Quan điểm mới về các trận động đất do con người gây ra

Chủ nhật, 17 Tháng 5 2015 05:48 Tia Sáng
In

Khoa học đã có những bước tiến đáng kể giúp ta hiểu rõ hơn về các rung lắc tiềm tàng của mặt đất xuất phát từ những trận động đất cảm ứng (induced earthquakes), – tức động đất gây ra bởi các hoạt động của con người. 

Hoạt động địa chấn đã tăng mạnh kể từ năm 2009 tại vùng trung tâm và miền đông nước Mỹ. Sự gia tăng này có liên quan đến hoạt động công nghiệp xử lý nước thải bằng cách bơm nó xuống các giếng sâu.  


Bản đồ cảnh báo nguy cơ địa chấn toàn quốc cập nhật của USGS. 

Ngày 23/4 mới đây, Cục Điều tra địa chất Mỹ (US Geological Survey, USGS) công bố bản báo cáo trong đó có trình bày một bộ mô hình bước đầu dự báo sự rung chấn mặt đất nguy hiểm có thể xảy ra tại các vùng từng ghi chép thấy sự tăng mạnh rung chấn. 

Các nhà khoa học của USGS xác nhận 17 vùng ở tám bang của Mỹ có hiện tượng tăng tần suất xảy ra địa chấn cảm ứng. Từ năm 2000, một số vùng đó đã xảy ra địa chấn ở mức cao.

Khoan giếng dầu khí, hoặc quá trình bơm nước xuống tầng sâu dưới lòng đất đã và đang gây ra hoạt động địa chấn ở các bang Alabama, Arkansas, Colorado, Kansas, New Mexico, Ohio, Oklahoma và Texas.

Các chuyên gia cho rằng có khi động đất là do tầng địa chất bị sức ép thủy lực làm nứt vỡ gây ra; trong quá trình khai thác dầu và khí sẽ có rất nhiều nước, cát và hóa chất chảy vào trong kết cấu tầng nham thạch. Hiện nay trong hoạt động khai thác dầu khí từ đá phiến, người ta sử dụng công nghệ Fracking (công nghệ bẻ gãy thủy lực), tức bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để dùng sức nước cắt phá các tầng đá phiến, nhờ đó giải phóng dầu và khí đốt hàng triệu năm qua bị kẹt lại trong lớp đất đá này. Phần nước thải trào lên từ giếng khoan sau đó sẽ được tái sử dụng để bơm xuống các giếng khoan khác dùng chung kỹ thuật fracking. 

Việc bơm nước xuống lòng đất có thể kích hoạt tầng đứt gãy đang ngủ yên, qua đó sinh ra hoạt động địa chấn. Trước đây nhiều nghiên cứu đã đề cập vấn đề bơm nước thải có thể dẫn tới những trận động đất nhỏ, nhưng bản báo cáo nghiên cứu mới đây do USGS đưa ra lần đầu tiên phân tích toàn diện sự hình thành động đất. 

Bản báo cáo này lần đầu tiên trình bày việc những trận động đất gây ra bởi sự bơm nước xuống lòng đất có thể được đưa vào Bản đồ nguy cơ địa chấn,” Mark Petersen, người phụ trách Dự án Mô hình cảnh báo nguy hiểm động đất toàn quốc của USGS (National Seismic Hazard Modeling Project) nói. “Những trận động đất này xảy ra với nhịp điệu cao chưa từng thấy và đem lại nguy cơ rủi ro lớn cho dân chúng ở gần. USGS đang phát triển các phương pháp vượt qua những thách thức trong việc đánh giá các nguy cơ địa chấn ở các vùng này để hỗ trợ việc đưa ra các quyết định bảo đảm cuộc sống cộng đồng được an toàn khi mặt đất rung chuyển.” 

Năm 2014, USGS đã phát hành Bản đồ cảnh báo nguy cơ địa chấn toàn quốc cập nhật (National Seismic Hazard Maps), trình bày mức độ nguy hiểm của các trận động đất tự nhiên. Các bản đồ này được sử dụng vào việc lập quy phạm kiến trúc, xác định mức giá bảo hiểm, lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp và các ứng dụng khác. Chúng dự báo khả năng xảy ra địa chấn trong vòng chu kỳ 50 năm – là tuổi thọ trung bình của một tòa nhà. Thế nhưng những sản phẩm địa chấn cảm ứng mới lại trình bày mật độ địa chấn trong chu kỳ chỉ là một năm. Khung thời gian ngắn hơn là hợp lý vì các hoạt động địa chấn cảm ứng có thể nhanh chóng thay đổi theo thời gian. 

(Theo Tia Sáng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: