Nhà ở xã hội tại Pháp: Thế hệ chung cư mới

Thứ hai, 14 Tháng 11 2011 09:41 Người Đô thị
In

Tại Reims, Paris, Angers hay Bordeaux, một thế hệ mới các dự án nhà ở xã hội đã ra đời. Chúng hội tụ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xây dựng và an sinh xã hội như công năng sử dụng tốt hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và vóc dáng thanh thoát hơn.

Đội ngũ kiến trúc sư vì thế cũng sẽ làm việc cật lực và phải sáng tạo hơn, trong khi phải đối mặt với nhiều điều kiện kỹ thuật khắc khe và nguồn cung tài chính hạn hẹp. 

Chúng ta có thể gọi đây là một ngọn núi nhỏ? Hoàn toàn hợp lý. Bởi đây là một ngôi nhà bằng gỗ diện tích 130m2, có phần mái được bao phủ hoàn toàn bằng một “vỉa” cây xanh, với mục đích làm giảm tối đa mức tiêu tốn năng lượng cho toàn bộ ngôi nhà. Mô hình nhà ở này do kiến trúc sư Patrick Nadeau thiết kế trong mục đích “thử nghiệm một vài phát kiến mới về mặt kỹ thuật, đặc biệt trên lãnh vực nhiệt học” và với hi vọng “chúng có thể sẽ được triển khai trên quy mô lớn”. 

Bước tiến mới

Giám đốc phụ trách về cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh thuộc tổ chức chuyên lo về nhà ở giá rẻ tại thành phố Angers, ông Nicolas Viguier, đã phát biểu: “Tại Pháp, lĩnh vực cung ứng xã hội là một mảnh đất màu mỡ cho nhiều thực nghiệm và sáng tạo thú vị”. Trong khi đó, Benoist Apparu, chuyên viên ban Nhà ở xã hội trong chính phủ Pháp, rất phấn khích: “Chất lượng của loại hình xây dựng này đã phát triển nhanh chóng và phong phú, đến mức hiện nay hầu như khó có thể phân biệt đâu là lĩnh vực tư và đâu là lĩnh vực công”.

Hiện nay tại Pháp, dường như tất cả mọi động thái nhằm vào mục đích triển khai các chương trình nhà ở xã hội đã và đang được khởi động tốt, khả dĩ nhằm để người dân quên đi những tháng ngày u ám của chương trình nhà ở xã hội trong quá khứ. Đến nỗi giờ đây, thuật ngữ HLM (viết tắt của cụm từ habitation à loyer modéré) để chỉ dạng chung cư dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, hầu như không còn là một thuật ngữ mang tính hành chính mà đã được đại chúng hóa đến nhiều người dân. Kể từ năm 2003, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Quốc gia về cải cách đô thị Pháp (ANRU), nhiều khu nhà chung cư HLM cũ đã được phá đi và nhiều khu khác đã được cải tạo. Cũng từ đó, đã có nhiều dự án xây dựng mới ra đời, mang theo mình ít nhiều ý tưởng cải tiến và sáng tạo mới về mọi mặt.

Hélène Schwoerer, phó giám đốc tổ chức chuyên lo về nhà ở giá rẻ tại Paris (Paris habitat), nhấn mạnh: “Có nhiều địa điểm rất thuận lợi cho các dự án xây dựng mang tính sáng tạo, ví dụ như các khu đất còn bỏ trống, nơi có thể đến đấy để phát minh và thực nghiệm tất cả. Và tại nhiều nơi khác vốn trước đây tiêu điều và chịu thất bại trong quá khứ, thì nay chúng đang được đội ngũ các kiến trúc sư để mắt quan tâm, tuy còn với một thái độ cẩn trọng”.

Tiện nghi hơn với chí phí thấp

Thế hệ các kiến trúc sư hiện nay tại Pháp đã rút ra được nhiều bài học từ sai lầm trong quá khứ của các bậc đàn anh nên họ vẫn đang dè dặt “tiến lên” từng bước một. Họ không tìm cách phát minh và “phất cao tay” bằng mọi giá mà đang đã suy nghĩ đến những phương cách thực hiện sao cho “tương thích” được với những gói thầu ngày càng “khó nuốt” hơn. Nữ kiến trúc sư Anne Démians hiện đang đau đáu sao cho chương trình nhà ở xã hội của cô tại quận 16, Paris, được ra đời, dù đang bị nhiều đối thủ công kích. Kiến trúc sư Anne Démians tóm lược: “Vấn đề ở đây là làm thế nào để thiết kế cho ra được những công trình phúc lợi xã hội được trang bị nhiều tiện ích hơn nhưng phải với chi phí thấp”. Cuối cùng, nữ kiến trúc sư này đã vẽ nên dự án của mình là những khu nhà phức hợp được bao phủ hoàn toàn bằng nhôm, một chất liệu được đánh giá là hội đủ các tiêu chuẩn về thẩm mỹ và tiết kiệm năng lượng. Đây cũng chính là đích ngắm của nhiều kiến trúc sư hiện nay khi họ đang đối mặt với một bên là các quy chuẩn chất lượng cao về bảo vệ môi trường (HQE) và một bên là tiêu chuẩn về đạt mức tiêu thụ năng lượng thấp các đối với các công trình xây dựng (BBC).

Tại quận 20 của thủ đô Paris, kiến trúc sư Pascal Gontier đã nghĩ ra các “khối lập phương nén” bằng thép và gỗ để thiết kế nên tổng cộng 17 khu nhà ở xã hội đạt chuẩn “thụ động”, tức ít hấp thu năng lượng từ bên ngoài. Với cái nhìn dường như dứt khoát về ý tưởng đơn giản này, kiến trúc sư Pascal Gontier muốn khẳng định cho mọi người thấy về lập trường xây dựng theo thế “kiềng ba chân” mà ông đưa ra, đó là kiến trúc thẩm mỹ - bảo vệ môi trường - tiết kiệm năng lượng. Duy có điều, từ ý tưởng đến thực tế còn phải trải qua một bước đi dài.

Thay vì tập trung vào không gian nội thất, các kiến trúc sư đang đặt cược vào việc khai thác sâu không gian mặt tiền nhà, với các công năng vừa là ban công, vừa là sân thượng, vừa là mái hiên.

Nữ kiến trúc sư Anne Démians nhấn mạnh: “Để phát minh và cải tiến, chúng tôi phải tìm được các đối tác tốt, chúng tôi còn phải đối diện với các chỉ trích phê phán và phải tuân thủ hàng loạt các quy chuẩn khắt khe. Do đó, chỉ có những ai có tinh thần quyết tâm lắm mới có thể vượt qua được để đi đến đích”. Đúng vậy, nhưng những trở ngại kể trên sẽ kích thích những ai có đầu óc mạo hiểm cộng với một chút khéo léo tài tình trong cách sáng tạo. Việc xử lý các khoảng không gian quả là một thách thức lớn. Và để có thể thành công, các kiến trúc sư nay đã “nhắm” vào phần mặt tiền của các công trình, nhưng không phải là để trang trí cho chúng đẹp hơn thêm, mà là để tận dụng tối đa khoảng không và biến chúng thành những ban công, sân thượng hay hàng hiên trước nhà.

Những mô hình nhà ở xã hội quy mô nhỏ, với thiết kế không gian “giao tiếp mở”, để mọi người đều trở thành “hàng xóm láng giềng” với nhau 

Để cải tạo tòa nhà tháp Bois-le-Prête tại quận 17, Paris, công ty Lacaton & Vassal hợp tác với văn phòng kiến trúc sư Frédéric Drout đã chọn phương án trang bị cho mỗi một căn hộ có được một “khu nhà kính” có thể tự mở ra và đóng vào tùy theo các mùa trong năm. Theo kiến trúc sư Stéphane Maupin: “Với những quy chuẩn đặt ra ngày càng cao, thì phần ngoại thất là một trong những khu vực không gian duy nhất mà chúng tôi chọn để có thể tùy nghi phát huy sáng tạo”. Văn phòng kiến trúc sư Stéphane Maupin một trong chín nhóm trẻ được chọn ra để phụ trách chương trình cải tạo làm mới tuyến đường Pierre-Rebière thuộc quận 17, Paris. Tại đây, 12 khu chung cư khác cũng đang được xây dựng, trong đó đề án thiết kế của kiến trúc sư Stéphane Maupin chính là những “khối nhà đổ dốc như một thác nước” với “triền dốc” gồm nhiều căn nhà nhỏ có sân thượng quay đối mặt vào nhau, với mục đích “tạo điều kiện cho mọi người sống tại đây có cơ hội tốt nhất để trao đổi chuyện trò với nhau”.

Tại Nantes, công ty Tetrarc đã thai nghén một khu nhà sáu tầng với 11 căn hộ, trong đó hộ nào cũng được mở thông ra một hệ thống lối đi chung bằng gỗ nhằm bảo đảm mọi người sống trong đó đều có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên, chứ không phải sống biệt lập. Kiến trúc sư của công trình này, Daniel Caud, phấn khích cho biết: “Mọi người sống tại đây cũng có thể sử dụng hệ thống hành lang chung nói trên để làm nơi sinh hoạt tập thể, ví dụ như vào mùa hè, họ có thể ra đây tổ chức các buổi tiệc lớn”.

Nói chung, sau thất bại của những khu chung cư thuộc thế hệ cũ tại Pháp, nay đội ngũ kiến trúc sư nước này đang từng ngày cho ra đời những mô hình nhà ở xã hội kiểu mới, tân tiến hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và “nồng ấm” hơn. Song, giữa một bên là eo hẹp về tài chánh và một bên là những tiêu chuẩn xây dựng gắt gao, mỗi một dự án đều đang đứng trước nhiều thách thức. Liệu họ có thành công hay không? Tương lai sẽ trả lời.

Phi Hùng (theo L’Express


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: