Nhận thức lại về quản lí đô thị

Thứ năm, 28 Tháng 4 2011 10:02 Người Đô thị
In

Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng tiến trình đô thị hóa ở nước ta thì bài toán về quản lí đô thị được đặt ra với nhiều lời giải, nhiều biến số cần phải được làm rõ.

Theo nghĩa rộng, quản lí đô thị là toàn bộ tiến trình về thị chính, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị…; trên nghĩa hẹp thì chỉ là quá trình quản lí thị chính, tức là quản lí quá trình quy hoạch, kiến thiết và vận hành trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cũng như cơ sở hạ tầng kĩ thuật của thành phố. Do điều kiện chủ quan và khách quan, công tác quản lí đô thị của chúng ta còn nhiều bất cập trong nhận thức cũng như thực thi.

Quản lí sự vận hành đô thị

Nhiều lúc chúng ta đã “đơn giản hóa” công tác quản lí đô thị, có lúc chỉ coi quản lí đô thị là quản lí quá trình quy hoạch và kiến thiết đô thị, nhiều khi lại cho rằng đối tượng của quản lí đô thị là quá trình vận hành đô thị. Đành rằng công tác qui hoạch và xây dựng đô thị không tách rời khỏi nhiệm vụ quản lí đô thị nhưng sẽ là khiếm khuyết nếu không đưa “vận hành đô thị” vào công tác quản lí đô thị. Tiến trình đô thị hóa đòi hỏi phải quản lí chặt chẽ quá trình vận hành đô thị nhưng cần phải hiểu rằng nếu chỉ quản lí về quá trình vận hành đô thị không thì chưa đủ mà còn cần phải có sự kết hợp hài hòa, liên thông, tương hỗ giữa ba yếu tố: quy hoạch, thiết kế và vận hành. Một đô thị sẽ không phát triển (hoặc phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát) khi mà chỉ chú trọng đến công tác vận hành đô thị mà không (hoặc ít) coi trọng đến công tác quy hoạch và thiết kế. Thực tế ở nước ta, sự vận hành đô thị đi theo những quán tính không định sẵn mà nhà quản lí đô thị nhiều khi chỉ quản lí theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Để một đô thị phát triển đúng với ý đồ của nhà quản lí thì bài toán quản lí cần phải “có mặt” từ khâu quy hoạch, xây dựng đến vận hành. Có thể nói, quản lí trong quá trình vận hành chỉ là động thái “bắt voi bằng cách nắm đuôi”, do vậy quản lí đô thị cần phải phủ sóng đến cả 3 lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và vận hành đô thị.

Quản lí về chuyên môn

Để phát huy được ưu thế chỉnh thể của quản lí đô thị, phát huy được tính hiệu ứng hội tụ để vận hành một cách hài hòa, có hiệu quả của toàn bộ hệ thống đô thị là vấn đề mà các nhà quản lí đô thị hiện đại đặt ra. 

Rất nhiều nhà quản lí đô thị nhận thức rằng, quản lí đô thị tức là quản lí từng “mảng nhỏ”, từng lát cắt như giao thông, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, cây xanh, quan lí việc xây dựng nhà cửa... Trên thực tế, kết cấu đô thị (về không gian kiến trúc cũng như không gian xã hội) xét theo lát cắt thời gian, nó luôn đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn biến đến đa biến, từ “lãnh đạo” đến “quản lí”. Do vậy, bài toán quản lí đô thị cũng cần có sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động; quản lí phải đi từ kinh nghiệm sang khoa học, từ phân tán sang tổng hợp, từ “độc tấu” sang “hòa tấu”, từ áp đặt sang hài hòa, dân chủ. Cần phải nhận thức rằng, đô thị trong xã hội hiện đại là một hệ thống phức tạp mà bên trong nó là nhiều tiểu hệ thống, các tiểu hệ thống này cần phải có “ngành dọc” đứng ra điều hành, quản lí, định hướng phát triển theo hướng “chuyên môn hóa”. Thế nhưng, chúng ta cần thừa nhận, hệ thống đô thị ngày càng ẩn chứa bên trong nó những thành tố mang tính phồn tạp (nhiều và phức tạp) thì việc cắt xẻ ra thành nhiều mảnh nhỏ theo kiểu “chuyên nghiệp hóa”, chuyên môn hóa để quản lí là không ổn. Nói cách khác, nhấn mạnh đến phương thức quản lí chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, từng bộ phận đã dần trở nên không còn thích ứng với tốc độ, tính chất và trình độ phát triển của mạng lưới đô thị ở nước ta hiện nay, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Bởi lẽ, tính đan xen, phức hợp, cộng hưởng, giao thoa của các tiểu hệ thống trong hệ thống đô thị hiện đại khó lòng phân định rạch ròi từng “mảng nhỏ” để quản lí, điều đó dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” hay “mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Kiểu quản lí theo “chuyên môn hóa” như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập mà rõ nhất là “ban ngành chủ nghĩa”, “dĩ ngành vi bản”: chỉ hoàn thành nhiệm vụ quản lí theo lĩnh vực của mình mà bất luận phương hại đến các bộ phận khác, lĩnh vực khác không thuộc mình quản lí, cảnh “mạnh ai nấy đào đường” của giao thông, công chánh, điện lực, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông trong thời gian qua là một ví dụ. Như vậy đơn giản hóa, chuyên môn hóa hệ thống hết sức phức tạp của đô thị ngày càng trở nên bất cập, không hợp thời, không khoa học nữa. Bởi như thế, vô hình chung làm cho những xung đột về lợi ích của các bộ phận, các tiểu hệ thống ngày càng gay gắt hơn, thậm chí làm xung đột lợi ích giữa cái cục bộ và cái chỉnh thể: sự phát triển chỉnh thể của thành phố. Từ đó dẫn đến sự buông lõng về quản lí, tư tưởng bản vị; mất dần sự hỗ động, kết hợp hài hòa giữa các bộ phận. Như thế, tư tưởng đơn giản hóa việc quản lí đô thị, “chia cắt” quản lí thành những lát cắt độc lập để tiến hành nghiên cứu cũng như quản lí theo kiểu chuyên môn hóa, sau đó mới tiến hành “tổng hợp” một cách giản đơn để làm luận cứ, quan điểm đánh giá cho tiến trình đô thị hóa, quản lí đô thị đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Đô thị hiện đại là một hệ thống lớn và phồn tạp, là bài toán đa biến, đa nghiệm. Sự phát tiển của nó không chỉ là sự phát triển “nổi trội” của một vài tiểu hệ thống mà điều quan trọng và then chốt là cần có sự kết hợp nhịp nhàng của các tiểu hệ thống với nhau; cần có sự thống nhất về mục tiêu phát triển của các tiểu hệ thống và mục tiêu phát triển tổng thể của chính đô thị đó. Như thế, làm thế nào để phát huy được ưu thế chỉnh thể của quản lí đô thị, phát huy được tính hiệu ứng hội tụ để vận hành một cách hài hòa, có hiệu quả của toàn bộ hệ thống đô thị là vấn đề mà các nhà quản lí đô thị hiện đại đặt ra. Đối với các đô thị Việt Nam, chúng ta cần những nhạc trưởng đủ trình độ, có chuyên môn, có tâm huyết để điều kiển các “nhạc công” hiện hữu theo những nhạc lí trong kịch bản.

Quản lí chấp pháp

Quản lí về chấp pháp đô thị (quản lí về việc thực thi và chấp hành pháp lệnh có liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng và vận hành đô thị) là việc làm hết sức cần thiết cho bất cư đô thị nào để đảm bảo sự phát triển đô thị theo đúng “quĩ đạo” đã được những nhà hoạch định, nhà quản lí quyết nghị. Thế nhưng thực tế của nhiều nước trong công tác quản lí đô thị cho thấy, khi quản lí đô thị mà chỉ chú ý đến việc quản lí chấp pháp là chưa đủ. Chúng ta chưa có cái gọi là “chính quyền đô thị” với những chức danh như thị trưởng, hội đồng thị trưởng, hội đồng cố vấn, hội đồng điều phối thành phố thì quản lí đô thị chỉ dừng lại ở khâu quản lí công tác chấp pháp là có thể chấp nhận được, thế nhưng khi đã hình thành chính quyền đô thị thì việc quản lí thành phố phải quản lí cả 3 khâu là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi lẽ một thành phố có vận hành được hay không đòi hỏi quá trình lập pháp và cả công tác tư pháp. Trong công tác quản lí đô thị hiện đại cần phải phân định rõ ràng, minh bạch và rạch ròi giữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của từng vị trí, chức vị, lĩnh vực mà các chủ thể quản lí đã phân công. Cuối cùng trả lời cho câu nhưng hỏi: Ai quản? Quản ai? Quản như thế nào? Quản cái gì? Hiệu quả ra sao?

Ths. Phạm Đi - NCS Tiến sĩ Quản lý đô thị, Đại học Thượng Hải


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: