Tham gia cộng đồng và trách nhiệm của cư dân thành phố The Hague, Hà Lan

Thứ sáu, 13 Tháng 9 2013 02:56 Ashui.com
In

Nếu Amsterdam là thủ đô kinh tế - văn hóa của Hà Lan thì The Hague (tiếng Hà Lan: Den Haag) được xem là trung tâm chính trị, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng nhất của Chính phủ đất nước này. Tọa lạc ngay tại trung tâm của Châu Âu, là điểm giao thoa giữa các thủ đô và thành phố lớn như London, Frankfurt, Berlin, Paris và Rotterdam, The Hague còn được biết đến với tên gọi ‘Thành phố của Hòa Bình và Công Lý’. Hội nghị Hòa Bình Thế Giới lần đầu tiên đã được tổ chức tại đây vào năm 1899. Ngày nay, Thành phố là nơi đặt trụ sở của Tòa án Công Lý Quốc Tế, một phân ban trực thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc và gần như của tất cả các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến hòa bình. Tính chất này cùng với những di sản kiến trúc đồ sộ được thừa hưởng từ nền văn minh Âu Châu cổ xưa đã làm cho The Hague trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng, dù chỉ là thành phố lớn thứ ba của Hà Lan sau Amsterdam và Rotterdam.  


Một góc tòa nhà chính phủ The Binnenhof (Nguồn: tác giả)


Lâu đài Vredespaleis (Nguồn: tác giả) 

Đến với The Hague, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tráng lệ của cụm tòa nhà chính phủ ‘The Binnenhof’, cung điện Noordeinde nơi làm việc của Hoàng Gia Hà Lan và lâu đài Vredespaleis nổi danh với hoạt động của Tòa án Công Lý. Những bảo tàng, phố đi bộ mua sắm, các quán cà phê ngoài trời, chợ trung tâm…càng tôn thêm vẻ sinh động, quyến rũ của thành phố này.

Tuy nhiên, còn một yếu tố khác, cũng ấn tượng không kém và có lẽ được ít người biết đến hơn là những sáng kiến nâng cao sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong các vấn đề đô thị như nghèo đói, an ninh và phát triển cộng đồng nói chung mà chính quyền thành phố và các quận đã cố gắng duy trì trong nhiều năm qua. Hai trường hợp dưới đây là minh họa cho những nỗ lực của chính quyền và người dân thuộc quận Laak, một quận có tỷ lệ người nghèo và nhập cư thuộc vào loại cao nhất của The Hague, Hà Lan.

Trung tâm ‘Adam’ (Father Centre Adam)

Adam ra đời dựa trên sáng kiến của nhân viên công tác xã hội Anita Schwab, người đã góp công đáng kể cho sự thành lập những trung tâm dành cho các phụ nữ thuộc nhóm thiệt thòi, yếu thế ở Hà Lan trong những năm 1980 và 1990. Đến năm 1999, khi ấn phẩm về những trung tâm phụ nữ này được giới thiệu đến Hội đồng Thành phố ở The Hague, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao không có những cơ sở như vậy dành cho nam giới. Một cuộc khảo sát trên đường phố do chính Schwab triển khai ngay sau đó ở Laak đã cho thấy nam giới thật sự có nhu cầu được chia sẻ những khó khăn và thay đổi cuộc đời khi rơi vào hoàn cảnh không may, chỉ có điều họ không đủ dũng cảm để nói lên mong muốn của mình như nữ giới. Swab đã thử nghiệm bằng việc tổ chức một khóa học ngắn hạn về kỹ thuật xây dựng tại một tòa nhà đổ nát với sự hỗ trợ kinh phí của địa phương. Những học viên sau đó đã giúp sức trong việc xây mới lại tòa nhà, nơi trở thành trụ sở hoạt động chính thức của trung tâm Adam vào năm 2001.

Dự định đầu tiên của trung tâm là hỗ trợ cho khoảng 50 nam giới có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện đời sống, tuy nhiên, đến năm 2007 đã có tổng cộng 2,500 người là thành viên. Họ thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, gần 81% là người nước ngoài đến định cư ở The Hague nhưng tất cả đều có điểm chung ở cuộc sống thiếu may mắn. Rất nhiều người trong số họ đã ly hôn và mất việc làm (ở Hà Lan nữ giới thường được ưu tiên, vì thế nam giới có thể không còn tài sản, thậm chí nhà riêng sau khi ly hôn). Tại Adam, những thành viên này đã tìm lại được cuộc sống và sự tự tin của bản thân bằng cách cống hiến sức mình cho xã hội.


Các thành viên của Trung tâm đang chia sẻ những kinh nghiệm của mình
(Nguồn: tác giả)

Hiện nay, trung tâm triển khai rất nhiều khóa học ngắn hạn với thời gian mười tuần cho mỗi khóa và học phí vừa phải. Các khóa học này cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp như tin học, ngôn ngữ, may vá, nấu ăn, làm mộc cho đến những kỹ năng sống như bảo vệ sức khỏe, sơ cấp cứu…Giáo viên của những khóa học chính là các thành viên của trung tâm. Những ai không có khả năng đứng lớp sẽ đảm nhận những công việc khác như nấu ăn cho các thành viên, làm vệ sinh…Một chiếc xe bus do địa phương tài trợ và chính tài xế của trung tâm đảm nhiệm việc đưa đón người dân tại quận Laak miễn phí nếu họ có nhu cầu. Tiền thu được sẽ dùng để duy trì sự tồn tại của trung tâm, đồng thời giúp cải thiện cuộc sống cho các thành viên.


Một lớp học nghề của trung tâm (Nguồn: tác giả)

Triết lý của trung tâm là mỗi người đều có những khả năng nhất định, tuy nhiên khả năng đó có thể bị giới hạn hoặc triệt tiêu bởi những khó khăn họ phải đối mặt. Sự cô đơn, mặc cảm…vì không còn nhà ở, không có gia đình, thất nghiệp…là những điều không may mà các thành viên đã từng trải qua. Trung tâm Adam, một sáng kiến của địa phương, đã giúp cho những người đàn ông này tìm lại ý nghĩa cuộc sống, phát huy khả năng của mình để trở thành những con người có ích cho xã hội. Bằng cách này, quận Laak cũng góp phần đáng kể vào việc nâng cao tính đoàn kết trong khu phố, giảm thiểu các tệ nạn xã hội và tình trạng đói nghèo tại một khu vực là nơi tập trung khá nhiều những gia đình có thu nhập thấp, trung bình và những người nhập cư.

Sân chơi cho trẻ em và thanh thiếu niên

Quy hoạch không gian và sử dụng không gian công cộng ở các quận của The Hague không có những quy định cụ thể nào dành cho nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương như người tàn tật, người lớn tuổi và trẻ em đều được xem xét trong quá trình lập kế hoạch. Một chương trình đặc biệt của Thành phố có tên ‘The Samen Spelen’ (Playing Together – Vui chơi cùng nhau) đã lấy thanh thiếu niên và trẻ em làm trọng tâm trước tình hình bãi đậu xe và nhà ở được ưu tiên xây dựng nhiều hơn các sân chơi dành cho người trẻ. Mục tiêu của chương trình là đem đến không gian vui chơi thích hợp, qua đó giảm thiểu tình trạng quấy rối trật tự trị an và đập phá tài sản công cộng của thanh thiếu niên. Nâng cao môi trường và tiêu chuẩn sống của từng khu phố thông qua việc tạo dựng văn hóa sinh hoạt lành mạnh trong những người trẻ và phát triển các tiện nghi đô thị cho hoạt động vui chơi – giải trí cũng không nằm ngoài mục tiêu của chương trình này.

Chương trình được triển khai ở nhiều quận khác nhau của The Hague, nhưng Laak là một trong những nơi được đặc biệt chú ý do tình trạng đói nghèo và có tỷ lệ tội phạm là thanh thiếu niên khá cao so với các quận khác. Chính quyền Laak nhận được từ Thành phố một ngân sách đáng kể để phát triển các tiện nghi nói trên, nhưng vấn đề là làm sao để sử dụng số tiền này một cách hiệu quả.


Nhân viên của chính quyền quận Laak chia sẻ kinh nghiệm của địa phương
(Nguồn: tác giả)

Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi chính quyền địa phương có sự tham gia của những chuyên gia về thể thao, những nhân viên quản lý trong quận (district coordinator) và sự trợ giúp của nhóm tình nguyện The Hague (The Hague Support Group for Playgrounds). Tất cả các sân chơi được đánh giá lại xem đã đáp ứng được nhu cầu của người trẻ hay chưa và cần có thêm những tiện nghi gì để đáp ứng tốt các nhu cầu đó. Các cuộc khảo sát này thường được tiến hành vào chiều thứ Tư hoặc cuối tuần, vào thời điểm mà các trẻ em và thanh thiếu niên tập trung tại những khu vực này để vui chơi. Ý kiến thu thập từ những người trả lời sau đó đã được xử lý để phục vụ cho việc xây dựng hình ảnh của sân chơi và các tiện nghi cần có.

Một ví dụ cho sự thành công của chương trình là sân chơi gần trụ sở của chính quyền quận Laak. Sáu hình ảnh tương lai của sân chơi này cùng với những giá trị giải trí và các tiện nghi đi kèm đã được đăng tải lên trang web của chính quyền. Thư thông báo được gửi đến từng hộ gia đình xung quanh khu vực này để họ có thể bầu chọn cho kiểu sân chơi mà mình yêu thích. Việc tiến hành nâng cấp lại sân chơi được dựa trên kết quả được bầu chọn nhiều nhất. Bằng cách này, sân chơi ở quận Laak đã phục vụ tốt hơn nhu cầu của trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời giảm bớt tình trạng than phiền về nạn mất an ninh trật tự từ người dân địa phương khi sân chơi không thu hút được những người trẻ.


Bầu chọn trên Website
(nguồn: tác giả) 


Sân chơi gần trụ sở quận Laak (nguồn: tác giả) 

Còn rất nhiều những ví dụ thú vị khác về sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển The Hague. Cụ thể những người yêu thành phố đã tình nguyện thành lập các nhóm hướng dẫn du khách vòng quanh khu trung tâm miễn phí (để được hướng dẫn miễn phí, du khách thường phải đi theo nhóm ít nhất từ sáu người trở lên và có đăng ký), xây dựng nhà nghỉ và khách sạn đảm bảo đủ tiêu chuẩn sinh thái và bảo vệ môi trường (khách sạn Court Garden là một trong những ví dụ với các thực đơn và sản phẩm phục vụ ít gây hại đến môi trường)…Là một thành phố của hòa bình và công lý, trách nhiệm và sự tham gia của người dân luôn được xem xét cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách phát triển của The Hague, và do đó đã tạo nên một nét độc đáo về mặt quản lý cho thành phố này. 

ThS. Nguyễn Diệp Quý Vy - Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Cohen, C.E., Varea, R.G., & Walker, P.O. (2011). Acting Together: Performance and the Creative Transformation of Conflict. Oakland, CA: New Village Press. 
  2. Father Centre Adam. Brochure.
  3. The Hague National and Provincial Government. Website www.denhaag.nl
  4. The Hague Academy for Local Governance. Textbook of the course ‘Citizen Participation and Accountability’. 

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị - số 14 - 2013) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: