Tầm nhìn siêu đô thị và bài toán cung cấp dịch vụ công

Thứ bảy, 01 Tháng 7 2017 06:45 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Theo các nguồn thống kê, TPHCM luôn đóng vai trò là đầu tàu kinh tế cho toàn quốc, đóng góp hơn 30% ngân sách quốc gia, hơn 22% GDP toàn quốc; có quy mô dân cư thực tế sinh sống tính đến 2017 khoảng 13 triệu (chưa tính khách vãng lai); có đường kính từ Củ Chi đến Cần Giờ khoảng 140 ki lô mét. Với các thông số này, thì TPHCM trở thành siêu đô thị với đầy đủ các đặc thù(1)


Việc dự báo sai về quy mô dân số sẽ dẫn đến dự báo sai về nhu cầu dịch vụ công.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Quy mô cư dân TPHCM tiếp tục tăng nhanh đến 2035

Từ khi đổi mới tới nay, các cơ quan chức năng luôn dự báo sai về tốc độ tăng cư dân và quy mô dân số tối đa của TPHCM. Dẫn tới, khi các cơ quan chức năng lập quy hoạch giao thông, đô thị, cung cấp dịch vụ công dựa trên các dự báo sai về quy mô dân số, họ sẽ dự báo sai về nhu cầu dịch vụ công. 

Theo tác giả, quy mô cư dân của TPHCM không có lý do để dừng lại ở con số 15 triệu người, mà còn tăng nhanh bởi các lý do sau:

Thứ nhất, GDP đầu người ở TPHCM cao hơn nhiều lần so với các địa phương khác (GDP đầu người ở TPHCM khoảng 5.500 đô la Mỹ/năm). Khoảng cách chênh lệch thu nhập càng lớn, lượng lao động dịch chuyển tự do về TPHCM ngày càng lớn, bất kể sổ sách của Nhà nước có phản ánh, ghi nhận hay không.

Thứ hai, khuynh hướng hội nhập càng tăng, lượng khách du lịch quốc tế, ngoại tỉnh càng tăng, tạo thêm nhiều việc làm mới, dân nhập cư càng tăng.

Theo tính toán của tác giả, đến năm 2035, TPHCM sẽ phải đáp ứng nhu cầu dịch vụ công của một thành phố tương đương 26 triệu cư dân nông thôn; tương đương nhu cầu dịch vụ công phát sinh từ 26 tỉnh nông thôn. 

Thứ ba, Việt Nam về cơ bản là một đất nước tập quyền; quyền năng địa phương có được là do trung ương quy định, trao cho; thẩm quyền của cơ quan địa phương được quy định chi tiết ở luật, nghị định, thông tư; mối quan hệ giữa chính quyền trung ương - chính quyền địa phương vẫn mang đầy đủ đặc trưng của mô hình kế hoạch hóa tập trung. Điều này dẫn tới, thuế phí áp dụng ở siêu đô thị giống như ở nông thôn; phí sử dụng dịch vụ công cơ bản theo trần thống nhất ban hành bởi chính quyền trung ương. Nên trong khi GDP đầu người ở TPHCM cao hơn nhiều lần so với vùng nông thôn thì chi phí dịch vụ công ở TPHCM chỉ nhỉnh hơn địa bàn nông thôn chút ít, dù trình độ y bác sĩ, giáo viên, đội ngũ cung cấp dịch vụ công có chuyên môn giỏi hơn đáng kể so với khu vực nông thôn. Bởi vậy, nếu tính tương quan GDP đầu người (khả năng kiếm tiền, sức mua, khả năng chi trả) thì thuế, phí, chi phí sử dụng dịch vụ công ở TPHCM rẻ hơn khu vực nông thôn. Biểu hiện ra bên ngoài của việc này là sự quá tải của các bệnh viện, trường học ở TPHCM, trong khi ở nhiều địa phương miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... liên tục diễn ra cảnh sáp nhập các trường tiểu học bởi không còn có đủ học sinh.

Thứ tư, khuynh hướng tự động hóa, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong nông nghiệp, cùng với chính sách dỡ bỏ hạn điền đất nông nghiệp sẽ làm cho mục tiêu công nghiệp hóa do Đảng đề ra đạt được nhanh hơn; nhưng đồng thời tạo ra một dòng người nhập cư mới, trong đó TPHCM sẽ là địa chỉ hàng đầu. Chính sách nông thôn mới chỉ đủ sức tạm giữ chân nông dân an phận ở nông thôn thêm chừng mười năm, trước khi họ nhận ra những sự dễ chịu của điện, đường, trường, trạm mà chính sách nông thôn mới mang lại chẳng thấm vào đâu so với nỗi lo mất việc làm, thu nhập lay lắt.

Thứ năm, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, vùng Tây Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc hàng chục triệu cư dân cần nơi ở mới, kế sinh nhai mới, sẽ trực tiếp tác động lên vùng Đông Nam bộ, nhất là TPHCM.

Thứ sáu, khi giao thông, liên lạc không còn là rào cản lớn như hiện nay, lao động càng được tự do lưu thông theo quy luật thị trường để tìm đến nơi được trả giá cao như TPHCM.

Thứ bảy, do đặc trưng văn hóa của người Việt Nam khác với người châu Âu (người Việt Nam không ngại nơi đông đúc, ồn ào), khuynh hướng tìm đến siêu đô thị của người Việt cao hơn một số dân tộc khác. Khí hậu nóng ấm ở TPHCM sẽ dung dưỡng cho điều kiện sống tạm bợ của người nhập cư; không như xứ lạnh.

Thứ tám, sau ba thập niên đổi mới, cộng với yếu tố lịch sử để lại, tại ba tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai), đã hình thành các cụm ngành công nghiệp. Điều này càng khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy ở phía Nam có lý do tiếp tục chọn khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung, TPHCM nói riêng và chính các doanh nghiệp, nhà máy này tiếp tục là thỏi nam châm hút lao động nhập cư.

Thứ chín, khác với các siêu đô thị lớn trên thế giới, TPHCM không có dư địa chính sách về thuế, phí, quyền tự chủ về lập quy cần thiết để áp dụng chính sách nhập cư có chọn lọc, các chính sách chống lại sự gia tăng dân số cơ học- điều mà tất cả các đô thị ở các nước tiên tiến đều có.

Thứ mười, cho đến năm 2035, về cơ bản, cấu trúc quyền lực ở Việt Nam vẫn tiếp tục tập quyền vào trung ương, đổi mới về kinh tế, chậm chắc về chính trị, nên lao động được tự do dịch chuyển theo quy luật thị trường nhưng công cụ để điều tiết ngân sách, thuế, phí, điều tiết nhập cư vẫn tiếp tục là các công cụ của mô hình bao cấp. Hay nói cách khác, chính quyền Trung ương vẫn tiếp tục chưa có khả năng điều tiết dân cư tốt, trong khi vẫn tiếp tục không trao công cụ cần và đủ cho địa phương tự giải quyết chín vấn đề nêu trên.

Từ phân tích quá khứ liên tục dự báo sai quy mô dân số ở TPHCM và quan sát cá nhân về các thành phố tại quốc gia có đặc trưng tập quyền như Bắc Kinh, Thượng Hải hay các thành phố có khí hậu nóng ấm như Jakarta, Bangkok, Mumbai, có tính đến quy mô tổng dân số của từng quốc gia, cùng với mười nguyên nhân nêu trên, tác giả dự đoán, dân số thành phố đứng lại sau năm 2035 với quy mô 17-20 triệu người (trên tổng quy mô toàn quốc khoảng 120 triệu)(2).

Nhu cầu sử dụng dịch vụ công tính trên đầu người, đầu doanh nghiệp sẽ cao, hồ sơ sẽ phức tạp hơn

Bên cạnh việc dự báo sai về quy mô dân số, khi giao chỉ tiêu biên chế, quỹ lương, ngân sách dành cho việc cung cấp dịch vụ công, các cơ quan chức năng cũng chưa thể hiện việc tính toán đầy đủ nhu cầu dịch vụ công gia tăng tính trên đầu người ở siêu đô thị so với khu vực nông thôn, bởi khi điều kiện kinh tế phát triển, người dân sẽ có thêm nhiều nhu cầu mới như vui chơi, giải trí, du lịch, thể thao, chăm sóc sức khỏe, giáo dục nâng cao... chứ không chỉ dừng lại ở chỗ ăn đủ no, mặc đủ ấm như cư dân nông thôn. Các nhu cầu này, dù do Nhà nước đáp ứng trực tiếp hay do các đối tác tư nhân đáp ứng đều kéo theo việc gia tăng dịch vụ công: đăng ký kinh doanh, thanh tra, giám sát, xử phạt. Theo ước tính của tác giả, một cư dân ở siêu đô thị có nhu cầu dịch vụ công cao gấp 1,2 lần so với cư dân nông thôn.

Khác với cư dân nông thôn, cư dân đô thị trải qua nhiều thay đổi về nơi cư trú, nơi học tập, nơi làm việc trong suốt cuộc đời, tỷ lệ ly hôn cũng cao hơn. Bởi vậy, việc xác minh các thông tin nhân thân trong quá trình xử lý các hồ sơ, cung ứng dịch vụ công sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với cùng một hồ sơ của cư dân nông thôn. Theo ước tính của tác giả, một hồ sơ yêu cầu cung cấp dịch vụ công ở siêu đô thị có sự phức tạp cao gấp 1,1 lần so với loại việc tương ứng ở khu vực nông thôn.

Kết hợp hai thông số tạm tính đó, cứ mỗi cư dân siêu đô thị có nhu cầu sử dụng dịch vụ công cao gấp 1,3 lần cư dân nông thôn (1,2 x 1,1 = 1,32).

Kết hợp dự báo quy mô dân số của TPHCM sẽ tăng rất cao cho tới năm 2035 nói trên và hệ số 1,3 này, chúng ta có thể quy đổi nhu cầu dịch vụ công ở TPHCM sẽ tương đương 20 triệu x 1,3 = 26 triệu cư (cư dân tiêu chuẩn).

Điều này có nghĩa trong tương lai không xa, TPHCM sẽ phải đáp ứng nhu cầu dịch vụ công của một thành phố tương đương 26 triệu cư dân nông thôn; tương đương nhu cầu dịch vụ công phát sinh từ 26 tỉnh nông thôn.

Dùng mô hình vốn được thiết kế cho một tỉnh(3) để giải quyết việc cung cấp dịch vụ công phát sinh trong tương lai cho tương đương 26 tỉnh rõ ràng chứa đựng nhiều bất ổn, theo quy luật lượng đổi, chất đổi.

Để giải quyết bài toán cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, kịp thời, chi phí hợp lý nhằm duy trì môi trường cho phát triển kinh tế, làm đầu tàu tăng trưởng cho cả nước, TPHCM cần rất nhiều đổi mới về thể chế. Thế nhưng, những nghiên cứu tiếp theo của bài viết này cho thấy, TPHCM đang bị vướng rất nhiều rào cản thể chế. 

(Còn tiếp 1 kỳ)

Võ Trí Hảo - Công ty Luật Khoa & Associates, UEH 

(1) Những điều phân tích về TPHCM ở bài này, tác giả cho rằng sẽ diễn ra tương tự ở Hà Nội.
(2) Để tiến hành dự báo chính xác cần tiến hành khảo sát hai nhóm đối tượng (doanh nghiệp và học sinh, phụ huynh) miền Tây Nam bộ, sau đó là miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn quốc, trên các vấn đề: (1) Nếu không còn ruộng thì quý ông, quý bà sẽ kiếm việc làm ở đâu; (2) Học sinh có dự định học nghề gì, phụ huynh sẽ khuyên con xin việc ở đâu? (3) Doanh nghiệp dự tính đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất như thế nào ở TPHCM?
(3) Bộ máy nhà nước ở Việt Nam vẫn lấy nông thôn làm tiêu chuẩn, sau đó điều chỉnh ra hai biến thể: đô thị, hải đảo - miền núi xa xôi chỉ với rất ít khác biệt. 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: