Thời lép vế của nhà chọc trời Mỹ

Thứ sáu, 21 Tháng 10 2011 09:25 Global Post, Tuần Việt Nam
In

Sự bùng nổ nhà chọc trời liên tục mọc lên ở châu Á khiến nhà chọc trời Mỹ phải hổ thẹn. Trong số 50 tòa nhà cao nhất thế giới, thì có đến một nửa "nghễu nghện" trên các thành phố tại châu lục này.

Đối với những người Mỹ đang rầu lòng về sự suy yếu của đất nước, thì đây lại là một đòn nữa đánh vào bản ngã của họ: các tòa nhà chọc trời hùng vĩ nhất của quốc gia này sẽ sớm bị qua mặt bởi các tòa tháp tại các thành phố mà có thể bạn chưa bao giờ nghe đến.


Một bức ảnh chụp Tượng thần Tự do với bối cảnh là tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Tòa tháp đôi này đã sụp đổ trong cuộc tấn công khủng bố 11/9.

Hãy xem, tòa Trung tâm Thương mại Thế giới 1 (One World Trade Center), khi hoàn thành vào năm 2013, nó sẽ là tòa nhà cao nhất nước Mỹ, nhưng chỉ cao thứ ba thế giới - thấp hơn hàng trăm feet so với hai tòa tháp tại Dubai và Mecca. Đến năm 2015, nó sẽ trượt xuống vị trí thứ bảy tính trên toàn cầu, nếu tất cả các tòa tháp hiện đang xây dựng hoàn thành. Và vào cuối thập kỷ này, nó có thể bị loại khỏi danh sách top 10, theo dữ liệu từ Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị.


Công trình Trung tâm Thương mại Thế giới 1 (One World Trade Center) nổi bật

Thượng Hải và Seoul sẽ sớm tuyên bố xây dựng những tòa nhà cao hơn. Tương tự như vậy đối với các thành phố lớn ít nổi danh hơn của Trung Quốc là Thâm Quyến, Vũ Hán và Thiên Tân.

Vào thời kỳ quyền lực đỉnh cao, Mỹ tuyên bố sự thịnh vượng với những tòa tháp bằng thép và kính từ New York đến Houston đến Los Angeles. Nhưng sự bùng nổ nhà chọc trời liên tục mọc lên tại châu Á đã khiến nhà chọc trời Mỹ phải hổ thẹn.

Trong số 50 tòa nhà cao nhất thế giới, thì có đến một nửa "nghễu nghện" tại các thành phố châu Á. Thế cân bằng này sẽ còn bị phá vỡ khi các tòa nhà dự kiến hoặc đang xây dựng được hoàn thành. Tại thời điểm đó, tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới 1 cao 540 m có thể sẽ trở thành tòa tháp duy nhất của Mỹ nằm trong top 20.

"Hãy nhìn Chicago. Nó được coi như thánh địa của kiến ​​trúc nhà cao tầng. Nhưng chẳng còn gì tiếp diễn ở đây nữa", ông Jan Klerks, giám đốc truyền thông của Hội đồng nhà cao tầng và môi trường sống đô thị cho hay.

Ngược lại, tại Trung Quốc, "không còn là hi hữu để tìm được một số thành phố mà bạn hầu như chẳng biết đến đang xây dựng một tòa nhà cao 500 mét."

Bắt đầu từ năm 1901, chín tòa tháp của Mỹ thay phiên nhau chia sẻ ngôi vị "cao nhất thế giới" suốt thế kỷ 20. Nổi tiếng nhất bao gồm tòa Empire State, Sears Tower ở Chicago (bây giờ gọi là tháp Willis) và Trung tâm Thương mại Thế giới. Trước khi có sự thống trị của nhà chọc trời Mỹ, tòa nhà cao nhất thế giới là một nhà thờ Gothic tại Đức.


Tháp Burj Khalifa tại Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), hiện là tòa tháp cao nhất thế giới.

Cuộc cạnh tranh này đã chuyển hướng về phía đông. Các nền kinh tế đang lên tại Trung Đông và châu Á đang tiến hành cuộc đua tranh xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới. "Nhà vô địch" dường như đổi quốc tịch cứ mỗi 6-7 năm.

Malaysia là quốc gia châu Á đầu tiên đã "đánh cắp" danh hiệu với Tháp đôi Petronas, hoàn thành năm 1998. Nhưng chiến công đó đã nhanh chóng bị đánh bại bởi tháp Đài Bắc 101 của Đài Loan, hoàn thành năm 2004, và tiếp theo là nhà đương kim vô địch, tháp Burj Khalifa của Dubai, hoàn thành năm ngoái, cao 828 mét.

Cuộc đua đang tiến đến cái đích mới: tháp cao kilomet đầu tiên của thế giới. Đến nay, tòa tháp dự kiến "Kingdom Tower" của Ả-rập Xê-út có vẻ đang là đối thủ nhiều tiềm năng đoạt ngôi quán quân nhất. "Họ đã có bản dự kiến chính thức và nắm tiền trong tay," Klerks cho biết.

Rồi từ đó, Klerks cho biết, các kỹ sư có khả năng sẽ cố gắng xây tòa nhà chọc trời cao một dặm (khoảng 1,6 km). "Xét về kỹ thuật, các tòa nhà có thể vươn cao lên một dặm và vẫn đứng vững qua động đất và gió mạnh", ông nói.

"Việc có thể xây cao đến đâu tùy thuộc vào độ sâu của túi tiền", Klerks cho biết. "Nhà càng cao, chi phí càng tăng theo cấp số nhân."

Trung Quốc, sau ba thập kỷ đạt mức tăng trưởng hàng năm trung bình 9-10%, đang có những chiếc túi "sâu hun hút". Mặc dù không thể kỳ vọng sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng dự kiến năm 2015, Trung Quốc ​​sẽ là nơi tọa lạc của 21 trên tổng số 50 tòa nhà cao nhất thế giới.

Chỉ trong một vài năm, Trung Quốc sẽ có tổng cộng 37 tòa nhà cao từ 60 tầng trở lên, theo số liệu của Hội đồng Nhà cao tầng. Trong khi Hoa Kỳ sẽ có 10 tòa.

"Như một phần biểu tượng của sức mạnh kinh tế và thanh thế, Trung Quốc đang xây dựng những tòa nhà siêu cao từ 80 tầng trở lên này", Jason Pomeroy, một kiến ​​trúc sư Singapore nhận xét.


Dự án "Kingdom Tower" của Ả-rập Xê-út

Tuy nhiên, theo Klerks, cơn bùng nổ nhà chọc trời của Trung Quốc không đơn thuần là sự phô diễn sức mạnh kinh tế. Mỗi người tràn vào các thành phố đông đúc của Trung Quốc cần một nơi để sống, và các tòa tháp cao giúp giải quyết vấn đề mật độ dân số.

"Tại Thượng Hải, bạn sẽ thấy cơ man những tòa nhà tẻ nhạt, tầm thường nhưng rất cao," ông nói. "Đó không phải là những tòa nhà siêu cao và đẹp đẽ. Tuy nhiên, họ đang chăm lo vấn đề chỗ ở cho con người."

Điều tương tự cũng đang diễn ra tại vùng nhiệt đới châu Á, nơi các tòa nhà hào nhoáng cao từ 50 tầng trở lên đang mọc lên tại Philippines, Indonesia và Malaysia.

Trong khi đó, các tòa nhà chọc trời của Mỹ dường như đang có xu hướng hạ thấp lại.

Trong số 30 tòa nhà cao nhất thế giới đã bị phá đổ, tám trong top 10 là bị phá hủy tại Mỹ. Trong những thập kỷ gần đây, hơn 750 tầng của các công trình chọc trời đã được phá hủy ở Mỹ, theo số liệu của Hội đồng nhà cao tầng.

Tuy nhiên, trong khi hào quang nhà chọc trời của Mỹ đang mờ dần, và nhà chọc trời của châu Á ngày càng cao hơn, kiến trúc sư Pomeroy cũng cảnh báo một mối liên hệ tất yếu giữa các tòa nhà siêu cao và nền kinh tế bùng nổ quá mức.

Tòa nhà Empire State mọc lên vào giữa cuộc Đại khủng hoảng. Tháp Petronas của Malaysia khánh thành năm 1998, cũng đúng vào khi một cuộc khủng hoảng tài chính quét qua châu Á. Tháp cao nhất hiện nay, Burj Khalifa của Dubai, mở cửa sau thảm họa tài chính toàn cầu năm 2008.

"Có một nghịch lý", Pomeroy nói. "Tòa tháp độc nhất tượng trưng cho quyền lực và thanh thế lại có thể báo hiệu những tác động khủng khiếp của một đợt suy thoái đang tới."

Patrick Winn (Global Post) - Hải Tâm (biên dịch)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: