Hồn làng

Thứ ba, 20 Tháng 1 2009 08:35 Hứa Hiếu Lễ / Vietimes
In

... "Trước mắt tôi là một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc. Nhà nhà vách đất thủng lỗ chỗ. Mái ngói âm dương xô lệch, mọc dầy rêu nâu với những bông hoa hình quả chuông. Đường làng thì lồi lõm, nhấp nhô hòn đá to hòn đá nhỏ, ngập ngụa phân trâu bò. Người người áo chàm, răng đen, đầu đội khăn, tóc búi tó. Mùa hè thì người ta đi guốc gốc tre. Mùa thu đi hài xảo. Mùa đông đi giày vải. Tất cả tự làm lấy, khâu lấy. Khắp làng vang lên tiếng kơ rốk kơ rák..."

Con gái tôi đi họp báo về. Vừa vào đến cửa nó vội vàng khoe ở trên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đang có dự án bảo tồn làng Tày đấy pa ạ.

Tôi nghĩ ngay đến Làng Văn hóa trên Đồng Mô. Nghe nói nó có từ mấy năm nay rồi, chẳng biết vuông tròn ra sao, nhỏ to nhớn bé như thế nào. Tôi chả bao giờ để ý. Vì nghĩ rằng nó chẳng khác bao nhiêu với mấy hòn non bộ, mấy cái cây người ta bứng từ rừng về đặt trong nhà để làm cảnh. Thực ra đó chỉ là mô hình để giới thiệu cho du khách biết cái này cái kia. Du khách gật gật mấy cái, cười cười mấy chiếc. Rồi họ đi. Bỏ lại một dây một tràng nước hoa công nghiệp nồng nặc. Chỉ khổ người làng tôi hắt hơi, xổ mũi, nhức đầu. Chứ báu gì.

Ngôi làng mà tôi từ khi sinh ra, lớn lên, đến tận bây giờ chẳng thấy đổi thay nhiều. Nhưng không hề xa lạ với văn hóa toàn cầu. Chỉ có điều người ta tiếp nhận nó muộn màng hơn so người thành phố mà mà thôi.

Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người. Nó nghi ngút khói lửa trong hồn tôi. Một cái làng Tày ở Đồng Mô, nay thuộc Hà Nội thì có khác gì chúng tôi đang sinh sống ở thành phố này. Mọi thứ đối với chúng tôi đều xa vời, lạ lẫm. Người ta nói con bò vào lạc chuồng là chúng tôi chứ còn ai. Những con bò vào nhầm chuồng thì cả đời sẽ bị đói cỏ nương, khát khô nước suối nguồi, vẻ vang nỗi gì mà khoe.

Con tôi nói đây là một cái làng đã có từ vài trăm năm nay ở trên đất Trùng Khánh. Hiện nay người ta muốn bảo tồn nó nguyên trạng. À vậy ra tôi hiểu rồi. Đây là ý tốt của người ta đây. Cái người nghĩ ra dự án này chắc yêu người Tày mình lăm lắm.

Văn hóa nói chung, văn hóa Tày nói riêng trong vài thập kỷ qua hẳn là còn có nhiều vấn đề đáng bàn. Vì tôi thấy nó cứ mai một nhạt nhòa dần. Ra chợ không còn thấy bóng dáng áo chàm thắt lưng bằng the. Chả thấy bóng dáng trai gái hát lượn, hà lều, sli giang nơi bờ ruộng khóm rẫy nữa. Không còn ai trồng bông dệt vải nhuộm chàm. Còn có mấy ai trồng “po” (một loại cây trồng để lấy sợi) se thừng. Ngoài chợ tịnh không thấy người thợ nào hàn chảo gang, vá chậu đồng, đóng móng ngựa. Không thấy ông đồ già nửa ngồi nửa bò mà viết những con chữ to như cái mẹt. Trong nhà, không mấy đứa con đứa cháu thưa vâng dạ với các bậc ông bà cha mẹ. Ra đường không thấy thanh niên mang vác hộ người già…Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ mà không dám trò chuyện cùng ai.

Tôi tưởng tượng cái làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy sẽ được chọn để phục dựng lại toàn bộ bối cảnh sinh hoạt văn hóa của người Tày. Sẽ không có bất cứ đồ dùng, vật liệu hiện đại nào xuất hiện trong ngôi làng này. Điện đóm không. Tivi không. Xe đạp xe máy không. Nồi cơm điện không. Xà phòng tắm giặt không. Thuốc đánh răng không. Quần áo vải vóc dệt may công nghiệp không. Máy di động không. Thuốc Tây không. Bao cao su không… Nói tóm lại đây là ngôi làng hoàn toàn xưa. Đúng như nó từng có từ bảy tám chín trăm năm trước. Trước nữa. Càng xa ngày nay càng tốt. Càng hoang dã càng ưu việt.

Trước mắt tôi là một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc. Nhà nhà vách đất thủng lỗ chỗ. Mái ngói âm dương xô lệch, mọc dầy rêu nâu với những bông hoa hình quả chuông. Đường làng thì lồi lõm, nhấp nhô hòn đá to hòn đá nhỏ, ngập ngụa phân trâu bò. Người người áo chàm, răng đen, đầu đội khăn, tóc búi tó. Mùa hè thì người ta đi guốc gốc tre. Mùa thu đi hài xảo. Mùa đông đi giày vải. Tất cả tự làm lấy, khâu lấy. Khắp làng vang lên tiếng kơ rốk kơ rák. Chỗ nào cũng bốc lên mùi chua của nùi rơm hoai mục. Người ta chỉ còn giặt giũ với nước gio bếp. Tắm gội với quả gai găng hoặc lá khau lồm. Quà bánh cho trẻ chỉ còn bánh sừng bò, bánh thúc théc, bánh láu cáu… Mùa nào quả đấy. Cây cỏ trồng tại vườn nhà. Ngoài rượu cất ra, chẳng còn thứ gì lạ để tiếp đãi khách khứa. Đêm về chỉ thắp đèn dầu ép từ quả mác lại mác chấu. Khói xả ra đen kịt. Tiền bạc làm ra chỉ để mua muối. Muối là thứ hàng hóa duy nhất xuất hiện ở làng Tày này.

Tôi nghĩ đây là bài toán không dễ. Nhận thức của con người ngày nay không thể như ăn xổi ăn ghém được. Hơn nữa đây lại là công việc thuộc lĩnh vực đơn thuần văn hóa. Một lĩnh vực hết sức phức tạp, vô cùng tinh tế và nhạy cảm. Nhưng lại cần rất rất nhiều tiền bạc và công sức.

Nhà thơ Trần Hùng bây giờ là giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng. Người này như con dao pha. Ném vào đâu cũng được việc. Lại có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, rất dễ bị trầy xước. Có lần Hùng nói với tôi khi nào anh nghỉ hưu về làm thày tào cho em. Tôi ngớ người. Đây là câu chuyện nói đùa hay nói thật? Anh mà làm thày tào sẽ rất nổi tiếng. Lại còn thế nữa. Choáng. Thày tào đối với tôi là một chuỗi những kỷ niệm buồn. Sinh thời cha tôi đã vướng vào cái nghiệp thày tào. Một thời, những người làm thày tào bà bụt bị xã, huyện coi là truyên truyền mê tín. Một năm đôi lần họ gom các ông bà “mê tín” lại cải tạo. Trời! Hai chữ cải tạo nghe như sét đánh mù mịt. Một ông già hiền lành cả đời không mắng trâu đánh chó, mà bị người ta mang đi cải tạo. Cải tạo không giam giữ nhưng có khác gì những kẻ phạm pháp. Ôi! Một thời đơn giản, ngớ ngẩn, chua chát chưa xa…

Làm thày tào hoàn toàn không như mọi người nghĩ. Trước hết phải là người có chữ Hán cổ. Đọc được các văn bản. Viết được các bài văn than, các bài phúng… Ngoài ra anh phải có phép thuật trừ tà. Biết xem thiên văn địa lý. Biết cân số mạng con người. Nghĩa là phải biết một cách thành thạo rất nhiều thứ. Không phải khoác áo thày tào, đội mũ thày tào, biết xướng dăm ba câu thiên thàng lo… mà được. Thày tào chính là người cha tinh thần của cái làng đó, của xứ đó. Cái ấy với tôi, xa như từ đây lên tới mặt trăng.

Chữ tào chính là chữ đạo. Thày tào, xét về một phương diện nào đó cũng gần như người hướng đạo, chăm sóc thế giới tâm linh, tinh thần. Vì quá yêu nhau, nên Trần thi sỹ mời tôi về làm thày tào. Mời thực lòng chứ không mời theo lối chót lưỡi đâu môi. Tôi biết mà. Trần Hùng là người như thế.

Mong sao dự án văn hóa làng Tày Khuổi Ky đừng ngủ. Nó tuy nhỏ như một con tem. Nhưng nhờ có con tem này, những bức thư tình sẽ cất cánh bay xa khắp thế giới.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: