Đầu tư cảng Liên Chiểu: Cơ hội và thách thức

Thứ sáu, 09 Tháng 4 2021 05:42 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Hạ tầng bến cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ giảm ách tắc và tai nạn giao thông trong nội đô cũng như tạo động lực để phát triển khu vực phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng trong tương lai gần.

Kỳ vọng và những thách thức

Ngày 25/3/2021 Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu và giao cho UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Đây là tin vui cho thành phố Đà Nẵng vì chủ trương đầu tư này sẽ giúp thành phố giảm bớt phụ thuộc vào hai lĩnh vực du lịch và bất động sản. Đây là hai nguồn thu chính của thành phố trong thời gian qua nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và sắp hết dư địa.


Quy hoạch Dự án Cảng Liên Chiểu.
(Nguồn: Ashui.com)

Nhiều người cho rằng sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu mọi việc sẽ vô cùng thuận lợi, cảng Liên Chiểu sẽ sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng quyết định của Chính phủ chỉ mới phê duyệt quy hoạch và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm chi phí xây dựng đê chắn sóng, kè biển, chi phí nạo vét luồng lạch. Đây được hiểu là động thái “lót ổ” để mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng biển.

Từ khi có quyết định đầu tư đến khi UBND thành phố Đà Nẵng chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị được nguồn vốn đầu tư là khoảng thời gian khá dài nếu vẫn duy trì cách làm như hiện nay. Sau khi xây dựng xong hạ tầng thì mới đến giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng bến cảng. Việc này cũng sẽ tốn không ít thời gian.

Một vấn đề nữa thành phố cần lưu ý là giải quyết hài hoà lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng cảng Liên Chiểu đối với các khu du lịch đã được quy hoạch ở khu vực Tây Bắc như Xuân Thiều, Nam Ô, Làng Vân…do ô nhiễm tiếng ồn, không khí, chất thải… gây ra bởi hoạt động vận tải, bốc xếp. Nếu chính quyền không giải quyết triệt để vấn đề này thì lợi sẽ bất cập hại, trong vòng 10-15 năm tới cảng Liên Chiểu cũng sẽ trở thành một cảng Tiên Sa thứ hai với vấn nạn tắc đường, kẹt xe, tai nạn giao thông như hiện nay.

Mặt khác, theo quy hoạch vừa được công bố, cảng Liên Chiểu chỉ mới được Chính phủ phê duyệt kết nối với Quốc lộ 1 nhưng rất tiếc lại không được quy hoạch để kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam cũng như tuyến đường sắt nội đô nối cảng với các khu công nghiệp. Phần lớn các cảng biển trên thế giới đều có tuyến đường sắt nối cảng biển tới  các khu công nghiệp, các khu kinh tế để giảm tải cho đường bộ và giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông.


Một góc cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Cần các giải pháp đột phá

Chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu và giao cho UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư là một quyết định đúng đắn và kịp thời của Chính phủ nhằm giúp Đà Nẵng tạo bước nhảy vọt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để hiện thực hoá chủ trương đó cần có những giải pháp đột phá hơn nữa.

Về phương thức lựa chọn nhà thầu, để đẩy nhanh tiến độ dự án thành phố nên chọn hình thức đấu thầu hạn chế nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục. Cần sơ tuyển chặt chẽ và đưa vào danh sách ngắn những nhà thầu thực sự có năng lực. Phương thức này sẽ rút ngắn thời gian xét thầu hơn so với phương thức đấu thầu rộng rãi mà vẫn bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch. Cần tránh hình thức chỉ định thầu với lý do đẩy nhanh tiến độ để ngăn ngừa tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực do lợi ích nhóm.

Song song với việc chọn nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cần tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng bến cảng. Cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà đầu tư, giao cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, tránh giao hết cho một nhà đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền về cảng biển, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu về sau. Cần ưu tiên cho các nhà đầu tư ít sử dụng vốn ngân sách để tránh gây áp lực lên ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp và đang được sử dụng không hiệu quả.


Đà Nẵng đang muốn biến cảng Tiên Sa thành cảng chỉ phục vụ tàu biển du lịch sau khi đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa tổng hợp.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Thiết nghĩ, nhà nước nên bổ sung thêm vào quy hoạch cảng Liên Chiểu hệ thống đường sắt nối cảng này với tuyến đường sắt Bắc Nam và tuyến đường sắt nội đô kết nối cảng với các khu công nghiệp. Khi các tuyến đường sắt này được quy hoạch không giao cắt với đường bộ và kết nối với các khu công nghiệp hoặc các tỉnh lân cận sẽgiúp  giải quyết được áp lực cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Cuối cùng, thành phố cần công khai minh bạch quy hoạch khu vực Tây Bắc TP và các khu vực lân cận cảng Liên Chiểu. Quy hoạch này phải thể hiện rõ quan điểm không bố trí các khu dân cư gần cảng, làm cản trở hoạt động bình thường của cảng, đảm bảo xe ra vào cảng hoạt động 24/24. Các tuyến đường vành đai xung quanh cảng không được giao cắt với các khu dân cư để hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng, gây lãng phí nguồn lực.

Hy vọng với những giải pháp có tính đột phá nêu trên cảng Liên Chiểu sẽ trở thành một biểu tượng mới của thành phố đáng sống.     

TS. Võ Duy Nghi - Chuyên gia về vận tải và logistics

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: