Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm"

Thứ hai, 28 Tháng 2 2011 19:46 Ashui.com
In

TP HCM đã bắt đầu “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt từ gần 10 năm nay. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, tình trạng ngập lụt ở TP HCM nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. 

Mặc dù 75% các điểm ngập tại TP HCM nằm tại vị trí cao hơn ít nhất 1 m so với mực nước cao nhất ghi nhận tại trạm Phú An, quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt đề xuất xây dựng một hệ thống đê bao dọc theo bờ Tây sông Sài Gòn với tổng chi phí lên tới 11.000 tỷ đồng để triệt tiêu ảnh hưởng của thủy triều đối với thành phố. Trong khi đó, một chuyên gia đưa ra một ước tính gây sốc rằng khả năng chứa nước tại chỗ (sông, hồ) của thành phố giảm 10 lần trong vòng 10 năm trong lúc diện tích bê-tông hóa tăng lên 2,5 lần.

Những con số này được đưa ra để cho thấy bức tranh phức tạp của vấn đề ngập lụt tại TP HCM. Mặc dù TP HCM được biết đến trên thế giới như là một trong những thành phố nhiều rủi ro nhất trước tác động của Biến đổi Khí hậu (BĐKH) và Nước-biển-dâng-cao (NBDC), nguyên nhân chính của ngập lụt hiện nay không phải là thiên tai mà là "nhân tai". Chiến lược phát triển đô thị sai lầm, hệ thống thoát nước yếu kém và phương pháp tiếp cận nặng về giải pháp công trình đã làm trầm trọng hơn vấn đề.


Biến đổi khí hậu sẽ khiến đỉnh triều ngày càng cao, gây xói lở đất, tăng diện tích ngập lụt. Ảnh: Vỡ bờ bao tại Thủ Đức gây ngập lụt hàng trăm hộ dân.  (nguồn: SGTT)

 

Vấn đề ngập lụt trong bối cảnh quốc gia và quốc tế

Trước hết, ngập lụt không phải là một hiện tượng mới và hiếm có ở Việt Nam. Toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc Bộ hiện nay vốn là vùng đầm lầm và chỉ có thể trở thành nơi định cư của con người khi ông cha chúng ta biết đắp đê tri thủy và làm thủy lợi để tát cạn vùng đầm lầy này. Tuy nhiên, bất chấp kinh nghiệm chống chọi hàng ngàn năm, lũ lụt vẫn là dạng thiên tai phổ biến nhất và có sức tàn phá ghê gớm nhất ở Việt Nam. Theo trang thông tin Prevention Web, lũ lụt đang ảnh hưởng đến cuộc sống của 4% dân số và gây thiệt hại 3% GDP của Việt Nam. Lũ lụt như vậy còn là một trải nghiệm phổ biến ở Việt Nam. Thực tế này có thể làm giảm tính trầm trọng của vấn đề ngập lụt tại TP HCM trong nhận thức của cộng đồng nói chung trong đó có các cơ quan chức năng bởi ngập lụt tại thành phố không gây ra thiệt hại về người và thiệt hại không đáng kể về tài sản so với lũ lụt tại các địa phương khác.

Mặc dù bức tranh lũ lụt tại Việt Nam hiện nay là nghiêm trọng và đáng lo ngại, đó có thể chưa phải là đỉnh điểm của vấn đề. Một báo cáo nổi tiếng của Ngân hàng Thế giới (Dasgupta et al 2007) cho thấy một mối đe dọa mới tới mảnh đất Việt Nam nhỏ bé: NBDC do BĐKH. Theo bản báo cáo, nếu NBDC 1 m vào cuối thế kỷ, một kịch bản được khẳng định trong nghiên cứu của Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường sau đó (Tran Thuc 2009), thì hơn 10% diện tích, dân số và GDP sẽ bị đe dọa.

Những rủi ro do BĐKH tại TP HCM và trên toàn Việt Nam nhận được mối quan ngại cao độ của cộng đồng quốc tế cùng với các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đi kèm đối cũng có thể làm biến dạng nhận thức và cách tiếp cận tại địa phương đối với thiên tai trong đó có lũ lụt. Nếu như lũ lụt cũng như một số dạng thiên tai khác được giải thích trong hoàn cảnh BĐKH - một vấn đề môi trường toàn cầu mà một quốc gia kém phát triển như Việt Nam có rất ít trách nhiệm - thì việc giải quyết chúng rất cần có sự hỗ trợ quốc tế một cách chính đáng.


Hình 1: Bản đồ các trạm thủy văn trong lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
(Nguồn: tác giả thực hiện theo số liệu của Hồ Long Phi 2010)

 

Thách thức phải đối mặt

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất và là trung tâm kinh tế của cả nước với sự đóng góp 20% vào GDP quốc gia và 30% vào tổng giá trị xuất khẩu (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư & Thương mại Tp. HCM 2008). Mặc dù có vai trò quan trọng chiến lược trong nền kinh tế quốc gia, TP HCM tuy nhiên lại nằm trên một nền đất thấp và dễ dàng bị ngập do mưa lớn, nước lũ thượng nguồn hay triều cường. Theo Trung tâm Chống ngập của thành phố, 60% diện tích toàn thành có cao độ thấp hơn 2 m trong khi mực nước cao nhất tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và gần trung tâm thành phố (xem hình 1) có thể đạt 1,55 m (ghi nhận vào lúc 5 giờ sáng ngày 15/12/2008). Với mực nước 1,55 m cộng thêm 1 m NBDC vào cuối thế kỷ sẽ gây ngập phần lớn diện tích thành phố. Hơn nữa, tốc độ lún gần 15 mm/năm hiện nay tại nhiều điểm trong thành phố sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề (Tuổi Trẻ 1/12/2010). Hiện nay, cả thành phố có hơn 100 điểm ngập, tổng cộng 154/322 xã phường đã ghi nhận bị ngập lụt thường xuyên. Trong điều kiện khí hậu cá biệt như cơn bão Linda năm 1997 thì 48% dân số thành phố sẽ chịu cảnh ngập lụt (ICEM 2010). Trong tương lai, rủi ro của thành phố có thể còn trầm trọng hơn khi hệ quả của BĐKH tác động vào vùng đất này. Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới (Dasgupta et al 2009) xếp TP HCM vào danh sách 25 thành phố rủi ro nhất thế giới về quy mô dân số chịu ảnh hưởng của các cơn bão liên quan tới BĐKH. Nghiên cứu của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM 2009) dự báo tới năm 2050, 50% các nhà máy nước, 60% các nhà máy xử lý nước thải, 90% diện tích các bãi rác thải và 30% đến 70% hệ thống giao thông bao gồm đường cao tốc, cảng và hệ thống metro có nguy cơ ngập lụt. Vô hình chung, mối quan ngại địa phương về vấn đề ngập lụt trong đô thị hiện tại đã được liên hệ với nhận thức toàn cầu về rủi ro BĐKH trong tương lai.


Hình 2: Biểu đồ mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu, Nhà Bè và Phú An 

 

Đi tìm căn nguyên của ngập lụt 

Trong khi cả chính quyền địa phương và chính quyền quốc gia đều tập trung nỗ lực vào việc xây dựng các công trình nhằm giảm thiểu tác động của lũ sông và triều cường tại TP HCM, căn nguyên thực sự của ngập lụt lại không nằm ở hai yếu tố thiên nhiên này. Các nguyên cứu so sánh về mực nước sông và mực nước biển, nhiệt độ bề mặt, lượng mưa và vị trí các điểm ngập đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng để xác định nguyên nhân của vấn đề.

Hồ Long Phi (2010) là một trong những người đầu tiên trăn trở về nguyên nhân thực sự của ngập lụt tại thành phố. Ông đã so sánh số liệu thu thập từ các trạm quan trắc thủy văn khác nhau trong hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn cũng như tại trạm Vũng Tàu (hình 2) thời kỳ 1990 - 2007. Kết quả thu được cho thấy trong khi mực nước tại Vũng Tàu không tăng và mực nước tại Biên Hòa chỉ tăng nhẹ thì mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè tăng đáng kể với tốc độ lần lượt là 1,45 cm/năm và 1,17 cm/năm. Bên cạnh đó, đánh giá hệ số tương quan của mực nước cao nhất hàng năm cho thấy không có sự tương quan đáng kể giữa mực nước tại Vũng Tàu và các trạm trong nội địa trong khi các trạm này lại tương quan chặt chẽ với trạm Phú An. Đồng thời phân tích của Hồ Long Phi cũng cho thấy có tương quan giữa lưu lượng xả tối đa tại thủy điện Trị An với mức nước cao nhất hàng năm tại Biên Hòa, Phú An và Thủ Dầu Một nhưng sự tương quan giữa mực nước tại các trạm này với lưu lượng xả tại hồ Dầu Tiếng là không đáng kể. Những kết quả này dẫn tới nhận định rằng xu hướng ngập lut gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh không gắn với hiện tượng BĐKH toàn cầu và NBDC mà với các lý do địa phương.


Hình 3: Số lần mực nước cao nhất tại Phú An vượt qua các mức và so sánh với quá trình phát triển dân số của TP HCM. (Nguồn: Hồ Long Phi 2010)

Một chỉ số khác để xem xét là xu hướng gia tăng số lần mực nước đạt mức cao nhất tại trạm Phú An. Hình 3 cho thấy từ những năm 1990, số lần mực nước đạt các mức cao nhất hàng năm tại trạm Phú An tăng lên nhanh chóng. Nếu trong năm 1995, số lần mực nước vượt mức 1,2 m là khoảng 30 lần thì con số này vào năm 2007 là 100 lần. Sự gia tăng đột biến của số lần mực nước vượt các mức trên sông Sài Gòn bắt đầu từ những năm 1990 một lần nữa khằng định hiện tượng ngập lụt tại TP HCM không thể giải thích bằng BĐKH toàn cầu.

Một giả thuyết được đặt ra là sự thay đổi cao độ và tần suất vượt các mức cao độ của mực nước tại Tp HCM có liên quan đến quá trình phát triển đô thị của thành phố. Tốc độ tăng dân số và diện tích bề mặt bê-tông hóa được xem xét. Tốc độ tăng dân số tại TP HCM từ năm 1979 tới 1989 là 1,95%, từ năm 1989 tới 1999 là 2,63% và từ năm 1999 tới năm 2005 là 4,29%. Liên hệ số lần mực nước vượt các mức cao độ với tốc độ gia tăng dân số trong hình 4, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự gia tăng dân số nhanh chóng trong một chu kỳ 5 năm thường dẫn tới sự gia tăng đáng kể số lần mực nước vượt các mức cao độ trong chu kỳ 5 năm tiếp theo. Ví dụ như tốc độ tăng dân số cao trong thời kỳ 2001-2005 (20,7% so với 11,4% của thời kỳ 1996-2000 và 12,7% của thời kỳ 1991-1995) dẫn tới sự gia tăng đột biến (độ dốc của đồ thị) của số lần mực nước vượt các mức cao độ trong thời kỳ 2006-2007.


Hình 4: Bản đồ thể hiện diện tích bê-tống hóa bề mặt và nhiệt độ tối đa bề mặt tại TP HCM.
(Nguồn: Trần Thị Vân và Hà Lê Dương Bảo 2007)

Sự gia tăng dân số dẫn đến việc đô thị hóa tại vùng ven đô vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Hiện tượng này sau đó lại dẫn tới ngập lụt theo 2 cách: trước hết, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống; sau đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bi bê-tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất. Bản tin về một hội thảo chống ngập lụt tại Tp HCM cung cấp những con số gây sốc: quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 hecta, san lấp 7,4 hecta hồ Bình Tiên, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất của khu vực (Tuổi Trẻ ngày 27/05/2010). Một báo cáo khác tại cuộc hổi thảo nêu rõ trong vòng chỉ 8 năm 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần.

Việc mất diện tích bề mặt tự nhiên không chỉ diễn ra đối với đất nông nghiệp ở vùng ven mà đồng thời xảy ra đối với diện tích công viên - cây xanh trong nội đô. Trong thời kỳ 1998-2009, khu vực nội thành mất đi 50% diện tích cây xanh khiến cho tỷ lệ cây xanh trên đầu người còn vô cùng nhỏ: 0,7 m2 vào năm 2009 (trong khi đó mục tiêu tới năm 2010 đề ra trong quy hoạch chung là 6-7 m2/người). Việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên vốn có khả năng thấm trung bình 50% lượng nước mưa thành bề mặt đô thị vốn chỉ thấm được bình quân 15% lượng nước mưa tất yếu làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy trên bề mặt gây ra ngập lụt. Diện tích bê tông hóa bề mặt của thành phố, tuy nhiên, gia tăng nhanh hơn nhiều lần tốc độ tăng dân số. Nghiên cứu của Trần Thị Vân và Hà Dương Xuân Bảo (2007) cho thấy trong vòng 17 năm, từ 1989 tới 2006, diện tích bê-tông hóa bề mặt gia tăng 305,5% từ hơn 6000 hecta vào năm 1990 lên tới 24.500 hecta vào năm 2006, trong khi dân số thành phố chỉ tăng 79,5% trong thời kỳ 1990 - 2010.

Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê-tông hóa không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt. Số liệu tại trạm Tân Sơn Hòa cho thấy nhiệt độ bề mặt tại TP HCM tăng trung bình hằng năm 0,18 độ C trong thời kỳ 1977-1986, 0,26 độ C trong thời kỳ 1987-1996 và 0,34 trong thời kỳ 1997-2006. Trong khi đó số liệu cùng thời điểm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 0,13, 0,14 và 0,16 độ C. Vẫn nghiên cứu của Trần Thị Vân và Hà Dương Xuân Bảo (2008) cho thấy sau 17 năm, nhiệt độ bề mặt tối đa ghi nhận được tại thành phố này tăng thêm khoảng 10 độ C (từ 39,8 độ C năm 1989 lên 49,4 độ C năm 2006). Sự thay đổi về nhiệt độ bề mặt, và do đó nhiệt độ không khí, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực. Số liệu thống kê lượng mưa từ năm 1988 tới năm 2006 tại trạm Tân Sơn Hòa cho thấy một quá trình gia tăng liên tục số lượng các cơn mưa cực lớn, phù hợp với quá trình gia tăng nhiệt độ bề mặt tại thành phố.

Như vậy vấn đề ngập lụt tại TP HCM không phải là hệ quá của quá trình NBDC dưới tác động của BĐKH. Thực tế là 75% các điểm ngập tại thành phố có cao độ lớn hơn 2,5 m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm và bất chấp mực nước ở Phú An thấp hay cao. Điều này có nghĩa rằng phần lớn các điểm ngập hiện nay bị ngập không vì lý do địa hình thấp hay mực nước của sông Sài Gòn lên cao.


Hình 5: Bản đồ các điểm ngập lụt tại TP HCM. (Nguồn: Hồ Long Phi 2010) 

 

Cách tiếp cận chính thống

Trước một thực tế như vậy, cách tiếp cận từ phía chính quyền dường như vẫn còn nhiều điểm khác biệt so với giới khoa học. Báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP HCM (2010) xác định địa hình và triều cường là hai nguyên nhân chính của vấn đề. Trong 5 giải pháp chính mà Trung tâm đề ra cho thành phố thì trừ việc bảo vệ diện tích đất nông nghiệp và hệ thống kênh rạch, các giải pháp còn lại đều là giải pháp xây dựng công trình. Bản báo cáo TP HCM thích ứng với BĐKH do ICEM (2009) thực hiện cho UBND TP HCM có đưa ra một đánh giá định lượng chi tiết về tác dụng của hệ thống đê bao bờ Tây sông Sài Gòn đối với việc bảo về thành phố trước rủi ro ngập lụt. Báo cáo mô tả hệ sống đê bao sẽ kiên cố hóa bê-tông hóa bờ sông và dần dần sẽ phá hủy khả năng lọc nước của hệ thống tự nhiên trong vùng. Bản báo cáo cảnh báo một hiện tượng đang ngày càng trở nên rõ ràng là "BĐKH cục bộ do nguyên nhân địa phương gây ra". Báo cáo đặt ra một câu hỏi đối với hiệu quả của hệ thống đê bao: "Nếu như sự gia tăng mực nước sông và thủy triều tại khu vực TP HCM là do những thay đổi về sử dụng đất, thì hệ thống đê bao quy mô lớn có thể gia tăng rủi ro ngập lụt" và "không có những nâng cấp đáng kể hệ thống thoát nước, thì hệ thống đê bao ngăn triều chỉ có vai trò không đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ngập lụt tại TP HCM, nhất là dưới áp lực gia tăng lượng mưa cục bộ".

 

Kết luận

Bất chấp rất nhiều các nỗ lực quốc tế và trong nước nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt, vẫn chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào để giải thích đầy đủ nguyên nhân của tình trạng trên. Các nhà nghiên cứu quốc tế thường có xu hướng quan tâm đơn thuần tới rủi ro BĐKH của thành phố trong khi các đồng nghiệp địa phương thường quá chú ý tới vai trò của hệ thống sông ngòi và triều cường mà quên đi mối quan hệ giữa hình thức đô thị (urban form) và khả năng thoát nước của thành phố. Giải pháp mà các cấp chính quyền đưa ra vẫn chỉ là xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều - những giải pháp vô cùng tốn kém nhưng lại không giúp giải quyết bản chất vấn đề. Thực tế là mực nước cao nhất tại Vũng Tàu và Biên Hòa không có thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể trong khi mực nước cao nhất tại trạm Phú An, trung tâm TP HCM, cùng với các trạm khác trong nội địa, gia tăng liên tục và được gọi dưới cái tên "triều cường". Sự thay đổi đột biến này là hậu quả của quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu và thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến cho hàng ngàn diện tích chữa nước bị biến mất. Trong giới hạn của bài viết này, giải pháp chống ngập chưa có điều kiện đề cập chi tiết. Tuy nhiên nếu đồng ý rằng nguyên nhân chính gây ra ngập lụt trên diện rộng tại thành phố là cách thức phát triển đô thị thì giải pháp chủ đạo phải là tiếp cận "mềm" thông qua công cụ chính sách.

Tiếp cận "mềm" ở đây là việc thông qua các quy định và chính sách khuyến khích nhằm gia tăng khả năng thoát nước tại chỗ như quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bể chứa nước mưa, xây dựng "vỉa hè xanh", xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi mưa lớn xảy ra, chiếm lĩnh những không gian xanh còn chưa bị đô thị hóa ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước, ... Chỉ phụ thuộc vào giải pháp xây dựng công trình, vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để mà thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn. Hệ thống đê bao dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ chỉ giảm ngập cho những khu vực thấp vốn chỉ chiếm 30% tổng số điểm ngập toàn thành nhưng lại làm cho chính những khu vực này ngày càng lún và gia tăng rủi ro ngập cho bờ Đông hoặc phía Đồng Nai.

Chuẩn bị cho tương lai BĐKH và NBDC là cần thiết. Tuy nhiên nếu hình thức đô thị và hệ thống hạ tầng và quan trọng hơn là nhân thức của con người không đáp ứng được những thách thức của ngày hôm nay thì làm sao những nhân tố này có thể đối đầu với thách thức trong tương lai?

Nguyễn Đỗ Dũng - Quy hoạch sư trưởng, Công ty tư vấn Thanh Bình 
(Tác giả cảm ơn thạc sĩ Hồ Long Phi đã đọc và góp ý cho bài viết)

Tài liệu tham khảo

Dapice, D., Gomez-Ibanez, J. and Nguyen, T. (2009). Ho Chi Minh City: The Challenges of Growth. UNDP – Harvard Policy Dialogue Papers. Hanoi, VN: Unied Nations Development Programme in Vietnam

Dasgupta, S. & Laplante, B. & Murray, S. & Wheeler, D. (2009). Climate Change and Future Impacts of Storm-Surge Disasters in Developing Countries. CGD Working Paper 182.Washington, DC: Center for Global Development

Dasgupta, S. et al (2007). The impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A comparative analysis. World Bank Policy Research Working Paper 4136, February 2007

Einsiedel, N. and Bendimerad, F. and Rodil, A. and Deocariza, M. (2010). The challenge of urban redevelopment in disaster-affected communities. Environment and Urbanization Asia 2010 1: 27

Harmeling, S. (2010). Global Climate Risk Index 2010: Who is most vulnerable? Weather-related loss events since 1990 and how Copenhagen needs to respond. Bonn, Germany: Germanwatch

Ho Chi Minh City People’s Committee (2010). Urban Planning & Development: Responses to Climate Change: Adaptation and Mitigation. Pacific Rim Council on Urban Development – Ho Chi Minh City Roundtable Forum 2010.

Ho Long Phi (2007) “Climate Change and urban flooding in Ho Chi Minh City”. Proceedings of the Third International Conference on Climate and Water 3-6 September 2007, Helsinki, Finland, pp.194-199.

International Monetary Fund (2010). World Economic Outlook Database, April 2010. Retrieved at 5 p.m. December 3rd, 2010 from http://www.imf.org/external/pubs/ft/weo/2010/01/weodata/weorept.aspx?sy=2007&ey=2010&scsm=1&ssd=1&sort=country&ds=.&br=1&c=582&s=NGDPD%2CNGDPDPC%2CPPPGDP%2CPPPPC%2CLP&grp=0&a=&pr.x=71&pr.y=7#download

International Centre for Environmental Management (ICEM) (2009). Ho Chi Minh City Adaptation to Climate Change (4th Draft). Retrieved at 9 a.m., December 1st, 2010 from http://www.icem.com.au/02_contents/03/03_19_climatechange.htm

Kaufmann, R., Seto, K., Schneider, A., Zouting, L., Liming, Z., & Wang, W. (2007). Climate Response to Rapid Urban Growth: Evidence of a Human-Induced Precipitation Deficit. Journal of Climate, 20(10), 2299-2306.

Meulder, B. & Shannon, K. (2008). Water Urbanisms. Amsterdam, NL: SUN

Meyer, H., Waggonner, D. and Morris, D. (2010). Dutch Dialogues – New Orleans Netherlands. London, UK: SUN

Rotterdam Climate Initiative (2009). 2009 Adaptation Programme. Retrieved from http://www.rotterdamclimateinitiative.nl/en/about_rotterdam_climate_initiative/rotterdam_climate_initiative/publications

Shannon, K (2008) Water urbanism: Hydrological infrastructure as an urban frame in Vietnam in Feyen, J.,

Shannon, K. and Neville, M. (eds.) (2009). Water and Urban Development Paradigms: Toward an Integration of Engineering, Design and Management Approaches. London, UK: Taylor & Francis Group.

Shepherd, M. and Burian, S. (2003). Detection of Urban-Induced Rainfall Anomalies in a Major Coastal City. Earth Interact., 7, 1–17.

Tucci, C. (2007). Urban Flood Management. Retrieved from World Meteorological Oganization’s website http://www.wmo.int/apfm/

PreventionWeb (2010). Vietnam Risk Profile. Retrieved at 9 a.m. in December 1st, 2010 from http://www.preventionweb.net/english/countries/statistics/risk.php?iso=vnm

Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh – VKT (Ho Chi Minh City’s Institute of Economic Research) (2006). Conference Report: Urban flooding in Ho Chi Minh City – Causes and Solutions. Retrieved at 7 a.m. November 20th, 2008 from http://www.vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=3818&cap=4&id=3822


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: