Làm đẹp bộ mặt đô thị ở các trục đường lớn: Quy định không theo kịp đời sống

Thứ năm, 24 Tháng 10 2013 01:37 SGTT
In

Câu hỏi đặt ra là nếu sở Quy hoạch – kiến trúc hoàn thành thiết kế đô thị ở trục đường trên thì có kịp chỉnh sửa lại bộ mặt đô thị trên toàn tuyến đường? TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và đô thị, thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, trả lời thẳng: không thể!  

Đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (TSN – BL – VĐN) vừa đưa vào sử dụng một phần đã xuất hiện hàng loạt căn nhà siêu mỏng, siêu méo và siêu nhỏ không tương xứng với tuyến đường hiện đại và làm xấu bộ mặt đô thị. Trước thực trạng này, UBND TP.HCM thúc sở Quy hoạch – kiến trúc khẩn trương hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường TSN – BL – VĐN để hạn chế tình trạng trên. Tuy nhiên,... 


(Ảnh: Thanh Hảo) 

Bó tay!

Câu hỏi đặt ra là nếu sở Quy hoạch – kiến trúc hoàn thành thiết kế đô thị ở trục đường trên thì có kịp chỉnh sửa lại bộ mặt đô thị trên toàn tuyến đường? TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và đô thị, thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, trả lời thẳng: không thể! Bởi các quy định hiện hành không cho phép. 

Ông dẫn chứng, ở TP.HCM, đối với các khu dân cư hiện hữu, diện tích đất tối thiểu được phép xây dựng không nhỏ hơn 36m2, trong đó, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng không nhỏ hơn 3m. Tuy nhiên, đối với lô đất không đủ chuẩn theo quy định nêu trên, việc cho phép sửa chữa hoặc xây mới được xem xét tuỳ theo vị trí của lô đất ở mặt tiền đường hay trong hẻm. Theo đó, đối với lô đất có vị trí mặt tiền đường, nếu có diện tích dưới 15m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới. Đối với lô đất có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép cải tạo, sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng. “Nếu áp dụng đúng quy định trên thì làm sao có thể “xử” các ngôi nhà mới xây hay mới cải tạo làm xấu con đường TSN – BL – VĐN. Do đó, bây giờ có hoàn thiện thiết kế đô thị thì bộ mặt đô thị trên tuyến đường trên cũng khó có thể vực lại được”, ông Nguyên nói.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Viết Sê, giám đốc trung tâm Dự báo kinh tế, thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư, với người dân thì chỉ cần làm sao khai thác tốt nhất giá trị của căn nhà chứ đâu cần phải theo chuẩn này, chuẩn kia, trong khi chuẩn thì lại chưa có. “Dân không dại bỏ tiền ra sơn sửa lại nhà cửa theo thiết kế đô thị đi sau, mà Nhà nước cũng không thể lấy ngân sách ra sơn sửa lại cho dân, nên giả sử bây giờ có hoàn thiện thiết kế đô thị trên tuyến đường TSN – BL – VĐN cũng không thể khôi phục lại được “nhan sắc” con đường theo thiết kế”, ông Sê phân tích. 

“Về lâu dài, phải xoá bỏ tầm nhìn hạn hẹp, đó là chỉ chú trọng đến việc làm đường để kết nối, giải quyết kẹt xe mà không chú trọng đến mỹ quan đô thị”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Đường mới, quy định phải mới 

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyện các con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Kiệt, TSN – BL – VĐN có bộ mặt đô thị không xứng tầm với quy mô của nó đúng là có lỗi của các nhà hoạch định. Hiện tại, dù muốn cứu bộ mặt đô thị ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Võ Văn Kiệt theo đúng bài bản thì cũng đành chịu. Tuy nhiên, nếu thành phố quyết tâm cứu lấy bộ mặt đô thị của đường TSN – BL – VĐN cũng không phải là không có cách, bởi nhà cửa chưa xây dựng nhiều.

KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế, song song với chuyện phải sớm hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường TSN – BL – VĐN, nhất thiết thành phố phải có quy định riêng trong việc cấp phép xây dựng cũng như sửa chữa trên những tuyến đường có lộ giới lớn như đường TSN – BL – VĐN. Ở tuyến đường có lộ giới rộng như thế thì nên quy định diện tích 60m2 trở lên mới được xây dựng mới. Kế đến, phải quy định cụ thể số tầng.

“Nếu có được quy định mới như trên cộng với việc hoàn thành thiết kế đô thị, trước mắt sẽ hạn chế được các căn nhà vừa nhỏ, vừa xấu đang và sẽ hình thành. Và tương lai sẽ có được con đường có bộ mặt đẹp theo ý muốn, dù nó hơi chậm so với việc chúng ta làm bài bản ngay từ đầu”, KTS Sơn nói.

Thiết kế đô thị phải đi trước!

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, đây là giải pháp tình thế nhưng hữu hiệu với đường TSN – BL – VĐN. Về lâu dài, phải xoá bỏ “tầm nhìn hạn hẹp” trong suốt thời gian dài vừa qua, đó là chỉ chú trọng đến việc làm đường để kết nối, giải quyết kẹt xe mà không chú trọng đến mỹ quan đô thị. Vì vậy, trước khi mở rộng hay làm mới các tuyến đường có lộ giới lớn, nhất thiết phải có sự phối hợp của các sở Quy hoạch – kiến trúc, sở Giao thông vận tải, tư vấn thiết kế và quan trọng nhất là các nhà kinh tế đô thị phải ngồi lại với nhau. Trong đó, nhà kinh tế đô thị phải tính toán xem ranh đất của tuyến đường đó bao nhiêu là hiệu quả, để có thể khai thác hiệu quả nhất quỹ đất sau khi mở đường mà không gây thiệt thòi cho người dân bị giải toả. Đã xác định được ranh đất thì tiến hành thiết kế đô thị dọc tuyến đường và từ đây tiến hành các công tác khác.

“Chuyện này Đà Nẵng đã làm tốt. Ngay cả bản thân tôi hiện nay đang tham gia vào việc xây dựng ba con đường lớn ở Bình Dương. Lời khuyên của tôi đối với Bình Dương là khi giải toả cứ lấy ranh đất thêm 50m so với lộ giới đường. Phần đất lấy sâu vào sẽ tổ chức đấu thầu kêu gọi các nhà đầu tư. Đảm bảo có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia, vì đất đã hoàn toàn trống. Như vậy vừa có tiền đền bù giải toả cho dân theo giá thị trường, vừa có được bộ mặt đô thị theo ý muốn”, KTS Sơn phân tích. 

Đỗ Thông 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: