Dòng sông “thôi kệ”

Thứ hai, 10 Tháng 2 2014 15:54 SGTT
In

Dòng chảy nhẫn nhịn đó đã tắm rửa và thấm đẫm vào bao thế hệ văn nhân từ cố đô, tạo nên một phẩm chất riêng biệt, không đâu có. Bình thản, ôn hoà đấy, mà kiêu sa làm sao.  


Một bến nước bên dòng Hương giang. 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có một bút ký tuyệt vời về dòng sông quê hương ông, sông Hương, với nhan đề: Ai đã đặt tên cho dòng sông. Hiếm có nhà văn nào viết về một dòng sông kỹ và hay như thế. Cũng phải thôi, ông đã cùng dòng sông nếm trải qua bao bến bờ của đời người. Đã thả hồn mộng du qua những mùa hoa trái, đón ráng chiều tím ngắt chuông chùa Thiên Mụ, đã đau đáu nhìn dòng sông để tìm cho được lời an ủi mỗi khi ngã lòng… Dường như dòng sông đã chảy qua ông để đến với mọi ngóc ngách tâm hồn mỗi người, cho dù chưa từng gặp gỡ. 

Một buổi chiều gần đây, bên dòng sông Hương, tôi nói như thế với nhà văn Vĩnh Quyền, hậu duệ hoàng tộc. Ông cười nhưng mắt vẫn nheo lại, nhìn một vạt nắng và ngóng chậm rãi dòng sông, trải dài lên thảm cỏ. Còn dòng sông vẫn bình thản chờ đón một ráng chiều mới, sẽ đến, sẽ đi qua… Sông Hương là thế. Hình như nó đã chọn phận mình từ suối khe cội nguồn. 

Một vương triều đã lụi tàn, đâu phải chỉ có thành quách, lăng tẩm, những giọng hò trôi theo phận người rồi sẽ đến một bến bờ nào. Có bao nhiêu bom đạn đã trút xuống dòng sông. Có bao nhiêu máu của người lính ở hai phía đã đổ xuống được dòng sông hoà trộn, xoá đi hận thù, tiễn đưa ra biển cả… 

Một dòng sông không hề giận dữ, chia đôi tình thương cho hai nửa thành phố, nuốt vào lòng mình cả những thói hư tật xấu của cái thời người ta dẫm đạp lên tất cả để kiếm lời. Tội nghiệp cho dòng sông, mỗi khi chiều tắt, hàng trăm chiếc thuyền loè loẹt chở du khách nghe ca Huế cải biên giày xéo lên mặt sông, văng ra những âm thanh pha tạp cùng những câu đùa vô lối tục tằn. Chảy đi sông ơi, chứ đừng nuốt vào lòng những của xa lạ này… Dòng chảy nhẫn nhịn đó đã tắm rửa và thấm đẫm vào bao thế hệ văn nhân từ cố đô, tạo nên một phẩm chất riêng biệt, không đâu có. Bình thản, ôn hoà đấy, mà kiêu sa làm sao. Chữ “Dạ” của người phụ nữ Huế thốt ra khác hẳn chữ “Dạ” của bất kỳ vùng nào. Rất gần gũi những rõ ràng có một khoảng cách. Còn giới mày râu, chữ nghĩa đầy mình, trong cuộc rượu thường không ồn ã, nhưng khi đề cập đến một câu chuyện có nhiều bất bình thì dường như ai cũng nói một câu: “Thôi kệ”… 

Cả một dòng sông “thôi kệ” 

Để giữ riêng trong lòng mình biết bao nhiêu câu chuyện. Vẫn nhẫn nại chở chuyên biết bao nhiêu điều vô lối của một thời. Vẫn đổi màu khoe sắc theo từng thời khắc của một ngày, làm mủi lòng biết bao thân phận. Chịu ơn dòng sông một chút thôi, chắc chắn ai cũng nghe được ít nhiều câu chuyện của nó. Và, chắc chắn mỗi người sẽ tốt hơn lên một chút.

Những ngày ở Huế, tôi may mắn được hầu chuyện võ sư Nguyễn Văn Dũng. Ông là trưởng môn phái karatedo suốt vùng miền Trung vào đến Nam bộ, môn sinh của ông lên đến cả ngàn. Ông yêu dòng sông này đến mức cực đoan. Lời tự tình của một dòng sông là tên cuốn sách về sông Hương, về Huế của ông mới xuất bản, dày trên 800 trang. Ngay từ những trang đầu, ông đã nhập vai con sông để cất lên, ngoài những lời tự tình, là những lời kêu cứu khẩn thiết của dòng sông đang lâm trọng bệnh. Sao người ta lại nỡ đối xử với dòng sông như vậy.

Trò chuyện với chúng tôi bên chén rượu, ông nói nhiều đến nỗi bất bình và bất lực của ông hàng ngày, phải chứng kiến những dòng chảy vẩn đục đang xâm chiếm dòng sông, đang huỷ hoại sắc màu từ ngàn xưa làm nên niềm kiêu hãnh cho dòng sông. Rồi ông nói: “Chúng ta sẽ có tội với tiền nhân nếu cứ “thôi kệ” trước cơn đau của dòng sông, mà quên mất rằng chính dòng sông đã rửa trôi giùm cho chúng ta biết bao đau thương của lịch sử. Không thể vô ơn như thế với dòng sông đã chịu đựng biết bao điều”… 

Ai đã đặt tên cho dòng sông? Ai đã thấu hiểu cặn kẽ những gì nó chuyên chở? Và như thế, có lẽ phải đặt thêm rất nhiều tên cho một dòng sông... 

Trịnh Tú - ảnh: Trần Việt Đức 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: