Đừng để dân bất an thêm nữa vì thủy điện Sông Tranh 2

Thứ bảy, 17 Tháng 11 2012 12:41 Lao Động
In

Vấn đề không chỉ là an toàn đập nữa mà là an toàn của hàng nghìn ngôi nhà, nếu động đất chỉ cần đạt đến ngưỡng (5,5 độ richter như dự báo) thì công trình công cộng và nhà của dân sẽ ra sao? 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã rời nghị trường về với đồng bào Bắc Trà My đang bị thiệt hại lớn do động đất gây ra. Ông nói: Vấn đề là cần khắc phục ngay để an dân, và không thể để dân chờ quá lâu.  


7 trận động đất và rung chấn diễn ra liên tiếp khiến người dân luôn sống trong sợ hãi. 

Chỉ có đập... an toàn 

Việc Viện Vật lý địa cầu (VLĐC) cử 4 chuyên gia “bay” vào Bắc Trà My ngay trong đêm 15/11 - 5 tiếng sau khi xảy ra trận động đất lớn nhất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước- cũng như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã rời nghị trường Quốc hội... về Quảng Nam nhanh nhất bằng đường hàng không, cho thấy trận động đất chiều 15/11 không còn là... bình thường nữa. 

Từ ngày 11 - 15/11, ở đây xảy ra 7 trận động đất và rung chấn khiến người dân luôn sống trong sợ hãi. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Nguyễn Đức Hải - cho biết: “Tôi đi thực tế, thấy người dân rất lo lắng, tâm lý bất an là rất lớn. Ngay cả lãnh đạo chúng tôi cũng chưa thể yên tâm. Động đất liên tục, cứ mạnh dần, lan ra cả ngoài vùng thủy điện, vượt ngoài dự báo trước đây là chỉ đến 4,6 độ richter, rồi sẽ nhỏ dần. Nghĩa là nỗi lo lắng cũng lan rộng". 

"Vấn đề ở đây không chỉ còn là an toàn đập thủy điện, mà còn là an toàn của 48 ngàn dân vùng ảnh hưởng động đất và cả các tỉnh, thành lân cận. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, khẳng định đập có an toàn không? Nếu không an toàn, thì cũng phải có câu trả lời thỏa đáng. Trong hoàn cảnh bây giờ, thì đây là câu hỏi của cuộc sống, chứ không chỉ là của nhà khoa học” - ông Hải cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Hữu Trung – Chủ tịch UBND xã Trà Tân - nói: “Cho đến nay, thiệt hại của người dân do động đất của hồ chứa gây ra mà chủ đầu tư vẫn chưa hỗ trợ đồng nào cả”. 

Bà Trần Thị Năm nói: “Chỉ với mấy tờ rơi hướng dẫn chui rúc xuống gầm bàn, gầm giường để tránh động đất, thì bảo làm sao chúng tôi yên tâm được? Bao năm làm ăn ở đây, giờ nói dời đi thì biết đi đâu? Mỗi lần động đất xong, tôi thấy ông Phong (Chủ tịch huyện) chạy lên đập thủy điện xem xét, rồi an ủi chúng tôi. Nhưng cái chúng tôi cần là động đất sẽ đến đâu, cách nào để sống yên ổn, hay phải chịu đựng mãi thế này thì chẳng ai trả lời cả”. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những lo lắng của chính quyền và nhân dân địa phương là chính đáng. Bộ Xây dựng tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương cũng như người dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả hư hại công trình. EVN nhanh chóng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà như đã cam kết và những vấn đề phát sinh trong quá trình tái định cư, chủ động giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến động đất. 


Thầy và trò Trường Mẫu giáo Hoa Phượng bất an do động đất. 

Phương án ứng phó 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Chính quyền và các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phải “xắn tay vào việc ngay mới an dân được”. Các hộ dân bị thiệt hại cần được hỗ trợ ngay, không chần chừ chờ đợi tiền của EVN như lâu nay, mà chính quyền phải tìm nguồn tạm ứng để cấp cho dân.

Nếu người dân không tự sửa chữa nhà được thì chính quyền lập đội xung kích hỗ trợ dân làm. Ngay trong năm nay phải xử lý cho xong các nhà dân bị hư hỏng, còn nếu tiếp tục động đất, hư hỏng nhà thì tiếp tục ứng phó. Cần thiết thì di dời dân. Chủ đầu tư thủy điện phải tiếp tục hỗ trợ cho người dân các khu tái định cư về cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Tập - cho biết, bây giờ phải đưa ra ngay phương án chủ động phòng, tránh thảm hoạ có thể xảy ra. Không chỉ chính quyền huyện Bắc Trà My mà chính quyền của các huyện, thị xã vùng hạ du cũng phải có phương án phòng tránh chủ động. Phải đặt tình huống xấu nhất xảy ra vì không ai “làm chủ” được thiên nhiên.

Ví như động đất vượt ngưỡng 5,5 độ richter, đập vỡ, người dân Tiên Phước sẽ phản ứng như thế nào, người Hiệp Đức, Đại Lộc nên làm gì; xa hơn, người Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ phải ứng xử ra sao? Đưa ra phương án như vậy không có nghĩa là sẽ làm người dân lo sợ, mà sẽ giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra sự cố.

Nỗi lo lắng của người dân, dù hồ chứa hiện đang ở mực nước chết (140m), nhưng dung tích hồ chứa vẫn trên 200 triệu mét khối có an toàn không- nếu động đất vượt ngưỡng- vì hồ không thiết kế cửa xả đáy. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay: Vấn đề an toàn là số 1, có thể là vĩnh viễn không tích nước.

Về “ngưỡng” động đất ở Bắc Trà My được các nhà khoa học VN dự báo không quá 5,5 độ richter, nhưng đó chỉ là dự báo của động đất tự nhiên, động đất kích thích ở khu vực này chưa có một nghiên cứu nào, hiện các chuyên gia hàng đầu về động đất trên thế giới được Viện VLĐC mời đến nghiên cứu cũng mới chỉ trong giai đoạn đầu. An toàn của công trình vẫn nằm trong “thì hiện tại” ở cường độ động đất 4,7 độ richter. 


Đến tối 15/11, vẫn có rất đông người dân đổ ra đường do lo sợ trận động đất mạnh lúc chiều. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Đinh Văn Thu - đề nghị EVN nhanh chóng hỗ trợ kinh phí 2,5 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại cho 864 nhà dân và công trình công cộng bị hư hỏng. Hỗ trợ kinh phí cho địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống cho người dân vùng thủy điện. Ông Phạm Lê Thanh - Tổng GĐ EVN - hứa sẽ chi trả khoản tiền hỗ trợ thiệt hại ngay đầu tuần sau, và cam kết hỗ trợ sửa chữa 20km trong tuyến đường từ Tam Kỳ-Bắc Trà My, vốn bị hư hỏng do thi công thủy điện.

PGS-TS Phạm Hữu Sy – thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhà nước - phát biểu tại buổi làm việc với chính quyền huyện Bắc Trà My ngày 16/11: “Tôi thấy có sự mâu thuẫn giữa các số liệu đo của trận động đất này. Con số đo được gia tốc nền là 268cm/s2 - tương đương với động đất 6,5 độ richter, nếu theo thang MSK 64 thì lớn đến cấp 9, nhà cửa sụp đổ, thay đổi địa mạo. Tuy nhiên, ở đây thực tế vẫn bình thường. Vì vậy tôi đề nghị phải làm rõ”. 

Trước thông tin này, chúng tôi liên hệ với PGS-TS Cao Đình Triều - Viện Vật lý địa cầu - đang có mặt tại Bắc Trà My. Ông giải thích: Sở dĩ có con số đó vì máy đo gia tốc đặt ở chân đập. Trạm quan trắc của Thái Lan thông báo về cường độ động đất vào chiều 15/11 là 4,7 độ richter - khớp với số liệu của Viện VLĐC. 

Nhóm phóng viên Báo Lao Động 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: