Giấc mộng làng

Thứ tư, 30 Tháng 1 2013 20:15 Báo Xây dựng
In

Cũng giống như nhiều người Hà Nội, tôi có một quê hương không phải là thành phố. Nó chỉ cách Tháp Rùa trên hồ Hoàn Kiếm dăm ba cây số theo đường chim bay. Nhưng để đến được ngôi làng quê tôi phải đi qua hai con sông lớn nhất Hà Nội. Sông Hồng và sông Đuống.  

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa... (Bùi Giáng) 

Ngôi làng nằm bên ngoài đê tả ngạn con sông Đuống ở ngay dưới ngã ba sông một quãng ngắn chừng 2 cây số. Đó là một ngôi làng cổ tương truyền có từ thời nhà Lý nghìn năm trước. Phải chăng đó cũng là ý nguyện của dân chúng mọi làng muốn quê hương mình có bề dày lịch sử? Tôi cũng muốn như vậy. Hình như khái niệm về một ngôi làng mới chưa bao giờ là niềm tự hào của người Việt dù cái làng ấy có là “Làng Việt kiều” mới toanh hiện đại trong vùng Mộ Lao, Hà Đông. 

Nghìn năm lịch sử một ngôi làng được ghi chép lại hết sức sơ lược bằng truyền thuyết là chính. Dĩ nhiên thế bởi lịch sử của cả một đất nước như nước mình cũng đã từng có hàng nghìn năm vẫn còn chưa sáng tỏ. Chẳng sao. Những gì chưa biết về lịch sử thì nó vẫn còn nguyên ở đấy, không mất đi đâu cả. 

Làng tôi có tên nôm là Làng Cói. Tên chữ là Cối Lâm chắc hẳn được dịch từ chữ Nôm sang chữ Hán mà thành. Truyền thuyết kể rằng xa xưa vùng này là đầm lầy, cói mọc thành rừng. Cảm ơn truyền thuyết. Một rừng cói hoàn toàn có thể tồn tại hàng nghìn năm liên tục làm nên lịch sử ngôi làng khó ai bắt bẻ. Sử gia hạng nào thì cũng chỉ viết được đến thế là cùng. 

Làng lâu đời nhưng dòng họ của tôi cũng là người nhập cư vào khoảng đầu đời Lê. Trước khi về Cói ở đâu không biết. Tôi ngờ rằng những ngôi làng ngoài đê ở nông thôn Bắc bộ đều có chung một xuất xứ là đám dân chài lang bạt lên bờ dựng nhà định cư khi tìm được những mảnh đất vô chủ. Dấu ấn của xuất xứ ấy vẫn còn phảng phất ở vài gia đình làm nghề chài lưới trong làng. Họ có cách sinh hoạt tương đối hồn nhiên sông nước. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy người lớn cởi truồng đi lại nghênh ngang trên bến sông chính là ở làng này. Họ đánh dậm, đặt bẫy úp cá ngạnh. Kéo những chiếc thuyền đinh xếp buồm ngược nước và mò cát vàng bán cho dân xây dựng. Tất cả trong trang phục của cụ Thủy tổ vua Hùng. Có vẻ như đối với họ thì quần áo mặc trên người chiếm một khoảng thời gian rất ngắn trong ngày. Vào lúc nào thì tôi chẳng rõ. 

Gia phả dòng họ nhà tôi để lại chỉ ghi được mười ba đời. Kể từ cụ Thủy tổ đời Lê đến ông nội tôi lều chõng đi thi những khoa cuối cùng của triều Nguyễn. Cuốn gia phả trải qua binh lửa nhiều lần thất lạc đến tay tôi qua bản dịch Quốc ngữ phần còn lại trở nên sơ sài đến thương cảm. Nguyên văn “đời thứ nhất” được chép lại như thế này:

Cụ Thủy tổ: Lê triều Khuyến nông sứ, họ Đỗ, tên tự là Phúc An - Mất ngày 24 tháng một (tháng 11 âm lịch).
Cụ bà họ Nguyễn, hiệu là Từ Tâm, mất ngày 10 tháng mười.
Hai cụ hợp táng ở xứ Mả Mèng.

Một đời các cụ Thủy tổ chỉ còn lại có bấy nhiêu chữ. Vậy mà con cháu vẫn vô cùng tự hào vì cuốn gia phả không phải họ nào trong làng cũng còn giữ được. Dĩ nhiên ở làng không có sổ gạo nên mất gia phả là một mất mát không hề nhỏ.

Nếu không có cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra miền Bắc năm 1965 thì hẳn là tôi không biết gì về làng quê của mình. Năm đầu tiên đi sơ tán, những người Hà Nội còn có quê hương để về là một may mắn dù quê hương ấy chẳng hề an toàn hơn TP. Ở quê, tôi chỉ còn lại những người họ hàng khá xa. Đến mức không thể ở nhờ nhà họ. Anh em tôi cùng ông bà nội phải ở nhờ trong ngôi chùa làng nằm im ắng trên dải đất phù sa hằm hè chực lở xuống sông mỗi mùa nước lụt. Sư thày trụ trì là một bà cụ kém mắt lắm lời sáng sáng ra vườn chùa chửi véo von như hát. Tôi rất nhớ chữ “bá ngọ...” dọn giọng đầu tiên của sư thày lăn tăn trên sóng sông từ lúc còn nhọ mặt người. Lũ trẻ trong làng nghịch ngợm tối tối kéo nhau ra vườn chùa quần thảo vặn chuối bẻ cây. Không sáng nào là xóm chùa không được nghe chửi. Nhưng nội dung bài chửi sáng của thày chùa vẫn nhã nhặn khiêm nhường chán so với dân làng khi mất trộm. Kiến thức về việc chửi của tôi có căn bản thô sơ là được tiếp nhận từ ngày ấy. Chẳng dùng vào việc gì sau này. Vẫn chỉ là để nghe chửi cho có mạch lạc gần suốt cả cuộc đời.

Khỏi phải nói đứa trẻ học lớp 3 là tôi khi ấy vui sướng đến nhường nào. Được sống trong lòng một “công viên” vĩ đại khác xa cái vườn Bách Thảo nhà mình. Được câu cá, trèo phá tổ chim. Vót nan làm diều mang lên bờ đê thả giữa trưa nhưng nhức nắng. Bơi lội ì ọp dưới dòng sông Đuống đục ngầu. Đổ dế chọi, đánh quay, đánh đáo, đánh bi. Thỉnh thoảng được bà nội cho đi ăn cỗ ở nhà họ hàng. Mùa nước lụt kê bếp lên phản ở gian nhà tổ đun nấu ì xèo. Và vui hơn cả, dù học hành rất phơ phất nhưng lúc nào cũng đứng đầu lớp. Vài năm sau ngừng ném bom về lại Hà Nội đi học tiếp phổ thông, bạn bè cùng phố gặp nhau huyên thuyên kể lể tôi mới biết rằng cái làng mình cũng chẳng khác bao xa với tất cả những làng bạn bè cùng lứa từng đi sơ tán. Duy nhất chuyện làng tôi là có những người lớn cởi truồng. Kể ra cũng đáng vênh váo. 

Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Máy bay Mỹ đã dội bom xuống kho xăng Đức Giang vào giữa năm 1966. Ngôi chùa làng tôi ở chỉ cách kho xăng đúng một con sông rộng vài trăm mét. Khói lửa mịt mù. Tàn than thép bể xăng cháy rơi sang vườn chùa đen kịt. Nửa đêm bố mẹ đưa anh em chúng tôi chạy lên Hòa Bình. Nhập trại sơ tán của cơ quan. Bặt tin ngôi làng từ đấy cho đến tận ngày hòa bình. 

Mươi năm sau nữa con sông Đuống đột ngột chuyển dòng. Làng Cói lở xuống sông gần hết. Chỉ còn lại cái tên làng người ta mang vào trong đê tái định cư. Tên cũng chỉ còn những người già trong làng gọi với nhau. Giấy tờ sổ sách dùng tên mới là làng Thái Bình. Đình chùa cũng phải mang theo vào trong ấy cả. Tôi về chùa làng nghe tiếng chuông mõ tụng kinh vang ra đều đều dai dẳng từ chiếc máy ghi âm sư cô trụ trì thửa bên Hà Nội cứ ngỡ như vào nhầm làng khác. Nghe cái tên chùa Thái Bình cũng chẳng mảy may động lòng. Làng xóm trong cả nước có tên là Thái Bình nhiều vô kể. Thậm chí còn có hẳn một tỉnh tên là Thái Bình.

Thật ngạc nhiên là tôi sinh ra và lớn lên cũng ở trong một cái làng mà mãi cho đến ngoài 20 tuổi mới tìm đọc và biết sơ qua về nó. Làng Vũ Thạch. Nhà tôi ở cạnh chùa Vũ Thạch đầu phố Bà Triệu bây giờ. Cũng nằm sát vách đền và đình Vũ Thạch thờ Khỏa Ba Sơn đại tướng của Hai Bà Trưng theo truyền thuyết. Ngôi làng này đầu thế kỷ XIX vẫn còn trường học khét tiếng kinh kì của cụ cử Nguyễn Huy Đức. Nay chẳng biết nó nằm ở chỗ nào nữa. Hơn một trăm năm, nội thành Hà Nội đã mất đi dấu tích của hàng chục ngôi làng như thế. Nhưng chẳng ăn thua gì so với gần hai chục năm lại đây. Hàng trăm ngôi làng đã biến thành phố xá kể cả làng Cói mới của tôi. Cũng nhà cao tầng cổng sắt kín bưng và két nước trắng toát trên nóc nhà. Cũng hàng quán lè phè ăn nhậu chơi bời. Chỉ khác trong phố ở những con đường làng không tên heo hút chật chội đến tức thở. Chẳng biết người làng bây giờ thế nào? Có còn đứa trẻ nào tắm sông? Tìm được một khoảnh đất thịt để bổ quay bây giờ là điều quá xa xỉ khi mà giá đất ở làng đã được tính bằng SJC*. Đứa trẻ nào đủ gan bổ con quay của mình lên đống vàng ấy? Chợt cũng lăn tăn nhớ hai chữ “Bá ngọ” của sư thày ngày trước. Vắng câu chửi sớm mai của thày chùa rất khó để tưởng tượng ra làng mình. 

Hà Nội là những cái làng họp lại mà thành. Nghìn xưa đã thế, bây giờ vẫn thế và sau này cũng thế. Có bao nhiêu ngôi làng họp lại ở Hà Nội? Không bao giờ có con số chính xác không chỉ bởi Hà Nội luôn mở rộng cả trong quy hoạch lẫn tự phát. Người ở nội thành vẫn mang theo ngôi làng trong tiềm thức chưa cũ lắm của mình. Bây giờ ra đường không khó để bắt gặp cảnh dựng rạp cưới xin ma chay lè phè như ở làng. Đám cưới đám ma thoải mái đi vào đường ngược chiều như trên những con đường làng muốn đi chiều nào cũng được. Số lượng quang gánh hàng rong nhiều hơn bất cứ làng nào. Thật lạ là nhiều người bán hàng rong ấy thường đi xe máy từ quê ra TP. Gửi xe vào chỗ an toàn rồi mới đủng đỉnh giở quang gánh ra dạo bước. Rác rưởi hồn nhiên vứt từ trong nhà ra ngoài đường. Chó mèo thả rông cắn nhau ỏm tỏi. Vác trym ra tè bậy lên con đường gốm sứ ven đê sông Hồng. Bế trẻ con vào thang máy cho ăn bột cả tiếng đồng hồ...

Làng Cói của riêng tôi chắc chắn bây giờ nằm yên ả trong lòng sông Đuống. Và nằm rất sâu trong những giấc mộng của tôi về ngày ấy. Đã đành... 

Đỗ Phấn 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: