Quy hoạch chung Thủ đô: Xác định lại chức năng trục Hồ Tây - Ba Vì

Thứ năm, 28 Tháng 10 2010 17:07 VnMedia
In

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (QHKTHN) vừa có văn bản đóng góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Theo đó, đối với trục Hồ Tây- Ba Vì cần xác định lại chức năng trước khi hình thành.

Trục không gian kiến trúc cảnh quan

Theo Sở QHKTHN, đối với trục Hồ Tây - Ba Vì cần phân tích, giải trình rõ về cơ sở tính toán lưu lượng vận tải của tuyến đường trong tổng thể hệ thống giao thông thành phố và các vấn đề liên quan khác để có thể hình thành tuyến đường này theo đề xuất của đơn vị tư vấn. Xác định trục Hồ Tây - Ba Vì có tính chất, chức năng chính là trục không gian kiến trúc cảnh quan (nối trung tâm Hồ Tây với Ba Vì), chứ không phải trục tâm linh như trước đây.

Trước khi Sở QHKTHN có văn bản góp ý về trục Hồ Tây - Ba Vì này, báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực để mổ xẻ về việc nên hay không nên dựng trục Hồ Tây - Ba Vì. Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng cho rằng, đề xuất làm trục này còn thiếu căn cứ khoa học, nhất là khi đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32.

Nhưng, nhìn nhận của những người làm quy hoạch lại cho rằng, bản chất của Trục Hồ Tây- Ba Vì không nằm trong việc có xây dựng trục này hay không.

Theo kiến trúc sư Trần Văn Hưng: "Trong quy hoạch đô thị, người ta phải bàn đến mật độ giao thông trong khu đô thị đó. Nó có thể là một đường, hai đường, ba đường không quan trọng, không làm ảnh hưởng đến đồ án chung. Bởi người ta có thể dành tổng diện tích để phục vụ giao thông là 15%, thì chắc chắn phần để làm đường sẽ là 15%. Người ta có thể dồn vào một đường, hai đường, ba đường, có quan trọng gì đâu?. Như thế nó mới đảm bảo việc đi lại giữa các khu vực với nhau và trong khu vực đó".

Vì vậy, việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì là hoàn toàn bình thường. Vấn đề chưa chuẩn của đồ án này là việc người ta đang gán cho trục đường này là trục tâm linh. Cùng là mở đường ấy, nhưng cái tên và công năng mình gắn cho nó là hoàn toàn khác nhau. Đây là việc làm không khả thi. Gây lãng phí và không cần thiết.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia khác cho biết, có thể con đường đấy là trục tâm linh. Điều đó không ai nói trước được. “Có thể 50 năm nữa, đây sẽ trở thành trục tâm linh khi người dân và nhà quản lý cùng đồng lòng để tạo nên”, chuyên gia này nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định buộc phải có con đường này, nhưng nó sẽ ở trong các bản quy hoạch chi tiết sau này chứ không phải trong đồ án Quy hoạch chung.

Kết thúc trục Hồ Tây - Ba Vì tại quốc lộ 21

Phân tích của Sở QHKTHN cho biết, nếu có đủ cơ sở xác định tuyến đường thì chỉ là hỗ trợ về giao thông để kết nối các không gian trên trục không gian kiến trúc cảnh quan nêu trên và không phải là đường cửa ngõ Hà Nội với phía Tây trong Vùng Thủ đô vì đã có đại lộ Thăng Long và đường 32; tuyến này nên kết thúc tại quốc lộ 21.

Trong trường hợp có tuyến đường hỗ trợ kết nối cho trục không gian kiến trúc cảnh quan Hồ Tây - Ba Vì (nếu đủ cơ sở xác định) thì với đoạn tuyến từ Vành đai 3 (cuối đường Hoàng Quốc Việt giao cắt với đường Phạm Văn Đồng) - Vành đai 3,5 hướng tuyến kết nối cần phù hợp cao với điều kiện hiện trạng, không nên đi thẳng vào đường Hoàng Quốc Việt (Vành đai 3).

Đối với đoạn tuyến từ Vành đai 3,5 đến Vành đai 4, khu vực này cần xác định là một nêm xanh kết nối hành lang xanh với vành đai sông Nhuệ và theo phân bố tổ chức không gian của chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4 (gồm các công trình phục vụ công cộng lớn như quảng trường xanh, công viên, vui chơi, giải trí…), không nên thể hiện chi tiết trong bản đồ quy hoạch là đường đôi thẳng, có không gian ở giữa bố trí công trình công cộng.

Với đoạn tuyến từ Vành đai 4 đến Ba Vì (quốc lộ 21), Sở QHKTHN đề nghị đi theo địa hình, phù hợp cao với điều kiện hiện trạng, không nên tổ chức đoạn thẳng Đông - Tây (khoảng 4km) tại khu vực địa bàn huyện Thạch Thất, tuyến đường cần kết thúc tại quốc lộ 21, quy mô lộ giới nhỏ, hỗ trợ kết nối cho tuyến đường 32 (phía Bắc) và đại lộ Thăng Long (phía Nam).

Về tổ chức không gian chuỗi đô thị dọc phía Đông vành đai 4, Sở QHKTHN cho rằng, cần khẳng định chỉ xây dựng công trình cao tầng tập trung theo tuyến, dải tại các khu vực không gian thuộc các trục tuyến xuyên tâm gặp các tuyến vành đai, phân bố hệ thống các trung tâm tại đây. Khu vực còn lại là khu vực nhiều tầng, thấp tầng có mật độ xây dựng phù hợp tính chất, quy mô đô thị để đảm bảo đô thị xanh và chuyển tiếp phù hợp các nêm xanh, giảm tính chất đô thị nén và hấp dẫn chuyển hóa khu nội đô trong khi vẫn phải đảm bảo các quỹ đất phục vụ chuyển đổi cho khu vực lõi.

Liên quan đến đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội - Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Thế Thảo cho biết Bộ Xây dựng, với trách nhiệm và tư cách chủ trì lập đồ án quy hoạch này, đã thông qua bước của Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình toàn bộ hồ sơ, tờ trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt. Hiện nay đã trình Thủ tướng (dự kiến trong tháng 11 này Thủ tướng sẽ phê duyệt).

Quy hoạch này là cơ sở để Hà Nội tổ chức đầu tư xây dựng phát triển không gian đô thị. Mà không gian đô thị là cốt lõi cho phát triển kinh tế xã hội nên quy hoạch này rất quan trọng.

Giữa Hà Nội và Bộ Xây dựng đã thống nhất trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của Quốc hội, các chuyên gia, của công luận, nhân dân. Tư vấn cũng đã có tiếp thu những ý kiến của Hà Nội để điều chỉnh. Và cho đến lúc này hồ sơ đã được hoàn thiện theo hướng đó. Quy hoạch này bị chậm phê duyệt thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư xây dựng... 

Lam Nguyên

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: