Quy hoạch: Tầm nhìn của ai?

Thứ năm, 28 Tháng 8 2008 10:08 VietNamNet
In

Theo sách giáo khoa “Kinh tế học về bất động sản” của trường đại học California do Dennis J. McKenzie và Richard M. Betts biên soạn, quy hoạch được định nghĩa như sau: “Quy hoạch là hoạch định trước những việc cần làm và đặt ra trước những mục tiêu cần đạt tới”.

Một khi quy hoạch được các chuyên gia tầm cỡ thế giới định nghĩa là “hoạch định trước, đặt ra trước mục tiêu cần đạt tới…” thì quy hoạch chính là tầm nhìn! Nhưng tầm nhìn của ai?


Đồ án Quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972. (Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners)

Cũng theo sách giáo khoa, quy hoạch lệ thuộc hoàn toàn vào định hướng cơ cấu kinh tế ở cấp quốc gia, vùng, địa phương... Định hướng cơ cấu kinh tế như thế nào thì quy hoạch như thế nấy, công việc này thể hiện trọn vẹn tầm nhìn của các vị lãnh đạo nhà nước, các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế kết hợp với các vị lãnh đạo địa phương.

Hoạch định trước đất nước sẽ phát triển tầm cỡ nào trong tổng thể nền kinh tế thế giới và khu vực; đặt vật kiến trúc trên đất ở đâu (nhà máy lọc dầu, cảng biển, sân bay, đặc khu kinh tế, kinh tế cửa khẩu,...) sẽ cho hiệu quả cao nhất và không lãng phí.

Ví dụ, Trung Quốc vừa khánh thành tuyến đường sắt trên không nối từ lục địa phận tỉnh Thanh Hải lên tỉnh Tây Tạng. Tuyến đường này không chỉ giúp khai thác tiềm lực của vùng Tây Tạng hoang sơ mà còn có ý nghĩa rất quyết định về chính trị và quân sự. Tầm nhìn đó phải là công việc của bậc “thầy”; còn chuyển tải tầm nhìn thành những phần việc cụ thể để thực hiện là phần việc của người “thợ”. Người thợ ở đây phải được hiểu là nhà chuyên môn, các kiến trúc sư, kỹ sư,..v..v.. liên quan đến công tác quy hoạch.

Ở các nước phát triển và đang phát triển, tầm nhìn trong quy hoạch là vấn đề then chốt, nếu những nước phát triển sau không chú trọng nguyên tắc này sẽ phải trả một giá rất đắt, như: nền kinh tế bị gãy khúc vì không liên kết được từ chiều dọc, chiều ngang. Cả nước không có những đặc khu kinh tế tập trung, kinh tế trọng điểm để giành lợi thế cạnh tranh ở cấp khu vực, thế giới. Kết cấu hạ tầng sẽ không phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế. Ví dụ: nền kinh tế định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể xây dựng trên một kết cấu hạ tầng tạm bợ thiếu sự liên hoàn về giao thông để nối kết giữa các tỉnh, thành và các nước trong khu vực.

Và, thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều nước kém phát triển cho thấy, nếu trong quy hoạch không có những người đủ tầm để “hoạch định trước, đặt ra trước mục tiêu cần đạt tới”, hoặc do những người “thợ” làm thay công việc của “thầy”, hoặc “thầy” làm thay công việc của “thợ”, hay “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ” thì sẽ dẫn đến những quyết định đầu tư manh mún, rời rạc, chấp vá (tỉnh, thành nào cũng có khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, đài truyền hình,...), gây lãng phí rất lớn về cơ hội, tài nguyên, quỹ đất, tiền bạc, công sức của toàn xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho những nước nghèo lại càng nghèo thêm!

Vậy có thể nói, quy hoạch chính là tầm nhìn, nhưng tầm nhìn của ai? Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, quy hoạch đang phân cấp về đến các quận, huyện, phường, xã… Điều này nói lên chúng ta chưa quan tâm đến quy hoạch một cách đúng mức, đúng tầm. Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề quy hoạch một cách nghiêm túc trước khi còn có thể, để tránh lập lại “vết xe đổ” của một số nước trong khu vực.

Tạ Thị Ngọc Thảo

(VietNamNet)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: