Giao thông và những toan tính tiểu nông

Thứ sáu, 04 Tháng 11 2011 21:30 Tuần Việt Nam
In

Sự chậm phát triển của xã hội Việt Nam, những ách tắc, trong đó có giao thông đô thị, có phần do tính cách văn hóa đặc thù quy định. Hay nói thẳng, đó là những toan tính tiểu nông trên nền tảng kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún mang lại.

 

"Đường làng" ta, ta cứ đi 

Hàng chục năm nay, để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội và TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Chính phủ, áp dụng trên thực tế nhiều phương án như phân làn đường, xây cầu vượt, dùng xe buýt trong nội thành...

Những phương án này hữu dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng khi dân số và sự lạc hậu, xuống cấp của cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng gia tăng, thì nó trở nên kém hiệu quả. Thậm chí có những phương án có tác dụng... ngược. Như xe buýt trở thành "hung thần" đường phố, còn cầu vượt nhiều lúc trở thành điểm ách tắc giao thông trầm trọng.

Một trong những nguyên nhân gây ách tắc nghiêm trọng là thái độ và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Những hành vi kém văn hóa trong giao thông luôn diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở Hà Nội và TPHCM. Như ùn tắc giao thông rất dễ xảy ra khi cánh tài xế xe buýt cứ cố phóng nhanh, vượt ẩu để quay vòng tuyến.

Hay như khi bắt đầu có dấu hiệu ùn tắc giao thông thì ai cũng muốn chen lấn lên phía trước để "mở đường máu" khiến ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, hiện tượng đáng buồn là người dân tụ tập lại xem một vụ tai nạn giao thông cũng làm cho sự ùn tắc giao thông cục bộ diễn ra nhanh chóng hơn.

Cứ nghĩ đến những hiện tượng này tôi lại thấy bức xúc, băn khoăn. Đáng lẽ ra chỉ cần đi đúng quy định của pháp luật giao thông, nhường nhịn nhau một chút trên đường, mọi phương tiện sẽ "dầu xuôi đuôi lọt". Vậy mà ai cũng chỉ biết lợi ích cá nhân của mình, kiểu "đường làng" ta, ta cứ đi. Rút cục, cả xã hội tắc nghẽn.

Tôi nghĩ sự chậm phát triển của xã hội Việt Nam, những ách tắc, trong đó có giao thông đô thị, có phần do tính cách văn hóa đặc thù quy định. Hay nói thẳng, đó là những toan tính tiểu nông trên nền tảng kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún mang lại. Mới thấy vì sao cha ông ta xưa kia lại có quá nhiều câu tục ngữ, ca dao nhắc đến tính khí người nhà nông như vậy.

Chẳng hạn: "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", "Lá lành đùm lá rách", "Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", mà người dân ta ai cũng thuộc làu làu.

Nhưng trong thực tế ý nghĩa dưới "lớp băng trôi" của các câu tục ngữ, ca dao ấy còn là minh chứng cho sự mất đoàn kết, tính ích kỷ và lối suy nghĩ bủn xỉn, hơn thua thường ngày của người nông dân Việt Nam.

Và trong giao thông ngày nay đó chính là những lối cư xử kém văn hóa như đã nói trên.

 

Trông người, ngẫm đến ta 

Ở nước Mỹ hệ thống giao thông được Chính phủ xác định là một lực đẩy to lớn cho sự cất cánh của sức mạnh tổng lực quốc gia. Cho nên những nhà hoạch định giao thông thường suy tính rất kỹ càng cho việc thi công mỗi công trình.

Hãy thử nhìn khung cảnh hoàng tráng của cảng New York và phi trường quốc tế Kennedy, chúng ta sẽ nghiền ngẫm ra ngay vấn đề cốt lõi ấy. Trong khi đó, nhiều sân bay và cảng biển ở Việt Nam lại trở thành đề tài bàn tán về sự lạc hậu và sự lãng phí. Đừng vội cho rằng ý kiến của tôi là khập khiểng. Bởi lịch sử đã chứng minh sự tính toán sâu sắc về giao thông của người Mỹ không chỉ diễn ra ở thời điểm năm 2011.

Chẳng hạn như việc xây dựng Trường ĐH Virginia của họ vào năm 1819. Khi đó những người sáng lập trường đã họp lại và bàn cãi rất nhiều. Trong số đó Thomas Jerfferson đã nêu một ý kiến. Đó là việc xây dựng trường phải tính toán làm sao để diện tích bãi giữ xe ngựa trong hiện tại phải đủ chỗ cho các phương tiện giao thông đỗ đậu trong tương lai.

Cá nhân người viết bài cho rằng ý kiến trên "rất kinh hoàng".

Làm sao người Mỹ như ông Thomas Jerfferson lại có thể tính được đến cả bãi giữ xe ngựa của thế kỷ XIX vẫn phải đủ chỗ cho các phương tiện giao thông tương lai như ô tô, xe máy của thế kỷ XX, XXI cơ chứ?

Phải chăng, đặc tính người Mỹ là luôn thực tế, trọng lý, quyết đoán, mạo hiểm và có tầm nhìn xa trông rộng. Đặc tính này tạo cơ sở cho người Mỹ khá thành công trong các lĩnh vực đòi hỏi có sự đầu tư và phát triển bền vững. Kể cả việc thi công hệ thống giao thông vận tải mà hiệu quả của nó đến hàng trăm năm sau hậu thế mới nhận ra được.

Nếu nhận diện được những tính toán tiểu nông là nguyên nhân căn cốt của vấn nạn ùn tắc giao thông thì xã hội chúng ta cần có những giải pháp tổng thể.

Đó là, cả xã hội cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống vấn nạn ùn tắc giao thông. Trước hết, bên cạnh lực lượng cảnh sát giao thông cần có các Đội tình nguyện của sinh viên và Đoàn thanh niên túc trực trên các đường phố, vào giờ cao điểm.

Đừng để đến kỳ thi ĐH và CĐ hằng năm hay Tháng An toàn giao thông, mới điều động lực lượng đông đảo và nhiệt tình này. Lợi ích to lớn còn ở chỗ, giáo dục cho các bạn trẻ về văn hóa giao thông và Luật Giao thông khi giao trách nhiệm cho các em.

Nhà nước cần bổ sung, sửa đổi và điều chỉnh các chế tài xử phạt vi phạm luật giao thông theo hướng nghiêm khắc hơn, ngăn ngừa và hạn chế sự tái phạm.

Lâu dài, cần phải xây dựng hệ thống tàu điện ngầm hiện đại ở Hà Nội và TPHCM. Bởi thực tiễn đã kiểm nghiệm và chứng minh, tính hiệu quả của hệ thống tàu điện ngầm là rất lớn. Nó không chỉ tiết kiệm về diện tích bề nổi của thành phố mà còn an toàn, thuận tiện và nhanh chóng.

Toàn Nguyễn 

[ Chuyên đề: Giao thông đô thị


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: