Cây xanh đô thị: Cần lựa chọn sao cho phù hợp

Thứ sáu, 26 Tháng 5 2023 13:39 Báo Xây dựng
In

Cây xanh đô thị luôn là tâm điểm được dư luận xã hội quan tâm, bởi đó là một phần của tự nhiên không thể thiếu, gắn liền với đời sống thường ngày của người dân. Việc chính quyền lựa chọn trồng loại cây xanh đô thị nào sao cho phù hợp vẫn là câu chuyện cần phải bàn thêm.  


Quy hoạch cây xanh đô thị cần phải đảm bảo cảnh quan, kiến trúc, bóng mát, khai thác tối ưu giá trị cây xanh mang lại cho cuộc sống con người.

Lựa chọn theo tiêu chí nào?

Theo tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị (TCVN 9257: 2012), các loại cây xanh được trồng trên đường phố gồm: cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm có tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Cây xanh đường phố thường bao gồm bulơva, dải cây xanh ven đường đi bộ (vỉa hè), dải cây xanh trang trí, dải cây xanh ngăn cách giữa các đường, hướng giao thông…

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế quy hoạch cây xanh đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, yêu cầu quan trọng đặt ra là việc tổ chức hệ thống cây xanh đô thị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

Tiêu chí, khoảng cách giữa cây xanh và công trình đô thị được quy định đối với cây bụi, cây thân gỗ cách tường nhà và công trình từ 2m đến 5m. Cây thân gỗ và cây bụi phải trồng cách vỉa hè và đường từ 1,5m đến 2m và khoảng cách tối thiểu cách nhau từ 5m đến 7m. Mặt khác, cũng theo TCVN 9257:2012, kích thước dải cây xanh đường phố được bố trí theo quy cách với các chiều rộng tối thiểu khác nhau và phải căn cứ phân cấp tầng bậc và tính chất các loại đường mà bố trí cây trồng, như: Cây trồng một hàng với chiều rộng tối thiểu từ 2-4m, cây trồng hai hàng từ 5-6m…

Một số quy cách khác đối với cây xanh trồng trên vỉa hè cũng được khuyến cáo cụ thể, đó là: Các loại cây có thân thẳng, gỗ dai đề phòng bị giòn gẫy bất thường, tán lá gọn, thân cây không có gai, có độ phân cành cao. Lá cây có bản rộng để tăng cường quá trình quang hợp, tăng hiệu quả làm sạch môi trường.

Hoa quả (hoặc không có quả) không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Tuổi thọ cây phải dài (50 năm trở lên), có tốc độ tăng trưởng tốt, có sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, ít bị sâu bệnh, mối mọt phá hoại; cây phải có hoa đẹp, có những biểu hiện đặc trưng cho các mùa.


Hàng cây Sao đen là niềm tự hào của người dân phố Lò Đúc.

Thực trạng cây xanh đô thị

Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại một số đô thị như Hà Nội 2,06m2/người; Thành phố Hồ Chí Minh 0,55m2/người; Đà Nẵng 2,4m2/người; Hải Phòng 3,41m2/người... trong khi quy chuẩn quy hoạch yêu cầu từ 6-7m2/người…

Đối với số lượng cây xanh đô thị (thân gỗ lớn, cây bóng mát) hiện chưa có thống kê đầy đủ, tuy nhiên tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội trồng 1 triệu cây xanh; tại một số đô thị như Đà Nẵng khoảng 350 nghìn cây (năm 2015), Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 236 nghìn cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), thành phố Vũng Tàu khoảng 38 nghìn cây, thành phố Huế hơn 65 nghìn cây, thành phố Quy Nhơn khoảng 54 nghìn cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43 nghìn cây...

Tại Thành phố Hà Nội, việc lựa chọn cây xanh đô thị và trồng ở vị trí nào cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Nhiều tuyến phố của Hà Nội có các loại cây sấu, sao, bằng lăng, lộc vừng, hoa sữa, phượng vĩ… cao đến 30-40m, có những cây trồng hàng trăm năm nay vẫn xanh tốt. Đây là những loại cây mang đặc điểm rõ rệt của cây đô thị như tán lá xanh, rễ cọc, trồng lâu năm, ít có khả năng gãy đổ, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Khi nghiên cứu cây trồng đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố.

Hà Nội với đặc trưng của mùi hương hoa Sữa. Tuy nhiên, trước đây Hà Nội do trồng mật độ cây Sữa dày đã tạo nên mùi hương nồng nặc gây khó chịu như trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện khí hậu khi mùa hoa nở, gây dị ứng cho những người dân sống xung quanh. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, một lượng lớn cây hoa Sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được đánh chuyển và thay thế bằng cây Lát hoa - loài cây thuộc loại thân gỗ.

Vào tháng 7/2019, gần 100 cây hoa Sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ) cũng đã được di dời, đưa đến trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) sau khi có ý kiến của người dân. Trước đó, vào tháng 3/2015 chính tuyến phố này cũng xôn xao với việc chính quyền “chặt vội, trồng nhầm” cây mỡ/vàng tâm.

Do vậy, để tạo cảnh quan đô thị nên trồng xen kẽ các loại cây như Sấu, Bằng Lăng, Muồng, Phượng Vĩ, hoa Giấy... sao cho phù hợp với tuyến phố để đảm bảo không gian cảnh quan, mùi hương; đảm bảo đặc trưng văn hóa tuyến phố; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây...


Đường Nguyễn Chí Thanh sau hàng loạt “scandal” nay đã thay thế bằng các loại cây bóng mát phù hợp hơn… 

Trên các tuyến phố Hà Nội hiện nay, hoa Phượng được trồng nhiều tại đường Thanh Niên, Láng. Còn trên các tuyến phố trung tâm, cây hoa được trồng xen kẽ, rải rác tạo điểm nhấn ấn tượng. Một số nhà nghiên cứu nhận định: nhược điểm lớn nhất của loại cây này chính là tuổi thọ không cao. Mỗi cây chỉ có thể sống khoảng 30 năm. Khi già cỗi, thân cây dễ bị sâu bệnh và nấm tấn công phía bên trong thân cây và dần trở nên mục rỗng. Do đó, nếu không thay thế những cây già hoặc cây có dấu hiệu bị mục thì dễ tiềm ẩn các nguy cơ về các tai nạn bất ngờ. Thân cây cũng có đặc tính là giòn và cành dễ gãy dù gặp phải những tác động không có lực không quá mạnh. Vậy nên trong mưa bão nếu không có phương pháp bảo vệ tốt, cây dễ gây nguy hiểm với mọi người xung quanh.

Cây Phượng đã từng nằm trong danh sách cây xanh đô thị khuyến khích trồng, nhưng qua thực tiễn ta cũng cần phải xem lại các yếu tố khách quan và chủ quan của loài cây này để đưa ra các biện pháp trồng, chăm sóc, cắt tỉa sao cho đảm bảo an toàn tại những nơi tập trung đông người, nơi có mật độ lưu lượng giao thông đông đúc.

Ngoài ra, còn có danh mục loài cây hạn chế trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố vì đây là các loài cây ăn quả, trái cây khi chín rơi xuống đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bên cạnh đó còn có những loại cây tạo ra mùi gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

Các chuyên gia nói gì?

Theo ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, vấn đề nên trồng loài cây nào để phù hợp hơn và giảm thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, trường học, trước khi trồng cây cần phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn. Việc trồng cây nào cần tổ chức khảo sát kỹ, bởi còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm mới bố trí, chọn cây. Có rất nhiều loài cây khác có thể trồng được trong đô thị ở Việt Nam như cây Sao đen, cây Dầu Rái… Những cây này có thể trồng với số lượng lớn và ít khi đổ. Chúng có thể sống được hàng trăm năm. Hoặc trong trường học thì có thể trồng những cây gỗ trung bình, hoặc nhỏ như các cây họ muồng.

Còn theo TS.Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Môi trường, Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, các tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn cây trồng trong đô thị như: lựa chọn cây trồng đảm bảo về không gian cảnh quan tuyến đường; lựa chọn cây xanh phù hợp với đặc trưng văn hóa của tuyến phố đó; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để có thể đưa ra được các đề xuất tuyến phố nào, đường nào thì trồng loài cây gì… Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường… Để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gãy trong mùa mưa bão.


Tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng nơi trồng nhiều cây Phượng, Xà Cừ lúc nào cũng cho bóng mát quanh năm.

Cây xanh bóng mát trên đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội hiện phong phú và đa dạng về chủng loài, với khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là giống cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà Cừ, Sữa, Sấu, Muồng, Bằng Lăng, Phượng, Bàng…

Trồng và chăm sóc cây xanh là công việc thường xuyên, hàng ngày của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng của thành phố cần rà soát để nghiên cứu, trồng, thay thế những loại cây xanh phù hợp vừa đảm bảo bóng mát, vừa làm đẹp cho thành phố, vừa đảm bảo giữ gìn văn hóa Thủ đô. Điều quan trọng, trước khi trồng loại cây gì, trên tuyến đường nào nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia cây xanh để đảm bảo về văn hóa, kiến trúc cảnh quan cũng như an toàn cho người dân.

Mạnh Vũ

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: