Để dòng Mekong là tài sản chung

Thứ năm, 07 Tháng 3 2013 16:23 Tuổi Trẻ
In

“Chúng ta muốn để lại một dòng Mekong thế nào cho con cháu chúng ta thừa hưởng?” - GS Edward Grumbine, người có bài trình bày gây chú ý nhất, đặt vấn đề tại hội nghị quốc tế về môi trường sông Mekong khai mạc sáng 5/3 tại TP.HCM. 

Diện tích lưu vực sông Mekong bị đe dọa bởi nước biển dâng sẽ còn tăng hơn nữa khi con số mới của các nhà khoa học cho biết nước biển sẽ dâng ít nhất 60cm từ nay tới năm 2050.  


Các học giả quốc tế trao đổi tại một buổi thảo luận chuyên đề sáng 6/3
 (Ảnh: Việt Toàn) 

Con số mới nhất (cuối năm 2012) nêu trên cũng là lời báo động được GS Edward Grumbine thuộc ĐH Bắc Arizona (Mỹ) nêu ra tại hội nghị. Con số này tăng gấp đôi so với con số được đưa ra trước đó vào năm 2007. Khi con số cũ công bố năm 2007, các nhà khoa học ước tính diện tích bị mất ở đồng bằng sông Cửu Long là 13%. Với con số mới, họ chưa thể có con số cập nhật về diện tích bị mất là bao nhiêu. 

Thông điệp lớn nhất của hội nghị kéo dài ba ngày với hơn 300 nhà khoa học đến từ 20 quốc gia này là việc cần có sự hợp tác và chia sẻ thông tin hơn nữa giữa các nước dọc sông Mekong. Hội nghị do Trung tâm nghiên cứu Trái đất thuộc Trung tâm Vũ trụ và khí quyển Đức (DLR) và WISDOM, một chương trình hợp tác chung giữa Đức và Việt Nam, cùng tổ chức. 

GS Edward Grumbine khẳng định vấn đề của sông Mekong là “xuyên biên giới” và “Mekong là tài sản chung của nhiều nước chứ không phải là của riêng bất cứ nước nào”. Theo ông, với việc có nhiều quốc gia chia sẻ cùng một dòng sông như vậy, cần có giải pháp “xuyên quốc gia” cho các vấn đề mà sông Mekong đang phải đối mặt. Sông Mekong đi qua sáu nước, mà ở thượng nguồn là Trung Quốc - nước đến nay vẫn chưa tham gia Ủy ban sông Mekong, cơ quan chia sẻ thông tin và điều phối hợp tác giữa các nước dọc dòng sông. 

Con số và dữ liệu được các học giả khác đưa ra dường như đối lập với quan điểm của Trung Quốc như qua cách nhìn nhận vấn đề của học giả nước này tại hội nghị. TS Su Pengcheng của Viện nghiên cứu các hiểm họa núi và môi trường của Học viện Khoa học Trung Quốc ở Thành Đô cho rằng tác động của các đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều vì “sông Mekong ở thượng nguồn hẹp và lưu lượng nước không lớn”.

Cách nhìn khác nhau của mỗi nước hiện nay đối với việc khai thác sông Mekong được nữ TS Claudia Kuenzer của DLR minh họa bằng hình ảnh thầy bói xem voi. “Sông Mekong cung cấp nguồn sinh sống cho 86 triệu dân lưu vực. Cần có sự hiểu biết gần gũi hơn để thúc đẩy khả năng hợp tác và phát triển giữa các bên” - bà Kuenzer khuyến cáo.

Các mô hình được các chuyên gia nhắc đến về chia sẻ giữa các nước là mô hình hợp tác của lưu vực sông Nile ở châu Phi, sông Danube và sông Rhine ở châu Âu. Cả ba con sông này đều chảy qua nhiều nước và nhờ sự hợp tác thành công giữa các nước mà vấn đề bảo tồn, duy trì lưu vực sông của các nước đều được đảm bảo.

Ông Pithaya Pookaman, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Thái Lan, thừa nhận “chia sẻ nguồn lực, thông tin là cơ sở” cho việc hợp tác khai thác trên dòng sông.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Hoàng Văn Thắng cũng kêu gọi hợp tác để “biến con sông mẹ ngày càng hiền hòa, ngày càng thân thiện với môi trường”. “Khi chúng ta quan tâm thấu đáo, chúng ta sẽ có những suy nghĩ về an ninh của dòng sông ngay tức thì”. 

Thanh Tuấn - Vũ Thủy 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: