Nghiên cứu xã hội học tìm căn nguyên bạo lực tại các đô thị lớn

Thứ bảy, 21 Tháng 1 2012 00:07 Dân Trí
In

Dân số Hà Nội và TPHCM tăng nhanh từ hai thập kỷ nay. Ngay đến một số người Hà thành cũng phân biệt người gốc Hà Nội và dân nhập cư khi nói đến văn hóa xưa. Vậy cần xây dựng văn hóa đô thị trong hoàn cảnh mới thế nào để giảm tình trạng bạo lực?

Người nhập cư cũng có những khó khăn của họ, chẳng những họ phải hòa nhập vào một môi trường mới, với những điều kiện sinh hoạt và tài chính, đối với đa số, thật là chật vật, lại còn phải giải quyết những giằng co xung đột giữa những nét văn hóa nơi họ đã sống và văn hóa thành thị...

Kinh nghiệm của Chicago trong bối cảnh xã hội thời đó


Chicago trước đây

Năm 1892, Đại học Chicago thành lập Phân khoa Xã hội học đầu tiên ở Mỹ, và Trường phái Chicago ra đời, đầu thập niên 1920, với ông Robert E. Park rồi sau đó, trong những năm 1940-50, với ông Everett C. Hughes.

Thành phố Chicago vào khoảng 1830 chỉ có vài ngàn người nhưng chỉ trong ba chục năm, tăng lên đến mấy triệu. Thời đó người ta gọi Chicago là thành phố "nấm" mọc nhanh với đường xe lửa và với sự phát triển của kỹ nghệ (hiện Chicago có gần 3 triệu dân - nếu kể cả ngoại ô và vùng phụ cận thì 10 triệu.) 

Trường phái Chicago đã theo dõi nghiên cứu cả thành phố và xem thành phố như một phòng thí nghiệm khổng lồ trong đó họ có thể quan sát những quan hệ giữa các nhóm văn hóa khác nhau, những liên hệ xã hội giữa những người nhập cư với nhau hay quan hệ giữa người nhập cư và dân chính gốc.

Dân nhập cư ồ ạt như thế phải đối mặt với nhiều vấn đề: lao đao họ phải bỏ những thói quen đã được xã hội hóa từ nhỏ, họ vội vàng thích ứng với những điều kiện sống hoàn toàn mới lạ, trong những điều kiện vật chất nhiều khi rất khó khăn, lại ở trong một môi trường không còn những liên hệ và ràng buộc xã hội họ vốn đã có trước đó,...

Xã hội đối với con người như "cá với nước": mang một con cá ra khỏi môi trường nước, nó không chết thì cũng phải dãy dụa để sống còn. Người di dân, dù chỉ là di dân trong cùng một xứ sở, cũng thế – họ mất liên hệ xóm làng, thiếu sự đoàn kết giúp đỡ của người lân cận, khi tối lửa tắt đèn, xa gia đình thân thuộc. Bơ vơ giữa thị thành, lạ người, lạ cảnh, lạ cách sống, họ phải nỗ lực thích hợp.

Trường phái Chicago có cách nhìn tích cực đối với khả năng thích ứng vào môi trường mới của con người. Theo quan sát của trường phái này, mỗi người có văn hóa cũ của nơi sinh đẻ, học văn hóa mới của nơi định cư và hòa mình vào khung cảnh mới. Vả lại chung quanh họ, đại đa số cũng là dân nhập cư nên trở thành dân thành thị không là vấn đề khó!

Đô thị lại "sáng chế" ra một văn hóa mới, điểm chung tốt nhất cho dân cư đô thành, Đô thị lo "xã hội hóa" ("dạy" cách sống - dạy mà không có lên lớp) các thành dân ấy, tạo cho họ một "lịch sử chung mới" và cả một hệ thống giá trị đạo đức xã hội thích hợp.

Những công trình nghiên cứu ban đầu của Trường phái Chicago phản ánh sự hòa hợp này của người di dân.

Nhưng diễn tiến đô thị hóa nhanh, như trường hợp của Chicago vào thế kỷ thứ XIX, làm nẩy nở trăm loại vấn đề: vấn đề đa văn hóa hay giằng co văn hoá, vấn đề tội phạm đủ loại vì dân tình là "dân tứ xứ" tới (họ thành "vô danh", không bị xã hội kiểm soát như ở môi trường nông thôn), kể cả hiện tượng băng đảng có tổ chức ("gang").

Thành ra, bên cạnh cái hào nhoáng của những tòa nhà chọc trời trong một thành phố hiện đại, phát triển, giàu như... "chú Sam" Mỹ quốc, là những khu phố nghèo khổ của dân thợ thuyền với cái sống bấp bênh cùng những hiện tượng bạo lực và phi văn hoá. Vậy làm sao tìm ra một giải pháp ổn thoả giữa những văn hóa gốc của dân nhập cư và văn hóa của một đô thị mới còn chập chững trong quá trình gây dựng, lại thay đổi liên tục? Đó là một vấn đề vĩ mô, của cơ quan công quyền, để quản lý, giáo dục, tạo an bình và chất lượng sống cho tất cả các thành viên của đô thị.


Chicago ngày nay

Rốt cuộc, trên lý thuyết, hiện tượng có vẻ tốt đẹp. Nhưng trong cuộc sống mỗi ngày, sự kiện nhập cư trong một diễn biến đô thị hóa nhanh không giản dị. Dân nhập cư, trên mặt vi mô, thường sống trong những khu ổ chuột với người đồng hương, ít hoà đồng với xã hội bên ngoài. Sự chật vật của cuộc sống, sự không hòa đồng, mất phương hướng vì xa môi trường cũ,... làm nẩy sinh ra những tệ hại. Băng đảng đi trộm cướp, giết người là một trong những tệ hại làm bất an cho xã hội.

Xã hội học về bạo lực, phi văn hóa, phạm tội học, nhất là khi phạm nhân còn vị thành niên,...  đã là những góp phần rất tích cực của trường phái Chicago.

Trường phái Chicago cũng đi tiên phong trên mặt phương pháp nghiên cứu xã hội học.

Quan sát hòa mình, nhà khoa học vừa là quan sát viên vừa là một thành viên của nhóm người mà họ nghiên cứu để có thể tận tường từ trong lòng của nhóm; đối tượng nghiên cứu tự nhiên, thật tình hơn, không đóng tuồng hay diễn kịch khi biết có người lạ theo dõi. Nhà khoa học của trường phái cũng là dân của thành phố Chicago mà!

Phương pháp chất lượng, đi sâu vào những khía cạnh khuất ẩn của đối tượng để tìm ra những logic - suy luận và cách giải quyết vấn đề - của đối tượng để hiểu rõ hơn. Không chú trọng đến số lượng nhưng chú trọng đến chi tiết của từng trường hợp nghiên cứu.

Phương pháp "chuyện đời người" (récit de vie hay life story) được dùng, chẳng hạn, để hiểu rõ hơn cuộc sống của trẻ phạm tội lúc còn vị thành niên với những dữ kiện về gia đình, điều kiện sinh sống, đặc thù về sức khỏe, tâm lý, học hành,... Phải đi vào thế giới của trẻ phạm tội để hiểu ngọn ngành. Sự thật là cần nhất. Kế đến, cái khách quan phải là khách quan của «chuyện đời phạm nhân» chứ không phải cái khách quan của người nghiên cứu.

Những phương pháp này, chính bản thân người viết bài đã dùng cho các nghiên cứu về văn hóa vì những lĩnh vực trừu tượng thì không thể nào chỉ dùng những con số "đong và đếm" mà phân tích được!

Di sản của trường phái Chicago?

Hiện nay, ở những thành phố vệ tinh chung quanh Paris (Pháp), những khu nhà cao tầng giá rẻ tại thành phố Liège (Bỉ), ... nơi mà dân trú ngụ thường là những người ngoại quốc hay những tầng lớp thợ thuyền, sống chen chúc nhau, mật độ dân chúng cao, tỉ lệ phạm tội cũng cao.

Các nhà nghiên cứu về những hiện tượng vùng ngoại ô, về những trùm băng phạm tội hay những vấn đề bạo lực và di dân đều, trong chừng mực nào đó, thừa kế di sản khoa học của  trường phái Chicago. Gần một thế kỷ đã trôi qua, lý thuyết của trường phái Chicago vẫn còn là sách gối đầu của nhiều xã hội học gia.

Về phương pháp nghiên cứu, không ai phủ nhận đóng góp của trường phái này.

Kết luận

Con người ta sinh ra không là phạm nhân, trừ một số rất nhỏ mà các nhà tâm thần học gọi là "người chống xã hội" (personnalité anti-sociale theo bảng xếp DSM IV-R của Mỹ), vô cảm trước đau đớn của đồng loại. Môi trường có thể làm cho tội phạm có hoàn cảnh sinh sôi nẩy nở, trường phái Chicago đã ra đời trong bối cảnh đặc biệt của sự đô thị hóa quá nhanh của thành phố này.


Hà Nội (ảnh: Rob Whitworth)

Bạo lực chỉ là một khía cạnh của xã hội. Báo chí nước ta gần đây đưa những tin cướp của, giết người, bạo lực trong giao thông, ở trường học, nơi nhà trẻ, giữa vợ chồng,... Nói đến trường phái Chicago là nói đến khả năng có thể nẩy sinh một "trường phái Sài Gòn", "trường phái Hà Nội" hay "trường phái Đà Nẵng" để nghiên cứu, giải thích những sự kiện xã hội đang "sống bừng" hay sống ngầm trong các đô thị lớn ở Việt Nam. Hiểu được các hình thức và tầm quan trọng, biết được căn nguyên, nắm rõ các yếu tố cấu thành của các bạo lực,... để có thể tìm giải pháp quản lý, phòng ngừa hay giáo dục.

Nguyễn Huỳnh Mai - Liège, Bỉ

Muốn giải quyết một vấn đề gì mang tính chất xã hội cũng cần cậy nhờ đến chuyên ngành khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này – đó là xã hội học. Giới thiệu trường phái xã hội học Chicago trong lĩnh vực nghiên cứu này đối với Việt Nam là một việc làm đúng lúc vì quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và tình hình tội phạm cũng trong chiều hướng tăng lên.

Muốn giải quyét từ gốc vấn đề tội phạm cần hiểu rõ căn nguyên bằng những công trình nghiên cứu về xã hội học, có thể vận dụng phương pháp luận của trường phái Chicago hầu như đã trở thành kinh điển trong lĩnh vực khoa học này. Và biết đâu ở Việt Nam rồi sẽ xuất hiện những trường phái mới về nghiên cứu xã hội học như tác giả bài viết đặt kỳ vọng. 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: