Chuyên gia: sân bay Long Thành khó thành điểm trung chuyển

Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 20:54 TBKTSG
In

Mục tiêu đưa sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển để cạnh tranh với các sân bay khác trong khu vực là rất khó thực hiện, bởi hiện nay Thái Lan và Singapore đã có sân bay quy mô lớn đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, theo các chuyên gia hàng không. 

Ở trong nước các sân bay như Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh đã là sân bay quốc tế thì các chuyến bay quốc tế có thể bay thẳng đến đó chứ không nhất thiết trung chuyển qua Long Thành, theo ý kiến của các chuyên gia từng công tác và nghiên cứu trong ngành hàng không. Các chuyên gia đưa ra nhận định trên sau khi Hội đồng thẩm định Nhà nước bỏ phiếu tán thành cho phép chủ đầu tư là Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trình Chính phủ dự án này để báo cáo Quốc hội vào tháng sau, dù vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ.  


Bộ GTVT cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trong vài năm tới nên cần phải xây sân bay Long Thành. Trong ảnh hành khách đợi ra máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất
(Ảnh: Anh Quân) 

Khó đạt mục đích trung chuyển 

Tuần trước, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm rõ 3 câu hỏi lớn là những điều kiện, căn cứ nào để sân bay quốc tế Long Thành có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế; vì sao trong giai đoạn đầu lại rút xuống còn một đường cất hạ cánh với công suất 17 triệu khách/năm; làm rõ việc huy động vốn cho dự án. 

Đối với vấn đề liệu Long Thành có trở thành sân bay trung chuyển hay không, ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, cho rằng khả năng này là khó, bởi vì hiện nay trong khu vực đã có hai sân bay lớn của Thái Lan và Singapore đóng vai trò điểm trung chuyển của khu vực.

Hơn nữa, các sân bay như Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh đã được nâng cấp là sân bay quốc tế thì các chuyến bay có thể bay thẳng đến các sân bay đó chứ không trung chuyển qua Long Thành, ông Sành nói.

Ông Sành đặt câu hỏi vì sao hãng hàng không Lufthansa (Đức) lại ngừng bay đến Tân Sơn Nhất sau 23 năm khai thác tại Việt Nam để chuyển sang Thái Lan? Có phải do lượng khách trung chuyển quá ít chăng?

Còn tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, lại nghi ngờ về khả năng sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển vì chủ đầu tư không đưa ra được số liệu chứng minh cho điều này.

Vị tiến sĩ này phân tích hầu hết các hãng hàng không đều đã tính toán để chở khách cả lượt đi và về chứ ít khi họ đi trung chuyển. Hiện nay, lượng khách đến TPHCM như là điểm cuối chứ ít trung chuyển. Chính vì lượng khách trung chuyển ít nên Lufthansa đã phải dừng bay đến Tân Sơn Nhất.

Vì vậy, ông cho rằng chủ đầu tư phải trả lời được câu hỏi, sân bay Long Thành có gì hấp dẫn để kéo các hãng hàng không đến trung chuyển? 

Một đường băng có đạt được 17 triệu hành khách/năm? 

Điểm thứ hai được Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu ACV làm rõ là vì sao trong giai đoạn đầu lại rút xuống còn một đường cất hạ cánh với công suất 17 triệu khách mỗi năm.

Tuy ACV chưa đưa ra lý do của việc này nhưng theo ông Sành việc rút xuống thành một đường băng và lượng khách rút xuống còn 17 triệu hành khách/năm nhằm làm cho số vốn đầu tư nhỏ hơn để dễ được Quốc hội chấp thuận.

Phân tích sâu hơn, ông Tống dẫn số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, năm 2012 và 2013 lượng khách tăng chủ yếu là khách nội địa. Nếu sau này chuyển các đường bay quốc tế ra Long Thành, chỉ phục vụ khách quốc tế thì lượng khách khó đạt được con số 17 triệu hành khách/năm. 

Ông Tống khuyến nghị chủ đầu tư nên thống kê kỹ lượng hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất như là điểm đến cuối cùng hay để trung chuyển. Số liệu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng sân bay Long Thành. Ông cũng đề nghị phải công bố số liệu này để thấy được việc xây sân bay Long Thành có thật sự cần thiết vào thời điểm này hay không. 

Công ty ADP (Pháp) quan tâm đến dự án sân bay Long Thành 

Hôm 15/4, Công ty ADP (Pháp) đã có buổi gặp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để tìm hiểu chi tiết dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, ADP muốn tìm hiểu cụ thể về dự án sân bay Long Thành bởi đây là dự án lớn và có nhiều nét tương đồng về kỹ thuật, tài chính cũng như phương thức vận hành mà công ty đã tham gia ở một số nước khác.

Phía Bộ GTVT cũng đã thông tin cho ADP rằng hiện nay dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định để trình lên Chính phủ và sẽ báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Sau khi có chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án.

Về tiến độ đặt ra, dự kiến trong năm 2014 sẽ phê duyệt dự án khả thi và có thể triển khai những bước tiếp theo về thiết kế kỹ thuật cho giai đoạn 1. Sau đó kêu gọi đầu tư cho dự án.

Theo báo cáo đã được điều chỉnh của ACV, giai đoạn 1 đến năm 2025 sẽ phân kỳ thành 2 giai đoạn nhỏ, trong đó giai đoạn 1a với công suất 17 triệu hành khách/năm, đưa vào hoạt động năm 2017; giai đoạn 1b với công suất là 25 triệu hành khách/năm và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.

Giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành vào năm 2035 và đưa công suất lên 50 triệu hành khách/năm.

Sau năm 2035 căn cứ vào tình hình thực tiễn và nhu cầu vận tải hàng không sẽ xem xét thực hiện giai đoạn 3 nâng công suất sân bay Long Thành lên 100 triệu hành khách/năm. 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: