áp dụng các giải pháp thay thế tự thân – những giải pháp mà người dân tự tiến hành cả trên khía cạnh kỹ thuật cũng như ứng xử xã hội - người dân Hà Nội đóng một vai trò chủ động trong quá trình thích nghi với các điều kiện sống mà họ gặp phải”. Thông qua các giải pháp thay thế tự thân này, người dân đã tham gia trực tiếp vào quá trình kiến tạo không gian đô thị nói chung, vào sự hình thành và phát triển hình thái học đô thị, vào tiến trình phát triển của những trang thiết bị kỹ thuật liên quan đến dịch vụ đô thị chính, cũng như vào việc kiến tạo không gian công cộng cho cuộc sống hàng ngày quanh họ. 

Hai mặt của một con ngõ 

Tất cả những người dân sống trong ngõ được thụ hưởng những dịch vụ công đều ở mức kém hơn so với người dân sống ở mặt phố, đó là ý kiến của 431 hộ gia đình được khảo sát, ngõ ngách không hoàn toàn tốt cho quá trình đô thị hóa. Nhưng, cuộc sống cộng đồng đó lại là hiện tượng cần duy trì trong cuộc sống hàng ngày, vì nó mang tính chất đại diện cho quá trình đô thị hóa – nơi mà ta có thể cải tạo, chứ không cần xóa bỏ ngõ ngách. Vì nếu giữ gìn đuợc tính cộng đồng thân thiết trong ngõ, trong bối cảnh đô thị hóa ai cũng bận rộn, có những cái buộc phải cải thiện, ngoài sự tự thân của người dân, cần có sự đầu tư của chính quyền, với sự tham gia giám sát tiến trình xây dựng của người dân. Sở dĩ như vậy, vì nếu có sự hợp tác công tư bình đẳng về vai trò giữa dân và chính quyền trong việc quy hoạch, từ đó dân sống có trách nhiệm để hạn chế rủi ro trong cuộc sống ngõ ngách.

KẾT LUẬN

Quá trình đô thị hóa là quá trình có sự trợ giúp với những họat động mang tính tự thân để thích nghi của người dân. Khi thực hiện giải pháp mang tính tự thân, người dân Hà Nội chủ động thích nghi và tạo ra không gian sống mới. Để có thể thấy rằng, thành phố đang tự biến chuyển, người dân đang thích nghi với cuộc sống trong ngõ, và làm cho cuộc sống trong ngõ phù hợp với cách sống của mình.

Thuỳ Dương (ghi) - ảnh: Ashui.com (st)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: