Khu thương mại - Từ trung tâm ra vùng ven

Thứ hai, 17 Tháng 12 2012 10:02 SGTT
In

Kinh tế khó khăn kéo dài đã làm chậm lại tốc độ phát triển của kênh thương mại hiện đại. Sức mua suy giảm cũng đẩy ngành bán lẻ từ vị trí hấp dẫn hàng đầu năm 2008, rớt khỏi tốp 30 năm 2012. Dù vậy đây vẫn là khu vực thị trường còn rất rộng và cuộc cạnh tranh gay gắt sắp tới hứa hẹn thúc đẩy bộ mặt thương mại hiện đại tăng tốc và hoàn thiện nhanh hơn.

Tốc độ hình thành của các trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại tại TP.HCM chậm lại, nhưng một vài khu mới bắt đầu hình thành, lấn dần về những nơi xa trung tâm và kết nối đến các tuyến dân cư ngoại vi.  


Khách mua sắm và vui chơi tại trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7) trong dịp lễ tình nhân 2012
(Ảnh: Thanh Hảo) 

Hai trung tâm thương mại mới Pico Plaza và Pandora City tại Tân Bình cùng mở cửa vào dịp cuối năm nay góp thêm cho thị trường bán lẻ hơn 120.000m2 sàn, được cho là sẽ khuấy động không khí mua sắm trong lúc thị trường đang trầm lắng. Ngay khi mở cửa, tỷ lệ thuê gian hàng ở cả hai nơi đã vượt 85%. Những thương hiệu giải trí, thời trang và ẩm thực, khu vui chơi trẻ em ngay lập tức tham gia vào các trung tâm này. Tính trong bán kính 7km từ sân bay Tân Sơn Nhất, một khu thương mại mới hướng tây đang hình thành rõ nét, với vùng dân cư khá lý tưởng. 

Đối diện Pico là khu phức hợp Cộng Hoà Garden 3ha với nhiều hạng mục sẽ lần lượt tham gia thị trường từ năm tới. Nằm liền kề là TDB Parkson, có diện tích gần 50.000m2 – thuộc loại lớn trong chuỗi trung tâm thương mại Parkson sẽ hoạt động năm tới. Cách Pandora vài cây số là trung tâm thương mại Aeon Celadon Tân Phú với 3,5ha sẽ gia nhập thị trường năm 2014. Chưa kể sự hiện diện trước đó của các trung tâm nằm kề sân bay như Sasco, CT Plaza, Saigon Airport Plaza; và các siêu thị như Maximark, Big C, Coopmart… 

Từ trung tâm ra phụ cận 

Tương tự, các trung tâm như vậy được mở ra “đón lõng” các tuyến dân cư hướng về Bình Chánh, Bình Dương, Đồng Nai, vành đai Bình Lợi – Tân Sơn Nhất. Nếu bất động sản không bị đóng băng, các dự án trong các khu đô thị phức hợp đã nâng tổng diện tích trung tâm thương mại lên gấp đôi vào năm 2015. Dự báo khoảng 1,5 triệu m2 bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường vài năm tới. Hiện nguồn cung từ các quận 1, 2 và 7 chiếm 60%, nhưng việc tăng tốc ở các khu vực lân cận sẽ thay đổi cơ cấu phân bổ trong mười năm tới.

Ông Võ Duy Trường – giám đốc Pico Sài Gòn giải thích rằng, trong xu hướng phát triển từ trung tâm ra phụ cận, Tân Bình là quận còn nhiều tiềm năng nên các nhà bán lẻ nhắm tới.

Ông John Lam, phó tổng giám đốc Parkson Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp này sẽ khởi công hai trung tâm khác tại TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng dịch chuyển sang các khu vực mới. Tương tự, ông Trường cho biết, Pico đặt mục tiêu trong năm năm là định vị được thương hiệu trung tâm thương mại phức hợp tại TP.HCM và tiếp tục mở rộng tại một số quận ngoại ô TP.HCM. Ông Trường nói: “Khi nhiều trung tâm cung cấp đầy đủ dịch vụ thì mới đủ sức thu hút người dân vùng lân cận đổ về như ở khu vực trung tâm”.

Quy mô của Aeon thuộc loại lớn nhất Việt Nam hiện nay trong chiến lược mở đến 20 trung tâm tại Việt Nam đến năm 2020. Ông Nishitohge Yasuo, tổng giám đốc Aeon Việt Nam, khẳng định: “Mức tăng trưởng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam còn rất hấp dẫn nên chúng tôi không ngần ngại đầu tư”. Những khu thương mại phức hợp kết hợp giữa mô hình trung tâm giải trí/ẩm thực/đại siêu thị sẽ là đối thủ khó chịu đối với các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong nước. 

Giai đoạn tăng tốc của thương mại hiện đại 

Theo phân tích của Kantar Worldpanel Vietnam, thương mại hiện đại Việt Nam đang ở vào giai đoạn tăng tốc sau giai đoạn mười năm (2004 – 2013) đa dạng hoá các loại hình bán lẻ. Sắp tới, mô hình trung tâm mua sắm phức hợp/đại siêu thị sẽ nở rộ ở vùng ven, trở thành nơi mua sắm thứ cấp kết nối đến người tiêu dùng khu vực ngoại ô. Những trung tâm mới cũng làm giảm áp lực lên khu “đất vàng” của thành phố, tiệm cận được lớp tiêu dùng mới nổi ở ngoại ô, và tạo ra thế cạnh tranh mạnh hơn cho toàn thị trường. 

Phân cấp ở trung tâm 

Những khu mua sắm cao cấp nhiều năm qua đua nhau mọc lên ở các tuyến phố sầm uất nhất Sài Gòn như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn..., tiếp theo là khu Phú Mỹ Hưng. Người tiêu dùng nay đã quen với Parkson, Paragon, thương xá Tax, Diamond, Saigon Centre, Zen... Nhưng có thể nói năm 2012 là dấu ấn của Vincom (A, B) và Crescent Mall. Cả hai tạo ra được đẳng cấp khác về thương hiệu, phân khúc lại thị trường này.

Hiện nay các trung tâm thương mại mới đang tiếp tục được hình thành trên các tuyến phố đẹp của Sài Gòn. Dự kiến đến năm 2015, trung tâm quận 1 lại chịu cuộc phân chia mới với sự ra đời của Lavenue Crown, Saigon Centre 2, The One… Trong khi quận 2, quận 3 và quận 7 là sự mở rộng của Parkson, Vivo City, Lotte... Các khu quy hoạch hiện đại ở trung tâm hiện nay đều dành diện tích cho trung tâm thương mại phức hợp và các cụm bán lẻ dịch vụ. 

Những khu phức hợp với lợi thế đa dịch vụ và tiện ích trở thành điểm thu hút lớp tiêu dùng trung lưu và đông đảo giới trẻ. Con số gần 130 trung tâm hiện nay cho thấy phân khúc này đang còn nhỏ hẹp. Theo tính toán, bình quân 100.000 dân cần một trung tâm thương mại lớn. Dự kiến năm 2020, số trung tâm tăng lên ba lần thì thị trường vẫn chưa đạt quy mô trung bình. 

Tuyết Ân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: