TP.HCM “thất thủ” trước triều cường?

Thứ tư, 23 Tháng 10 2013 07:22 SGTT
In

Đợt triều cường vào chiều tối các ngày 19, 20, 21/10 vừa qua đã làm đảo lộn đời sống của người dân TP.HCM. Ở nhiều vùng ngập nặng, người dân đã ngao ngán, bất lực đứng nhìn nước ngập làm tê liệt đường sá giao thông, nhấn chìm tài sản của họ. 

Đã có người bị điện giật chết trong khi tát nước. Đã có chuyện của cải của người dân bị hư hại do họ trở tay không kịp. Người dân sống ở dọc sông Nhà Bè, Vàm Thuật, lần đầu tiên trong lịch sử, đã trải nghiệm “chạy triều” khi hệ thống đê bao, kè sông yếu ớt đã trở nên “thất thủ”.  


Người dân định đi chợ đứng thẫn thờ nhìn nước triều cường ngập lênh láng trong hẻm ở phường 22, quận Bình Thạnh
(Ảnh: Thanh Hảo) 

Có lẽ kịch bản triều cường và nước biển dâng đe doạ đô thị TP.HCM hiện đại được các nhà khoa học thế giới dự báo từ hàng chục năm trước đã có dấu hiệu ứng nghiệm. Điều đáng nói là trong thời gian qua, từ khi những cảnh báo sớm đó được đưa ra cho đến nay, những giải pháp ứng phó với vấn đề an sinh này được nhà chức trách quan tâm đến đâu? Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký duyệt dự án 1547 về quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng địa bàn TP.HCM với tổng vốn đầu tư ban đầu là 11.530 tỉ đồng do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM chủ trì. Theo đó, sẽ xây tuyến đê bao, đầu tư 13 cống kiểm soát triều, cải tạo chín trục thoát nước để chủ động kiểm soát mực nước dâng do thuỷ triều, xả lũ. Nhưng sau năm năm, dự án đã nhiều lần bị hụt vốn trong khi một số hạng mục công trình chính yếu của dự án mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ, có hạng mục còn lại chưa được đụng tới. Ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế có tác động không nhỏ đến tiến độ giải ngân, một trong những điều quan trọng nhất có thể thấy đó chính là tốc độ thi công xử lý công trình chống ngập quá chậm chạp, thiếu quyết liệt so với tốc độ xây dựng những dự án đô thị mới. 

Nhìn lại lịch sử đô thị Sài Gòn, ngay từ những ngày đầu, cụ thể là những năm 1860 đến đầu năm 1900, khi người Pháp vào vẽ bản đồ quy hoạch đô thị Sài Gòn, thì họ đã xác định đây là một thành phố hướng giang. Tâm thức hướng giang đó đã chi phối đến quy hoạch và quy trình xây dựng; trước khi lấp kênh xây đường sá, nhà cửa thì phải chuẩn bị một hệ thống kênh mương để đảm bảo việc thoát nước, chống ngập. Giai đoạn năm 1954 – 1975, nhịp độ phát triển đô thị Sài Gòn khá mạnh mẽ, nhưng cũng kèm theo đó là những giải pháp đầu tư cống rãnh, kênh mương để tiêu thoát nước. Tuy nhiên, tâm thức hướng giang trong quy hoạch có vẻ như bị mai một dần bắt đầu từ thời bao cấp, đổi mới cho đến nay, thể hiện ở việc luôn nhìn sông rạch tự nhiên là thứ cần xâm chiếm, san lấp, khai thác vì mục đích trước mắt thay vì tìm giải pháp để sống hài hoà với chúng.

Suốt một giai đoạn dài, hệ thống tiêu thoát nước đô thị TP.HCM đã không được đầu tư tương xứng với tốc độ xây dựng. Điều đáng nói là, với tình trạng bê tông hoá đô thị nhanh như vậy, nhưng rất nhiều nơi tại TP.HCM vẫn đang tận dụng hệ thống thoát nước, cống rãnh còn lại từ thời Pháp, thời Mỹ và đa số ở những khu dân cư nghèo, chật chội, người dân “tự cứu mình” bằng việc đầu tư hệ thống thoát nước nhất thời, chắp vá. Năm 2011, khi trận lũ lịch sử nhấn chìm Thái Lan trong nhiều ngày và gây ra cho nước này tổn thất ước tính 5 tỉ USD, làm chết hơn 500 người. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhìn cảnh hoang tàn của Bangkok để nghĩ tới TP.HCM. Những câu hỏi bức thiết được đặt ra rồi chìm vào quên lãng khi dự án thuỷ lợi chống ngập úng vẫn đang trong tình trạng “cà giựt”.

Theo các chuyên gia từ trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM phát biểu trên báo chí sau hai đợt triều cường “đỉnh triều cao nhất trong lịch sử” cuối tháng 10 này, thì chính họ cũng chưa tìm ra được nguyên nhân khiến cho mức nước có thể cao hơn nhiều so với dự báo trong khi (may mà) chưa gặp mưa lớn hay hồ Dầu Tiếng chưa “phụ hoạ” xả lũ. Nhà chức trách đã mất sự kiểm soát và chủ động. Việc chống lũ năm này qua năm khác cũng chỉ được “tư duy” nhất thời xoay quanh những chiếc máy bơm công suất cao. Thực tế của đợt triều cường vừa qua đang báo động rằng, tai ương do triều, lũ từ nay sẽ là một mối đe doạ lớn đối với đời sống của cư dân TP.HCM, thành phố xưa nay được xem bình yên, hiền hoà và tưởng chừng hiếm rơi vào nhóm nguy cơ nhạy cảm trước thiên tai. Qua rồi thời có thể lay lắt qua ngày với những giải pháp tiêu úng chắp vá, thiếu tầm nhìn và độ quyết tâm.  

Nguyễn Vinh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: