Quy hoạch bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: "Mắc" vì kiến trúc... chồng lên kiến trúc

Thứ sáu, 26 Tháng 7 2013 17:36 TT&VH
In

Khác biệt lớn về niên đại, lại qua nhiều lần trùng tu và mức biển đổi hoàn toàn về chức năng sử dụng, 119 kiến trúc thuộc khu Hoàng thành Thăng Long đã gây khó khăn lớn cho việc lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Di sản Thế giới này. 

Trong cuộc họp hôm 25/7, đề án quy hoạch này đã được đưa ra lấy ý kiến trước các cơ quan chức năng của Hà Nội. Đơn vị thực hiện đề án là Viện Kiến trúc Quy hoạch và Nông thôn (Bộ xây dựng), sau khi Chính phủ đồng ý với chủ trương bảo tồn, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long (HTTL) thành công viên lịch sử - văn hóa vào cuối năm 2012.  


Khu vực cổng Đoan Môn hiện nay sẽ được mở rộng để trở thành quảng trường (Ảnh: TTXVN) 
 

Chưa thể biến Hoàng Diệu thành phố đi bộ 

Hơn 18.000m2 của Hoàng Thành được chia làm hai khu vực cách nhau bởi đường Hoàng Diệu. Trong đó, nếu khu vực Thành cổ Hà Nội chen lẫn giữa nhiều kiến trúc Pháp và một số công trình cũ của Bộ Quốc Phòng thì khu vực 18 Hoàng Diệu lại nằm cạnh Quốc hội đang xây dựng. Theo yêu cầu đặt ra cho đề án, hai khu vực trên cần được quy hoạch để trở thành một tổng thể thống nhất, đồng thời kết nối về không gian với Nhà Quốc hội (dự kiến sẽ đi vào sử dụng cuối 2014). 

Dự kiến, một đường ngầm sẽ được xây dựng cắt qua lòng đường Hoàng Diệu để nối liền hai cụm di tích. Tại cuộc họp, nhiều trao đổi đã được đặt ra quanh hạng mục này. Theo đó, để tránh lãng phí và có sự kết hợp thuyết phục hơn về không gian, việc xây đường ngầm nên được thay đổi bằng hình thức biến đường Hoàng Diệu thành phố đi bộ, đồng thời mở thêm một số cửa từ hai cụm di tích để kết nối với không gian đi bộ này.

Nhưng, theo giải trình của phía thực hiện đề án, ý tưởng về phố đi bộ Hoàng Diệu đã được đặt ra và báo cáo lên các lãnh đạo cấp cao. Phản hồi cho biết, hiện tại, do đặc thù về giao thông, trục đường Hoàng Diệu chưa thể "bộ hành hóa", thậm chí tiếp tục được khai thác với tần suất lớn cho tới trước năm 2030. Bởi thế, hầm Hoàng Diệu cần được xây dựng, và ý tưởng về phố đi bộ chỉ có thể được đặt ra ở tương lai, khi hệ thống đường vành đai của Hà Nội hoàn thành và giảm bớt ùn tắc nội đô. Bù lại, đề án có thể nghiên cứu biến đoạn đường Điện Biên Phủ (kéo từ Kỳ Đài ra quảng trường Ba Đình) làm phố đi bộ. 
 

Công trình cũ: Tận dụng hay xây mới?

Về cơ bản, đề án này tập trung tôn tạo những kiến trúc cổ vốn là điểm nhấn của HTTL. Cụ thể, các di tích Kỳ đài, Bắc Môn, Hậu Lâu, khu vực hành cung... sẽ được xử lý bớt rêu mốc, tu bổ những phần gạch đã bị mòn, sứt bằng vật liệu có màu sắc tương đương nguyên trạng. Riêng phần đất dưới thềm rồng (gần điện Kính Thiên) sẽ được khai lộ thêm để người xem thấy được phần đuôi rồng (đang bị lấp), đồng thời xây đường dốc lên xuống để tránh sử dụng bậc đá. Ngoài ra, các hố khảo cổ tại khu vực 18 Hoàng Diệu sẽ được lắp đặt hệ thống thoát nước, bảo vệ hiện đại và xây nhà bảo vệ theo phương án thi tuyển thiết kế.

GS. Phan Huy Lê đã cảnh báo tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn di sản quốc gia tháng 6/2013: “Sau ba năm được công nhận di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa hoàn thành công tác nhất thể hóa quản lý. Việc thực hiện cam kết của Chính phủ với UNESCO chưa đầy đủ, tình trạng xuống cấp di tích ở khu C-D đã xảy ra nghiêm trọng. Vấn đề này nếu kéo dài không những ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu, bảo tồn, lập quy hoạch và phát huy giá trị khu di sản và còn dẫn đến nguy cơ bị UNESCO khuyến cáo về tình trạng bảo tồn, cảnh báo đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới”. 

Đặc biệt, một phần các công trình phụ, kém giá trị quanh những di tích này (chủ yếu được xây dựng trong vài chục năm gần đây) sẽ được hạ giải để trả lại không gian văn hóa, lịch sử cho các di tích. Một phần công trình kiến trúc Pháp cũ cũng sẽ được tận dụng và sửa đổi sang chức năng khác như nhà khách, trụ sở ban quản lý. Trong đó, để có thể mở rộng không gian tại quảng trường Đoan Môn, tòa nhà trụ sở Cục tác chiến (vốn có trong danh sách hồ sơ xin danh hiệu thế giới) sẽ được "xoay" bằng kĩ thuật hiện đại để tịnh tiến sang không gian cạnh đó và sửa đổi làm nhà trưng bày. Được biết, cách đây gần một năm, UNESCO đã có công văn cho phép phía VN thực hiện thay đổi này.

"Rất may là UNESCO đã đồng ý với chúng ta. Tuy nhiên, phía đề án cần tính toán rõ hơn xem phần nào là bảo tồn nguyên trạng, phần nào tận dụng hoặc xây mới trong tổng thể" - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận xét- "Chẳng hạn, nếu không có tính chất tiêu biểu, việc tận dụng các công trình kiến trúc Pháp cũ cần bàn lại."

Theo một số ý kiến tại cuộc họp, trong trường hợp có thể hạ giải bớt các di tích Pháp kém giá trị, những tòa nhà chức năng trong HTTL có thể chọn thiết kế khác để phù hợp với không gian chung của cụm di tích. Ngoài ra, một số kiến trúc cổ như điện Kính Thiên, lầu Ngũ Môn, cổng Đông Hậu Lâu... cũng cần được nghiên cứu phục dựng lại để nâng cao giá trị cho Hoàng thành.

Theo kế hoạch, những hạng mục cơ bản về bảo tồn, tôn tạo của di tích sẽ được hoàn thành trước năm 2020. Sau thời gian này, việc phục dựng các kiến trúc cổ sẽ được tiến hành trên cơ sở những tư liệu khảo cổ thu về. 

Chiêu Minh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: