Có tạo sân chơi bình đẳng trong đầu tư PPP?

Thứ bảy, 14 Tháng 3 2020 18:25 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là cần thiết nhưng vì sao trong thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư theo hình thức này có nguy cơ “vỡ trận” và bộc lộ nhiều "lỗ hổng".

Thiếu minh bạch, tạo tâm lý tiêu cực

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khởi động vào năm 2009, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng công trình đạt khối lượng rất thấp vì có những lúc phải dừng thi công mà nguyên nhân chính là do không thể vay được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.


Điểm đầu cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
(Ảnh: TTXVN)

Từ tháng 4/2019, Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia dự án để bổ sung năng lực điều hành cho doanh nghiệp dự án. Chính phủ cũng cho phép chuyển cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Tiền Giang, dự án được tái khởi động.

Dự án này cũng đã được Kiểm toán Nhà nước vào làm việc, soát xét 2 lần và đã phát hiện loại nhà đầu tư 0 đồng, Công ty Yên Khánh, để tái cơ cấu liên danh doanh nghiệp dự án.

Tổng vốn đầu tư dự án được phê duyệt tăng lên mức 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết của doanh nghiệp dự án đạt tối thiểu 3.400 tỉ đồng, 4 ngân hàng đã cam kết hợp vốn cho dự án này 6.686 tỉ đồng.

Nhờ được tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hiện nay dự án này đã đạt khối lượng trên 35%, tăng gấp 3 lần so với 10 năm thi công trước đây. Doanh nghiệp dự án cũng đã cam kết với Chính phủ sẽ cho thông tuyến đoạn đường 51,1km này vào dịp Tết âm lịch Tân Sửu sắp tới và đưa vào khai thác vào năm 2021.

Chia sẻ về công trình này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: “Khi mới được Chính phủ giao cho địa phương là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án này chúng tôi rất lo lắng vì đây là dự án có quy mô lớn và quan trọng của vùng.

Chúng tôi nhận thấy dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) Cai Lậy bị người dân phản đối là vì từ khi lập dự án đến thi công và đưa vào thu phí thì gần như người dân-người trực tiếp “mua dịch vụ”, lại rất thiếu thông tin về dự án. Chính vì thế mà khi dự án này đi vào khai thác đã vấp phải sự phản đối của chủ phương tiện.

Rút kinh nghiệm từ dự án này, ngay từ khi được Chính phủ giao trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thì yêu cầu đầu tiên chúng tôi đặt ra cho doanh nghiệp dự án là phải công bố thông tin dự án một cách minh bạch ngay từ đầu và cách làm này đang được người dân ủng hộ”.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình đào tạo quản lý chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: “Do nhiều bất cập của một số dự án BOT trước đây đã tạo tâm lý tiêu cực đối với các dự án đầu tư theo hình thức này. Do vậy, điều cần thiết phải làm hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện chính sách. Trước mắt cần phải truyền thông hiệu quả và thực hiện dự án tốt để thay đổi cách nhìn tiêu cực của người dân về dự án BOT”.

Chưa tạo được sân chơi bình đẳng

Dòng đời dự án đầu tư theo hình thức PPP thường kéo dài hàng chục năm nên tâm lý của nhà đầu tư là cần có một chính sách ổn định cho cả dòng đời dự án.

Nắm bắt tâm lý trên, vào giữa tháng 9-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã ký gửi các ngân hàng cam kết, khi đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào sử dụng thu phí hoàn vốn đầu tư trong phạm vi thẩm quyền của mình, Tiền Giang sẽ không thay đổi về quy hoạch giao thông như đầu tư các tuyến đường giao thông có hướng tuyến tương tự gây ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông của dự án và không ban hành các chính sách khác ảnh hưởng đến phương án tài chính dòng tiền trả nợ của dự án.

Trường hợp thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về quy hoạch GTVT có ảnh hưởng đến dự án, Tiền Giang sẽ cùng các ngân hàng tài trợ vốn và doanh nghiệp dự án báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT xem xét đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính dự án.

Theo người viết, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử BOT giao thông, một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra cam kết trên với ngân hàng hợp vốn và doanh nghiệp dự án.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: có thể xem PPP là dự án nhà nước “đặt hàng” nhà đầu tư tham gia. Nguyên lý chung cho dự án này phải hài hòa lợi ích các bên: nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Nguyên tắc phải công khai minh bạch đảm bảo khuyến khích cho nhà đầu tư nhưng  phải đấu thầu minh bạch, tránh “sân trước, sân sau”.

“Thực tế, khi chưa ban hành Luật PPP thì các dự án PPP vẫn được thực hiện, nhưng cơ chế chính sách không hoàn thiện nên rủi ro nhiều hơn cho nhà đầu tư và cuối cùng cũng là rủi ro cho Nhà nước, cho người sử dụng bởi dự án PPP là công trình, dịch vụ công. Càng ban hành luật sớm chúng ta càng có cơ hội thu hút vốn tư nhân nhiều hơn, thực hiện bài bản, hiệu quả hơn, đặc biệt sẽ góp phần giải bài toán nguồn lực cho những mục tiêu đặt ra trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới", ông Thiên nói thêm và cho biết, cần thiết ban hành Luật PPP để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, mở ra một giai đoạn mới trong việc triển khai thu hút đầu tư PPP, bảo đảm công bằng, minh bạch, ổn định, tin cậy và hiệu quả kinh tế.

Dự án PPP thực hiện trong thời gian dài có khi lên 25 -30 năm với những rủi ro khó thể lường hết trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án. Theo đánh giá của một số nhà đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), trường hợp phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng PPP, những quy định hiện nay về luật áp dụng vẫn chưa tạo được sân chơi bình đẳng trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, hoặc giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế.

Dự án Luật PPP đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và dự kiến quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến cuối năm 2018, đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng, thông qua đó huy động được khoảng 1.609.295 tỉ đồng (tương đương 70 tỉ đô la Mỹ) đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Nguồn vốn tư nhân sẽ càng cần thiết trong bối cảnh đất nước có nhiều mục tiêu phải đảm bảo, nhu cầu đầu tư cao để phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Riêng năm 2020, số vốn kế hoạch đầu tư công là 220 nghìn tỉ đồng đã được Thủ tướng giao ngày 29/11/2019, chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu, hụt khoảng 152 nghìn tỉ đồng.

Văn Huỳnh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: