Kinh nghiệm quốc tế trong cải tạo đô thị cũ

Thứ ba, 01 Tháng 11 2011 00:09 Người Đô thị
In

Quy hoạch cải tạo đô thị thường khó khăn và phức tạp hơn quy hoạch đô thị mới bởi đây là việc thay đổi việc tổ chức không gian sống trong bối cảnh các cộng đồng đã xác lập những mối quan hệ bền vững về kinh tế - xã hội, không gian vật thể và môi trường. Dường như những khó khăn chúng ta đang gặp phải gắn với thể chế thị trường chưa hoàn thiện; trong khi đó, cải tạo không chỉ là xây dựng lại mà còn làm thay đổi mối quan hệ lợi ích đa chiều.


Dự án Coin Street ở London sau khi cải tạo xong

Triết lý hợp lý và hòa hợp

Trường phái Tây phương với tư tưởng triết học của Harbemas (triết gia Đức, 1929) lấy sự hợp lý là phải cho phép sự trao đổi rộng rãi và tự thân quá trình này sẽ giúp chọn ra sự tối ưu (communicative rationality). Điều kiện để có sự hợp lý này là phải dân chủ trong bàn thảo và ra quyết định. Khi đó, tính pháp chế và tiến bộ xã hội mới thực hiện được do người dân thỏa mãn sự hiểu biết, tự giáo dục để tuân thủ. Triết lý này là nền tảng của trường phái quy hoạch tham gia (collaborative planning[1]) được sử dụng rộng rãi ngày nay trong tiếp cận quy hoạch cải tạo.

Mô hình quy hoạch cải tạo có sự tham gia chặt chẽ của các tổ chức tài chính, tư vấn, chính quyền địa phương và cộng đồng.

Lợi ích căn bản vẫn là sự khác biệt trong giá trị bất động sản sau khi cải tạo.  

Việc cải tạo thành công bậc nhất giai đoạn phong kiến/cách mạng công nghiệp ở phương Tây có lẽ là quy hoạch cải tạo Paris do Haussman tiến hành vào giữa thế kỷ 19 (1852) kéo dài hàng chục năm (1852-1870). Đại đồ án đã tiến hành di dời phần lớn khu vực trung tâm, cải tạo triệt để (phá dỡ 20.000 căn nhà và xây mới 40.000 căn, hệ thống thoát nước và giao thông hoàn toàn mới rộng rãi) là ví dụ điển hình cho cách thức làm triệt để và quy mô. Tuy nhiên, những dự án như vậy chỉ tiến hành được khi hội đủ yếu tố môi trường vật thể - xuống cấp công trình và dịch bệnh (dẫn đến cái chết 20.000 người trên tổng số 650.000 người năm 1832), kinh tế xã hội – đồng thuận về chính trị và nguồn tài chính dồi dào. Thành công của Haussman là bộ mặt đô thị hoàn toàn mới ở trung tâm Paris, không lạc hậu hàng thế kỷ; nhưng tham vọng của Haussman quá lớn khi mở rộng phạm vi cải tạo ra bên ngoài trung tâm nên cũng dẫn đến nhiều vấn đề. Sau hai mươi năm cải tạo, dự án ngốn quá nhiều tiền và thời gian dẫn đến các định chế tài chính phá sản, sự đồng thuận không còn và phải hủy bỏ.

Cải tạo đô thị và vai trò của các lực lượng thị trường

Việc cải tạo các dự án quy mô lớn hay nhỏ trong nền kinh tế thị trường ở phương Tây đều tiến hành trên nền tảng sự lựa chọn của vốn (capital) và khu vực tư lớn mạnh và nền tảng kinh tế thị trường phát triển. Khi khu vực công không phải là các doanh nghiệp mà là nhánh quyền lực, bản chất các quá trình cải tạo là hợp tác hay đối tác (partnership) để thực hiện các mục tiêu. Nhiệm vụ của chính quyền là giám sát để các mục tiêu xã hội đạt được dựa trên các chính sách khuyến khích (incentive policies). Các chính sách hiện đại tìm cách hạn chế phá dỡ và tìm cách giữ gìn và cải tạo sử dụng sáng tạo các công trình và khu vực cũ.

Trong triết lý cải tạo này cũng như triết lý hòa hợp, vai trò của chính quyền có sự thay đổi từ người quản lý sang nhà doanh nghiệp đô thị. Nói cách khác, chính quyền tiến hành giải quyết các vấn đề cải tạo đô thị trên quan điểm kinh doanh (John Diamond et al., 2010). Cách thức tác độn vào cải tạo phát huy có điều kiện sức mạnh của lực lượng thị trường, và bản thân chính quyền cũng có tư tưởng kinh doanh trong cải tạo phát triển.

Bên ngoài nước Mỹ, các đô thị Đông Đức sau những năm 1990 và đặc biệt là Berlin được cải tạo bởi thời cơ đặc biệt khi tiềm lực kinh tế CHLB Đức dồi dào, hệ thống kinh tế Đông Đức rệu rã cần thay thế và các công trình hạ tầng đô thị xuống cấp. Nhưng lợi ích căn bản vẫn là sự khác biệt trong giá trị bất động sản sau khi cải tạo. Các đề xuất xóa nhà ổ chuột tại Trung Quốc cũng có vấn đề tương tự khi xóa sổ các khu ổ chuột của người nhập cư ở trung tâm cũ (ví dụ làng Zhejiang ở Bắc Kinh) hoặc các khu ở kiểu tập thể (danwei) do các xí nghiệp xây dựng vào thập niên 60 và đẩy họ ra vùng ngoại vi (Leaf, 1995). Đất trung tâm được dùng để xây dựng căn hộ cao cấp và các khu biệt thự xa hoa.

Tại Việt Nam, nhiều dự án di dời nhà máy ở Hà Nội giai đoạn gần đây cũng chỉ phục vụ một nhóm người thu nhập cao bởi Vincom Royal City, Vincom Tower, hay Times City. Quá trình thanh lọc về nhóm thu nhập ở đây cũng đã được dự báo trong giai đoạn sắp tới./.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Học viện hành chính 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: