Chính sách nào cho các làng nội thành?

Thứ ba, 09 Tháng 12 2014 14:35 Báo Xây dựng
In

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo “Mô hình và giải pháp bảo tồn, thích nghi đô thị và nông thôn truyền thống Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” do Viện Nghiên cứu Định cư tổ chức vừa qua tại Hà Nội.  


(Ảnh minh họa) 

Yếu tố bền vững của mô hình định cư đô thị truyền thống đang mất đi

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bên cạnh những cơ hội phát triển, làng nội thành đối diện với nhiều thách thức. Khi tiến nhập bột phát vào nội thành, cộng đồng dân cư “làng mới” không đủ thời gian chuẩn bị để thích nghi với hoàn cảnh mới mẻ về mọi mặt, nhất là lớp người trung niên và cao tuổi. Ngay cả lớp người trẻ tuổi, nếu không được đào tạo nghề nghiệp và kiếm việc làm thì với khoản tiền được bồi thường không nhỏ của gia đình rất dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội trong đô thị. 

Cũng theo ông Liêm, ở khía cạnh hạ tầng công trình kỹ thuật, làng mới rất khó quy hoạch để thích ứng với cuộc sống đô thị do các thửa đất rất manh mún, khó sắp xếp lại.

Đối với làng cổ và làng cũ đã ít nhiều hội nhập đô thị, đất đai trở thành đích ngắm của thị trường BĐS. Sự chuyển nhượng đất đai và kèm theo đó là việc xây dựng tự phát các tòa nhà không theo quy hoạch nào khiến làng bị biến tướng, mất dần bản sắc. Chất lượng sống giảm sút.

Tương tự, TS Nguyễn Đức Tuyến (Viện Xã hội học) cũng cho rằng: Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa hiện nay đã có những tác động mạnh mẽ đến mô hình định cư đô thị truyền thống ở các TP lớn. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng ở các đô thị vừa và nhỏ, sự thiếu các quy hoạch đô thị hợp lý ở các đô thị lớn đang làm mất đi những yếu tố bền vững của mô hình định cư đô thị truyền thống… 

Cần thiết lập quy hoạch làng như một dạng quy hoạch phân khu

Đề xuất định hướng chính sách cho làng nội thành, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Việc xây dựng chính sách làng nội thành cần quán triệt yêu cầu phát triển hài hòa, công bằng, hiệu quả và bền vững. Hơn thế, cần có giải pháp riêng rẽ thích hợp với làng cổ, làng cũ đã hội nhập sâu vào nội thành và nhóm làng mới bắt đầu hội nhập. Ngoài ra, cũng cần có chính sách rõ ràng đối với làng truyền thống chưa hội nhập và nội thành.

TS Liêm đồng thời đề xuất một số định hướng chính sách làng nội thành mà theo ông là phù hợp với thực tiễn đô thị Việt Nam cũng như đáp ứng các yêu cầu trên. Cụ thể, làng cổ, làng cũ đã thành bộ phận hữu cơ của TP vì vậy là đối tượng của chính sách bảo tồn và cải tạo các khu đô thị cũ nói chung. Chính sách này cần được tiến hành rất thận trọng vì khu đô thị cũ đã tạo ra bản sắc của TP và đã có cộng đồng dân cư bền chắc…

Đối với làng mới, khi không còn đất sản xuất thì lối sống dân làng phải thay đổi, do đó bộ mặt làng xóm cũng thay đổi theo. Việc chuyển đổi làng mới nội thành sang mô hình làng đô thị cần có quy hoạch nhằm mở rộng đường trục chính của làng thành đường đô thị và bảo tồn các di sản vật thể, cảnh quan đẹp.

Làng mới cần chú trọng phát triển tuyến đường chính và một số đường phụ thành đường phố để các hộ dân sống dọc đường có thể mở hàng quán kinh doanh, tạo việc làm và cung cấp dịch vụ giải trí, sinh hoạt… Các hộ còn lại được tổ chức thành hợp tác xã “nông nghiệp đô thị” để làm kinh tế vườn, áp dụng công nghệ cao, ít cần đất… 

Đối với làng truyền thống vẫn còn đất sản xuất, trong quy hoạch chung của đô thị, phải xác định rõ hướng quy hoạch đối với làng chứ không thể xem như làng không tồn tại. Việc lập quy hoạch làng như một dạng quy hoạch phân khu là rất cần thiết. Nếu không có những lý do vững chắc để thay thế làng bằng khu đô thị mới và tổ chức tái định cư tại chỗ một cách hòa nhập thì làng đô thị sẽ là định hướng phát triển tốt đẹp của làng truyền thống. 

Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cần giúp đỡ cộng đồng lập và thực hiện quy hoạch phát triển nhằm đem lại những thay đổi tốt hơn cho cộng đồng trong từng thời hạn xác định, trong đó chủ yếu là nâng cấp hệ thống hạ tầng và từng bước áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp... 

TS Nguyễn Đức Tuyến thì lưu ý: Việc bảo tồn di sản của các mô hình định cư truyền thống là cần thiết song cần đặt nó trong bối cảnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang có những hệ lụy tiêu cực trên các lĩnh vực kiến trúc, xã hội, môi trường. Bảo tồn di sản định cư phải đi cùng phát triển kinh tế nên không thể không sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, gắn với quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên… 

Hòa Bình (Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: