Di sản và con đường phát triển "du lịch trách nhiệm"

Thứ ba, 11 Tháng 12 2012 17:08 Vietnam+
In

Các sản phẩm du lịch Việt Nam hầu hết đều gắn bó chặt chẽ với văn hóa phi vật thể độc đáo và các di sản thiên nhiên. Song thực tế, ngay bản thân người làm nghề cũng chưa ý thức được mối quan hệ mật thiết giữa du lịch và di sản, đặc biệt là chưa kỳ công tìm lối đi phù hợp để phát triển loại hình sản phẩm này. 

Thế nên, UNESCO hiện mới đang tích cực hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam.  


Lăng Khải Định, Huế 

Nhìn ra thế giới 

Nhiều nước trên thế giới có nền văn minh đồ sộ, đa dạng các di sản vật thể, phi vật thể… họ rất biết cách khai thác nguồn tài nguyên thành những sản phẩm du lịch ăn khách. 

Chỉ riêng bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp mỗi năm đón tới 8,8 triệu du khách. Với giá vé vào cửa thấp nhấp là 10 Euro, tính ra mỗi năm cũng mang lại cho bảo tàng này doanh thu 88 triệu Euro, một con số không hề nhỏ. Hay như đến Anh, khách du lịch khó lòng bỏ qua Bảo tàng sáp London Madame Tussauds… 

Khách du lịch quốc tế ngoài đi thăm quan các danh lam thắng cảnh đều ghé các bảo tàng và xem các chương trình ca múa nhạc vì thông qua đó họ sẽ hiểu được quá trình phát triển lịch sử và văn hóa của một dân tộc. 

Chẳng đâu xa xôi, nhìn sang ngay nước láng giềng là Trung Quốc thôi, nếu đi tour khách thường được dẫn đi xem chương trình ca múa nhạc ở Tống Thành (Thượng Hải) có giá vé vào cửa tương đương 60 USD. Một nữ khách ở Đội Cấn (Hà Nội) đi về đánh giá, nghe qua tưởng đắt nhưng xem xong lại cảm thấy giá đó vẫn rẻ vì những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà chương trình mang lại. 

Trong khi đó ở Việt Nam, buồn thay, giá vé xem Rối nước mới tương đương khoảng 5 USD song nhiều du khách vẫn không cho là rẻ. Các điểm đến di sản thiên nhiên như vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng hay những di tích, di sản như Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn… giá vé cũng như chất lượng thông tin chưa được khai thác hết cũng như tương xứng với tiềm năng. 

Một vài dẫn chứng nhỏ như vậy cho thấy các sản phẩm du lịch ở các nước trên thế giới đã thành công trong việc thu hút khách du lịch. Họ đến và sẵn sàng chi trả món tiền không nhỏ để thưởng thức các giá trị văn hóa với thái độ hoàn toàn hài lòng. 

Để tìm lối đi… 

Các chuyên gia cho rằng, những người làm du lịch trong nước cần phải nhìn xa trông rộng và không ngừng học hỏi, học ngay từ chi tiết nhỏ ở cách quảng bá của nước bạn. Đơn cử, tất cả thông tin chi tiết về các điểm thăm quan chính, nhà hàng khách sạn… đều được phát miễn phí từ sân bay, nhà ga, bến đỗ ôtô, tàu điện ngầm đến khách sạn.

Bên cạnh đó, quảng cáo cần nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế để cả người nước ngoài có cơ hội tiếp cận với sản phẩm du lịch Việt.

Giám đốc chi nhánh Công ty Du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội-Đặng Bích Thọ đề xuất nên “xốc” lại các nhà hát đang hoạt động kém hiệu quả. “Lãnh đạo các nhà hát phải liên kết với nhau để tạo ra một chương trình ca múa nhạc tổng hợp độc đáo và đặc sắc kiểu ‘3 trong 1’ như có chèo, ca trù, múa, ca nhạc dân tộc… trong một giờ biểu diễn, 4-5 buổi/ngày để hấp dẫn khách,” vị này nói.

Nhiều ý kiến cũng đặc biệt quan tâm tới việc phát huy tiềm năng của các bảo tàng ở các thành phố lớn, đặc biệt là hơn mười bảo tàng ở Hà Nội. Theo đó, bảo tàng nên mở cửa cả tuần (hiện đa phần đều đóng cửa ngày thứ Hai gây khó cho xây dựng chương trình tour), và đưa thêm một số hoạt động phụ trợ như Rối nước, ca nhạc dân tộc…

Du lịch di sản cũng cần cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư và cần quan tâm hơn nữa tới việc quy hoạch vùng, điểm du lịch, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. 

... Và làm du lịch "có trách nhiệm" 

Trong bối cảnh đó, hiện du lịch Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ đắc lực của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch.

Theo chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm Douglas Hainsworth, hiện UNESCO tại Việt Nam đang hỗ trợ việc bảo vệ các di sản đồng thời đảm bảo rằng các giá trị vẫn được sử dụng một cách bền vững cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội thông qua du lịch văn hóa ở Việt Nam.

Bà Katherine Müller-Marin, đại diện tổ chức UNESCO, thông tin thêm tổ chức này đã và đang hỗ trợ các nhà lập chính sách, quản lý di sản và các cộng đồng địa phương tại Việt Nam cải tạo các trung tâm thông tin tại các khu Di sản Thế giới, đào tạo và cấp chứng nhận cho các hướng dẫn viên chuyên nghiệp về Di sản, củng cố các bảo tàng Di sản Thế giới tại Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và Mỹ Sơn. 

Ngoài ra, UNESCO cũng hỗ trợ Việt Nam thiết lập hệ thống bảng thông tin và biển chỉ dẫn tại các khu Di sản Thế giới tại miền Trung Việt Nam, đa dạng hóa và đẩy mạnh các sản phẩm thủ công dấu ấn, đẩy mạnh hướng tiếp cận toàn diện và tổng hợp trong việc lập chính sách văn hóa, du lịch và xây dựng kế hoạch quản lý di sản. 

Với sự giúp đỡ này, du lịch Việt có thêm cơ hội phát triển bền vững, mang lại những trải nghiệm tích cực và chân thật cho khách du lịch đồng thời bảo vệ các di sản địa phương và tăng lợi ích cho các cộng đồng tại đây./.

Chi Lê 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: