8000 tỷ xây dựng quy hoạch vẫn có chất lượng kém

Chủ nhật, 26 Tháng 7 2015 20:32 Báo Đất Việt
In

Theo báo cáo của ban soạn thảo Luật quy hoạch do ông Vũ Quang Các - vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch - đầu tư trình bày, tính đến nay VN đang có tới 19.285 bản quy hoạch, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. 

Trong đó, nhiều nhất là quy hoạch xây dựng, tới trên 11.000 bản. Cấp huyện cũng có tới 708 quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, 932 quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, cấp tỉnh cũng ban hành tới 3.081 quy hoạch các sản phẩm, ngành cụ thể (như chè, cá, tôm)...  


Dự án đường sắt trên cao bị đội vốn 339 triệu USD nhưng đây chưa phải là con số "chốt hạ"

“Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi”, Tuổi Trẻ dẫn lời ông Các cho biết. Do có quá nhiều nên có không ít quy hoạch thiếu gắn kết, chồng chéo, mâu thuẫn. Trong khi đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng. 

Điển hình như quy hoạch xây dựng vùng dọc theo Quốc lộ 1; vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa, Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình... không xác định được đối tượng, nguồn lực để triển khai. Chưa kể, mỗi tỉnh lại có quy hoạch riêng. Theo quy định, 6 vùng kinh tế trên cả nước phải có quy hoạch riêng. Mỗi tỉnh trong vùng cũng phải có quy hoạch theo hướng của quy hoạch chung. Nhưng thực tế, có vùng quy hoạch chưa được duyệt, địa phương đã duyệt xong quy hoạch riêng. 

Để dẫn tới tình trạng lộn xộn kể trên, theo Bộ KH&ĐT, do việc ban hành văn bản pháp luật nhiều nhưng chưa hợp lý, thiếu thống nhất. Vì vậy, với việc soạn Luật quy hoạch lần này được cho là sẽ giải quyết được tình trạng trên.

Ông Các cho biết tới đây, để loại bỏ những quy hoạch sản phẩm, ngành cụ thể, dự thảo luật có đủ công cụ và hai bước để “phanh” các quy hoạch không cần thiết và không hợp lý này. Trước tiên, soạn quy hoạch phải có kinh phí. Khi luật ban hành, quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể sẽ không được cấp kinh phí. Thứ hai, các quy hoạch khi trình lên Hội đồng Quy hoạch quốc gia, nếu không thuộc diện được làm sẽ bị loại ngay. 

Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2015. 

Dự án trên trời

Trong khi kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp, Bộ KHĐT đã chỉ ra có cả ngàn tỉ chi cho những quy hoạch kém chất lượng, thì tình trạng các dự án “trên mây” gây thất thoát, lãng phí lớn cho nguồn ngân sách nhà nước.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – đầu tư, tỷ lệ dự án đầu tư công chậm tiến độ đã tăng dần qua các năm từ 2005 đến nay. Cách đây 9 năm, cả nước có 2.280 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,2% thì đến năm 2006-2007, tỷ lệ này lần lượt lên đến 13,1% và 13,9%. Và trong 2 năm 2011-2012, tỷ lệ dự án đầu tư công chậm tiến độ ghi nhận có chuyển biến tích cực khi giảm xuống dưới 12%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối lại tăng lên đến gần 4.500 dự án. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 3.006 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,2% số dự án thực hiện trong kỳ.

Chậm tiến độ và điều chỉnh dự án, tăng vốn… là những “bệnh” rất thường thấy. Một trong nguyên nhân căn bản được các chuyên gia chỉ ra là do tư duy của người "ngồi phòng lạnh vẽ dự án trên trời". 

Từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, đến theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Thực tế này đã khiến nhiều bộ, ngành, địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. 

Giai đoạn 2005-2009, tỷ trọng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước chiếm tới trên 50%, thậm chí có năm lên tới hơn 60%. Mặt khác, đầu tư công còn có một phần không nhỏ từ nguồn vốn vay của nước ngoài, nguồn vốn này năm 2010 lên đến 36,6%.

VOV dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh, nói thẳng: “Một trong những nguyên nhân góp phần vào việc lạm phát là chúng ta chi tiền đầu tư công quá mức. Hiệu quả đầu tư công thấp, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta đã có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ”. 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng vẫn đang tồn tại một thực tế là nhiều địa phương không biết gì cả nhưng chúng ta phân cấp quá mạnh cho họ. “Cơ chế chúng ta là cho tiền cho những người không biết gì mà quyết định” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 

An An
(Báo Đất Việt)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: