Thi ý tưởng thiết kế khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi: Đâu rồi những hạt ngọc di sản

Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 12:15 Người Đô Thị
In

Chưa thấy phương án nào đề xuất khai thác giá trị chợ Bến Thành như một kiến trúc đẹp và đồ sộ, hơn 100 tuổi, đồng thời là biểu tượng thương mại xuyên thế kỷ.

Công trường Metro ở trung tâm thành phố vẫn còn ngổn ngang nhưng vào một ngày đầu tháng 3 vừa rồi có một đoàn khách được đáp “đoàn tàu” đặc biệt đi về tương lai. Đó là các giám khảo cuộc thi “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm nhà ga Bến Thành”.

Chín giám khảo Việt Nam và ba giám khảo nước ngoài đã nghe ba thí sinh là các công ty kiến trúc đến từ Nhật, Singapore và Ý trình bày các phương án rất đa dạng. Mỗi phương án có những điều thú vị riêng song đều chung mục đích làm trung tâm thành phố nay mai sẽ đẹp hơn, giàu hơn khi phương tiện giao thông metro tân tiến ra đời. Giữa bộn bề nỗi lo phòng chống dịch COVID-19, chúng ta vẫn không thể quên câu chuyện bảo tồn và phát triển một xã hội giàu mạnh và nhân văn.


Phác họa của phương án Một về quảng trường hình chén trước chợ Bến Thành

Viễn cảnh chợ Bến Thành rộng mở

Đầu tiên, “đoàn tàu vô hình” của các giám khảo đi vào bên trong chợ Bến Thành và đi xuống các tầng ngầm. Tại đây, phương án dự thi số Ba đề xuất tầng mặt đất hiện hữu không còn là “wet market” (chợ tươi sống, quầy sạp) mà trở thành thương xá lộng lẫy với nhiều cửa hàng, quán xá sang trọng. Nhà lồng chợ được giữ nguyên nhưng bên trong sẽ thêm tầng lửng. Ngoài ra, dưới nền chợ là các tầng ngầm cho khu hàng tươi sống, thủ công, mỹ nghệ, quần áo, gia dụng.

Thêm nữa, tầng ngầm chót cùng được dành riêng làm bãi giữ xe (car park). Các tầng ngầm đều có cửa thông với ga metro ở công viên 23/9 và vòng xoay Quách Thị Trang. Khoảng không gian rộng lớn bên trên vòng xoay sẽ giữ một phần làm khu triển lãm hàng hóa và chợ phiên lộ thiên, với mái vòm ghép từ nhiều lá kiếng. Phần còn lại là cửa ra vào chính của metro. Toàn bộ quảng trường Quách Thị Trang sẽ là phố đi bộ ngày và đêm.

Trong khi ấy, phương án số Một lại đưa ra ý tưởng thay mái tôn hiện có của nhà lồng chợ Bến Thành bằng mái kiếng để không gian bên trong tràn ngập ánh sáng trời. Mặt khác, điểm trung tâm bên trong chợ sẽ được biến cải thành một quảng trường nhỏ (plaza) như dạng đại sảnh trang trọng.

Đặc biệt, các con đường Nguyễn An Ninh thông vào cửa Tây và đường Lưu Văn Lang thông vào cửa Đông sẽ được lợp kiếng để nối xuyên suốt phố và chợ. Còn trung tâm vòng xoay Quách Thị Trang sẽ được đào trũng xuống, trở thành “quảng trường hình chén” - chưa từng thấy ở Việt Nam, với các bậc thềm dẫn vào một hồ phun nước lớn!

Phương án số Hai có cùng ý tưởng xây hồ phun nước bề thế ở trung tâm vòng xoay nhưng vẫn giữ nguyên mặt bằng cũ. Các tác giả dự kiến hồ phun nước cũng là “sân khấu nổi”, đồng thời sẽ sử dụng mặt tiền chợ Bến Thành làm phông trình diễn nghệ thuật chiếu sáng laser.

Cả ba phương án đều không “phóng tay” đề xuất “tân trang” tháp đồng hồ và biến cải khung cảnh bốn cửa chính đương thời của chợ. Các dãy phố ba tầng cổ điển bao quanh chợ vẫn lưu lại như hiện trạng. Tòa nhà Công ty Hỏa xa Đông Dương (nay là trụ sở Công ty Đường sắt 3) nằm bên kia vòng xoay cũng được giữ nguyên vẹn.


Sa bàn phác họa một đoạn đường mở và đường ngầm đi lên đại lộ Lê Lợi trong phương án Hai.

“Đại lộ danh vọng” - tráng lệ từ trên xuống dưới

Phương án Hai phóng ra hình ảnh khá lãng mạn: cả đại lộ Lê Lợi trở lại là một dòng kênh như đã từng có, trước lúc khai thị chợ Bến Thành. Các tác giả đưa ra những tên gọi rất thơ: Walking on Water (Đi bộ trên nước) và Seeking Water (Tìm nước).

Theo đó, phần giữa đại lộ Lê Lợi được đào xuống là một con đường đi bộ lộ thiên - chạy trên nóc đường hầm metro. Con đường này có mái lợp bằng kiếng, được phủ thêm một lớp nước đem đến cho khách bộ hành cảm giác dạo bước dưới dòng ngân giang. Còn khách đi bộ bên trên và dòng xe ven đại lộ sẽ thích thú như được lướt đi bên sóng nước.

Ở các giao lộ sẽ có các lối lên xuống rất lớn. Tại đây, bố trí những thác nước giả hoặc bồn phun nước, để duy trì cảm hứng hòa mình trong sông suối.

Nhìn trên bản đồ vẽ hay bản đồ không ảnh Google, ta có thể nhận ra khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi mang hình dáng một chiếc chìa khóa dài hoặc một cây đàn ghi ta điện. Cả hai hình dáng đều lý thú vì thực sự đó chính là khu đất “chìa khóa vàng” mở ra sự thịnh vượng thương mại ở trung tâm thành phố, từ xưa đến nay. Đó cũng là “cây đàn thần” không chỉ mang thanh điệu của kim tiền mà còn ngân lên đủ các giai điệu văn nghệ muôn hồng nghìn tía.

Phương án Hai còn đề xuất làm đường ngầm dưới chợ Bến Thành và vòng xoay Quách Thị Trang nối ra đường mở ở đại lộ Lê Lợi, hợp thành con đường mua sắm, ẩm thực. Các tác giả phương án Hai dự định hai dãy phố bên trên và cả đường mở giữa đại lộ Lê Lợi sẽ là phố thời trang.

Ngoài hai “plaza ngầm”, ẩn dưới nền các giao lộ, còn có một “plaza ngầm” lớn dưới chân vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi và công trường Lam Sơn. Trên mặt đất, quảng trường Nhà hát Thành phố sẽ được thiết kế lại trở thành một quảng trường hình vòng cung như kiểu quảng trường Saint Peter ở Vatican.

Với các tác giả phương án Một, mặt trên phần giữa đại lộ Lê Lợi là công viên trải dài. Hai đường nhỏ hai bên dành cho xe cộ qua lại nhưng vào cuối tuần sẽ cấm xe để toàn khu vực là phố đi bộ. Trên tuyến đường này, ngày thường sẽ có xe điện công cộng tự hành. Dọc đường có nhiều thiết bị năng lượng thông minh. Dưới mặt đất đại lộ, sẽ là đường ngầm đi bộ với nhiều lối giao cắt thông với bên trên. Bên trong đường ngầm và đường hầm metro, sẽ đặt các hồ chứa nước chống ngập, các đường ống hơi nóng, như kinh nghiệm tại Nhật Bản.

Trong khi đó, các tác giả phương án Ba phác họa toàn bộ đường ngầm dưới đại lộ Lê Lợi sẽ là phố ẩm thực quốc tế. Tại đây, sẽ tập trung các hàng quán ẩm thực xuất sắc của Việt Nam và thế giới. Bên trong đường ngầm sẽ có xe điện mini - tram qua lại, càng làm tăng tính hiện đại tân kỳ. Bên trên đường ngầm – phần giữa đại lộ vẫn là công viên.

Cả ba phương án đều chú ý tạo cây xanh, hoa lá, tiểu cảnh, tượng đài mỹ thuật, vòi phun nước trên mặt đất cũng như dưới tầng ngầm và tầng mở để vẫn tạo ra không gian xanh, tươi vui giữa khung cảnh bê tông, nhà kính cao tầng sáng loáng vây bủa.


Các tác giả phương án Ba trình bày trước ban giám khảo 

Những hạt ngọc di sản tiềm ẩn

Có lẽ, thời gian ngắn ngủi của cuộc thi (non ba tháng) không đủ cho các tác giả nước ngoài nghiên cứu đầy đủ về các giá trị lịch sử của khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi. Cả ba phương án đều làm đúng quy định đề bài - không làm ảnh hưởng đến kiểu dáng kiến trúc vốn có của chợ Bến Thành, tòa nhà Hỏa xa và các dãy phố cổ còn lại. Nhưng không có phương án nào đưa ra được những sáng kiến đáng kể để phát huy các giá trị ấy.

Phương án Hai nêu ý tưởng trong đường ngầm và đường mở ở đại lộ Lê Lợi bên cạnh các cửa hàng và quán xá sẽ đan xen một số bảo tàng. Đây là một ý hay nhưng chưa nêu đó là những bảo tàng gì, quy mô ra sao. Phương án Ba đề xuất xây một tòa nhà kính trên đất vòng xoay Quách Thị Trang - gần bên tòa nhà Hỏa xa để làm trung tâm thông tin du lịch và không gian khởi nghiệp. Bên dưới tòa nhà, sẽ có đường ngầm thông với tòa nhà Hỏa xa và Bảo tàng Mỹ thuật (nhà chú Hỏa), thực hiện kết nối di sản với di sản.

Tuy nhiên, chưa thấy phương án nào đề xuất khai thác giá trị chợ Bến Thành như là một kiến trúc đẹp và đồ sộ, hơn 100 tuổi, đồng thời là biểu tượng thương mại xuyên thế kỷ. Tại sao, bên trong, bên dưới và bên ngoài không thể có một hình thức và phương tiện nào đó nhắc nhớ lịch sử chợ và lịch sử thương mại của thành phố? Cũng không thấy phương án nào nói đến các dãy phố Lê Thánh Tôn, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lưu Văn Lang từ xưa đã là Hàng Vàng, Hàng Bạc, Hàng Giày, phố tơ lụa Bombay, bến xe ngựa thổ mộ, hàng quán ẩm thực độc đáo của Sài Gòn.

Hoặc đề cập vòng xoay Quách Thị Trang và tượng đài Trần Nguyên Hãn là nơi từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đòi dân chủ và tự do! Cũng chưa thấy các tác giả đề xuất nên tôn tạo và phục chế như thế nào đối với tòa nhà Hỏa xa và phần đầu công viên 23.9 - nguyên là nhà ga xe lửa trung tâm đầu tiên của Đông Dương. Và kể cả tòa nhà Thương xá Tax dù đã bay lên trời liệu sẽ trở lại ra sao trên đại lộ Lê Lợi mới?

Theo chúng tôi, khá nhiều sự tích, cổ tích và các giá trị lịch sử hoàn toàn có thể sống lại trong khung cảnh tân kỳ, tráng lệ của tương lai qua các hình thức phong phú như bích họa, bia lưu niệm, góc lưu niệm, phù điêu, tượng đài nhỏ, bảo tàng mini, tiểu cảnh, màn hình điện tử trên mặt đất cũng như dưới các tầng ngầm và đường metro.

Nhìn trên bản đồ vẽ hay bản đồ không ảnh Google, ta có thể nhận ra khu vực chợ Bến Thành và đại lộ Lê Lợi mang hình dáng một chiếc chìa khóa dài hoặc một cây đàn ghi ta điện. Cả hai hình dáng đều lý thú vì thực sự đó chính là khu đất “chìa khóa vàng” mở ra sự thịnh vượng thương mại ở trung tâm thành phố, từ xưa đến nay. Đó cũng là “cây đàn thần” không chỉ mang thanh điệu của kim tiền mà còn ngân lên đủ các giai điệu văn nghệ muôn hồng nghìn tía. Không thể quên khu vực này, từ đầu thế kỷ XX từng là đất đỡ đầu cho đờn ca tài tử, cải lương, tân nhạc, thi họa, mỹ thuật, phim ảnh Việt Nam… sanh sôi, nảy nở.

Mong lắm, sắp tới không chỉ các nhà thiết kế đô thị mà ngay các nhà đầu tư và chính quyền thành phố sẽ tiếp tục khai phá những ý tưởng và phương án không chỉ khả thi về kỹ thuật, mỹ thuật và kinh tế mà còn về các giá trị di sản ở không gian vàng kể trên.

Phúc Tiến

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: