"Cuộc đua" danh hiệu UNESCO ở Việt Nam

Thứ năm, 12 Tháng 7 2012 11:04 VNN
In

Thực tế từ những công trình đã được tôn vinh cho thấy không phải lúc nào những người làm công tác quản lý văn hóa cũng hiểu hết được giá trị đích thực của việc được UNESCO công nhận.

Và các hồ sơ của Việt Nam đệ trình lên UNESCO xin công nhận Di sản thế giới vẫn đang tiếp tục...


Đón nhận tấm bằng di sản thế giới do UNESCO trao tặng là một vinh dự nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm đại diện cho một quốc gia trong việc cam kết với thế giới trong công ước bảo vệ di sản đã được công nhân. 

Việt Nam đã có 7 di sản vật thể (2 địa danh thiên nhiên, 5 địa danh văn hóa) và 9 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, khi công tác bảo tồn di sản chạy theo theo hướng danh hiệu, thành tích, một vài nơi thay vì phát huy đã vô tình hủy hoại hoặc có bảo tồn nhưng việc làm không đúng với tinh thần của UNESCO về bảo vệ di sản.

Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Nhưng việc 3700 người cùng đồng ca quan họ chưa từng có trong lịch sử xứ quan họ Kinh Bắc liệu có phải là việc làm phát huy và bảo tồn những làn điệu quan họ nguyên gốc hay là một việc làm phi quan họ? Bởi quan họ sống trong cộng đồng, từng gia đình và nhân dân chứ không phải hát tập thể kiểu đồng ca để lập kỷ lục.


3700 người tham dự buổi "mít tinh" đồng ca tập thể hát quan họ.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại và ngay lập tức những bộ Cồng Chiêng đang bị chảy máu khi chúng trở thành mối quan tâm chú ý của nhiều giới và nhiều người mua bán cổ vật. Đã có bản làng Nhà nước phải đúc chiêng tặng lấp vào chỗ trống khi dân làng đã lỡ bán hết, Cồng Chiêng không còn thì liệu Không gian Cồng Chiêng có còn để Tây Nguyên tự hào với danh hiệu mà UNESCO đã công nhận?

Nhã nhạc Cung đình Huế và gần đây nhất là hát Xoan Phú Thọ mới đây cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Điều đó có nghĩa công tác bảo tồn đối với loại hình di sản có một không hai này được UNESCO quan tâm số 1. Nhưng trong lúc chưa kịp phục hồi những làn điệu cổ thì những biến tướng đã xuất hiện kiểu như “giao hưởng hóa” Nhã nhạc, “chèo hóa” hát Xoan, khiến người xem khi chưa hiểu và trân trọng được giá trị thật đã phải chịu đựng những buổi biểu diễn “trẻ hóa và lai tạp” trong các nhà hàng và thậm chí là trên cả truyền hình quốc gia.


Cổng tam quan điện Minh Thành chụp năm 1923 không sơn thếp (Ảnh do nhà nghiên cứu Phan Thuận An cung cấp)


Cổng tam quan điện Minh Thành sau trùng tu đã sơn son thếp vàng. 

Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận và sau đó được cấp 570 tỉ đồng để trùng tu hơn 100 công trình. Nhưng điều đáng tiếc là không ít công trình đã trở nên “mới hẳn”. Những mái ngói cổ được thay bằng vật liệu hoàn toàn khác, những vết tích xưa cũ được sơn mới lòe loẹt. Không ít những chi tiết hoa văn cổ bị bỏ bớt hoặc thiết kế lại. Không chỉ dừng lại ở Cố đô Huế, gần đây nhất là Đàn Nam Giao của Thành nhà Hồ đã được phục dựng bất chấp cơ sở khoa học đang là hồi chuông báo động cho tình trạng bảo tồn các di tích ở Việt Nam nói chung hiện nay.


Lăng vua Gia Long nguyên gốc (ảnh chụp vào tháng 5/2003).


Sau trùng tu, các bức tường lăng vua Gia Long được quét vôi vàng chóe.


Minh Ân viện ở lăng vua Đồng Khánh khi còn nguyên vẹn
(ảnh chụp vào tháng 5/2003).


Minh Ân viện sau khi trùng tu đã bị thay ngói và làm lại cửa.

Di sản thế giới không chỉ nằm ở “danh hiệu”

Danh hiệu Di sản thế giới của UNESCO mà nhiều địa phương đang làm hồ sơ thực chất là một hoạt động mang tính khoa học, được tổ chức UNESCO chủ trì trên cơ sở Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, ra đời năm 1977. Hiện có trên 150 quốc gia thành viên thừa nhận tính pháp lý và hiệu lực của Công ước này.

Mục tiêu của công ước nằm ở tính hành động - không phải là tôn vinh hay gắn huân chương cho các quốc gia. Ngược lại khi tham gia Công ước, các quốc gia tự gánh lấy một trách nhiệm quốc tế hết sức nặng nề: Đó là tự nguyện đầu tư tiền của và trí tuệ để gìn giữ và bảo vệ các di tích tại quốc gia mình không chỉ cho dân tộc mình, mà cho toàn nhân loại. Nguyên tắc và tiêu chí sống còn của Công ước là tính trung thực và khoa học, trong đó bảo tồn giá trị nguyên trạng của các vết tích lịch sử và thiên nhiên là một điều kiện sống còn.

Song thực tế tại Việt Nam, nhiều di sản đang không được bảo tồn theo nguyên tắc và tiêu chí này mà đang được biến thành một thứ danh hiệu, để quảng bá và thu hút du lịch. Mà đối với công tác bảo tồn thì Văn hoá và Du lịch là hai khái niệm đi ngược nhau về xu hướng: Một bên phải đầu tư để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá và vẻ đẹp độc đáo của tạo hoá cho tương lai, còn bên kia là khai thác, thậm chí là bóc lột văn hoá và thiên nhiên để làm kinh tế.

Không chỉ ở Việt Nam mà có một số nước đã mắc phải sai lầm để đến khi phát hiện thì đã muộn, không thể sửa sai. Sau khi được UNESCO công nhận là di sản thể giới, người ta đã nhân danh phục chế, thậm chí là "phát triển" để làm mới lại các di tích nhằm hấp dẫn du khách, phục vụ cho các mục đích kinh tế. Cách nhìn cơ hội đó sớm muộn sẽ làm tổn hại các giá trị văn hoá vô giá của các di sản.


Cây cầu 4 làn xe chạy được xây do nhu cầu giao thông bắc qua Thung lũng Elbe ở Dresden đã khiến địa danh này bị loại khỏi danh sách di sản thế giới của UNESCO vì vi phạm qui ước không giữ nguyên được hiện trạng ban đầu về cảnh quan khi được công nhận.

Thực tế đã cho thấy Hội đồng của Công ước Bảo vệ Di sản và Thiên nhiên Thế giới trong mấy năm gần đầy đã công bố xóa tên không ít các di tích lịch sử và thiên nhiên ra khỏi danh sách di sản thế giới hoặc đưa nhiều di sản vào danh sách nguy hiểm như một lời cảnh báo do các quốc gia đã đi ngược lại tình thần tiến bộ của công ước, lợi dụng uy tín của Công ước và hình ành UNESCO phục vụ các các mục tiêu thiển cận.

Xin được kết bằng lời bàn của PGS TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản văn hoá phi vật thể của Hội di sản văn hoá Việt Nam khi trả lời phóng viên về công tác quản lý văn hóa: “Chúng ta phải tạo ra những người quản lý có quan điểm, định hướng tiên tiến, tư duy, phương pháp quản lý văn hóa đúng. Còn nếu chạy theo giống như bên tiếp thị kinh tế thì sẽ chỉ làm hỏng văn hóa”.

Bài học rút danh hiệu

Có 3 địa danh trên thế giới đã bị UNESCO cảnh báo và loại khỏi danh sách Di sản thế giới. Thung lũng Dresden – Đức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đô thị, chính quyền đã dựng lên một cây cầu bắc qua thung lũng Dresden và cảnh quan của thung lũng bị phá hỏng. Kết quả là Thung lũng Dresden đã bị UNESCO gỡ tên khỏi danh sách Di sản Thế giới.

Liên quan đến khai thác du lịch, thành phố Ayutthaya của Thái Lan cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên trước tình trạng khai thác du lịch với hàng triệu lượt khách mỗi năm cộng thêm với tình trạng các di tích đã được công nhận tại Ayutthaya bị lấn chiếm đất do quá trình phát triển đô thị, UNESCO đã ra cảnh báo và thậm chí đã từng có ý định rút danh hiệu Di sản thế giới của thành phố có từ thế kỷ 14 này.

Tương tự với trường hợp của khu bảo tồn linh dương sừng thẳng Ả Rập (Oman). Việc Chính phủ Oman quyết định mở 90% địa điểm để khảo sát dầu mỏ đã dẫn đến tình trạng số linh dương sừng thẳng Ả Rập tại đây đã bị giảm từ 450 con vào năm 1996 xuống còn 65 con trong năm 2007. Đây chính là lý do khu bảo tồn này bị UNESCO loại khỏi danh sách.

Nguyễn Hoàng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: