Không thể cấm người dân di cư vào Hà Nội

Thứ năm, 06 Tháng 1 2011 16:30 Đầu tư
In

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Quốc hội sẽ thông qua Luật Thủ đô, nhưng theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, những nội dung cần phải có tiếng nói chung giữa Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Tư pháp) được đặt ra tại Kỳ họp thứ 8, khi Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô “vẫn chưa có gì biến chuyển”.

Những vướng mắc lớn nhất chưa tìm được sự đồng thuận giữa Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp) với Uỷ ban Tư pháp và ngay chính các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cho Hà Nội bao nhiêu cơ chế đặc thù, mức độ đặc thù bao nhiêu là vừa phải, thời gian áp dụng cơ chế đặc thù bao lâu... Và những cơ chế đặc thù áp dụng cho Hà Nội mâu thuẫn với các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành có làm “phá vỡ” hệ thống pháp luật hay không?

Theo Dự thảo Luật Thủ đô thì Hà Nội sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực tài chính; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; quản lý dân cư… “Thực hiện Pháp lệnh Thủ đô, Hà Nội cũng đang được hưởng nhiều cơ chế đặc thù, nói chính xác là được ưu tiên hơn tất cả các địa phương khác về mặt nguồn lực tài chính, không biết những đặc thù mà Hà Nội đang được hưởng có vướng mắc, hạn chế gì không mà lại tiếp tục trao thêm cho Hà Nội nhiều chính sách đặc thù nữa với mức độ “đặc thù” cao hơn”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc hiển đặt câu hỏi.

Chỉ riêng về lĩnh vực tài chính - ngân sách, hàng năm Ngân sách Trung ương (NSTW) đều phân bổ cho Hà Nội nguồn kinh phí khổng lồ. Đơn cử năm 2010, Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia được NSTW phân bổ số tiền lên tới 29.000 tỷ đồng, nhiều hơn 2.000 tỷ so với mức phân bổ cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, theo Luật Ngân sách nhà nước, nếu vượt thu so với dự toán, các địa phương chỉ được hưởng 30% số vượt thu thì Hà Nội được hưởng 50% số vượt thu hàng năm.

Hà Nội đã được hưởng khá nhiều cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách, vì vậy, theo ông Hiển, đề xuất cho Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu NSTW vượt dự toán (trừ thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, chênh lệch thu chi của Ngân hàng nhà nước…)  là không phù hợp.

Cơ chế thưởng 30% số vượt thu theo Luật Ngân sách nhà nước đã cho thấy, nhiều địa phương cố tình dự toán thấp, thậm chí có địa phương xây dựng dự toán thu năm sau còn thấp hơn số thực thu năm trước để… được thưởng vượt thu. Vì vậy, theo ông Hiển, nếu quá ưu ái cho Thủ đô, Hà Nội cũng sẽ thực hiện “chiêu thức” này để “tạo nguồn” cho địa phương khiến NSTW giảm thu, không có nguồn để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.

Hàng năm, Hà Nội phải xây dựng dự toán thu - chi sát thực tế, việc phân bổ cho Hà Nội bao nhiêu là quyền của Quốc hội và thực hiện theo đúng Luật Ngân sách nhà nước chứ không nên cho Hà Nội cơ chế đặc thù”, ông Hiển kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, Hà Nội và TP.HCM có nguồn thu đóng góp nhiều nhất cho NSTW để cân đối ngân sách chi phát triển cho các địa phương khác. Nếu quy định Hà Nội được sử dụng toàn bộ khoản thu NSTW vượt kế hoạch thì NSTW bị thâm hụt một khoản tương ứng, ảnh hưởng tới đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi của NSTW. Hơn nữa nếu cùng 1 lúc tăng định mức phân bổ ngân sách cho Hà Nội và cho Hà Nội  giữ lại toàn bộ khoản thu NSTW vượt dự toán là không hợp lý, ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các huyện, thị xã, vùng nông thôn của Hà Nội là cần thiết, nhưng không nên coi đây là cơ chế thường xuyên để đưa vào quy định trong luật mà nếu cần thì có thể xử lý bằng các quyết định thường niên của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc của Chính phủ”, ông Thuận nêu quan điểm chung của Uỷ ban Pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc cho Hà Nội, TP.HCM một số cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách đã tạo điều kiện cho 2 địa phương này tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trên địa bàn và ngày càng tăng thu cho ngân sách. Từ thực tế này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị, nên mở rộng “cơ chế đặc thù” cho Hà Nội, nhưng cần quy định, sau 5 hoặc 10 năm sẽ chấm dứt cơ chế này và Hà Nội phải thực hiện theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Trung tâm Hà Nội đã quá tải, mật độ dân số tại 4 quận nội thành thuộc diện cao nhất trên thế giới khiến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… ngày càng trở nên trầm trọng. Đây là lý do khiến Bộ Tư pháp đề xuất thắt chặt việc nhập cư, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, xây dựng, môi trường… trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên khi thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô sáng nay, nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ứng “quyết liệt” với những đề xuất này vì cho rằng, những cơ chế đặc thù cho Hà Nội đã vi phạm các văn bản pháp luật về cư trú, nhà ở, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí còn vi phạm Hiến pháp về quyền tự do cư trú của người dân.

Theo ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, nếu cho nhập cư quá dễ dãi sẽ gây áp lực cho các đô thị, nhưng nếu quá thắt chặt thì không chỉ vi phạm các luật khác mà trên thực tế chính quyền Hà Nội cũng không thể hạn chế được tình trạng nhập cư.

Hàng chục ngàn người từ các tỉnh “đổ” về Hà Nội kiếm sống, không cần hộ khẩu, không có nhà, chỉ cần thuê nhà, thậm chí thuê nhà tạm bợ đã tạo áp lực rất lớn cho Hà Nội về nhiều mặt, liệu Hà Nội có cấm được không nếu chỉ thực hiện các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô”, ông Vượng lo ngại.

Trong khi đó, ông Thuận cho rằng, trước đây chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không hiệu quả mà còn phát sinh nhiều hệ lụy khác. Hơn nữa, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển. Đây không chỉ là nhu cầu của những người di cư vào Thủ đô mà còn chính là nhu cầu cần được đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đó là những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được.

Mạnh Bôn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: