Kiến trúc Sài Gòn - TP.HCM: Chuyện lớn và chuyện nhỏ

Thứ bảy, 08 Tháng 1 2011 22:35 DNSG
In

Thành phố Sài Gòn đã tồn tại hơn ba thế kỷ. Chuyện lớn và chuyện nhở mà tác giả bài viết muốn nói đến dưới đây là hướng về hai mảng đô thị và kiến trúc. Thiết nghĩ quy hoạch là chuyện lớn và kiến trúc là chuyện nhỏ theo cách luận bàn từ rộng tới hẹp, từ tổng quan đến chi tiết, từ lớn tới nhỏ.

Chuyện lớn thứ nhất: Đô thị mới Phú Mỹ Hưng

Sài Gòn xưa với tam giác Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nối kết mang tính gọng kềm. Qua thời gian, với sự chuyển dịch từ ba thành hai rồi thành một như chúng ta đã thấy, Sài Gòn đã nuốt chửng Gia Định thành Sài Gòn - Chợ Lớn và rồi thành một là TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Giờ đây, thành phố đang phát triển hướng về gió lành Đông Nam, trên vùng đất thấp hướng ra biển Đông. Với đô thị mới Nam Sài Gòn nối kết với khu trung tâm TP.HCM và đô thị mới Thủ Thiêm sẽ hình thành trong nay mai, tạo nên ba trụ mới hay nói cách khác là chùm đô thị theo kiểu Metropolitan của Việt Nam và khu vực.

Tuy nhiên nếu xét theo hiện tại thì, Nam Sài Gòn là đối trọng lớn có tác dụng cân bằng trong sự phát triển đô thị trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt nên nền móng cho dự án lớn này bằng hạ tầng giao thông, để rồi vùng đất thấp dày đặc kênh rạch đã được bồi đắp dần thành một đô thị được ghi nhận là kiểu mẫu; và nếu vượt qua được những ngưỡng của đô thị nhà ở, nơi đây mới xứng đáng là một đô thị kiểu mới thực thụ.

Ban quản lý khu Nam đang làm thay công việc của một chính quyền khu vực, ở đây chưa hình thành được cơ sở xã hội để đảm bảo đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư đô thị đúng nghĩa.

Các nhà quy hoạch đuổi theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh để hình thành ý tưởng đô thị tuyến, nhưng một khi mà cầu Phú Mỹ cùng tuyến vành đai Đông hình thành xong thì Phú Mỹ Hưng còn đứng vững là đô thị kiểu mới hay chỉ là một lối đi vòng quanh của một thành phố cực lớn, xin các nhà chuyên môn về quy hoạch sớm trả lời với bàn dân thiên hạ yên lòng khi nghĩ đến hướng phát triển của thành phố trong thời gian sắp tới.

Chuyện lớn thứ hai: Đường Đông - Tây và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé


Xin coi đây là chuyện lớn, bởi vì thực chất của công việc này dưới góc độ đô thị học là một bước đi rất quan trọng, nhằm cải tạo lại một dòng sông nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn thuở nào. Khác với công trình rạch Thị Nghè trước đây với mục tiêu đơn giản là làm sạch đô thị, còn đích đến của đường bờ sông Tàu Hủ - Bến Nghé lại là trục giao thông xuyên tâm của TP. Hồ Chí Minh, khi mà đường hầm nối hai bờ sông Sài Gòn làm xong.

Dự án cải tạo đô thị này đang còn dở dang, nhưng bước đầu đưa vào sử dụng đã chợt thấy rạch Bến Nghé sẽ đi vào dĩ vãng, không gian lại bị thu hẹp đến mức chỉ còn là con mương, ở đầu này phía sông Sài Gòn còn cắm một kiến trúc khá đồ sộ và các cầu qua lại - kể cả cầu đi bộ, cắt sông thành những đoạn nhỏ cản hết tầm nhìn của lòng sông đô thị vốn có của Sài Gòn.

Bến Nghé - Tàu Hủ đầy ắp những dấu ấn của đô thị sông nước, trên bến dưới thuyền, có nhà đèn Chợ Quán, có cầu chữ Y, chữ U, cầu Móng, là địa danh xa xưa Prei Kor…Nơi đây hội đủ các yếu tố di sản đô thị và cả cái chất, cái hồn sẽ được lắng đọng trong sâu thẳm tâm linh của người dân. 

Một con đường buộc phải chứa đựng ký ức của một dòng sông - dòng sông đô thị, dòng sông lịch sử, dòng thời gian nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Đô thị không quên điểm khởi đầu sẽ đồng nghĩa với tương lai rạng ngời của nó hướng đến tương lai. 

Chuyện lớn thứ ba: Xây dựng theo quy hoạch hay đụng đâu làm đó

Thử điểm từ lớn đến nhỏ, từ trung ương đến địa phương xem kiến trúc của thành phố có được sắp xếp để xây dựng có quy hoạch hay không.

Lấy cơ sở của Quốc hội làm đầu bởi cơ quan này đổi nơi làm việc cũ tại 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa khá bề thế tại Quận 3, biệt thự ngói lưu ly, ngôi nhà là tác phẩm “tân cổ giao duyên” bị đập đi để thay vào đó một nhà nghỉ tầm cỡ tại khu vực biệt thự đặc thù của thành phố.

Ở một nơi khác, góc phố Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê xuất hiện nơi làm việc mới của một cơ quan thuộc Quốc hội. Chẳng lẽ nơi làm việc của cơ quan quan trọng nhất này lại không được xét địa điểm xây dựng một cách cẩn trọng?

Gần đây lại có thông tin là Bộ Xây dựng đang đề xuất lấy cụm biệt thự ở số 1 Lý Thái Tổ để xây nhà công vụ cho Chính phủ. Nhà ở công vụ của Nhà nước ắt hẳn là một nhu cầu lớn mà các nhà khách, khách sạn không đáp ứng nổi thì cần có một quy hoạch xứng tầm cho công việc này.

Xét về mặt thể loại công trình thay vào một cụm biệt thự giá trị cao chuyển thành mọi loại nhà chung cư tầm tầm nào đó có xứng với nơi ở của các công chức nhà nước khi đi làm việc công? Thật phi lý, nhất là dưới góc độ bảo tồn cảnh quan kiến trúc mà tính đa dạng về hình thái rất đáng được quan tâm.

Song, nếu xét là chuyện lớn thì toàn bộ các cơ quan đại diện của nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh được quy hoạch ra sao, để được coi là xứng với cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc như đang làm. Chẳng lẽ kiến trúc xây dựng không đóng vai trò cần thiết cho việc điều hành đất nước hướng đến tương lai.

Thế còn quy hoạch các cơ quan của thành phố cũng không thấy xuất hiện trong những dự án lớn như Nam Sài Gòn hay Thủ Thiêm. Chẳng lẽ, nơi làm việc của UBND thành phố nằm mãi tại 86 Lê Thánh Tôn - một tòa nhà cổ cần chuyển chức năng sử dụng cho mục đích văn hóa - lịch sử.

Chuyện lớn xoay quanh vấn đề quy hoạch, cũng còn nhiều chuyện đáng nói nữa nhưng xin dừng ở đây để bàn sang chuyện nhỏ - chuyện kiến trúc của thành phố chúng ta.

Chuyện nhỏ: Kiến trúc đang ở trạng thái nào?

Một là: Kiến trúc cổ và cũ ngày càng bị thu hẹp và xâm hại. Điển hình như đường Phạm Ngọc Thạch đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Võ Thị Sáu (ảnh bên). Ở đây, nhà hàng, khách sạn, văn phòng đã chế ngự cả đường phố yên bình sang trọng với những biệt thự và nhà hẻm trong cây cỏ hoa lá.

Ở Quận 3, từ khi tòa nhà văn phòng của phòng thương mại và tòa nhà Sindocime mọc lên vào thập niên 1990 để rồi sang những năm 2000 thì hàng loạt biệt thự bị đập bỏ, để thay vào đó những loại hình kiến trúc quốc tế mà cơ quan Thông tấn xã trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là một đại diện.

Tương tự như vậy, chúng ta còn có thể thấy nhà văn phòng tại 222 Điện Biên Phủ, nơi đây nguyên là một biệt thự khá lịch lãm của Sài Gòn xưa. Với đà này, chừng một thập niên nữa Quận 3 sẽ chấm hết đặc trưng là mảng biệt thự quý hiếm của đô thị nhiệt đới này.

Hai là: Kiến trúc cao tầng đã xuất hiện với diện rộng và còn vươn cao nữa với nhà văn phòng và kế đó là nhà ở. Loại hỗn hợp căn hộ ở, kiêm văn phòng cũng đã xuất hiện không ít. Đã có dấu ấn hàng ngoại kiểu Sing, Hàn, Nhật, Pháp… thể hiện sự bùng nổ của kiến trúc phong cách quốc tế.

Vậy là, thành phố đã hội nhập thành công với cộng đồng quốc tế thông qua hình tượng phổ cập của kiến trúc cao tầng; song còn cái riêng, cái xuất sắc chưa lộ ra. 

Ba là: Kiến trúc nhà ở đang làm thay đổi lần bộ mặt đô thị. Sau một thời nở rộ kiến trúc nhà phố, vài năm trở lại đây, nhà ở chung cư cao tầng đã bủa vây mọi hướng.

Đi đầu là Nam Sài Gòn đang tiến dần đến Bình Chánh - Nhà Bè, phía Bắc thì Quận 9 - Thủ Đức, còn Đông - Tây thì bình minh và hoàng hôn đang khởi sắc với nhiều cụm dân cư cao tầng, đã khẳng định được sự chuyển hóa giai đoạn từ ít tầng sang nhiều tầng tại đô thị chúng ta.

Bằng mấy chuyện nhỏ, chuyện lớn trên đây, tôi mong muốn tạo nên một góc nhìn “thô mộc” trên một gia tài kiến trúc đồ sộ của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Sự nỗ lực đa chiều và quyết liệt của giới kiến trúc sư cũng đã phần nào góp sức để thành phố luôn trụ vững và phát triển trên cả ba phần đời: quá khứ - hiện tại và tương lai.

TS.KTS Lê Quang Ninh 

>> Sài Gòn… 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: