4 vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi phát triển điện hạt nhân

Thứ tư, 11 Tháng 11 2009 06:49 Báo Đất Việt
In

Góp tiếng nói của trí thức về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, GS.TSKH Trần Hữu Phát có bài viết nêu ý kiến cá nhân về các vấn đề cần giải quyết trước khi tiến hành các dự án về điện hạt nhân.

Phải khẳng định rằng, từ nhiệt điện thông thường đến điện hạt nhân là một bước nhảy vọt về chất ở tất cả các mặt, từ quản lý cho đến nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng về luật pháp và kỹ thuật…Nghĩa là phải thay đổi tận gốc cách tư duy, phương thức tổ chức và quản lý hiện nay để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối của điện hạt nhân.

Không để sự cố hạt nhân do luật pháp bất cập

Mặc dù Luật Năng lượng nguyên tử đã có hiệu lực thi hành từ năm 2009 và một số nghị định hướng dẫn thực hiện luật này đã được ban hành, nhưng khi đưa vào cuộc sống chắc chắn còn rất nhiều bất cập. Trong khi đó, điện hạt nhân không cho phép xảy ra bất kì một sự cố hạt nhân nào do sự bất cập của luật pháp.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao của Luật, ngoài việc tham khảo các tài liệu của thế giới như đã làm (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA, Luật Năng lượng nguyên tử của các nước Nhật, Pháp…) những người làm công tác soạn thảo văn bản luật và dưới luật cần được đào tạo một cách bài bản ở các nước tiên tiến về xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử. Cần hình thành sớm một tổ chức chuyên trách về xây dựng, thẩm định và giám sát Luật Năng lượng nguyên tử của Quốc hội.

Cần đào tạo an toàn hạt nhân

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã từng khuyến cáo sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ và các cơ quan quản lý cấp cao trước nhân dân về sự an toàn và tính kinh tế của điện hạt nhân. Sự thiếu hiểu biết trong quản lý nhà nước ở các cấp cao có thể dẫn đến nhiều tổn thất nặng nề. Vì vậy, cần hình thành sớm một hệ thống quản lý điện hạt nhân từ cấp chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Mặt khác, cần sớm thành lập Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia để tư vấn cho chính phủ những vấn đề lớn ở tầm vĩ mô, đồng thời kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng của Cục An toàn hạt nhân và Kiểm soát bức xạ (trực thuộc Bộ KHCN) vì đây là cơ quan chủ lực giúp chính phủ quản lý nhà nước về điện hạt nhân. Cán bộ của Cục hầu như chưa được đào tạo về an toàn hạt nhân và chưa có kinh nghiệm về tất cả các công đoạn quản lý điện hạt nhân như Luật Năng lượng nguyên tử quy định trong khi đó việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang đến rất gần.

Chu trình nhiên liệu hạt nhân

Quản lý dự án không được vụ lợi

Trong việc chuẩn bị dự án đầu tư nhà máy điện Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bộc lộ rõ những hạn chế lớn: Nội dung của dự án trên có thể được viết tốt hơn rất nhiều nếu EVN biết cộng tác và huy động chất xám của nhiều cán bộ quản lý và chuyên gia ở bên ngoài. Điều đó trái với nguyên tắc xây dựng điện hạt nhân.

Nếu được, Quốc hội phê duyệt chủ trương thì kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ chính thức được khởi động. Điều quan trọng lúc này là cần thành lập một ban quản lý dự án mở, với sự tham gia cần thiết của một số nhà quản lý và chuyên gia ngoài EVN. Xây dựng và đưa vào hoạt động bốn tổ máy trong một thời gian ngắn bốn năm là một sự thử thách ghê gớm. Nó đòi hỏi ban quản lý dự án phải có rất nhiều phẩm chất: đủ trình độ hiểu biết công nghệ và năng lực quản lý, tinh tường về cách thức quản lý dự án điện hạt nhân ở các nước, không vụ lợi…

Tham nhũng sẽ gây hậu quả khó lường

Tham nhũng là một vấn nạn đối với đất nước nói chung và là một thảm họa nếu nó xảy ra với chương trình điện hạt nhân nói riêng. Bất kì một hành vi tham nhũng nào, dù nhỏ, cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Điều này đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khuyến cáo khi xây dựng điện hạt nhân.

Vì vậy, ta cần có những biện pháp đặc biệt để tuyệt đối không xảy ra tham nhũng trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như sau này.

GS.TSKH Trần Hữu Phát

Hầu hết nhà khoa học tại buổi tọa đàm “Một số vấn đề xung quanh Dự án Xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam” tỏ ý chưa yên tâm với chuyện phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Tọa đàm trên do Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) tổ chức tại Hà Nội, mới đây.

Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ, Bộ KHCN: Với giả định là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, thì số lượng văn bản pháp quy cần phải được xây dựng và ban hành trong ba năm (2009 - 2011) là 45 văn bản và cần ít nhất 50 người để thực hiện được việc này.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Vấn đề kỷ luật lao động đang là vấn đề cần phải bàn. Không thể vừa vận hành nhà máy điện hạt nhân vừa đi uống nước chè như cách nhiều công nhân đang làm.

Tiến sĩ Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Không thể đặt bài toán điện hạt nhân như một dự án, có cung và cầu, có lãi hay không lãi mà phải kiên quyết đặt mục tiêu an toàn lên trên mục tiêu kinh tế. 

>> Việt Nam sẽ có điện hạt nhân vào năm 2020 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: