TPHCM: Quyết liệt chống ngập

Thứ tư, 27 Tháng 10 2010 06:40 SGGP
In

Những năm qua, TPHCM đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện nhiều công trình chống ngập, chống triều cường nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, cứ đến đợt triều cường hay mưa lớn là tình trạng ngập lại tái diễn. Đặc biệt, so với những năm trước, thời gian gần đây tình trạng ngập do triều cường ngày càng trầm trọng hơn. 

Phố xá vẫn mênh mông nước ngập 

Từ đầu năm 2010, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) đã triển khai lắp đặt các van ngăn triều, trạm bơm cố định và lưu động tại các vị trí có khả năng ngập nước do triều cường, mưa lớn nên đã góp phần hạn chế số điểm và thời gian ngập. TTCN phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị cử người túc trực tại các vị trí bị ngập nước để ứng cứu (vớt rác tại các hầm ga, cửa xả; khơi thông các vị trí cống bị tắc nghẽn…) để phát huy khả năng thoát nước của hệ thống hiện hữu. Tổng cộng đã vận hành 35 trạm bơm chống ngập, van ngăn triều; bổ sung 15 máy bơm nước, 6 xe bồn hút nước để ứng cứu, tăng cường thoát nước các điểm ngập. Phối hợp với các chủ đầu tư đang thi công các dự án thoát nước lớn khơi thông dòng chảy, tăng cường dẫn dòng thi công để hạn chế tình trạng ngập nước trong khu vực dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc TTCN cho biết, TTCN đã triển khai hàng loạt giải pháp cấp bách như mở rộng miệng thu nước, sửa cống sụp, đấu nối các tuyến cống mới… Việc duy tu, nạo vét các tuyến cống thoát, miệng cửa xả cơ bản đã hoàn thành. Lắp đặt được 150 van ngăn triều tại các cửa xả và tiếp nhận 25 tuyến cống thoát nước từ các dự án mới hoàn thành. Ngoài những điểm ngập hiện hữu phải chờ các dự án chống ngập hoàn tất mới có thể giải quyết dứt điểm, hiện TP còn khoảng 122 vị trí rào chắn thi công, bít cửa xả gây ngập hoặc có thể gây ngập lụt cục bộ. Tuy nhiên, để xử lý được một nửa trong số 224 vị trí thi công gây ngập, đặc biệt là các cửa xả bị chặn dòng thi công dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; Nhiêu Lộc - Thị Nghè là vô cùng khó khăn bởi biện pháp chế tài của cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, không đủ sức răn đe khiến tình trạng xâm hại kéo dài. Những trận mưa vừa qua, rất nhiều nơi bị ngập mặt dù hệ thống cống đã hoàn thành là do nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn không có động thái khơi thông dòng chảy do mình thi công gây ra. Trong khi đó, TP đã chỉ đạo khắc phục, TTCN cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan nhưng công tác khắc phục rất chậm, thậm chí nhiều đơn vị rất lơ là trong việc này.

Nhiều giải pháp quyết liệt 

Để tạo chuyển biến trong việc xóa, giảm ngập trên địa bàn thành phố, UBNDTP đã chỉ đạo xây dựng Chương trình trọng điểm giảm ngập giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2025 mang tính đột phá với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau: Tập trung xử lý các điểm ngập hiện hữu; xử lý nhanh các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án và tiến hành nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả và kênh rạch đang bị lấn chiếm bít hướng thoát nước. Phấn đấu đến cuối năm 2012 cơ bản giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch để nạo vét kênh, rạch thoát nước. Cải tạo tuyến cống mới ở các tuyến đường chính có cống cũ và nhỏ nhằm giải quyết tình trạng ngập cho các khu vực thuộc các quận 5, 6, 11, Bình Tân, Tân Phú, 12, Gò Vấp... và huyện Bình Chánh. 

Cuối mùa mưa năm 2009 trên địa bàn thành phố có khoảng 96 điểm ngập thường xuyên do mưa. Trong đó, số điểm ngập từ 3 lần trở lên là 64 điểm; số điểm ngập nước liên tục do triều cường là 67 điểm. Tuy nhiên, năm 2010, với những trận mưa trên diện rộng với cường độ lớn kết hợp với triều cường đã gây ngập 50 tuyến đường, độ sâu ngập từ 0,10m đến 0,35m. Cụ thể, khu vực Tân Hóa - Lò Gốm 10 điểm, lưu vực Nam Nhiêu Lộc 2 điểm, lưu vực Bắc Nhiêu Lộc 9 điểm, lưu vực Bắc Tàu Hủ 8 điểm, lưu vực Bến Nghé 1 điểm, lưu vực Đông TP 9 điểm, lưu vực Nam Tham Lương 5 điểm, lưu vực Tây TP 3 điểm, lưu vực Nam TP 1 điểm, lưu vực Bắc TP 2 điểm. 

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, trình phê duyệt để sớm triển khai thi công các dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới: Cụ thể là dự án môi trường nước (lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè) giai đoạn 2; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2; dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và suối Nhum; hoàn thành việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, lập dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn; triển khai các dự án xây dựng cống kiểm soát triều như ưu tiên đầu tư xây dựng 4 cống kiểm soát triều (gồm sông Kinh, Phú Xuân, Vàm Thuật và Tân Thuận); các dự án công trình đê bao, nạo vét kênh trục thoát nước chính: đoạn từ Bến Súc đến tỉnh lộ 8; từ sông Vàm Thuật (bờ hữu sông Sài Gòn) đến sông Kinh Lộ (sông Nhà Bè) đi ngang qua các khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp và cảng Hiệp Phước; tuyến đê bao bờ tả sông Sài Gòn; xây dựng đê bao dọc tuyến kênh Đôi, Tàu Hủ thuộc phường 6, 7 và 16 (quận 8); nạo vét rạch Thủ Đào, rạch Bà Lớn, Ông Lớn, Lung Mân, Xóm Củi, Ông Bé, Thầy Tiêu, rạch Tra - kênh Xáng- An Hạ, kênh Xáng Lớn, Cầu Suối, Đồng Tiến, Ông Búp và nhiều kênh rạch khác trong nội thị. 

Về cơ chế và nguồn vốn đối với các công trình kiểm soát triều thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM, TTCN kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.365 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 cống kiểm soát triều Tân Thuận và sông Kinh. Cho TP được chỉ định thầu thi công các hạng mục công trình thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. TTCN cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng TP tiếp tục nghiên cứu, xử lý phân lũ sông Sài Gòn qua ngả rạch Tra. Sớm ban hành định mức công trình duy trì, bảo dưỡng hệ thống đê kè khu vực TPHCM. 

Quốc Hùng

>> Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ

Lối thoát 

Tình trạng ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường ở TPHCM là nỗi bức xúc của đông đảo người dân. Nó cũng là bài toán nhức nhối đặt ra cho chính quyền và các ban ngành của thành phố cần có lời giải càng sớm càng tốt. Những năm gần đây, ngập nước càng trở nên trầm trọng, thường xuyên, đến mức ngày 14/3/2008, UBND TPHCM phải ra quyết định (số 1121/QĐ-UBND) thành lập Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM để chuyên lo việc này. Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX vừa qua, giảm ngập là 1 trong 6 chương trình đột phá được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ phải tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, các ban ngành và đơn vị có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp, từ cấp bách trước mắt đến chiến lược lâu dài, kể cả biện pháp xử phạt nặng hoặc đình chỉ hoạt động của những đơn vị vi phạm hệ thống thoát nước chống ngập. Mùa mưa năm nay, 4 trên 7 điểm ngập nước kinh niên của khu vực rạch Hàng Bàng đã được khơi thông. 10 điểm khác đã giảm ngập… Tuy nhiên, xét về tổng thể, đến nay chương trình chống ngập vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí một số cán bộ của Trung tâm Chống ngập TP còn ngao ngán cho rằng trung tâm nỗ lực xóa ngập được 1 điểm lại xuất hiện 10 điểm ngập khác. Nguyên nhân cụ thể của thực trạng trên cũng đã được các ban ngành chỉ ra rõ ràng. Song lối thoát nào cho tình trạng ngập nước vẫn là một dấu hỏi lớn của TPHCM.

Theo một số chuyên gia và các nhà khoa học, để thoát nước cho một thành phố đang phát triển rất nhanh về mọi mặt, đặc biệt là nơi có tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt như TPHCM, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ quy hoạch tổng thể, đến việc thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để những sai phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự tự giác của các sở ban ngành, đơn vị và doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của UBND TP khi thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà cửa, cấp thoát nước, điện, viễn thông…). Đặc biệt là UBND TPHCM cần phải kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm, dù đơn vị đó ở cấp nào.

Sự chung tay của các đơn vị và doanh nghiệp là lối thoát tốt nhất cho tình trạng ngập nước vốn gây ra rất nhiều phiền phức cho hoạt động của một thành phố đông dân nhất nước này.

Phan Lộc 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: