Hợp tác công tư (PPP) xây dựng hạ tầng: Cân đối lợi ích các bên

Thứ tư, 12 Tháng 9 2012 21:12 SGGP
In

UBND TPHCM vừa có chủ trương đẩy mạnh kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Nhiều chuyên gia cho rằng đây là quyết định hoàn toàn hợp lý, thế nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập.  

Nhiều tồn tại cần tháo gỡ 

Cách nay hơn 10 năm, TPHCM đã triển khai sâu rộng việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Nhà máy nước BOT Bình An, Nhà máy nước BOO Thủ Đức, cầu dây văng Phú Mỹ, Khu xử lý rác Đa Phước huyện Bình Chánh… là những công trình điển hình đã ra đời từ chủ trương này. Lúc đó, chưa có khái niệm về hình thức hợp tác công tư (PPP) mà chỉ có các hình thức hợp tác BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - vận hành, quản lý)… Thế nhưng, dù tên gọi khác nhau nhưng về bản chất tất cả các hình thức nêu trên cơ bản cũng là việc xã hội hóa đầu tư. PPP, BOT hay BOO… chỉ khác nhau về phương thức hợp tác giữa công và tư mà thôi. Với chiều dài hơn 10 năm hợp tác như thế, rất nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM đã đón nhận chủ trương nêu trên của thành phố với nhiều cảm xúc khá khác nhau. Mừng vì đây là cơ hội để hoạt động, để tham gia đóng góp cho thành phố. Còn băn khoăn thì vì… nhiều lẽ. 

Một DN đã từng tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông cho thành phố (xin giấu tên) cho biết, ngại nhất là sự chuyển động chậm chạp của nhiều sở, ngành. Không ít chuyên viên của các sở, ngành có tâm lý sợ trách nhiệm. Gặp bất cứ khó khăn to, nhỏ nào họ thường có xu hướng đẩy lên xin ý kiến lãnh đạo, làm cho thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo rất dài. Về nguyên tắc, tất cả các sở, ngành đều xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ với thời gian thực hiện rất cụ thể, nhưng trên thực tế rất hiếm sở, ngành đúng hẹn. 

Một vấn đề khác, đó là thu hồi vốn sau đầu tư. Đa phần các dự án thực hiện bằng hình thức xã hội hóa đầu tư. Dù là hạ tầng xã hội hay hạ tầng kỹ thuật đều thu hồi vốn bằng hình thức thu phí. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, cơ quan chịu trách nhiệm đứng ra ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng công trình với các DN thường là các cơ quan nhà nước, cụ thể là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, cũng theo luật định, việc thu phí hoàn vốn phải được HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua. Đôi khi ý kiến hai cơ quan này rất khác nhau, làm cho DN đứng giữa gặp rất nhiều khó khăn. 

Một DN khác kể câu chuyện của mình: Hợp đồng BOT xây dựng cầu giữa DN và cơ quan nhà nước có tính đến việc DN sẽ thu phí cả xe gắn máy qua cầu. Thế nhưng khi cầu xây dựng xong, HĐND lại không đồng ý cho thu phí đối với xe gắn máy mà chỉ đồng ý thu phí xe ô tô. Quyết định đã làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may, sau đó UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định mua lại công trình cầu, giúp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây là quyết định hợp lý, song như thế mục tiêu xã hội hóa đầu tư đã không thành. 

Xây dựng cơ chế đầu tư PPP từ thực tế 

Đó là khẳng định của ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM xung quanh việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công trình giao thông bằng hình thức PPP. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, TPHCM cần tới khoảng 815.000 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch. Thế nhưng ngân sách thành phố chỉ thu xếp được khoảng 64.000 tỷ đồng. Do vậy, xã hội hóa đầu tư là một việc hết sức cấp bách đối với ngành giao thông nói riêng và thành phố nói chung. Các hình thức xã hội hóa đầu tư BOT, BT, BOO mà ngành giao thông vận tải áp dụng trong thời gian qua ít nhiều đã bộc lộ nhiều bất cập nên hướng tới một hình thức hợp tác hiệu quả hơn - hợp tác công tư (PPP) - là điều mà Sở Giao thông Vận tải đang làm. Tuy nhiên, vướng mắc chính hiện nay là chưa có những quy định cụ thể về hình thức hợp tác này. 

Hợp tác công tư PPP là hình thức hợp tác phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được thực hiện rất thành công ở nhiều nước. Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, hình thức hợp tác này được nhắc đến cách nay vài năm. Tuy nhiên, phương thức thực hiện ra sao cho phù hợp thực tế chưa được làm rõ. Hai năm trước đây, nhiều bộ ngành trung ương và một số địa phương đã chọn ra hơn một chục dự án đưa ra kêu gọi đầu tư PPP để có cơ sở rút kinh nghiệm và xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức này ở Việt Nam, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đầu tư theo hình thức PPP mới được quy định khá chung chung trong một số văn bản pháp luật. Chính vì vậy, trước mắt, Sở Giao thông Vận tải TPHCM dự định chọn ra hai dự án nhỏ, có thể là hai dự án xây dựng bãi đậu xe gắn máy hai bánh hoặc xe ô tô đưa ra kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Kinh nghiệm thu được từ hai dự án này sẽ là cơ sở để Sở Giao thông Vận tải đề xuất cơ chế thu hút đầu tư theo hình thức PPP vào các công trình khác trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Trở lại với các DN, những nhà đầu tư chính trong hình thức hợp tác công tư PPP, đa phần đều cho rằng phải đợi xem các cơ quan chức năng, xử lý các vướng mắc họ đã nêu như thế nào. Nhà nước phải cân đối được lợi ích của người dân, nhà nước và DN trong các dự án hợp tác công tư PPP thì mới hấp dẫn được nhà đầu tư - nhiều DN đã khẳng định như vậy. 

Nguyễn Khoa 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: