Hà Nội mở rộng: Hướng về Tây theo phong cách phương Đông

Thứ sáu, 29 Tháng 8 2008 10:59 KTS Trần Huy Ánh / VNN
In
Nếu ở phương Tây – con đường quyết định vị trí ngôi nhà, thì ngược lại, ở phương Đông – ngôi nhà quyết định vị trí con đường. Sau nghìn năm ở ven sông Hồng, nay Hà Nội mở rộng. Có vẻ như ngôi nhà và những thầm ước vọng về thành phố tương lai xuất hiện sớm hơn con đường dẫn đến nó, đi cách nào thì chưa mấy ai bàn cả?!

Ảnh bên: Phố cũ Hà Nội / 3DHanoi

Quy hoạch Hà Nội mở rộng đang hướng về phía Tây hay phía Đông? Hà Nội đã trải qua những phương pháp QHĐT nào? Phương pháp nào nên ưu tiên khi lập QHĐT Hà Nội? Chúng tôi đề cập qua tham khảo  nghiên cứu QHĐT của Pháp và liên hệ đến những thực tiễn tại Hà Nội.

Quy hoạch đô thị: nơi nảy sinh tri thức hay kinh nghiệm

Phải có những lý do mà các nhà quản lý đưa ra các tiêu chí chọn tư vấn QH, trong đó các đơn vị dự thầu phải chứng minh cho Hội đồng tuyển chọn thấy được các thành công về quy hoạch đô thị trong quá khứ. Điều ấy thể hiện sự quan tâm đến khía cạnh kinh nghiệm hơn tri thức. Nhưng kinh nghiệm ở đâu mà có nếu không phải là những thiếu sót,  thất bại trong quá khứ đã được điều trị đúng cách?

Tùy thời điểm lịch sử cụ thể và mục đích, hoạt động quy hoạch đô thị sẽ tiến hành, người ta có thể áp dụng một hoặc một số phương pháp: Kế hoạch hóa chiến lược, Kết cấu đô thị, QHĐT có sự tham gia của cư dân, QHĐT quản lý và QHĐT thông tin.

Phương pháp Kế hoạch hóa chiến lược

Phương pháp này có vai trò chỉ đạo trước tiên, song thực tế nó xuất hiện sau khi bản vẽ QHĐT không đảm bảo sự phát triển TP như mong đợi.

Phát triển vào những năm 60 tại các nước Âu - Mỹ, phương pháp dự báo dựa trên các mô hình toán học để phân tích các số liệu thống kê, từ những mô hình như vậy, người ta dự báo một cách định lượng sự tiến hóa tương lai của hệ thống đô thị.

Ở tầm vĩ mô, nó tỏ ra tin cậy khi giải thích tương lai bằng logic có thể công thức hóa – ưu điểm này trở thành hạn chế ở tầm vi mô, nơi bất động sản được mua đi bán lại  ngẫu nhiên và thất thường.

Mục tiêu vạch ra các kế hoạch phát triển nên yếu tố đặt ra các mốc thời gian là chủ yếu. Kế hoạch hóa chiến lược đô thị  được thực hiện không phải của kiến trúc sư mà bởi các kỹ sư, các nhà kinh tế và quyết định bởi các nhà kỹ trị.

Hà Nội ngay lúc này rất cần một bản kế hoạch hoá chiến lược. Một tài liệu quan trọng như vậy cần xây dựng trên cơ sở dữ liệu tin cậy – cái mà lâu nay ta vẫn thiếu. Ví dụ cuối 2007, Hà Nội chứng kiến những khu đô thị hối hả khởi công, những cơn sốt bất động sản đi cùng làn sóng chứng khoán chóng mặt.

Ngay trong thời điểm ấy, mỗi một báo cáo về dự báo thị trường bất động sản của một công ty chuyên nghiệp nước ngoài công bố thì có cả chục bài bình luận từ các loại báo với những thêm thắt, cộng với tâm lý số đông, thị trường bất động sản Hà Nội – Hà Tây trở thành hiện tượng kéo theo làn sóng đầu tư thừa ngẫu hứng mà thiếu phân tích. Bất động sản xì hơi tai hại ra sao thì nay ai cũng rõ.

Phương pháp Kết cấu đầu tư
 

Nguồn ảnh: lachonggallery.com

Kết cấu đầu tư là vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên nghiệp xưa nhất và bền vững nhất của kế hoạch hóa đô thị, ưu tiên các khu vực địa hình đã được xây dựng, quan tâm chủ yếu là không gian, giá trị quy chiếu là thẩm mỹ, văn hóa.

Phương pháp này được thực hiện bởi các nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư. Nhiệm vụ là tổ chức không gian và mặt bằng của thành phố, nó đáp ứng hình ảnh bao quát của thành phố, mặt khác nó xác định những quy tắc định vị, sắp xếp xen cài soạn thảo các dự án xây dựng nối tiếp.

Hầu hết các tài liệu quy hoạch Hà Nội hiện tại được xây dựng theo phương pháp Kết cấu ĐT. Bộ tài liệu quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đóng vai trò chỉ đạo các hoạt động phát triển đô thị Hà Nội mặc dù chất lượng còn hạn chế.

Thành phố Hà Nội đã từng thành công khi thực hiện Phương pháp kết cấu đô thị. Năm 1921, Sở Kiến trúc và QHĐT trung ương tại Hà Nội thành lập, Ernest Hébrard được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan này, cùng kiến trúc sư Luis Pineau (đến Hà Nội năm 1932 cho đến khi vào Sài Gòn năm 1945).

Tài liệu quy hoạch Hà Nội do hai ông chủ yếu thực hiện đã để lại những dấu ấn quan trọng, tạo nên bộ mặt Hà Nội lúc đó và nó gần như không thay đổi mấy trong 30 năm tiếp theo. Đó chính là hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ xưa kia mà đến nay vẫn còn giá trị.

Phương pháp QHĐT có sự tham gia của dân

Phương pháp này ưu tiên là cải thiện đời sống hàng ngày của cư dân với quan tâm chủ yếu là con người.

Giá trị quy chiếu là tính thích hợp của không gian, các giá trị sử dụng. Thực hiện bởi các nhà xã hội học, các nhà hoạt động phong trào ( cộng đồng) và quyết định bởi quy chế dân chủ.

Tiến sĩ Tom Wright, chuyên gia quy hoạch của Mỹ khi đến Hà Nội gần đây đã đề xuất nên  khuyến khích tham gia công chúng về QHĐT ngay từ lúc hình thành ý tưởng. Quy định trình tự công bố QH cũng đề cập, nhưng thực tế thực hiện mới dừng lại ở mức hình thức.

Phương pháp QHĐT Quản lý

Nguồn ảnh: myopera.com

Phương pháp ra đời trong bối cảnh phát triển đô thị không đồng thời với tăng trưởng kinh tế - người ta phải tổ chức sự tiến hóa của thành phố ngay trong khuôn khổ vật chất sẵn có mà thôi.

Mục tiêu là tăng cường chất lượng phục các dịch vụ đang tồn tại,  phương diện ưu tiên tập trung các mạng lưới, giá  trị quy chiếu là việc thích hợp với nhu cầu, tương quan giá/hiệu quả.

Thực hiện bởi các nhà quản lý và quyết định bởi chính các nhà quản lý. Phương pháp này chú trọng đến việc xử lý xã hội trước khi xử lý không gian để cùng lúc tác động lên hai mặt của thành phố: Vừa tái xã hội hóa vừa cải thiện về mặt vật chất.

Phương pháp QHĐT Thông tin

Mục tiêu chính là thu hút các nhà đầu tư với ưu tiên là hình ảnh tổng quát, quan tâm chủ yếu là sự nổi tiếng. Phương pháp này được thực hiện bởi các kiến trúc sư, các chuyên gia thông tin (có thể là thông tin công chúng, quảng cáo...), và quyết định bởi cá thể hóa.

Phương pháp này mới du nhập vào Hà Nội từ khi mở cửa. Ví dụ tiêu biểu nhất là từ Deawoo - Hàn Quốc, khởi đầu với đại dự án Hanoi New town - Họ đưa ra quan điểm “Hub city”, theo đó Hà Nội sẽ là” trung tâm của cả địa cầu thế kỷ 21”.

Dự án QH soạn thảo hết sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kinh phí dự kiến 30-40 tỷ USD để biến giấc mơ ấy thành sự thật. Rất tiếc nó bất thành vì ra đời khi Deawoo gặp khó khăn tài chính còn châu Á thì bất ổn (1997-1998), nhưng lo ngại hơn là Hà Nội vẫn đưa phần lớn nội dung không tưởng ấy vào tài liệu QH một diện tích lớn ở bắc sông Hồng.

Xây dựng hình ảnh thành phố tương lai gây sự chú ý của các nhà đầu tư rất cần thiết. Nó cũng ý  nghĩa cho chính cư dân sống trong đó, khơi dậy sự phấn khích để họ quyết tâm cao hơn xây dựng thành phố của mình.

Tuy vậy, khẩu hiệu ấn tượng đến mấy thì nó có giá trị nhiều hơn ở bên ngoài,  trong các vấn đề nội tại thì cần xem xét một cách thận trọng và đầy đủ những thiếu sót để hoàn thiện. Điều quan trọng là những chủ  nhân thành phố tỉnh táo xác định cái ranh giới nằm giữa vấn đề thực chất và khẩu hiệu quảng cáo.

Phương pháp QHĐT nào thích hợp cho Hà Nội hiện tại?

Toàn cảnh Hà Nội xưa (nguồn ảnh: VTC.vn)

Cho dù 5 phương pháp trên đã trở nên phổ biến tại các đô thị nhưng dù lựa chọn phương pháp nào, quan điểm QH đã có sự thay đổi. Cho tới trước năm 1975, (tại Pháp và nhiều quốc gia khác) người ta làm quy hoạch để biết được người ta cần xây dựng ở đâu và như thế nào.

Nhưng hiện nay, chính thông qua những khảo sát cụ thể về thị trường đất đai, về mối tương quan cung cầu nhà ở, mà người ta quyết định cần phải quy hoạch ở chỗ nào và để làm gì. Để trả lời thỏa đáng câu hỏi ấy, QHĐT Hà Nội cần tiến hành cả năm phương pháp nhưng trước mắt là phương pháp chiến lược, vì nó chỉ ra chỗ nào và làm gì cho thích hợp.

Trong kết quả phân tích, nó còn xác định thời điểm nào và nguồn lực nào đáp ứng? Hết bao lâu  để thực hiện các kế hoạch ấy? Năm phương pháp QHĐT cũng cho thấy: Quá nửa các vấn đề QHĐT nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của kiến trúc sư – Như vậy đây là lĩnh vực đa dạng, cần rất nhiều thành phần tham gia.

Nếu ở phương Tây – con đường quyết định vị trí ngôi nhà, thì ngược lại, ở phương Đông – ngôi nhà quyết định vị trí con đường. Sau nghìn năm ở ven sông Hồng, nay Hà Nội mở rộng đang đặt hy vọng nhiều lắm vào không gian phía Tây thành phố…

Có vẻ như cái ngôi nhà tương lai xuất hiện sớm hơn con đường dẫn đến nó, ngay cả những  thầm thì những ước vọng về thành phố ngày mai, chưa mấy ai bàn về cách nào để đi tới đó.

Phải chăng, Hà Nội đang hướng về phía Tây theo cái cách của phương Đông? Trong cuốn sách làm cơ sở để viết bài này đã nhận định: "Quy hoạch đô thị chỉ có thể đạt tới tính hiệu quả và tính đích thực, nếu chấp nhận vô điều kiện việc tự đặt mình vào hiện trạng các cuộc tranh luận rộng rãi... như chính chúng đang diễn ra, tại đây và ngay lúc này".

--------------------------
Tài liệu tham khảo:

“Các  phương pháp quy hoạch đô thị" - Jean –Paul Lacaze – NXB Thế Giới 2002.  

Tư liệu về kiến trúc sư Ernest Hébrard & Luis-Georges Pinneau của Emmanuel Pouile, David Peyceré và Christian Pédelahore  trong “Hà Nội – chu kỳ của những đổi thay “ NXB KHKT.

Bài viết sử dụng tài liệu của TS Lauren Pandolfi – ĐH tổng hợp Paris VIII, Viện đô thị Pháp – “Dự án quy hoạch Hà Nội: những bất ổn trong việc chuyển sang QH theo kinh tế thị trường” (Une tère sans prix. Refome foncière et urbanisation au Vietnam.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: