Giải quyết vấn nạn lụt đô thị: Thêm không gian cho NƯỚC

Thứ hai, 22 Tháng 3 2010 21:18 Nguyễn Đỗ Dũng
In

Các chuyên gia về quy hoạch và thoát nước đô thị trên thế giới đã từ hơn 30 năm nhận ra rằng cách tốt nhất để đương đầu với ngập lụt trong đô thị không phải là xây thêm trạm bơm, đắp thêm đê hay lắp đặt thêm cống.

Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích ngập hiện nay của Thành phố đã vào khoảng 35 km2 diện tích xây dựng và 230 km2 diện tích nông nghiệp; và số dân bị ảnh hưởng bởi ngập nước chiếm gần 28% dân số hiện hữu (khoảng 1,8 triệu người). Địa hình Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn có cao độ thấp, trên 70% diện tích đất tự nhiên nằm trong vùng ngập triều và bán ngập triều.

Trước một viễn cảnh nhiều thách thức như vậy chúng ta sẽ hành động như thế nào? Làm sao để cân bằng giữa việc phát triển lâu dài và nhu cầu nhà ở hiện tại?


70% diện tích thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng ngập triều

Theo bản qui hoạch chung đến năm 2020 của TP HCM, nhiều vùng đất trũng đã được hoạch định để phát triển đô thị qui mô lớn như Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn hay Hiệp Phước. Chúng ta vẫn thường ca ngợi những dự án đó làm biến đổi những đầm lầy hoang sơ thành những khu đô thị hiện đại. Tuy nhiên, chưa ai đặt câu hỏi liệu những dự án như vậy có làm gia tăng khả năng lụt cho toàn thành phố bởi đầm lầy, đất ruộng vốn có khả năng trữ một lượng nước tương đối lớn. Ví dụ điển hình là việc san lấp mặt bằng để làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã làm giảm khả năng tích trữ nước của Sài Gòn không dưới 10.000 m3.

Bản thân người viết không cho rằng việc phát triển đô thị ở những khu vực đó là sai lầm. Vấn đề là ở chỗ chính quyền phải có những qui định và chiến lược để đảm bảo rằng năng lực thoát nước của thành phố, vốn đã thường xuyên ngập lụt, không giảm đi cùng với quá trình phát triển đô thị.

Theo bản báo cáo “Sự tác động của mực nước biển dâng cao đối với các quốc gia đang phát triển: một phân tích so sánh” do Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2007, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Dự báo lạc quan nhất cho rằng trong vòng 100 năm, nếu mực nước biển chỉ dâng cao thêm 1m thì hơn 10 triệu người sẽ mất nhà cửa cùng thiệt hại lên tới 10% GDP. 
Trung bình, khả năng thẩm thấu vào đất của nước mưa, lũ đối với đất đô thị chỉ bằng 1/5 so với đất cây xanh tự nhiên. Do đó, nhiều quốc gia quy định công trình xây dựng, từ nhà dân đến vỉa hè, phải dành một phần đất để tự nhiên, cây xanh hoặc dùng vật liệu có lỗ rỗng nhằm tăng khả năng thẩm thấu tại chỗ. Nếu công trình xây mới có quy mô lớn hoặc các dự án khu đô thị làm giảm khả năng thoát nước bề mặt của khu vực thì công trình, dự án đó phải chia sẻ gánh nặng hạ tầng với thành phố bằng việc xây dựng hồ điều hòa hoặc bể chứa ngầm ngay trong diện tích xây dựng.

Tại thành phố cao nguyên phương bắc: Calgary (Canada), mặc dù xảy ra cũng hiếm như chuyện tuyết rơi ở Việt Nam, lũ lụt vẫn được quan tâm một cách đăc biệt. Trong hồ sơ cấp phép quy hoạch, mọi dự án xây dựng và phát triển đô thị đều phải thể hiện vị trí của dự án trên bản đồ vùng có nguy cơ ngập lụt (chủ yếu dọc theo các dòng sông). Các công trình, khu đất nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt đều bị hạn chế phát triển và được bắt buộc có những biện pháp phòng lụt khi cải tạo công trình. Trong những trường hợp đặc biệt khi mà dự án có giá trị kinh tế và cảnh quan đối với địa phương, dự án vẫn có thể được chấp thuận với những điều kiện như không làm giảm diện tích mặt nước và giảm thiểu tác động đến dòng chảy. Trong một dự án mà bản thân tôi có can dự, chủ đầu tư xây dựng một khu biệt thự sang trọng bên bờ sông. Do dự án có một phần đất rơi vào khu vực có nguy cơ ngập lụt (theo tần suất 100 năm/lần), chủ đầu tư đã phải cho đào một hồ nước trong khu biệt thực vừa để làm cảnh quan, vừa để đảm bảo yêu cầu chứa nước khi lũ lụt xảy ra.


Hình sa bàn khu vực 2 bên sông Sài gòn trong đồ án tham dự cuộc thi "Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu TPHCM" công ty Nikken Sekkei (nguồn: Ashui.com) 

Trong nghiên cứu cho thành phố Hồ Chí Minh, công ty tư vấn Nikkei Seikkei (Nhật Bản) đã đề xuất các khu đô thị tại nơi có nền đất cao phải có hồ điều hòa với dung tích từ 180-200 m3 cho mỗi hecta xây dựng. Đối với khu vực có nền đất thấp như Nhà Bè, Nikkei Seikkei đề xuất mô hình phát triển theo cụm và sử dụng công viên có diện tích đáng kể làm vùng đệm chống ngập. Ý tưởng quy hoạch tuyệt vời này không mới trên thế giới nhưng áp dụng vào Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn như chi phí đất đai, cơ sở hạ tầng và thói quen cư trú của người dân.

Để biến những ý tưởng của Nikkei Seikkei thành hiện thực, chúng ta có thể học bài học thành công của thành phố Curitiba (Brazil). Thành phố công khai thông tin, bản đồ về vùng có khả năng bị ngập lụt làm cho giá đất tại những nơi đó giảm xuống. Khi đó, chính quyền dễ dàng mua lại đất đai để biến chúng thành công trình công cộng và công viên. Vào mùa khô, công viên là nơi nghỉ ngơi, vui chơi của người dân thành phố. Vào mùa mưa lũ, những công viên này, với nền đất tự nhiên và thấp sẽ là nơi chứa và thẩm thấu một lượng nước đáng kể. Sau khi những công viên như vậy hoàn thành, các công trình và đất đai trong khu vực sẽ không còn nguy cơ ngập lụt và có cảnh quan đẹp nên sẽ tăng giá trị. Thông qua thuế đánh vào giá trị bất động sản, chính quyền thu lại được vốn đầu tư ban đầu cho công viên và giải quyết được vấn nạn lụt đô thị.

Gia tăng không gian cho mặt nước và cây xanh tự nhiên không chỉ làm giảm nguy cơ ngập lụt mà còn tạo cảnh quan cho đô thị. Gia tăng không gian cho nước còn là giải pháp bền vững hơn khi không làm biến đổi dòng chảy đột ngọt như xây đập, đắp đê hay tôn nền công trình. Nhưng để có thể mang ý tưởng này vào cuộc sống, chúng ta trước hết phải mở rộng không gian tư duy, không gian nhận thức và không gian trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng.

Nguyễn Đỗ Dũng


>> TPHCM: Quy hoạch sử dụng đất phải chú ý đến đất chứa lũ

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: