Người Việt mình bao giờ cũng là Việt

Thứ bảy, 16 Tháng 2 2013 21:37 Ashui.com
In

1

... Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazic), người được mệnh danh là hiệp sỹ của di tích, trút hơi thở cuối cùng tại Huế đã 16 năm nay. Cũng ngần ấy lần, vào ngày giỗ, quan chức Sứ quán ta đi từ Varsava, cách quê Anh ngót 200 km, thắp những nén nhang trên mộ Anh. Khói hương nghi ngút, xa lạ với những ngọn nến cháy bùng trên các ngôi mộ khác, gây nỗi ngạc nhiên ở những người địa phương.  

... Ở Varsava cũng như ở các đô thị Đông Âu, siêu thị mở ra nhan nhản, hàng hóa đắt rẻ và sang hèn thừa thãi, nền kinh doanh nhỏ lẻ của người Việt mình điêu đứng. Tưởng như hết cửa làm ăn. Ai đó nghĩ ra ngón bán đồ ăn, tạm gọi là Á đông, nửa Việt nửa Tàu, song lại hợp khẩu vị Tây. Thế là cả trăm quán ăn nho nhỏ bung ra, vốn ít, nguy cơ sập tiệm tối thiểu, Tây vào ùn ùn, vừa lạ miệng lại rẻ. 

... Trong một số báo Văn nghệ Trẻ, nhà văn Hoàng Chinh, sống xa xứ 30 năm, thổ lộ: “Những khi được quyền chọn lựa, tôi luôn trở về với tiếng Việt. Tôi nghĩ bằng tiếng Việt. Trong chiêm bao tôi nói bằng tiếng Việt và, khi có chuyện bực mình, tôi chửi rủa (một mình) bằng tiếng Việt”. Da diết hơn, anh nói: “Tôi não nùng khi nghe câu hát nỉ non của người đàn bà Afghanistan sống sót, nhưng tôi lại ứa nước mắt bởi câu thở than: ai ngờ đâu giếng cạn, tui tiếc hoài sợi dây”.

... Giữa cơ man quầy bục duty free ở sân bay Frankfurt, tôi quan sát một đồng bào cứ quanh quẩn bên quầy bánh kẹo. Nhặt vào lại bỏ ra. Rút tiền ra đếm đi đếm lại. Tôi nhắc: “Đến giờ lên máy bay rồi”. Anh nói: “Nhà tui đông con, đông cháu, bên nội bên ngoại, bà con láng giềng, chẳng nỡ quên ai...”

... Một cô con dâu Việt, đã lâu một mình nuôi hai con 50% nọ và 50% kia, vẫn đều đặn đi chợ Việt cách nơi ở hàng trăm cây số. Món khoái khẩu là nem chua. Món thường trực cô nấu là canh dưa. Vồ vập hơn cả là món rau muống sào tỏi. Hương vị ẩm thực Việt cứ quanh quít trong căn nhà, khá lâu nay, ít nghe tiếng nói Việt.  


(ảnh: dongcam.vn) 

2

Ta suốt đời ở trong nước, đi ra nước ngoài một dạo lại về. Hễ đi đến đâu là khen. Hễ về đến nhà là chê. Chê vì cái nhẽ đã quen, đã nhàm, đã sẵn. Chê còn vì: đâu không có ta là ở đấy hay hơn. Ấy vậy, chê nhiều, than thở hoài, khi xa và khi thiếu lại nhớ da diết. Tôi biết, ở ta có hai nơi như vậy. Đó là Hà Nội và Huế. Chẳng nơi nào mà người ta lại day dứt trước những sự mất mát, lại bức xúc gắt gao trước những biến đổi, như ở Huế và Hà Nội. Ấy thế, cứ phải xa là nhớ đến khốn khổ. Tôi nói vậy bởi tôi là người Hà Nội cũ và tôi hiểu thấu người Huế, chứ người mình ai chẳng yêu quê, ai chẳng nhớ quê. Quê không chỉ là làng, quê cũng có thể là thành phố, bởi nơi ấy lưu cữu những mối liên hệ bà con xóm giềng chằng chịt, chẳng khác gì làng quê là mấy. Có thể tôi không nhầm, khi nghĩ rằng người Việt mình gắn bó với quê, ấp ủ và mang nặng chất quê và đồng thời cũng bị níu kéo bởi tư duy theo lối quê hơn cả. Cái điều cuối cùng ấy, vừa góp phần làm ta đã nghĩ thì nghĩ cho chín và đã làm thì làm cho chắc, lấy cái sự bền và sự có trước có sau làm trọng. Thế nhưng, nếp nghĩ nếp làm ấy lại dẫn tới vấn nạn bảo thủ. Bảo thủ, ở tầm vi mô, kìm hãm những quyết định mạnh tay và những sáng kiến. Bảo thủ, ở tầm vĩ mô, níu kéo bước chân dân tộc trong cuộc chạy đuổi, đằng đẵng và khẩn kíp, các dân tộc khác. Bảo thủ cũng phần nào liên quan đến nỗi lo âu có phần quá mức về nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc.

Hơn hai chục năm nay đất nước ta phát triển tột bậc. So với quá khứ không xa thì quả là thế, song so với thời thế thì rõ là chậm chân. Phát triển trong hội nhập, hội nhập hay tự tách mình? Đi con đường của mình, song phải tự điều chỉnh với con đường và bước đi của xung quanh. Gạt đi nỗi e ngại quá mức và thậm chí tai hại về nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Bởi bản sắc không phải là cái bẩm sinh, không phải là cái bất di bất dịch. Những điều kiện và hoàn cảnh nhất định nhào nặn và bồi đắp bản sắc. Thời đại nay như mọi thời đại vừa đào thải, vừa kế thừa, lại vừa đào luyện bản sắc mới. Con người mới không thể ôm khư khư bản sắc của thời đã qua.

Nhìn lại hơn một trăm năm trước, các cụ mình, búi tóc, vận áo the, đội khăn xếp, trọng chữ Nho, dị ứng kịch liệt với những gì các ông Tây đem vào. Ấy thế mà chỉ vài chục năm sau nở rộ cả một vườn hoa văn hóa Việt thời mới (tôi gọi đó là cuộc hội nhập quốc tế lần thứ nhất), với những tiểu thuyết và truyện ngắn, với nền thi ca , những ca khúc và kịch nói, hội họa... Học Tây mà vẫn Ta, ta không thể lẫn vào đâu được. Đội ngũ ít ỏi trí thức kiểu mới hình thành, họ học không cao, mà hễ làm gì cũng cơ bản, cũng có tầm vóc. Rõ ràng, bản sắc dân tộc mình có phai nhòa đâu, mà chỉ bổ sung thêm những phẩm chất, cần cho những hoàn cảnh mới.

Bản sắc dân tộc Việt mình, nói thế này liệu có chính xác chưa, không hẳn đã sản sinh bởi và chi phối bởi những tôn giáo và tín ngưỡng độc tôn, cũng không hẳn bởi những chủ thuyết ngự trị bền dai và lan tỏa. Bản sắc của dân tộc mình trước tiên là sản phẩm của cuộc giằng co với đất trời và với ngoại bang để sinh tồn, quật cường và dẻo dai. Bản sắc gắn mật thiết với đời sống cụ thể, với những biểu hiện dễ dàng nhận biết về lối sống, cách ứng xử, tâm đức và tâm tính, tập quán và thói quen...

Lúc này ta nhắc nhiều đến truyền thống cha ông và đến di sản là rất cần, Song quan tâm quá mức tới tâm linh, chi phí nhiều tiền của cho việc xây đền thờ những người có công mới khuất, chăm lo quá độ đến việc phục dựng hội hè đình đám... xem chừng dễ bề làm ta sao nhãng bổn phận chính yếu của thế hệ thời nay là dốc lòng dốc sức cho phát triển, hội nhập để đuổi cho kịp và có cơ may đứng vào tư thế ngửng đầu. 

Nghĩ tới bản sắc, ta hãy hướng về phía trước. Ta tiến bộ, ta giàu lên và khác đi, - ta muôn thuở vẫn là người Việt Nam. 

... Sở dĩ tôi kể vài chuyện nho nhỏ ở phần đầu là để nói: Chả có cái gì có thể tảy xóa cái cốt cách của người Việt mình. 

Xuân Quý Tỵ, 2013 

Hoàng Đạo Kính 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: