Kiến trúc về đêm ở Dresden

Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013 12:07 KT&ĐS
In

Với người châu Âu, Dresden là một trong những thành phố xanh nhất châu Âu. Với người Đức, Dresden là một trong mười thành phố đáng sống nhất nước Đức. Với những người đam mê kiến trúc cổ, Dresden là điểm đến khó có thể bỏ qua, bởi thành phố này sở hữu rất nhiều những toà kiến trúc cổ được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.


Phong cách kiến trúc Baroque tại các công trình lớn ở Dresden 

Là một đô thị cổ ven sông Elbe, Dresden miền Đông Đức cũng có vị trí toạ lạc khá tương đồng với nhiều thành cổ khác trên khắp châu Âu, chỉ có điều, ước tính trong năm 1945, hơn 90% công trình kiến trúc của thành phố bị phá huỷ và hư hại nặng do hứng chịu các đợt dội bom trong Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có Vương cung thánh đường – một trong bốn toà kiến trúc nổi tiếng thế giới của Dresden – chỉ còn lại một đống đổ nát. Nhưng hôm nay, Dresden đã hồi sinh, hầu hết các kiến trúc cổ bị phá huỷ hoặc hư hại do chiến tranh đều được tôn tạo, phục chế, trả lại vẻ đẹp nguyên bản như ban đầu, xứng với một thành cổ đáng là điểm đến hấp dẫn nhất để chiêm ngưỡng những nét đẹp đặc trưng từ các toà kiến trúc bên dòng sông Elbe. 
 

Bên dòng sông Elbe 

Cổ thành Dresden hơn 800 năm tuổi, được ví như Firenze, thủ đô cũ của vương quốc Ý (1865 – 1870), thủ phủ vùng Toscana nằm bên dòng Arno, nơi phát động trào lưu thời kỳ phục hưng của Ý, là miền đất nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc. 


Vẻ đẹp của thành cổ Dresden bên dòng Elbe


Cầu cổ Augustus nối từ bờ bắc sang bờ nam đến thành cổ Dresden.

Từ thế kỷ 16, Dresden cũng là nơi các công trình kiến trúc Baroque và phục hưng thăng hoa, từng công trình lần lượt ra đời như cung điện hoàng gia, cung điện Zwinger, nhà hát Opera, lâu đài dòng họ Wettin, Vương cung thánh đường… tất cả hoà quyện và kết nối với nhau như một sự sắp đặt, gọt giũa chỉn chu, mà giới kiến trúc thường dành mỹ từ để miêu tả tổng thể quy hoạch và kiến trúc ở Dresden là: Viên ngọc của kiến trúc châu Âu bên dòng sông Elbe.

Dresden cũng là thành phố hiếm hoi trên đất châu Âu mà khi đến, không cần dùng bản đồ cũng có thể đi và quan sát trọn vẹn các điểm nhấn nổi bật về kiến trúc của thành phố. Bởi rằng khi đêm về, tất cả các kiến trúc cổ ở Dresden được chiếu sáng, tạo nên một hình ảnh lung linh, phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp diễm lệ của Dresden mà hiếm thành phố cổ nào ở châu Âu có được. Từ bờ bắc của thành phố, đợi trời nhập nhoạng tối, khi các kiến trúc đã ăn đèn, tôi tản bộ theo cây cầu Augustus nối với bờ nam, dẫn lối thẳng vào khu thành cổ Dresden để khám phá vẻ đẹp của thế giới kiến trúc nơi này.

Có một nét thú vị mà người châu Âu thường nói: Muốn tận hưởng nhịp sống chậm, Dresden là thiên đường để tận hưởng điều đó. Và quả thật, ở thời khắc về đêm, dòng chảy và nhịp sống thời gian ở Dresden như dừng hẳn lại, thành phố này vô cùng vắng vẻ, có rất nhiều đoạn đường đi mãi chẳng thấy khách bộ hành nào qua lại. Cả thành cổ im lìm, có vẻ như tất cả những âm thanh xô bồ, huyên náo của thường nhật đang nhường bước cho những chiêm nghiệm về câu chuyện xây dựng các toà kiến trúc, để khám phá ra một vẻ đẹp đáng quý hơn từ các toà kiến trúc cổ, một diện mạo về đêm ở Dresden thật quyến rũ và tràn đầy lãng mạn. 
 

Bancông châu Âu 

Chạm chân đến bờ nam của dòng Elbe là con đường cắt ngang – điểm gạch nối giữa dòng Elbe và phố cổ, cũng chính là thành luỹ khi xưa của Dresden – trải dài qua những toà kiến trúc nhấp nhô, được giới kiến trúc mệnh danh là “bancông châu Âu” (Brühlsche Terrasse), nơi toạ lạc học viện Nghệ thuật hoàng gia, bảo tàng Albertinum, cung điện hoàng gia… tạo một cảm giác như đang sải bước trên hành lang dài bất tận, đi qua từng thời kỳ của kiến trúc Baroque, phục hưng, trong không gian và thời gian của hiện tại.

 
Các chi tiết kiến trúc ở Dresden trở nên đẹp và lung linh hơn dưới ánh đèn đêm. 

 

 
Các chi tiết và tổng thể kiến trúc ở "bancông châu Âu".


Nhà thờ chính toà Dresden – một điểm nhấn đẹp trên “bancông châu Âu”. 

Đêm xuống ở “bancông châu Âu”, mỗi công trình cổ nơi này mang ngôn ngữ đặc trưng riêng. Đó là bảo tàng Albertinum nơi lưu giữ các bộ sưu tập tranh nổi tiếng của danh hoạ chuyên vẽ phong cảnh người Đức, Caspar David Friedrich thuộc trường phái lãng mạn, là biểu tượng của trường phái hội hoạ lãng mạn Đức, đến các tác phẩm của Dix, Van Gogh, Monet, Degas…

Từ bờ nam, đi dọc theo hướng đông của thành cổ Dresden đến quảng trường trung tâm, sẽ thấy ngay toà kiến trúc phân tầng đối xứng theo hình tháp, đó chính là nhà hát Opera do kiến trúc sư Gottfried Semper xây dựng năm 1841. Toà kiến trúc này đã từng bị phá huỷ hoàn toàn năm 1945, và sau một thời gian dài phục chế, tôn tạo và xây dựng lại theo nguyên bản ban đầu, mãi đến năm 1985 mới mở cửa trở lại. Rồi cung điện Zwinger mang kiến trúc Baroque muộn, xây dựng trong thời gian từ năm 1710 – 1728.

Mỗi công trình là một vẻ đẹp độc đáo, phối hợp với ánh sáng tỏ – mờ được thiết kế, sắp đặt có chủ ý, càng tăng thêm vẻ đẹp huyền diệu cho kiến trúc cổ thăng hoa. Nhưng trong thế giới kiến trúc về đêm ở Dresden, có một mảng tường ở lâu đài dòng họ Wettin, khiến du khách không khỏi trầm trồ và dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng suốt chiều dài hơn 100m của nó. Đấy chính là bức tranh tường Fürstenzug, được ốp lại từ hơn 25.000 mảng sứ của nhà sản xuất nổi tiếng Meissen, miêu tả đám rước của 35 vị hoàng tử nhằm kỷ niệm sự thống trị 1.000 năm của triều đại Wettin, được công nhận là bức tranh tường dài nhất châu Âu. 
 

Thánh đường ở Dresden 

Trong số tất cả các kiến trúc cổ ở Dresden, có hai kiến trúc thánh đường nổi bật, đó là Vương cung thánh đường (Frauenkirche) và nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi (Kathedrale Sanctissimae Trinitatis).

Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 18 (1726 – 1743) Vương cung thánh đường ở Dresden được xây dựng theo kiến trúc Baroque như các công trình khác ở thành cổ này, có tư liệu xác định rằng trước Chiến tranh thế giới thứ 2, Dresden được mệnh danh là thành phố có các công trình kiến trúc Baroque toàn mỹ nhất thế giới. Và trong số ấy, Vương cung thánh đường do kiến trúc sư George Bähr xây dựng, là một biểu tượng đại diện cho toàn thể kiến trúc Baroque ở Dresden.

Nhưng đến ngày 15/2/1945, Vương cung thánh đường Dresden đổ sụp, chỉ còn sót lại hai mảng tường cao khoảng 20m. Mãi đến năm 1993, việc phục dựng lại thánh đường này theo nguyên bản được khởi xướng, các viên đá được đánh số và xây dựng lại đúng theo vị trí ban đầu. Với sự quyên góp của cộng đồng Công giáo toàn thế giới, tổng số tiền phục dựng lên đến 130 triệu euro và hơn 12 năm tái thiết, thánh đường hoàn thiện năm 2005, và nay trở thành một điểm tham quan khó bỏ qua khi đến Dresden.

Một thánh đường nổi bật khác nằm trên trục “bancông châu Âu” ở Dresden với các chi tiết trang trí bên ngoài khá giống với lối xây dựng thánh đường theo phong cách Gothic thường thấy ở các nước châu Âu, chính là nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, được kiến trúc sư Gaetano Chiaveri người Ý – bậc thầy về kiến trúc Baroque với các công trình như lâu đài hoàng gia Warsaw, cung điện Kadriorg – thiết kế trong thời điểm từ năm 1738 – 1751, nhà thờ cũng từng bị phá huỷ trong chiến tranh, và được phục dựng lại từ năm 1980, và nay là nhà thờ chính toà của Giáo phận Công giáo La Mã Dresden – Meissen.

Khám phá thế giới kiến trúc ở Dresden, tựa như một hành trình ngược dòng lịch sử để được nghe lại những câu chuyện xây dựng, kiến thiết, phục dựng, bảo tồn đầy thú vị. Và thời điểm phù hợp nhất để khám phá những thú vị ấy, là hãy đợi các khối kiến trúc cổ bừng sáng mỗi ngày dưới ánh đèn đêm. 

 
Mảng tường ốp tranh sứ ở lâu đài Wettin.


Sự thanh vắng giúp người ta dễ cảm nhận hơn vẻ đẹp về đêm ở kiến trúc Dresden. 

Lam Phong


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: