Nghĩ từ đất nước của các vị thần

Thứ hai, 21 Tháng 7 2014 06:04 Lao Động
In

Nhớ lại hồi đầu thế kỷ trước, khi công nghệ và nghệ thuật chụp ảnh ra đời cùng những tiến bộ của công nghệ in ảnh, cả thế giới đã lên cơn sốt sản xuất và lưu hành các tấm bưu ảnh, giúp cho con người có thể chiêm ngưỡng mọi nơi cùng với đời sống tập tục của các cộng đồng cư dân còn xa lạ trên toàn thế giới...  

Con số thống kê trong một luận án tiến sĩ cho biết, chỉ riêng Đông Dương, trong vòng hai thập kỷ đầu thế kỷ XX đã phát hành chừng 18 ngàn mẫu bưu ảnh với số bản phát hành lên đến nhiều chục triệu tấm phát tán hình ảnh của xứ sở này ra khắp thế giới. Nhưng dường như những tấm ảnh hay thông tin trên mạng dù có phong phú và tiện ích bao nhiêu cũng không ngăn cản mong ước và thực tế còn thúc giục bước chân của con người tiếp cận với mọi miền của thế giới đang ngày càng nhỏ hẹp nhờ những tiến bộ về khă năng dịch chuyển của con người. Ở thế kỷ trước, nó kích thích con người, nhất là từ các nước phát triển hơn tìm đến những nơi kém phát triển để làm ăn, khai thác, trùng lặp với thời kỳ của các cuộc chinh phục thuộc địa. Còn ngày nay, cùng với xu thế hội nhập thế giới như một không gian sống chung của nhân loại thì du lịch đã trở thành một nhu cầu ngày càng lớn bao nhiêu thì cũng tạo ra những tiềm năng to lớn bấy nhiêu khiến mọi quốc gia đều lục tìm trong di sản của mình có những gì có thể đáp ứng được cái nhu cầu mang lại lợi ích tính được vào GDP để đem ra khai thác. 

Ngày nay, chỉ cần có đôi chút hiểu biết lịch sử nhân loại cũng đủ mang đến ao ước của nhiều người muốn trong đời có cơ hội một lần được đứng dưới chân các Kim tự tháp hùng vĩ của Ai Cập, dạo bộ trên Vạn lý trường thành hoành tráng của Trung Hoa hay leo tới những kiến trúc kỳ bí của các nền văn minh cổ đại ở Trung Mỹ, hay hành hương tới các Phật tích của đất nước Ấn Độ huyền bí... Đó là xứ sở của các nền văn minh cổ đại và sẽ không thể không tìm đến Italia và Hy Lạp để chiêm ngưỡng những dấu tích của hai nền văn minh ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với Châu Âu từng một thời tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn thế giới. 

Nhìn lên bản đồ thế giới, ngoài những đại dương bao la giúp cho mọi châu lục có thể tiếp xúc với nhau thì Địa Trung Hải nhỏ hẹp hơn lại giúp ba châu lục quan trọng nhất lịch sử nhân loại thời cổ và trung đại là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi xích lại gần nhau và tạo ra nguồn lực cho sự hình thành các thể chế văn minh nổi trội. Dễ hiểu vì sao Thổ Nhĩ Kỳ từng một thời làm nên đế quốc Ba Tư hùng mạnh, cùng với Hy Lạp và Italia hai quốc gia Châu Âu tạo hình tựa như một bàn tay và cái chân khuấy nước Địa Trung Hải, tạo nên những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại một thời. Đó là đế quốc La Mã với sức mạnh cơ bắp và lòng dũng cảm, còn Hy Lạp xã hội ngự trị bởi trí tuệ và sức sống của các thành bang mà cái di sản tiêu biểu nhất của nó đang được thế giới hiện đại kế thừa, đó là tinh thần và thể chế dân chủ. 

Được đến Hy Lạp như một khách du lịch thực là một điều thú vị. Đất nước của chừng 11 triệu dân này vừa trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng, từng đứng bên bờ sự vỡ nợ quốc gia, phải thắt lưng buộc bụng tới nấc cuối cùng và được các nhà phân tích kinh tế dự báo triển vọng khả quan hơn vào năm 2014 này... vẫn hiển hiện trong con mắt của du khách với tất cả vẻ đẹp và tiềm năng giàu có những di sản văn hóa và lịch sử của nó. Những khu di tích, các đường phố buôn bán, dịch vụ quanh các di tích vẫn sầm uất; các bảo tàng quốc gia về cổ vật trên xứ sở của các thần linh vẫn đông người đến xem. Nói đến nước Hy Lạp, hay đã đặt chân lên đất nước này mọi du khách phải nhắc đến một danh từ: Acropolis gắn với thế giới các thần linh, rồi mới nhắc đến những Olympia, Olympic, marathon... hay các tên tuổi như Platon, socrates, Archimedes... 

“Acropolis” vốn chỉ là một thuật ngữ tương đương với nghĩa “thành quách” của một công trình phòng thủ rất phổ biến đương thời. Nhưng giờ đây khi được viết hoa, nó chỉ mang nghĩa là tòa thành của địa danh Athens (Athina hay Athène) một thành bang nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại, nay là thủ đô của Cộng hòa Hy Lạp. Nằm trên một tảng đá thiêng ở độ cao chừng 150m so với mặt nước biển, một quần thể những công trình kiến trúc chủ yếu thờ các đấng thần linh và với những nét đặc sắc trở thành kinh điển của kiến trúc Hy Lạp cổ đại có ảnh hưởng tới kiến trúc của cả Châu Âu và thế giới còn lại, Acropolis trở thành một mẫu hình tiêu biểu của thời đại phát triển rực rỡ của văn hoá Athens. Và chính những kiến trúc hạ tầng và sự phong phú của thế giới các thần linh được xây dựng trên nền tảng của một xã hội mà cả nông nghiệp cũng như giao thương buôn bán đã tạo nên một thế giới riêng về tinh thần của Athens so với các thành bang khác của đất nước Hy Lạp hay các quốc gia xung quanh: Đó là tinh thần và thể chế sơ khai của nền dân chủ, nơi mà sự điều hành quốc gia trong đó có cả những quyết định quan trọng về chiến tranh và hoà bình không thuộc về một quyền lực cá nhân mà phải là của các công dân (đàn ông và không phải là nô lệ) của Athens. Và chính sức mạnh ấy đã giúp Athens và các thành bang khác của Hy Lạp thoát ra khỏi những thế kỷ của Kỷ nguyên Bóng tối để bước vào Kỷ nguyên Hy Lạp hoá rực rỡ (thế kỷ VIII trước CN). 

Kiến trúc trung tâm của Acropolis là Đền thờ Parthenon nơi thờ vị thần như ở bên ta gọi là “thành hoàng”, người bảo trợ cho thành bang Athens khi hình thành. Kiến trúc hiện tại với những hàng cột cao dựng bằng những khối đá hoa cương được gia công tinh xảo và chính xác và với sự sắp xếp kiến trúc tạo nên sự hoành tráng lại ở vị trí trên cao, nơi toàn thành phố, thậm chí từ ngoài biển Aegea cửa Địa Trung Hải cũng nhìn thấy đã phô bày sức mạnh và vẻ đẹp của thành bang. Cho dù kiến trúc hiện tại không phải là kiến trúc đầu tiên và nó được xây lại sau sự tàn phá trong cuộc chiến tranh với Ba Tư, nhưng nó lại mang được vẻ đẹp của thời đại sung mãn nhất của Athens trong lịch sử của mình.

Từ năm 2011, giữa lúc những khó khăn kinh tế đang chồng chất, Chính phủ Hy Lạp quyết định những đầu tư rất lớn nhằm trùng tu một cách căn bản toàn bộ di tích Acropolis. Các kiến trúc được xử lý bằng những phương pháp hiện đại nhất nhằm gột bỏ những sự tàn phá của thời gian chủ yếu do sự ô nhiễm không khí, các kết cấu kiến trúc được gia cố bởi những lõi ti tan gắn kết những khối đá bị dịch chuyển vì chiến tranh và địa chấn...

Và từ giữa năm 2009, sau 10 năm chuẩn bị và thi công với vô số những rắc rối không chỉ về phương án thi công mà còn vì những xung đột luật pháp liên quan đến mối quan hệ giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển (câu chuyện thường ngày liên quan đến di sản) liên quan đến một di sản văn hóa được cả UNESCO lẫn EU công nhận. Bảo tàng Acropolis mới đã được khánh thành với mức vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD để trưng bày kho tàng vô giá được tích lũy sau cả thế kỷ khai quật của các nhà khảo cổ học trên không gian của vùng đất thiêng này.

Nét đặc sắc của toà kiến trúc do một kiến trúc sư người Thụy Sĩ gốc Pháp Bernarrd Schumi thiết kế là nó nằm ngay trên hiện trường của nơi khai quật và còn rất nhiều phế tích khảo cổ học quý giá. Toàn bộ tòa nhà hùng vĩ đều nằm trên những chân cột bê tông lớn để qua những khoảng không lộ thiên hay những tấm sàn thủy tinh chịu lực trong suốt, khách tham quan vẫn hình dung dưới chân mình chính là một di sản khảo cổ học vô cùng phong phú, cùng với những hiện vật được trưng bày theo phong cách rất hiện đại và sử dụng nhiều công nghệ nghe nhìn và dịch vụ tiên tiến, tòa bảo tàng này được coi là một kỳ công.

Lựa chọn khôn ngoan vị trí xây dựng bảo tàng ở lưng núi khiến người ở trong bảo tàng luôn thấy trong tầm mắt Đền Parthenon trên nền trời. Và đứng từ xa nhìn lên đỉnh Acropolis toà bảo tàng ở lưng núi như gắn với ngôi đền Parthenon ở góc nhìn đẹp nhất tạo nên biểu tượng của Thủ đô Hy Lạp hiện tại. Cũng cần nói thêm rằng, việc xây toà bảo tàng hiện đại này còn khởi động cho việc thu hút về đất nước Hy Lạp rất nhiều cổ vật có liên quan đến Acropolis bị lưu lạc ở nước ngoài mà việc Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở New York (Mỹ) đã trả lại cho chủ nhân của nó vào dịp khánh thành bảo tàng là một sự kiện đáng khích lệ. Trong nhiều trường hợp việc trả lại những hiện vật giữa các quốc gia gặp trục trặc chỉ vì sự thiếu tin tưởng vào khả năng bảo quản và quảng bá của nơi đòi... Trường hợp Bảo tàng Acropolis là một bằng chứng khích lệ các quốc gia cần đầu tư vào điều kiện hạ tầng và năng lực của các bảo tàng quốc gia. 

Và quả thực, với du khách của nhiều quốc gia trên thế giới khi đến thăm bảo tàng này, chiêm ngưỡng những cổ vật ở đây đều cảm thấy đó là di sản của nhân loại trong đó có cả quốc gia của mình. Với người Việt Nam, xem bảo tàng này dễ liên tưởng đến khu Di tích Hoàng thành Thăng Long cũng mới được khai quật trong một thập kỷ qua. Kiến trúc của Bảo tàng Acropolis mới này sẽ mang lại nhiều gợi ý cho những giải pháp bảo tồn quần thể các di tích khảo cổ học xung quanh toà nhà Quốc hội trên Quảng trường Ba Đình, sắp được đưa vào sử dụng.

Ở Athens còn có Bảo tàng Quốc gia Khảo cổ học được xây dựng từ thế kỷ XIX cũng đã được hiện đạo hoá nội thất được coi là một địa điểm giới thiệu lịch sử không chỉ riêng của Hy Lạp mà với cả khu vực Địa Trung Hải và nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của nền Văn minh Hy Lạp cũng như cộng đồng cư dân Hy Lạp di cư qua những biến cố lịch sử mang theo ảnh hưởng của mình tạo ra những cung lực mới cho sự thay đổi nhiều quốc gia khác mà công cuộc Phục hưng của Châu Âu là một bằng chứng. Sự phong phú của các hiện vật, đặc biệt là tượng các vị thần dù phần lớn không còn nguyên vẹn nhưng những nét đặc sắc và tinh tế của những gì còn lại cũng đủ để ta hình dung ra sự huy hoàng của một thời đã qua.

Vào thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà nguyên nhân được chỉ ra là do đầu tư công mang đến những khoản nợ công quá lớn đến mức quốc gia đứng bên bờ vực phá sản, EU áp đặt yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp vẫn nỗ lực đầu tư vào các công trình hạ tầng nhằm bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử của mình giờ đây được nhìn nhận như một việc làm đúng đắn. Du lịch ngày càng chiếm tỉ trọng ngày một lớn hơn cho nền thu nhập quốc gia cũng như cho những người dân của đất nước này.

Đến Athens, không thể không đi thăm Acropolis thăm các bảo tàng cũng như các địa điểm như Học viện Hàn lâm, Nhà Quốc hội và Thư viện Quốc gia cũng như trường đại học sớm nhất bên bờ Địa Trung Hải... cùng những khoảng không gian dự trữ được bỏ trống là những nơi có những dấu tích khảo cổ học sẽ để dành cho các thế hệ mai sau khai quật tiếp mới thấy quan niệm của người dân xứ sở của những vị thần cổ đại này luôn tin vào những linh nghiệm của đức tin vào thần thánh. Hỏi một người lái xe taxi, họ sẵn sàng bày tỏ sự bi quan đến cùng cực về nền kinh tế của quốc gia bất chấp những tiên đoán của các nhà chính trị hay kinh tế. Họ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng là do tình trạng nhập cư diễn ra trong cộng đồng Châu Âu mà Hy Lạp tham gia đã làm cho các vị thần linh không bằng lòng. Mà các vị thần linh ở Hy Lạp lại rất gần với đời sống người thường mà các truyền thuyết hay thần thoại Hy Lạp rất dài dòng khi diễn giải mối quan hệ giữa các vị thần và với người trần nhưng suy đến cùng chỉ nói đến khát vọng rất đời thường của con người ở mọi nơi và mọi thời, đó là Tự do.

Giới thiệu về đất nước Hy Lạp của mình với khách là người ngoại quốc, người lái xe taxi lưu ý với chúng tôi rằng, tiêu đề của quốc gia Hy Lạp là “Tự do hay là Chết” và quốc ca Hy Lạp có tên là “Thánh ca cho Tự do”. 

Dương Trung Quốc, Athens - 7/2014 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: