Triển lãm Cuộc thi Tài năng 2013: Xóa bỏ sự ích kỷ với "không gian trống"

Thứ sáu, 25 Tháng 10 2013 06:32 TT&VH
In

Dù chỉ là ý tưởng, 39 đồ án tham dự Cuộc thi tài năng 2013 đã là đủ để người ta nhận ra một thông điệp rõ ràng và trực tiếp: Đã tới lúc, các đô thị Việt Nam cần có cái nhìn nghiêm túc về “không gian trống” - phần vẫn bị "bỏ hoang" trong nhận thức của cộng đồng.

1. "Bỏ hoang" theo nghĩa bóng, bởi thực tế, các không gian trống tại thành phố vẫn luôn đầy ních người và được khai thác với công suất tối đa mỗi ngày. Nhưng, cùng với quá trình đô thị hóa, bản thân những không gian này từ lâu đã mất đi một phần - hoặc biến đổi hoàn toàn - chức năng chính của nó: phục vụ cộng đồng và tạo điểm nhấn về mỹ quan cho đô thị. 


Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm 

Được Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch-Việt Nam (Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam) tổ chức với sự bảo trợ thông tin của báo TT&VH và ASHUI.COM, triển lãm Cuộc thi Tài năng 2013 (từ 22 - 31/10 tại số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội) quy tụ 39 đồ án tham dự giải thưởng kiến trúc có chủ đề "Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị". 10/39 đồ án này đã được Hội đồng giám khảo lựa chọn xét duyệt để trao giải thưởng duy nhất vào sáng 31/10 tới đây. 

Cả 10 đồ án lọt vào chung khảo đều có ý thức rõ về việc cần tạo dựng một không gian chung đạt thẩm mỹ và có sự hấp dẫn để mọi người cùng muốn "mở cửa", tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên, hầu hết những đồ án lọt vào chung khảo đều chọn những trường hợp không gian tương đối cụ thể nhưng lại có tính đại diện khá cao để làm đối tượng "xử lý" của mình.

Đó là không gian của hàng trăm khu tập thể cũ được xây từ cách đây vài chục năm. Là bể bơi Tăng Bạt Hổ - vốn đang bị bỏ hoang như hàng loạt bể bơi Hà Nội cũ. Là không gian tại các trục phố ven đường tàu hỏa. Là các chợ dân sinh tối tăm, nhếch nhác của cuộc sống hiện đại. Và là cả khoảng không chạy dọc những con sông đầy rác, bốc mùi nồng nặc giữa đô thị như sông Kim Ngưu... Mỗi trường hợp về những khoảng không gian trống bị bỏ phí như vậy đều có thể bắt gặp rất nhiều ở những thành phố lâu đời như Hà Nội. 

2. Huỳnh Đức Trung (nhóm tác giả đồ án Tái sinh không gian công cộng) cũng là một sinh viên về kiến trúc - như hơn 50% trường hợp tham gia cuộc thi này. Trung chọn khu tập thể Kim Liên, được xây dựng từ thập niên 1980, với một suy nghĩ đơn giản: hàng trăm khu tập thể cũ như vậy đang tồn tại ở Hà Nội như một lựa chọn của những người có thu nhập vừa phải. Và, với thực tế đang diễn ra, sẽ còn rất lâu nữa, Hà Nội mới có thể xây lại và bỏ đi hoàn toàn những chung cư xuống cấp như thế.

"Thậm chí, nếu xây mới, em nghĩ rằng phần không gian trống đã được sử dụng theo thiết kế của mình vẫn hoàn toàn có thể giữ lại"- Trung nói. "Bởi, cộng đồng tại các khu tập thể đều đã hình thành ổn định. Và ở khu tập thể nào cũng vậy, thanh niên hoặc người trung niên có thể dễ dàng tìm kiếm nơi giải trí thay thế, trong khi trẻ em và người già không có lựa chọn nào ngoài không gian có sẵn và bị giới hạn ở đây. 

Lựa chọn của Trung và các bạn tính đến cả trường hợp “không gian trống” sẽ được sử dụng để duy trì hoạt động kinh doanh của cộng đồng hoặc các gánh hàng rong, bởi “đó là kết cấu của xã hội chúng ta và là mục tiêu lớn nhất của đề án”. Theo đó, cùng với việc thay mới đèn đường, tăng cường cây xanh, không gian công cộng tại các khu tập thể sẽ được kết hợp bố trí ghế và hàng rào với độ cao thấp khác nhau để có sự biến đổi hấp dẫn, đồng thời phù hợp với mọi lứa tuổi...


Triển lãm Cuộc thi Tài năng 2013 diễn ra từ 22 - 31/10 tại số 9 Trần Thánh Tông Hà Nội.
(Ảnh: Khôi Minh) 

3. Cũng có trường hợp, đồ án dự thi không giải quyết vấn đề “lịch sử để lại”, mà đón đầu những vấn đề hóc búa của kiến trúc đô thị sẽ xảy đến trong tương lai gần, như đồ án Tận dụng và cải tạo không gian trống phía dưới cầu cao của đường sắt trên cao của KTS trẻ Lê Thị Thanh. Cô nói: Tới đây khi làm đường sắt trên cao, hệ thống đường sắt cũ sẽ không còn được chú trọng như trước. Đồng thời, không gian phía dưới đường sắt trên cao rất dễ sẽ trở thành những khu “gầm cầu” bẩn, xấu và ô hợp như đã từng xảy ra. 

Trong đồ án của mình, cô thiết kế 3 không gian chính: không gian cũ - chức năng mới, không gian mới - chức năng mới và chức năng cũ - không gian mới. Theo Thanh, đồ án của cô sẽ thêu dệt đường sắt trên cao thành một “sợi chỉ" liên kết các địa điểm văn hóa, lịch sử của Thủ đô. “Những điểm dừng ở cầu Long Biên, phố Khâm Thiên, công viên Thống Nhất với không gian trong sạch từ trên đường sắt trên cao và dưới gầm cầu đường sắt trên cao sẽ khiến người dân Thành phố cũng như khách du lịch kết nối với nhau hơn".

Khi mà các thành phố hiện đại của Việt Nam đều nhạt nhòa về kiến trúc, không gian trống bỗng trở thành giải pháp hợp lý nhất để mang lại một giải pháp thẩm mỹ riêng. Và, điều này lại càng đúng với tinh thần của Cuộc thi Tài năng 2013, khi giải thưởng này được lấy cảm hứng từ góc nhìn của Jan Gel (KTS nổi tiếng nhất Đan Mạch): Một đô thị được tạo bởi một tập hợp công trình xây dựng, nhưng sự sống thực sự của nó lại nằm ở khoảng trống giữa các công trình.

“Quá trình đô thị hóa diễn ra càng nhanh, con người càng ích kỷ. Mỗi người chỉ lo cho ngôi nhà của mình đẹp và rộng tối đa, còn lại là tâm lý cố thủ, muốn trốn tránh khỏi cái không gian chung đang bị bỏ mặc cho bụi bặm và ồn ào” - TS-KTS Phó Đức Tùng (thành viên Ban giám khảo) nhận xét. "Bởi thế, người ta muốn "bịt" mặt tiền lại, không có nhu cầu giao lưu với những không gian trống ấy - cho dù đó mới là nơi thật sự diễn ra cuộc sống của đô thị".

Đánh thức sự quan tâm xã hội - trong đó có một lứa KTS trẻ - tới câu chuyện của không gian đô thị công cộng, đó cũng là một cách để Cuộc thi Tài năng 2013 từng bước xóa đi sự ích kỷ đáng buồn ấy. 

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen: Sẽ đề nghị Hà Nội quan tâm hỗ trợ 

Như tôi nhận thấy, quá trình đô thị hóa của Việt Nam diễn ra rất nhanh chóng và đặt ra những vấn đề nhức nhối về không gian trống. Trọng tâm của nó là việc tạo ra một không gian sống hài hòa cho con người giữa các tòa nhà cao tầng, phố xá, cầu đường và chợ búa. Sự thật, không chỉ Việt Nam, mọi quốc gia có quá trình đô thị hóa quá nhanh cũng từng phải đối diện với thách thức này.

Rất nhiều người đã hỏi về tính khả thi của những đồ án tham dự. Tôi chỉ có thể trả lời: Chúng tôi đưa ý tưởng, còn việc biến nó thành hiện thực sẽ liên quan tới hàng loạt vấn đề phức tạp về tài chính, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo thành phố. Điều chúng tôi có thể làm trước mắt là chúng tôi sẽ lựa chọn những ý tưởng độc đáo và thú vị nhất tại cuộc thi này, sau đó sẽ giới thiệu với lãnh đạo các thành phố lớn khi có dịp gặp gỡ. Và chúng tôi cũng có thể cùng họ trao đổi về khả năng và cơ hội biến những ý tưởng này thành hiện thực. Trong trường hợp ấy, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các bạn ở phạm vi cho phép. Tôi hy vọng rằng không gian đô thị tại VN sẽ sớm được cải tạo và chỉnh trang để đem lại một sức hấp dẫn riêng cho các thành phố. 

Hãy cố gắng biến ý tưởng thành thực tế 

“Dù đề cao tính sáng tạo trong ý tưởng, tôi vẫn thấy mỗi đồ án dự thi đều có giá trị thực tiễn ở một góc độ nhất định. Từ đó, những vấn đề hoặc ý tưởng mà Cuộc thi Tài năng 2013 đưa ra cần được tập hợp lại một cách tổng quan để chuyển tới tay những người có trách nhiệm, thậm chí là cần được công bố rộng rãi” (KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng thành phố). 

“Điểm nổi bật ở cuộc thi là sự tâm huyết của các KTS trẻ với không gian đô thị - một vấn đề ngày càng trở nên bức thiết ở những thành phố đông dân như Hà Nội hay TP.HCM. Và bên cạnh sự tâm huyết đó, chúng ta có thể thấy cả những tín hiệu vui về chuyên môn, khi các KTS trẻ bắt đầu cho thấy tầm nhìn xa về tư duy quy hoạch, cũng như ý thức cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Hy vọng, thông điệp các bạn đưa ra sẽ đánh động xã hội và dẫn tới những sự quan tâm về tính khả thi của các đồ án - khi mà chúng ta đang cần nhiều hơn nữa những cây cầu, những công viên, những con đường sạch để người dân có thể hít thở khí trời trong lành, trẻ em có thể chơi đùa giữa không gian xanh, người già có thể điềm nhiên tản bộ nghỉ dưỡng” (KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Đô thị Việt Nam). 

Hoàng Nguyên - Phạm Mỹ (Thể thao & Văn hóa) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: