Khai thác khu Đồi Dinh ở Đà Lạt thế nào?

Thứ hai, 17 Tháng 8 2020 11:47 Tuổi Trẻ
In

Thiếu tinh tế tối thiểu, cưỡng đoạt tự nhiên… là nhận xét của các chuyên gia, kiến trúc sư về các phương án kiến trúc khu vực dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Tiếp tục câu chuyện Đà Lạt đổi mảng xanh ở khu đất vàng lấy khách sạn (Tuổi Trẻ ngày 16/8), nhiều kiến trúc sư (KTS), bạn đọc đã phản đối việc "bức tử" khu đồi dinh này.

KTS Nguyễn Tấn Vạn - chủ tịch Hội KTS Việt Nam - bình luận ngắn gọn về ý tưởng xây khách sạn ở đây: "Cái đó dở lắm, vô cùng dở".

Tại sao phải xây khách sạn?

KTS Đoàn Thanh Hà (Văn phòng H&P Architects) khẳng định cả ba phương án được trưng bày lấy ý kiến đều không ổn, thậm chí "quá thô bạo".

Theo KTS từng giành nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế này, cách tiếp cận của các KTS thiết kế các phương án trên đều thiếu tinh tế tối thiểu bởi mật độ bêtông "rất khó thở", đặc biệt trong bối cảnh Đà Lạt.

KTS Đoàn Thanh Hà lấy ví dụ về sự tinh tế tối thiểu khi xây dựng ở những không gian di sản như trường hợp khách sạn Hilton Opera Hanoi ở Hà Nội.

Công trình này đứng cạnh Nhà hát lớn Hà Nội nên đã được làm âm xuống lòng đất vài tầng để chỉ xây dựng trên mặt đất 7 tầng, tổng chiều cao của nó vẫn thấp hơn Nhà hát lớn.

Từ ví dụ này, KTS Hà cho rằng nếu "quyết tâm" xây dựng khách sạn ở đây thì nên làm âm xuống đất nhiều nhất có thể, làm sao để phần cao nhất của đề xuất phải thấp hơn dinh và nên tính đến phần mái dày để đủ đất trồng trả lại rừng cây phía trên.

"Thế ứng xử ở đây nên là đưa công trình trở thành một phần của cảnh quan tự nhiên, thuộc về ngọn đồi chứ không được "cưỡng đoạt" tự nhiên như các đề xuất hiện nay đang biểu hiện rất rõ" - KTS Đoàn Thanh Hà nêu ý kiến.

Các phương án đang được đưa ra là "nhốt dinh tỉnh trưởng vào cũi bêtông" và điều này thậm chí còn tệ hơn phương án rất tệ là đập bỏ dinh tỉnh trưởng.

- KTS Đoàn Kỳ Thanh

KTS Đoàn Kỳ Thanh không nhận xét về cả 3 phương án bởi "việc xây đã không cần thiết rồi thì bàn về phương án kiến trúc họ đưa ra là thừa". Ông đặt câu hỏi: "Cả thành phố Đà Lạt đã xây khách sạn rồi, tại sao họ phải "cố đấm ăn xôi" xây khách sạn ở đó làm gì?".

Theo ông, giữ lại được khu đồi dinh này thì "muôn đời có giá trị". Còn muốn khai thác thương mại thì có nhiều đầu tư khác sinh lời nhanh hơn mà đầu tư lại rẻ hơn nhiều. Ở đó nên làm những thứ về văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch và tìm lợi nhuận từ đó.

Ông gợi ý Đà Lạt có thể làm bảo tàng về hoa Đà Lạt và bán vé cho khách tham quan giống như ở Bỉ đã làm.


Dinh tỉnh trưởng nằm ở một khu đất rộng trên đồi với vườn cây cổ thụ tuyệt đẹp
(Ảnh: M.Vinh)

Nơi này phải dành cho tất cả mọi người

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông là phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhưng phát biểu với tư cách một người làm nghề chứ không phải một lãnh đạo hội. Ông cho rằng khu đồi dinh nằm trong tổng thể khu phố Việt Hòa Bình, rất cần phải được bảo tồn thận trọng.

Ông phân tích người Pháp tạo ra một khu phố Pháp ở Đà Lạt nay trở thành di sản lịch sử. Nhưng Đà Lạt còn có một khu phố do người Việt lập nên. Khu phố Việt và khu phố Pháp cùng tạo nên diện mạo đa dạng và sự độc đáo của Đà Lạt.

"Phá hủy đi khu phố Việt Hòa Bình là tự mình phá đi dấu ấn kiến trúc, văn hóa của cộng đồng người Việt xưa ở Đà Lạt, là mình xóa của mình. Đó là điều rất đáng tiếc".

Theo KTS Hoàng Thúc Hào (giảng viên, chủ tịch Chi hội KTS Đại học Xây dựng), cả ba phương án đang được đưa ra lấy ý kiến đều rất "buồn cười", "vô duyên", có phương án còn xây dựng bọc lại dinh tỉnh trưởng, biến dinh thành "đồ chơi" của khách sạn.

Ông cho rằng Đà Lạt nên biến khu đồi dinh thành không gian văn hóa cộng đồng để kể lại ký ức, câu chuyện của thành phố.

"Đà Lạt có bao nhiêu câu chuyện chưa được kể tốt. Nếu kể chuyện tốt thì sẽ có người nghe, sẽ thu được tiền. Nguyên tắc là nơi này phải dành cho tất cả mọi người, chứ không phải một công trình thương mại của một chủ đầu tư", KTS Hoàng Thúc Hào nói.

Cuối tháng 4/2019, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có ý kiến bằng văn bản về Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt.

Trong đó, riêng về khu đồi dinh, hội khẳng định giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp, nên giữ lại đồi xanh, có thể khai thác công trình dinh tỉnh trưởng vào mục đích du lịch cao cấp, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch nhưng với kiến trúc quy mô nhỏ, không làm mất đặc trưng cảnh quan.


(Video giới thiệu các phương án do Ashui.com tổng hợp từ nguồn BTC)

Cần làm nổi bật di sản phố Việt ở trung tâm Đà Lạt

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Chúng ta có cách xã hội hóa khác mà không cần đánh đổi một di sản

Khu Hòa Bình - Đà Lạt có thể xem là khu di sản phố Việt, đối trọng với di sản phố Tây (nằm trên trục đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo).

Thật khó có thể nói thêm khi chúng ta luôn nói về việc giữ gìn phố Tây mà quyết liệt trong việc dẹp bỏ phố Việt.

Các di sản ở khu Hòa Bình - Đà Lạt gồm: rạp hát Hòa Bình, chợ Đà Lạt, dinh tỉnh trưởng là những công trình có mặt ở Đà Lạt từ sớm, nó là hình ảnh đời sống Việt của thị dân nơi đây.

Các di sản này có sự kết nối nên sẽ rất vô nghĩa nếu chính quyền tỉnh Lâm Đồng phá bỏ cái này, di dời cái kia, giữ lại cái khác.

Chúng ta đang có một tổng thể hài hòa, cần phủi bỏ lớp bụi thời gian để làm nổi bật lên tính độc đáo của một quần thể di sản phố Việt ở trung tâm Đà Lạt.

Tôi có xem kỹ đồ án quy hoạch trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, khu đồi dinh. Tôi thấy chính quyền đang gặp khó khăn ở việc: cần giao một số vị trí đắc địa như rạp hát Hòa Bình, đồi dinh để làm công trình thương mại khối tích lớn thì mới có kinh phí để chỉnh trang toàn diện khu vực.

Câu chuyện này được gọi một cách ý nhị là xã hội hóa. Điều này không cần thiết, chúng ta có cách xã hội hóa khác mà không cần đánh đổi một di sản, một vị trí đắc địa nào cả.

Giữ nguyên hiện trạng thậm chí đang rất lộn xộn hiện nay, giải tỏa một số công trình trái phép, chỉnh đốn những công trình sai quy hoạch. Sau khi chúng ta làm cho khu phố trung tâm này gọn gàng thì bổ sung thêm cây xanh, mái ngói, đường hoa...

Tôi tin chắc phố Hòa Bình - Đà Lạt sẽ là một trong những điểm nhấn, điểm đến của Việt Nam và quốc tế, từ đó tạo được lợi ích chung cho cộng đồng dân cư địa phương.

Bài học, mô hình, ví dụ từ Việt Nam lẫn thế giới chúng ta đều đã có sẵn (khu phố cổ Quebec ở Canada, khu phố chợ Pike Place Market ở Seattle, Mỹ và 36 phố phường Hà Nội), do đó đây không phải là thử nghiệm mạo hiểm và đánh đổi quá nhiều nếu không muốn nói là tất cả như chính quyền địa phương đang làm.

Với tôi, phương án chỉnh trang như vừa nêu sẽ tốn ít ngân sách, người dân sẽ đồng lòng vì đây là phương án mà lợi ích người dân (số đông) được lồng ghép trong đó, thay vì như các phương án đã công bố, lợi ích thuộc về số ít nhà đầu tư.

Ông Lê Minh (61 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt): Chúng ta cần Đà Lạt có hồn

Người ta đến Đà Lạt không phải vì cái hiện đại mà tỉnh Lâm Đồng đang muốn áp lên, người ta đến vì không khí khác biệt và cái xưa cũ nhiều hơn. Nơi lưu trú, khách sạn ngay trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt không phải là cái cớ để du khách đến Đà Lạt, ngàn lần không phải thế.

Nếu muốn làm thành phố hiện đại ở Đà Lạt, với không khí Đà Lạt mát lạnh thì có thể mang nó về hướng tây bắc - đông bắc, Đà Lạt đâu thiếu đất đẹp, cảnh đẹp. Còn Đà Lạt ở khu trung tâm này thì nên sửa đổi, dọn dẹp để nó sạch sẽ, cốt là giữ được Đà Lạt có hồn.

Còn nói thật cứ khách sạn, nhà cao tầng, nhà kính thì... không khác TP.HCM. Cuối cùng, Đà Lạt không còn là nó nữa. Tôi tin chính quyền địa phương hiểu chuyện này thấu đáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt, liên quan đến sự xuất hiện trong quy hoạch công trình cao 10 tầng, khối tích lớn ở đồi dinh, ông Lê Quang Trung (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Công trình điểm nhấn không hạn chế về tầng cao, mà sẽ xem xét ở từng khu vực một. Còn các khu vực không phải công trình điểm nhấn thì tất cả ở khu trung tâm phải từ 5 tầng trở xuống".

Mai Vinh ghi

(Tuổi Trẻ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: