Thí điểm chính quyền đô thị và yêu cầu về kiểm soát quyền lực

Thứ bảy, 20 Tháng 6 2020 10:39 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Một trong những nội dung đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV hôm 19/6 vừa qua là Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội. Sắp tới đây, TPHCM dự kiến sẽ sáp nhập ba quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) thành một thành phố trực thuộc TPHCM. Vậy có những điểm gì đáng chú ý trong thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở địa phương?


Thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính UBND. Trong ảnh là thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Trọng tâm của việc thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội là ở cấp phường không còn Hội đồng nhân dân (HĐND), còn ở Đà Nẵng thì cả hai cấp quận và phường đều không còn HĐND. Thí điểm cần đảm bảo yêu cầu Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân làm chủ như quy định trong Hiến pháp. Việc thí điểm sẽ không đem lại kết quả nâng cao hiệu lực bộ máy nếu không đi kèm thí điểm về bầu cử và công tác cán bộ ở các địa phương làm thí điểm.

Theo phương tiện thông tin đại chúng, cho đến nay Đảng và Nhà nước chưa đưa ra dự kiến những thay đổi lớn về bầu cử Quốc hội năm 2021 và do đó có thể suy đoán rằng chưa có thí điểm thay đổi chế độ bầu cử, kể cả ở các thành phố thí điểm (do đề án thí điểm chưa được công bố rộng rãi nên chỉ có thể suy đoán).

Nếu vẫn giữ cách bầu cử như hiện nay là một khu vực bầu cử bầu 4-5 đại biểu thành phố, tuy danh sách có số dư (5-6 người) do Mặt trận tổ quốc hiệp thương, và không có tranh cử thì với thí điểm mô hình mới, khả năng người dân lựa chọn người đại diện và bảo vệ cho lợi ích của mình không được cải thiện.

Các đại biểu HĐND thành phố (đối với Hà Nội và Đà Nẵng), quận (đối với Hà Nội) vẫn đa số là cán bộ ít chuyên trách, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí không phải là người cư trú ở địa phương thì hoạt động của HĐND vẫn mang tính hình thức, đây cũng là một lý do để cho rằng cơ quan này không cần thiết tiếp tục hoạt động. Năng lực giám sát của HĐND thành phố khi đó càng khó có thể bao quát hết các địa bàn thuộc trách nhiệm của mình.

Nhược điểm tổ chức chính quyền hiện nay là trùng lắp mô hình tổ chức và thiếu rõ ràng về phân công trách nhiệm giữa 4 cấp chính quyền khi giải quyết một vấn đề. Hiệu quả thí điểm có thể sẽ không như mong đợi khi trong luật chưa có phân cấp rõ ràng giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp của địa phương: thí dụ trong lĩnh vực giáo dục thì trung ương làm gì và thành phố, quận, phường làm gì. Trong khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định chung nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, không phân biệt nhiệm vụ đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Vậy nên các cấp chính quyền địa phương khó có thể hoạt động dựa trên pháp luật, coi pháp luật là cơ sở pháp lý cho hoạt động của mình, mà phải dựa nhiều vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Một số quyết định của chính quyền cấp dưới đã được thông qua nhưng còn phải chờ ý kiến của cấp trên mới có thể triển khai. Thí điểm đưa ra cách giải quyết tình trạng kém hiệu quả này bằng cách xóa bỏ một cơ quan chính quyền là cơ quan dân bầu ở cơ sở mà lẽ ra cần tìm cách tăng cường quyền lực thực sự.

Trong công tác cán bộ hiện nay, quyền lực chưa được kiểm soát đúng mức. Cuộc thí điểm càng làm cho tình trạng này trầm trọng hơn: người đứng đầu cấp phường do người đứng đầu cấp quận quyết định, còn cấp quận do thành phố quyết định, chứ không do người dân hay đại biểu của dân bầu ra. Nội dung này của thí điểm có thể tăng cường kỷ luật tuân thủ trong bộ máy hành chính, mà không tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, và cũng không tăng cường quyền hạn người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc bổ nhiệm bộ máy giúp việc (giám đốc sở ngành ở thành phố hay trưởng các phòng ban ở quận) thuộc cấp của mình. Đây là cơ chế gây nhiều rủi ro khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ.

Với cơ chế thí điểm, trách nhiệm về các hành vi rủi ro sẽ được đẩy xuống dưới: tuy ở cấp thành phố chủ trương đưa ra phù hợp pháp luật, thí dụ như tổ chức đấu thầu rộng rãi các dự án chỉnh trang đô thị, sửa chữa, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, nhưng khi triển khai thực hiện thì chủ yếu là chỉ định thầu. Thành phố (quận) không bao quát hết được địa bàn cơ sở, trong khi ở cơ sở thì không còn tổ chức giám sát quyền lực nhà nước, mặc dù hệ thống chính trị vẫn có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhưng cơ quan hành chính và các tổ chức này đều cùng do đảng lãnh đạo. Khi người dân ở cơ sở phát hiện xây dựng không phép, tình trạng không hiếm ở các đô thị,- thì liệu có thể phản ánh đến HĐND thành phố không khi Hội đồng nhân dân chỉ có số lượng đại biểu chuyên trách hạn chế?

Kinh nghiệm các nước là khi trao quyền lực lớn cho người đứng đầu cơ quan hành pháp (Tổng thống, Thị trưởng) thì đồng thời phải có cơ chế ràng buộc, kiểm soát của người dân qua cơ chế bầu cử trực tiếp. Với thí điểm chính quyền đô thị mà không thay đổi chế độ bầu cử thì tiếng nói của người dân qua lá phiếu bầu cử thậm chí còn yếu đi. Xu hướng tiến bộ cần thí điểm là mở rộng quyền của người dân thực sự lựa chọn người đại diện cho mình, tạo điều kiện để nhân dân kiểm soát quyền lực và tạo ra sự cân bằng trong phân công trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp và phân công rõ ràng giữa các cấp.

Để thí điểm chính quyền đô thị có thể tiếp tục thực hiện và mở rộng sau 5 năm, cần chuẩn bị những việc sau:

- Điều 111.2 Hiến pháp quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” nhưng hiện chưa có luật nào quy định về vấn đề này; Trong khi đó Nghị quyết Quốc hội thì chưa đủ chi tiết để thực hiện. Vì vậy cần hành văn bản quy phạm pháp luật về phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cấp chính quyền địa phương. Thể chế hóa (viết thành văn bản) đầy đủ các quy định, bao quát toàn bộ hoạt động của toàn thành phố là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều tri thức, thời gian và công sức.

- Đổi mới chế độ bầu cử: để nâng cao trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri, tốt nhất là một đơn vị bầu cử chỉ nên bầu một đại biểu đại diện. Danh sách bầu cử có số dư, tốt nhất là 2 bầu 1, trong đó 1 đảng viên, 1 không phải đảng viên.

- Thành phần Hội đồng nhân dân thành phố cần tăng đại biểu chuyên trách là đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp để có thể tiến tới chế độ chuyên nghiệp, Hội đồng nhân dân họp thường xuyên hơn, quyết định kịp thời những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của mình.

- Họp tiếp xúc cử tri được ấn định ngày tháng cụ thể để người dân có thể đến dự, không cần phải có giấy mời mới được tham dự.

- Tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân trong bộ máy hành chính bằng cách thực hiện chế độ một thủ trưởng: Hội đồng nhân dân bầu chủ tịch UBND và chỉ 1 phó chủ tịch UBND để giải quyết công việc khi chủ tịch vắng mặt; Người này đồng thời là giám đốc một sở ngành. Phụ trách các lĩnh vực là giám đốc các sở ngành. Chủ tịch UBND có quyền bổ nhiệm giám đốc các bộ phận dưới quyền.

Những nội dung cải cách thể chế này đòi hỏi tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của lãnh đạo đảng và nhà nước. Nếu thí điểm chỉ tập trung quyền lực của bộ máy hành chính theo hướng lên trên thì có thể ban đầu bộ máy sẽ tiến rất nhanh nhưng có thể không đi theo hướng tiến tới mục tiêu mà Đảng đề ra “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Phan Thanh Hà

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: