Bài toán nào cho thẩm mỹ đô thị

Thứ hai, 22 Tháng 4 2019 17:33 Lao Động Thủ đô
In

Dư luận hiện nay đang quan tâm đến việc chỉnh trang đô thị, những tranh cãi ồn ào xung quanh vấn đề sơn vẽ nơi công cộng và văn hóa quảng cáo gây nhiều phản cảm, bức xúc vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Đây là những “gam màu tối” đã tồn tại từ lâu trở thành bài toán khó không thể giải quyết trong một sớm một chiều, do đó cần hơn nữa sự can thiệp, trách nhiệm quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.


Bộ mặt “nhem nhuốc” của con phố vì biển quảng cáo lộn xộn.

Không thể xem nhẹ

Ngày nay, trên thế giới, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, thẩm mỹ kiến trúc trong đô thị có thể xem là vấn đề không thể thiếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Xu hướng xã hội hóa hoạt động trang trí nơi công cộng đã góp phần làm thay đổi không nhỏ diện mạo nói chung của một đô thị. Xét ở góc độ nhu cầu xã hội, khi đời sống vật chất càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cũng đi lên. Những công trình công cộng đáp ứng một phần nhu cầu thay đổi đa dạng, liên tục về thẩm mỹ thị giác của người dân, phần nào giúp họ được giải tỏa những ức chế, căng thẳng từ áp lực cuộc sống.

Tại Hà Nội, đã có rất nhiều cuộc hội thảo về kiến trúc đô thị, kiến trúc phổ cổ, kiến trúc phố đang xây dựng, hoặc họp bàn về câu chuyện xây dựng văn hóa và thẩm mỹ kiến trúc, nhưng đến nay gần như vẫn chưa có kết quả nào khiến đông đảo người dân hài lòng. Thực tế là những trang trí, thiết kế ở một số địa điểm, tuyến phố hiệu quả chưa thấy, điều nhìn nhận rõ nhất là tốn công sức và tiêu hao lãng phí tiền của. Nói rộng hơn, câu chuyện nhận thức chung về trang trí đô thị của Hà Nội nhiều lúc chạy đua theo cái mới giống như chạy đua theo mốt thời trang khiến nghệ thuật công cộng biến dạng theo kiểu phong trào khiến chúng ta không có cái đặc trưng riêng, không để lại dấu ấn.

Cùng với đó, cách quy hoạch theo kiểu "giải quyết" đáp ứng yêu cầu trước mắt như hiện nay đã đẩy các yếu tố thẩm mỹ và quy hoạch đô thị vào tình cảnh rượt đuổi lẫn nhau, thậm chí triệt tiêu nhau. Đến cuối cùng đô thị trở thành những mảng chắp vá, không đúng như quy hoạch và kiến trúc ban đầu. Từ đó mà phá vỡ tất cả những không gian, cảnh quan và kiến trúc thẩm mỹ đô thị. Nếu thống nhất ngay từ đầu, trung thành với ý tưởng thiết kế được duyệt từ đầu thì lúc đó mới giữ được bản sắc nét đẹp của đô thị, thành phố.

Một đô thị văn minh được biểu hiện thông qua rất nhiều tầng lớp yếu tố cơ bản, trong đó trước tiên có lẽ là yếu tố diện mạo. Gương mặt đẹp của một đô thị không chỉ là biểu hiện của một quy hoạch khoa học, bài bản mà còn cho thấy trình độ quản lý cũng như trình độ nhận thức thẩm mỹ của chính quyền và cư dân nơi đó. Mỗi thành phố có một đặc trưng, kiến trúc riêng, do đó việc xây dựng thẩm mỹ đô thị cần phải có đặc thù riêng, trong đó kiến trúc sư, những người có chuyên môn, công tác quản lý của các cấp chính quyền đóng vai trò chính yếu để thiết kế hình thành nên bộ mặt, vẽ nên bức tranh của một đô thị.

Trách nhiệm của các bên

Bàn về câu chuyện trang trí thế nào cho đô thị, trong cuộc trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô, với tư cách là người quản lý và làm nghệ thuật, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bày tỏ nỗi buồn khi nghệ thuật công cộng ở Hà Nội còn bị bỏ ngỏ. “Mở rộng ra nhiều thành phố trên thế giới, các công trình của họ để lại dấu ấn, ví dụ như bức tường có lùm cây lớn, người ta vẽ thêm cô gái, lùm cây trở thành mái tóc rất đẹp. Có thể thấy rằng, cách họ làm vô cùng chuyên nghiệp dựa trên mặt bằng, diện tích, địa điểm đó có đặc điểm gì. Ý tưởng xây dựng bích họa trên tường hay vẽ hoa trên bốt điện của chúng ta đến cuối cùng vẫn là mong muốn phục vụ cuộc sống của con người, nhu cầu về tinh thần được nâng lên.

Tuy nhiên cách chúng ta đang làm là theo kiểu ai làm cũng được, tùy tiện và đơn giản với hình thức làm cho có. Trong khi với văn hóa nghệ thuật lại không được phép như vậy, nó là phải thể hiện được cái tinh hoa, cái tốt nhất. Thật buồn khi vấn đề thẩm mỹ công cộng của chúng ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức, từ chính quyền các cấp đến người dân đều chưa “để mắt” tới mỹ thuật. Và bây giờ chính chúng ta đang phải trả giá. Trên các tuyến phố cái cần giữ thì không giữ, thậm chí còn làm biến dạng rất nhiều dẫn đến đô thị hiện nay rất báo động. Không những lộn xộn mà còn phản khoa học tác động đến hành vi tham gia giao thông của người dân có phần tăng động, kích động hơn”, ông Thành cho hay.

Do đó, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triễn lãm cũng chỉ ra rằng, để hạn chế việc “bôi bẩn” và tạo rác cho đô thị thì cần nâng cao hơn nữa sự chuyên nghiệp. Tất cả những trang trí để tạo cảnh quan điểm nhấn nơi công cộng phải có quy hoạch, có đề án, chủ trương thậ̣m chí là những phác thảo phải được duyệt từ các cấp có thẩm quyền, đặc biệt phải có sự tham gia của những người có chuyên môn bài bản sau đó mới được triển khai.

Nếu như tranh bích họa được xem là thiếu bàn tay của chuyên gia, những người có tầm nhìn và chưa có sự can thiệp đúng mức của các cấp quản lý, thì việc lộn xộn trong vấn đề quảng cáo lại gặp vấn đề “nan giải” trong khâu xử lý triệt để. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhận định: “Quảng cáo có sự đặc thù không chỉ do dân tự làm mà còn có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, tính giáo dục thẩm mỹ thể hiện sự hội nhập của đô thị với xu thế chung và góp phần giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng.

Với vai trò ý nghĩa như vậy, từ các cơ quan trung ương, từ Chính phủ đã có định hướng về quy định quản lý thông qua Luật Quảng cáo và các văn bản nghị định hướng dẫn của Bộ Văn hóa thông tin. Riêng đối với thành phố Hà Nội, công tác quảng cáo càng được chú trọng hơn. Hà Nội đã có văn bản cụ thể quy định về quảng cáo. Hà Nội cũng đã chú trọng nghe ý kiến người dân, ý kiến chuyên gia để có những hình thức quảng cáo hợp lý”.

Trong đó có thể kể đến như Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, quy định rất rõ về mức phạt đối với những cá nhân tổ chức vi phạm vấn đề quảng cáo, hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Lý giải vì sao khung pháp lý đã có đầy đủ, nhưng quảng cáo vẫn là “vấn nạn” của bộ mặt đô thị, ông Nghiêm cho rằng: “Thực chất còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý quảng cáo, những hướng dẫn, thiết kế hiện nay chưa đi vào lòng người dân, chưa được cộng đồng dân cư thực hiện.

Mặc dù chúng ta đã có khung pháp lý và đã xác định được đầu mối để quản lý nhưng công tác thanh tra, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, xử phạt còn mang tính chất nhất thời, phát động thi đua, thỉnh thoảng ra quân rầm rộ nhưng chỉ một thời gian sau lại đâu vào đó. Chúng ta có quy định về mức xử phạt nhưng ai là người xử phạt lại không được chỉ rõ. Từ đó đặt ra vấn đề về thiếu tranh tra giám sát, thiếu đầu mối và không duy trì được phong trào thường xuyên.

Trước đây Hà Nội có lực lượng trật tự xây dựng, gần đây nhất Hà Nội được Chính phủ cho phép thí điểm quản lý trật tự xây dựng về các quận, huyện. Phải chăng nên điều chỉnh lại các đội quản lý, phân công quản lý trật tự xây dựng rộng rãi chứ không phải thí điểm nữa và các đội quản lý trật tự xây dựng quận, huyện này phải có tổ công tác hoặc cán bộ thường trực, ổn định tại các cơ sở. Tiếp theo, các tuyến phố chính của Hà Nội phải có thiết kế, phổ biến thông tin cho người dân, làm thế nào đưa ra giải pháp giúp người dân thấy được rõ quyền lợi của họ khi thực hiện quảng cáo nhưng cũng thấy được trách nhiệm của họ. Chỉ khi đó, quảng cáo lộn xộn sẽ không còn là căn bệnh “nan y” khó chữa”, ông Nghiêm khẳng định.

Phương NgânLương Hằng

(Lao Động Thủ đô)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: