Xây dựng bãi đỗ xe ngầm công cộng khu vực trung tâm thành phố Hà Nội

Thứ sáu, 18 Tháng 5 2012 00:03 Ashui.com
In

Trung tâm là nơi có sức hút mãnh liệt và bền bỉ không những đối với người dân thành phố mà cả các du khách trong và ngoài nước. Đây là nơi tập trung đông người với nhiều hoạt động như tham quan, du lịch, mua bán, giao tiếp, vui chơi giải trí. Thông thường, khu trung tâm các thành phố đã trải qua một thời gian dài phát triển, các công trình xây dựng mang nặng các giá trị văn hóa-lịch sử không thể dễ dàng phá bỏ, quĩ đất hạn hẹp không có điều kiện mở rộng, mạng lưới đường chật hẹp không thuận tiện cho giao thông cơ giới nên việc mở rộng và cải tạo hệ thống giao thông là hết sức khó khăn. Hệ thống giao thông không thuận lợi ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng khai thác và vận hành khu vực trung tâm, giảm khả năng tiếp cận của người dân với các công trình trong khu vực này.  Vì vậy, xây dựng bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm là bài toán khó đối với nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hà Nội ngày nay cũng đang phải đối mặt với thách thức này.

Khu vực 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là nơi tập trung dân cư  đông đúc nhất của Thủ đô, đây cũng là nơi bố trí nhiều nhất các công trình đầu não về hành chính, chính trị, trung tâm thương mại dịch vụ, văn hóa giáo dục, các di tích lịch sử của thành phố cũng như của cả nước.

Hà Nội ngày nay có đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng thủ đô với một không gian đô thị hiện đại bên cạnh trung tâm đô thị lịch sử, cổ kính. Với việc mở rộng đất đai cho thủ đô và tăng cường xây dựng các khu đô thị mới ở ven đô cùng chính sách giãn dân khu phố cổ đã thu hút được phần nào dân cư  ra khỏi khu vực trung tâm đông đúc, giảm áp lực về giao thông và hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực này. Tuy nhiên với sức hấp dẫn của hạt nhân thành phố ngàn năm tuổi, hàng ngày có hàng vạn lượt du khách qua lại nơi đây cộng với những hoạt động sinh hoạt tấp nập của cư dân khu vực gây nên những ách tắc trong giao thông, nhất là khi hệ thống bãi đỗ xe không thuận tiện.

Sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội đã dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất dành cho bãi đỗ xe, đặc biệt là tại khu vực tập trung các hoạt động của dân cư như 4 quận trung tâm nói trên.

Khai thác không gian ngầm để xây dựng bãi đỗ xe là xu hướng tất yếu của trung tâm thành phố- nơi quỹ đất hạn hẹp trong khi nhu cầu bãi đỗ xe lại rất cao. Tuy nhiên bãi đỗ xe ngầm cho đến nay rất khó triển khai vì có hai hạn chế, thứ nhất là chi phí lớn, thứ hai là kỹ thuật xây dựng phức tạp.

Lịch sử xây dựng công trình ngầm cho thấy bãi đỗ xe ngầm công cộng đầu tiên được xây dựng vào năm 1941 tại thành phố San Francisco Hoa Kỳ (Petrasovics,1992). Sau đó hàng loạt các baĩ đỗ xe ngầm công cộng khác được xây ở các nước  như Pháp, Bỉ, Thuỵ Điển, Áo để đáp ứng sự bùng nổ xe ôtô cá nhân trong các thành phố lớn châu Âu và Mỹ. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, tại  thủ đô Paris, bãi đỗ xe ngầm công cộng được xây dựng với quy mô lớn dưới các không gian trống như vườn hoa, quảng trường, đường phố lớn,...  có sức chứa từ 1000 thậm chí đến 2000 xe.

Trải qua thời gian dài phát triển, bãi đỗ xe ngầm công cộng ở các nước trên thế giới đã ngày càng hoàn thiện và hình thành nhiều loại hình phong phú khác nhau. Tuỳ theo vị trí, điều kiện địa hình, điều kiện kinh tế và số lượng xe mà các thành phố lựa chọn bãi đỗ xe ngầm công cộng theo các quy mô khác nhau, kỹ thuật xây dựng khác nhau và công nghệ sử dụng khác nhau.

Có thể thấy bãi đỗ xe ngầm công cộng được chia thành mấy loại như sau:

Phân loại theo vị trí:

- Bãi đỗ xe ngầm tại đầu mối giao thông
- Bãi đỗ xe ngầm tại trung tâm công cộng 
- Bãi đỗ xe ngầm tại các khu ở
- Bãi đỗ xe ngầm tại khu công nghiệp
- Bãi đỗ xe ngầm tại khu vui chơi giải trí
- Bãi đỗ xe ngầm tại các khu phố cổ

Phân loại theo cấp quản lý:

- Bãi đỗ xe ngầm cấp đô thị
- Bãi đỗ xe ngầm cấp khu đô thị (hoặc cấp quận)
- Bãi đỗ xe ngầm khu ở (hoặc cấp phường) 

Phân loại theo quy mô:

- Loại cực lớn: số lượng chỗ đỗ hơn 500 xe
- Loại lớn: số lượng chỗ đỗ 300 đến 500 xe
- Loại trung bình: số lượng chỗ đỗ 50 đến dưới 300 xe
- Loại nhỏ: số lượng chỗ đỗ nhỏ hơn 50 xe

Phân loại theo công nghệ sử dụng:

- Sàn đỗ xe truyền thống: thềm dốc
- Sàn đỗ xe cơ giới hoá (tự động hoá)

Bãi đỗ xe ngầm kiểu thềm dốc có đặc điểm là đơn giản và tiết kiệm nên được áp dụng khá rộng rãi. Những bãi đỗ xe kiểu này có tầng cao tối đa là 5 tầng và sức chứa tối đa khoảng 500 xe. Sàn bãi đỗ xe có  loại thềm dốc song song, thềm dốc ngược nhau, sàn dốc xen kẽ, thềm dốc kiểu vòng xoáy.

Bãi đỗ xe ngầm sử dụng công nghệ tự động hoá dùng thang máy nâng và hạ ôtô theo phương thẳng đứng. Áp dụng công nghệ này cho phép xây nhiều tầng, tiết kiệm diện tích và tăng sức chứa của bãi đỗ xe. Tuy nhiên bãi đỗ xe ngầm kiểu này khá phức tạp và đắt tiền nên không thông dụng ở các nước đang phát triển.

Để vận hành bãi đỗ xe ngầm, ngoài khu vực đỗ xe còn có các bộ phận chức năng cơ bản khác như sau:

- Khu quản lý điều hành 
- Khu kỹ thuật
- Khu bảo dưỡng
- Khu dịch vụ công cộng 

Khi nghiên cứu quy hoạch bãi đỗ xe ngầm công cộng trong đô thị có một số vấn đề quan trọng cần lưu ý: lựa chọn vị trí, lựa chọn công nghệ, tính toán quy mô, lựa chọn các loại hình kỹ thuật phụ trợ… 

Vị trí:

- Bãi đỗ xe ngầm công cộng phải có vị trí phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch mạng lưới giao thông và quy hoạch hệ thống dịch vụ công cộng đô thị đã được phê duyệt.
- Bãi đỗ xe ngầm công cộng cần bố trí tại những khu vực có mật độ giao thông đường bộ cao, có nhu cầu đỗ lớn.
- Bãi đỗ xe ngầm công cộng được phép bố trí tại nơi không có công trình xây dựng như: đường phố, quảng trường, vườn hoa, công viên. Không được phép bố trí gần trường học, nhà trẻ, bệnh viện, nhà nghỉ,  hay tại những vùng bảo vệ của sông và hồ chứa nước.
- Bãi đỗ xe ngầm phải có khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng. 

Tính toán quy mô:

- Bãi đỗ xe ngầm phải được tính toán sao cho sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đô thị, phù hợp với đối tượng tham gia giao thông.
- Kích thước bãi đỗ xe được thiết kế tuỳ thuộc loại xe lưu giữ, phương thức vận hành khai thác, giải pháp quy hoạch. Chiều cao thông thuỷ của khu vực lưu thông và đỗ xe phải cao hơn độ cao xe ít nhất 0,2m và không thấp hơn 2m. 

Lựa chọn công nghệ:

- Công nghệ vận hành bãi đỗ xe được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, kỹ thuật. Ưu tiên công nghệ tiên tiến.

Các loại hình kỹ thuật phụ trợ:

- Trong bãi đỗ xe ngầm, các cơ sở dịch vụ như kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, rửa xe và các phòng kỹ thuật như trạm bơm, trạm cứu hoả, cấp nước, biến thế nên đặt tầng trên cùng.
- Trong bãi đỗ xe ngầm không được làm các tường ngăn chia ô giữ xe.
0 Bãi đỗ xe ngầm trên 2 tầng, cửa ra từ các tầng ngầm vào cầu thang và thang máy cần phải có cửa đệm áp lực.
- Các khu vực kỹ thuật phụ trợ như trạm bơm tự động phun nước chống cháy, hút nước ngầm và nước rò rỉ, phòng cấp điện, thông gió, sưởi phải cách ly với khu vực giữ xe bằng tường chống cháy. 

Ngày 15/2/2012, khi UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố trung tâm, người dân Thủ đô càng khó khăn để tiếp cận các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, cửa hàng cửa hiệu… Việc xây dựng các bãi đỗ xe công cộng ngầm vì thế sẽ càng trở nên cấp thiết trong thời gian tới. Theo các nghiên cứu về địa chất công trình, khu vực trung tâm thành phố nằm trong khu vực rất thuận lợi để xây dựng các công trình ngầm do ở đây có dạng nền đồng nhất, nước ngầm không có, công trình có thể phân bố bất cứ độ sâu nào trong khoảng từ 20-30m. Các phương pháp thi công cũng dễ dàng, có thể áp dụng đào hở hoặc đào ngầm. (Đoàn Thế Tường)

Đã có một số dự án đề xuất bãi đỗ xe ngầm ở dưới vườn hoa như ở vườn hoa Vạn Xuân, Công viên Thống Nhất, dưới tuyến phố Hàng Khoai-Chợ Đồng Xuân…tuy nhiên các dự án này vẫn chưa được thực hiện. Thành phố đã triển khai đề tài nghiên cứu về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hệ thống công trình ngầm hiện trạng. Công việc này hiện nay gặp nhiều khó khăn do thiếu các văn bản pháp quy của Chính phủ và thành phố về công trình ngầm đô thị. (Lâm Quang Cường-2006).

Bãi đỗ xe ngầm công cộng thuộc loại công trình phục vụ thiết yếu cần triển khai trong thành phố. Trong đô thị, bãi đỗ xe ngầm không tồn tại đơn lẻ mà nó phải gắn với hệ thống các công trình ngầm khác như công trình kỹ thuật, công trình giao thông, công trình thương mại dịch vụ ngầm…cũng như các công trình trên mặt đất. Vì vậy, khi xây dựng một bãi đỗ xe ngầm công cộng phải có những nghiên cứu tổng thể, tính đến vị trí và mối liên kết của bãi đỗ xe này với toàn bộ hệ thống các công trình ngầm khác trong đô thị, tránh tình trạng  xây dựng tùy tiện để phục vụ yêu cầu gấp rút trước mắt dễ dẫn đến chắp vá, không đồng bộ, gây khó khăn cho các giai đoạn phát triển sau này của thành phố.

Thành phố Hà Nội cần phải nhanh chóng hoàn thiện phương án quy hoạch không gian ngầm theo các giai đoạn làm cơ sở để quản lý và khai thác các lớp không gian ngầm khác nhau, có tính đến quỹ đất dự trữ dành cho phát triển không gian ngầm. Để làm được công việc này, trước mắt thành phố Hà Nội phải lập được bản đồ đánh giá hiện trạng các công trình công ngầm của thành phố, bao gồm cả các công trình dân sự và quân sự. Hiện nay hồ sơ công trình ngầm của Hà Nội không đầy đủ. Phần lớn các công trình ngầm chỉ có tên trên bảng thống kê mà không có bản vẽ, không xác định được mặt phẳng và độ sâu, hoặc có bản đồ nhưng với độ chính xác thấp. Hồ sơ các công trình lại được quản lý phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc Bộ, ngành khác nhau, nên khi có nhu cầu nghiên cứu  rất khó thu thập. Hệ thống mốc khống chế mặt phẳng và độ cao bị mất mát nhiều. Thực tế này vừa gây khó khăn cho việc quản lý, bảo dưỡng, cải tạo các công trình đã có và xây dựng các công trình mới, mà còn hạn chế cho công tác quy hoạch, quản lý đô thị nói chung.

Hà Nội cần có bản đồ thể hiện đầy đủ các loại công trình ngầm với độ chính xác quy định, trong một hệ tọa độ và cao độ thống nhất của toàn thành phố. Có ghi chép kết quả khảo sát, đo vẽ, mô tả được vị trí, quy mô, kích thước, tính chất chức năng, tình trạng tồn tại của mỗi công trình. Trên cơ sở đó kết hợp với các định hướng của quy hoạch chung thành phố Hà Nội đã được phê duyệt, kế hoạch triển khai về giao thông ngầm và nổi của Bộ Giao thông vận tải, các kế hoạch của các Bộ ngành liên quan khác đề xuất phương án quy hoạch không gian ngầm cho toàn thành phố. 

Nghiên cứu quy hoạch một cách có hệ thống và khoa học không gian ngầm là tránh những lãng phí đáng tiếc “quỹ đất ngầm” đầy tiềm năng nhưng cũng có giới hạn cho việc phát triển thành phố theo chiều sâu./.

TS.KTS. Lương Tú Quyên - Khoa Quy hoạch đô thị-nông thôn, Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. Đề tài NCKH cấp thành phố: Nghiên cứu thiết kế hệ thống bãi đỗ xe ngầm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mã số 01C- 04/06-2008-2
2. Lâm Quang Cường: Khai thác và quản lý phát triển không gian ngầm thành phố Hà Nội. Tham luận hội thảo khoa học: Khai thác những lợi thế về điều kiện tài nguyên, kinh tế- xã hội trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững vùng thủ đô Hà Nội. Hà Nội tháng 10/ 2006.
3. F. Klepsatel, L. Marick, M. Frankovsky: Metske podzemni stavby. JAGA Bratislava 2005.
4. Đoàn Thế Tường: Các dạng nền tại đô thị Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và đánh giá chúng phục vụ xây dựng công trình ngầm. APAVE. Bài viết chuyên gia- Công trình ngầm. 2008.
5. Các vấn đề kỹ thuật xây dựng công trình ngầm đô thị. Báo cáo tổng kết đề tài độc lập cấp nhà nước. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng. Hà Nội, 2000. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đoàn Thế Tường.
6. Làm chủ công nghệ thi công xây dựng công trình ngầm trong nền đất yếu các đô thị Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng. Hà Nội, 2004. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đoàn Thế Tường.

(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 10)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: