Tái cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội

Thứ ba, 16 Tháng 8 2011 12:46 DVT
In

Thủ đô Hà Nội đang đứng trước nhiều bức xúc về tái cơ cấu kinh tế theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững.

Để tái cơ cấu kinh tế Hà Nội theo hướng phát triển hiện đại và bền vững, cần kết hợp hài hòa giữa phát triển bề rộng với phát triển bề sâu, giữa phát triển tuần tự, từng bước với mạnh dạn đột phá, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cơ chế thị trường với sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thực hiện tái cấu trúc đồng bộ trên tất cả nội dung chính và phát triển kinh tế phải gắn với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH, phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố, nâng cao chất lượng phát triển, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế và doanh nghiệp Thủ đô. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, coi trọng cả việc mở rộng quy mô với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 11-12%. Chú trọng chất lượng cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, kinh tế tri thức; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng nhân lực chất lượng cao vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao có giá trị gia tăng lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cụ thể:

Tập trung ưu tiên phát triển các ngành, các loại hình dịch vụ chất lượng cao, như: du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, vận tải công cộng, tư vấn, dịch vụ công, v.v.. trên địa bàn. Phát huy tiềm năng, vị thế của Hà Nội, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều loại hình, như: du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, làng nghề v.v... Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Hà Nội là trung tâm giao thương lớn trong nước và cửa ngõ giao thương với nước ngoài. Đẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu những mặt hàng chế biến, chế tạo có hàm lượng giá trị tăng thêm nội địa cao, giảm mạnh xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô.

Phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, các ngành công nghiệp phụ trợ. Đẩy mạnh hình thành, phát triển các lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, v.v..) để Hà Nội trở thành một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Tích cực triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Củng cố, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xuất khẩu. Hiện đại hóa công nghiệp xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Thủ đô. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng đạt 11,5-12,5%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Sớm hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh quy mô hợp lý, gắn với công nghiệp chế biến; xây dựng các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung theo quy hoạch. Mở rộng diện tích rau an toàn, rau có giá trị kinh tế cao; tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Tập trung đầu tư, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp và chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Tiếp tục bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng hiện có, phát triển kinh tế rừng và làm giàu cảnh quan, môi trường sinh thái kết hợp với phát triển du lịch. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng nông nghiệp đạt bình quân 1,5-2%/năm.

Coi trọng cả thị trường trong nước và nước ngoài, xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch; đẩy mạnh mậu dịch biên giới với các nước láng giềng. Duy trì, giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc, đồng thời chủ động thâm nhập, phát triển thêm các thị trường như Châu Phi, các nước Đông Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ.

Phát huy lợi thế của từng vùng trên địa bàn để phát triển theo hướng tập trung và mở, gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước;  phối hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế-công nghiệp của các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, bảo đảm tính hiệu quả và bảo vệ môi trường tổng thể, cũng như nâng cao vai trò đầu tàu kinh tế và vị thế Thủ đô. Giảm dần thị trường cung ứng nguyên liệu và sản phẩm trung gian, phụ kiện từ nước ngoài, gắn với sự phát triển các thị trường thay thế tương ứng ở trong nước.

Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế của thành phố Hà Nội theo hướng giảm tỷ trọng DNNN; Tăng tỷ trọng doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Giảm tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp đơn sở hữu, tăng tỷ trọng doanh nghiệp, tập đoàn  công nghiệp đa sở hữu và cổ phần hóa, hoạt động xuyên quốc gia; Giảm tỷ trọng loại hình  doanh nghiệp sản xuất khép kín và đa ngành, đa sản phẩm, tăng tỷ trọng doanh nghiệp  hoạt động chuyên doanh, mở và liên kết mạng, chuỗi cung ứng.

Giảm dần các thiết bị và công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; chuyển giao dần các công nghệ và doanh nghiệp công nghiệp truyền thống  sang các địa phương khác; Cải thiện và nâng cấp dần các công nghệ sản xuất của các làng nghề theo hướng sạch và ít tốn năng lượng hơn.

Một số giải pháp chung thúc đẩy tái cấu trúc

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong qúa trình tái cơ cấu kinh tế Thủ đô theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững; Kết hợp hài hòa sự quản lý vĩ mô của nhà nước với cơ chế cạnh tranh thị trường lành mạnh, phối hợp và phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ lao động bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu của địa phương và cả nước cũng như xuất khẩu. Phát triển mạnh cả về số và chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia công nghệ đầu ngành, đầu đàn để góp phần tăng cường năng lực thiết kế, chế tạo, ứng dụng và làm  chủ công nghệ; thực hiện các đột phá KH&CN cho Thủ đô; Đào tạo bài bản và đổi mới đội ngũ các nhà lãnh đạo và quản lý cao cấp về quản lý nhà  nước các cấp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là cho các DNNN và các tập đoàn kinh tế; Đặc biệt, cần phát triển nhanh đội ngũ công nhân và thợ kỹ thuật, chuyên gia tay nghề cao, nhất là trong những ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ trình độ cao và nông nghiệp sinh thái…

Cải thiện căn bản môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng thị trường, bình đẳng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn, trước hết ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân, các DNNN đã cổ phần hóa; nâng cấp và chuẩn hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, phát triển các cụm công nghiệp, khu sản xuất công nghệ và phát triển đồng bộ các thể chế thị trường.

Gắn phát triển kinh tế với việc đa dạng hóa các giá trị và hoạt động văn hóa – xã hội cũng như các vấn đề về môi trường và quản lý đô thị trong quy hoạch tổng thể chung. Phát triển các dịch vụ thông tin, bưu điện, viễn thông, các dịch vụ giao thông, tài chính, tín dụng, du lịch…; cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, các dịch vụ phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Thực hiện các dịch vụ chuyển giao công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học, trước hết là công nghệ sạch, công nghệ bảo quản, chế biến….

Nâng cao nhận thức thống nhất, xây dựng và quản lý quá trình tái cấu trúc và phát triển kinh tế theo quy hoạch; tạo cơ hội và động lực để các doanh nghiệp ngày càng thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường; kiện toàn tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động và nâng cao vai trò của Hiệp hội…

Chính phủ cần sớm ban hành những chính sách mới về xây dựng đồng bộ các loại thị trường, về phát huy lợi thế của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng Thủ đô… sớm hoàn thiện cơ cấu, bộ máy và quy chế triển khai hoạt động tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Kết hợp chặt chẽ giữa vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ - vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng để thống nhất chỉ đạo điều hành hiệu quả.

TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: