TP.HCM: Trung tâm thương mại ngầm - đô thị dưới lòng đất

Thứ hai, 02 Tháng 5 2016 15:45 Báo Xây dựng
In

Vừa qua, một công ty của Nhật Bản đã đề nghị được đầu tư phố đi bộ và khu mua sắm ngầm (TTTM) dọc đường Lê Lợi, nối từ ga Metro trung tâm Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là dự án quan trọng, điểm nhấn trong phần quy hoạch ngầm khu vực trung tâm TP. 


(Ảnh: Mạnh Cường) 

Tạo điểm nhấn 

Theo ông Hoàng Như Cương - Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hiện nhà đầu tư Nhật Bản đã trình đề án lên UBND TP và TP đã giao Sở KH&ĐT thẩm định lại. Ngoài ra, ông Cương cũng cho biết TTTM ngầm này sẽ nằm phía trên của 2 nhà ga Bến Thành và Nhà hát TP. Do đó, việc triển khai của cả 2 dự án song song với nhau sẽ rất thuận tiện về mặt tiến độ. “Khi tiến độ của nhà ga đường sắt đô thị làm tới phần sàn thì dự án TTTM cùng triển khai luôn sau này sẽ không phải đào lên làm lại”, ông Cương chia sẻ. 

Về lo ngại hàng loạt các công trình ngầm phía bên dưới cũng sẽ là trở ngại khi triển khai, ông Cương cho biết khi triển khai dự án Metro thì đơn vị của ông đã di dời gần hết. Tuy nhiên, phải chờ đến khi có thiết kế chi tiết về TTTM này thì mới biết cụ thể.

Theo báo cáo của nhà đầu tư là Cty Toshin Development - Nhật Bản, tổng diện tích công trình sẽ trên 45.000m2, được chia làm 2 khu vực công cộng và khu vực thương mại. Trong đó, khu vực công cộng là phố đi bộ ngầm chiếm gần 22.000m2 và khu thương mại gồm: Mua sắm, vui chơi, ẩm thực là 16.850m2, phần còn lại là các công trình phụ. Trong đề án, TTTM này sẽ mở các lối lên xuống để kết nối với chợ Bến Thành, các cao ốc và cửa hàng, trung tâm mua sắm ở hai bên đường Lê Lợi.

Cần quy hoạch tốt không gian kiến trúc cảnh quan 

Theo đề án, khối công trình này khi đưa vào sử dụng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khu vực như xây dựng không gian đô thị chất lượng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng thu hút khách sử dụng tuyến Metro, tạo điểm nhấn cho khu vực. Ngoài ra, đại diện nhà đầu tư còn khẳng định, đơn vị này không chỉ xây dựng TTTM ngầm mà còn mong muốn xây dựng "Một khu đô thị dưới lòng đất với quy mô lớn".

Dưới góc độ nhà quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng cho rằng xu hướng trên thế giới thì các TTTM ngầm sẽ được kết nối với nhà ga metro, do đó, việc TP.HCM đã có quy hoạch ngầm tại khu vực này thì việc đầu tư xây dựng TTTM ở đây rất tốt, rất hợp lý. Ông Hải dẫn chứng: Hiện ở Thủ đô Pari - Pháp có những TTTM 5 tầng dưới mặt đất kết hợp các loại giao thông như: Tàu điện, xe Bus… Khi có TTTM tại đây sẽ khuyến khích người dân sử dụng hệ thống metro, bên cạnh đó còn tạo sự mới lạ cho du khách đến trải nghiệm và vui chơi tại đây.

“Trước đây, khi vạch ra các tuyến Metro số 1 và 2, tư vấn Nhật đã khuyến cáo TP nên có thiết kế đô thị cho 1 loạt các đô thị kèm theo trong bán kính phù hợp để người dân được sử dụng các tiện ích ngầm mà qua đó Nhà nước sẽ mang được về nguồn thu lớn bù đắp cho những đầu tư ban đầu”, ông Hải chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, cũng có những lo lắng về chỗ đậu xe khi một TTTM ngầm hoành tráng và nhà ga Metro tại đây sẽ quá tải gây ùn tắc cục bộ, ông Hải nêu quan điểm: “Chúng ta đừng nghĩ nơi đây là một cao ốc bình thường, mà nơi đây có hẳn 1 khu phố ngầm nên mọi người đến và xuống luôn chứ không phải vòng lên như những khu vực thương mại khác. Ngoài ra chúng ta cũng cần chấp nhận những giai đoạn chuyển tiếp, giống như thời gian mấy năm trước, TP bị rất nhiều lô cốt của các dự án án ngữ, nhưng sau khi xong dự án thì TP đường thông hè thoáng và có nhiều công trình lớn mang lại nhiều lợi ích cho người dân như dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tân Hoá - Lò Gốm”.

Ông Huỳnh Xuân Thụ - Giám đốc Trung tâm thông tin Quy hoạch, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, một dự án lớn thế này thì Nhà nước cần có sự lựa chọn nhà đầu tư cũng như các điều kiện, các tiêu chí đặt ra cho nó. Nếu TP thấy hiệu quả về kinh tế, xã hội thì nên xúc tiến ngay.

Cùng quan điểm như ông Nguyễn Thanh Hải, ông Thụ cho rằng nếu không triển khai TTTM ngầm sớm thì sẽ không phát huy hết được lợi ích của hệ thống Metro. Tuy nhiên, ông Thụ quan ngại về việc xử lý không gian kiến trúc cảnh quan phải làm sao cho hài hoà và ngăn nắp, để khu vực trung tâm TP sẽ đẹp hơn và quy củ hơn. 

Năm 2013, Sở QHKT TP.HCM công bố quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm hiện hữu của TP (930ha). Theo đó, xây dựng đường ngầm theo đường Tôn Đức Thắng (đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng) để tạo công viên bờ sông, khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi sẽ được quy hoạch thành khu vực đi bộ và có không gian ngầm kết nối với nhà ga Metro, đặc biệt sẽ có tuyến xe điện dọc sông Sài Gòn giúp phát triển du lịch và sau này kết nối với khu vực bán đảo Thanh Đa. 

Mạnh Cường 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: